Suy Niệm Lời Chúa – Chúa nhật I MV B: Mùa Vọng, Đánh Thức Cơn Khát Thiên Chúa

2422 lượt xem

CHÚA NHẬT I MV B
(Is 63,16-17.19; 64,2b-7; Tv 79;  Mc 13,33-37)

Mùa Vọng, Đánh Thức Cơn Khát Thiên Chúa

Kính thưa cộng đoàn,

Hôm nay cùng với Mẹ Giáo hội, chúng ta bước vào Mùa vọng, Mùa của những lời loan báo: loan báo việc Chúa sinh ra, loan báo thời gian cứu độ, loan báo ngày trở lại của Chúa Giêsu. Vì thế, các bài đọc của Mùa vọng trong xoay quanh các chủ đề loan báo, mời gọi tỉnh thức, canh tân trong hy vọng. Chúa nhật khởi đầu Mùa Vọng này, sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta đánh thức lòng khao khát Chúa đến và khởi dậy tâm thái móng ngóng ấy bằng việc canh thức và cầu nguyện. Xin gợi lên ba điểm để cùng suy niệm:

1. Mùa vọng, mùa thanh tẩy tâm can

Trong mùa vọng này, chúng ta sẽ nghe nhiều trích đoạn trong sách Isaia, đó là những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế mà đỉnh cao là Chúa nhật IV, loan báo Đấng là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta – sẽ được hạ sinh bởi một Nữ trinh.

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, tác giả Isaia đệ tam suy niệm về lịch sử của Israel. Đó là việc “hồi tưởng lại những ngày xưa tháng cũ” với những ân huệ, những kỳ công mà Thiên Chúa đã thi thố (63,7-14) rằng họ chính là công trình tay Chúa tạo tác: “Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con. Chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài. Chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (Is 64,7). Khi đọc lại lịch sử như thế, họ tin nhận Thiên Chúa – Tạo Hóa – Cha của họ, đồng thời ý thức thân phận tội lỗi của mình (x. Is 64,4-6) và xưng thú: “Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, vì tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió cuốn chúng con đi” (c.5). Ý thức sự khốn cùng họ kêu lên cùng Thiên Chúa là Cha của mình như Giêrêmia diễn tả: “Chúng con nhận rằng mình gian ác, và cha ông sai lỗi đã nhiều. Quả chúng con đều đặc tội với Chúa” (Gr 14,20) và xin ơn thanh tẩy: “Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, Đấng cứu chuộc chúng con” (Is 63,16), “xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ” (Tv 79,4). Việc thú nhận sự khốn cùng – tội lỗi như thế, dân Thiên Chúa cũng khơi dậy cơn khát siêu việt nơi chính lòng họ.

2. Mùa vọng, mùa đánh thức cơn khát Thiên Chúa

Một khi nhìn nhận sự khốn cùng của thân phận người trong cuộc lữ hành với nhiều bể dâu – bội tín- thất trung, dân Chúa hôm xưa và chúng ta now and here – đây và lúc này cũng được mời gọi đánh thức cơn khát siêu việt. Đó là việc tuyên nhận Thiên Chúa sáng tạo – cứu độ, là niềm khát khao cái nhìn yêu thương từ trời cao, mong mỏi sự viếng thăm của Đấng “thành tín và yêu thương, chậm bất bình và giàu ân nghĩa”. Rằng: “Lạy Chúa tể càn khôn, xin trở lại, từ cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm non vườn nho cũ” (Tv 79,15).

Kính thưa cộng đoàn, trong một thế giới mà tình trạng tục hóa lan tràn, Giáng sinh tại nhiều nơi chỉ là sự kiện lễ hội văn hóa, và cảm thức siêu việt, thánh thiêng, niềm khao khát Thiên Chúa nhường chỗ cho niềm vui thế sự, thì việc chúng ta, những kitô hữu, người sống đời thánh hiến sống chứng tá niềm “hy vọng hồng phúc”, đánh thức cảm thức siêu việt nơi nhân tâm hôm nay là một lời mời gọi cấp thiết. Bởi vậy, lữ hành trong Mùa vọng của thời gian và Mùa vọng của cuộc đời, chúng ta trở nên lời chứng hùng hồn, có sức thuyết phục cho một thế giới đang say nồng nơi bến trọ mà quên ngày về, “để luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai, nói như Thánh Phêrô, chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta” (1Pr 3,15), để biết cảm thương cho thế giới như thanh thi Kinh chiều Mùa vọng diễn tả:

Xót thương cảnh thế gian này,

Trong tay thần chết tháng ngày héo hon,

Thế nhân suy nhược hao mòn,

Chúa tìm linh dược, ngàn muôn nhiệm mầu”.

Mùa Vọng là mùa đánh thức cơn khát Thiên Chúa cũng chính là mùa hân hoan bởi niềm hy vọng, mong đợi Chúa “nghiêng trời ngự xuống” để thi thố tình thương đối với dân Người.

3. Mùa vọng, ngóng mong trong sự thức tỉnh

Tin mừng Chúa nhật I Mùa vọng hôm nay diễn tả niềm mong đợi ngày Chúa Kitô trở lại với lời nhắn nhủ: “Hãy tỉnh thức”. Trong trích đoạn Tin mừng Mc 13,33-37, chúng ta tìm thấy 5 lần tác giả nhắc tới việc “phải canh thức” (cc. 33.34.35.36.37) để nói lên tư thế của người đón đợi gia chủ. Thức tỉnh là tâm thái người lính canh mong đợi chân trời hừng đông. Thức tỉnh là việc luôn sống dưới cái nhìn của ông chủ, của Thiên Chúa, là luôn thành tín và khôn ngoan.

Trong diễn từ cánh chung, Luca mời gọi thức tỉnh với việc “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (Lc 21,28). Đứng thẳng là tâm thái của những kẻ “tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo tội lỗi, lòng dạ thẳng ngay, miệng lưỡi không gian dối” (Tv 14); Ngẩng đầu lên là tâm thái hướng thượng với những giá trị cao cả, hiên ngang, dũng cảm vượt thẳng mọi đam mê, sức lôi cuốn của sự đời, không để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34) và chỉ “tìm kiếm những sự trên trời”.

Thức tỉnh đối với Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai là việc sống tương quan thân tình với Chúa Giêsