DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN PHIÊN HỌP TOÀN THỂ CỦA BỘ GIÁO SĨ
Hội trường Clementine
Thứ Năm, ngày mồng 06 tháng 06 năm 2024
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tôi hân hoan chào đón anh chị em với tình cảm trìu mến, và trước hết tôi xin cảm ơn tất cả các thành viên của Bộ Giáo Sĩ: anh chị em quy tụ tại Rôma từ khắp nơi trên thế giới để cùng với các cố vấn của Bộ góp phần quan trọng của mình cho việc suy tư về thừa tác vụ chức thánh. Cảm ơn sự hiện diện của anh chị em. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Tổng trưởng, quý bề trên và quý quan chức của Bộ, trên hết vì công việc trong thầm lặng và thận trọng anh chị em thực hiện hàng ngày để phục vụ các thừa tác viên chức thánh và các chủng viện.
Nhân dịp này, trước hết tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn, tình cảm và sự gần gũi của tôi với các linh mục và phó tế trên toàn thế giới. Tôi đã nhiều lần cảnh báo về những nguy cơ của giáo sĩ trị và tinh thần thế tục, nhưng tôi biết rõ rằng đại đa số các linh mục làm việc với lòng quảng đại và tinh thần đức tin vì thiện ích của Dân thánh Chúa, gánh vác nhiều khó khăn gian khổ và đối diện với những thách đố mục vụ và tâm linh đôi khi không hề dễ dàng.
Phiên họp toàn thể của anh chị em đặc biệt tập trung vào ba lĩnh vực: thường huấn cho các linh mục, cổ võ ơn gọi, và chức phó tế vĩnh viễn. Tôi muốn tập trung ngắn gọn vào từng chủ đề này.
Thường huấn cho các linh mục. Đây là một chủ đề được đề cập đến rất nhiều, nhất là trong những năm gần đây, và đã được nhắc lại trong Ratio fundamentalis năm 2016. Linh mục cũng là môn đệ đi theo Chúa và do đó, việc đào tạo linh mục phải là một hành trình liên tục; điều này càng đúng hơn nếu xét rằng hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi những thay đổi nhanh chóng, trong đó luôn xuất hiện những vấn đề mới và những thách đố phức tạp cần giải quyết. Do đó, chúng ta không thể tự lừa dối mình rằng việc đào tạo trong chủng viện qua việc đặt nền móng vững chắc một lần và mãi mãi là đủ; trái lại, chúng ta phải củng cố, tăng cường và phát triển những gì chúng ta có trong chủng viện, theo một tiến trình có thể giúp chúng ta trưởng thành về chiều kích nhân bản, phát triển về mặt tâm linh, tìm ra những ngôn ngữ thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng, khám phá những gì chúng ta cần để giải quyết thỏa đáng những vấn đề mới của thời đại chúng ta.
Ở đây, tôi muốn nhắc lại rằng Kinh Thánh đã nói: “Người này ngã đã có người kia nâng dậy. Nhưng khi chỉ có một mình mà bị ngã thì thật là khốn, vì chẳng có ai nâng dậy cả!” (Gv 4,10). Điều này quan trọng biết bao đối với vị linh mục: cuộc hành trình không thể được thực hiện một mình! Tuy nhiên, thật không may, nhiều linh mục quá cô đơn, không có ân sủng đồng hành, không có cảm thức thuộc về, vốn giống như một chiếc phao cứu sinh trên biển cả thường xuyên giông bão của đời sống cá nhân và mục vụ. Việc dệt nên một mạng lưới các mối tương quan huynh đệ bền chặt là một nhiệm vụ ưu tiên trong tiến trình đào tạo liên tục: giám mục, các linh mục với nhau, các cộng đoàn trong mối tương quan với các mục tử, các nam nữ tu sĩ, các hiệp hội, và các phong trào: điều thiết yếu là các linh mục cảm thấy “như ở nhà” trong đại gia đình giáo hội này. Với tư cách là một Bộ, anh chị em đã bắt đầu dệt nên một mạng lưới toàn cầu: Tôi mời gọi anh chị em hãy làm mọi việc để đảm bảo rằng mạng lưới này tiếp tục và sinh hoa kết trái trên toàn thế giới. Hãy làm việc một cách sáng tạo để mạng lưới này được củng cố và hỗ trợ các linh mục. Anh chị em có một vai trò quan trọng trong việc này!
Cổ võ ơn gọi. Một trong những thách đố lớn đối với Dân Chúa là thực tế rằng, ngày càng nhiều nơi trên thế giới, ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến đang giảm sút mạnh, và tại một số quốc gia, ơn gọi gần như đang chết dần. Nhưng ơn gọi hôn nhân, với cảm thức dấn thân và sứ vụ đòi hỏi, cũng đang gặp khủng hoảng. Vì lý do này, trong Sứ điệp mới đây nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi, tôi muốn mở rộng tầm nhìn đến toàn bộ các ơn gọi Kitô hữu, và tôi đặc biệt đề cập đến ơn gọi nền tảng đó là làm môn đệ, như là hệ quả của Phép Rửa. Chúng ta không thể cam chịu trước thực tế là đối với nhiều người trẻ, giả thuyết về việc hiến dâng cuộc đời một cách triệt để đã biến mất khỏi tầm nhận thức. Thay vào đó, chúng ta phải cùng nhau suy tư và chú ý đến các dấu chỉ của Thánh Thần, và anh chị em cũng có thể thực hiện nhiệm vụ này nhờ Hiệp hội Giáo hoàng về Ơn gọi Linh mục. Tôi mời gọi anh chị em hãy khơi dậy thực tế này, theo cách phù hợp với thời đại chúng ta, có lẽ bằng việc kết nối với các Giáo hội địa phương và xác định những thực hành tốt để lưu hành. Đây thực sự là một nhiệm vụ quan trọng!
Cuối cùng là chức phó tế vĩnh viễn. Điều này đã được Công đồng Vatican II giới thiệu lại và trong nhiều thập niên vừa qua, chức phó tế vĩnh viễn đã được đón nhận rất đa dạng. Tuy nhiên, ngay cả ngày nay, người ta vẫn thường đặt câu hỏi về căn tính cụ thể của chức phó tế vĩnh viễn. Như anh chị em đã biết, Báo cáo tổng hợp của Khoá họp đầu tiên của Thượng hội đồng Giám mục thường lệ vào tháng 10 năm ngoái đã khuyến nghị “tiến hành đánh giá việc thực hiện thừa tác vụ phó tế sau Công đồng Vatican II” (Báo cáo tổng hợp 11. g) , và cũng mời gọi một sự tập trung quyết liệt hơn, trong số những nhiệm vụ khác nhau của các phó tế, vào việc phục vụ bác ái và phục vụ người nghèo (4 p và 11 a). Việc đồng hành với những suy tư và phát triển này là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với Bộ của anh chị em. Tôi khuyến khích anh chị em nỗ lực vì mục tiêu này và triển khai tất cả các lực lượng cần thiết.
Anh chị em thân mến, một lần nữa tôi xin cảm ơn anh chị em. Hãy luôn nỗ lực để dân Chúa có được những vị mục tử theo Thánh tâm Đức Kitô và lớn lên trong niềm vui làm môn đệ. Xin Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ và mẫu mực của mọi ơn gọi, đồng hành cùng anh chị em. Tôi cũng đồng hành với anh chị em bằng lời cầu nguyện. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (06. 06. 2024)
Nguồn:hdgmvietnam.com
Có thể bạn quan tâm
Đức Thánh Cha Mở Cửa Thánh Tại Nhà Tù Rebibbia: Hãy Nắm Lấy..
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12
Cửa Thánh: Nguồn Gốc, Lịch Sử, Ý Nghĩa Và Việc Mở Cửa Thánh
Th12
Trực Tiếp Sứ Điệp Giáng Sinh Năm 2024 Và Phép Lành Toàn Xá..
Th12
Đức Thánh Cha Chủ Sự Nghi Thức Mở Cửa Thánh Đền Thờ Thánh..
Th12
Ngày 26-12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Th12
Đức cha Louis chủ sự đại lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Chính..
Th12
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12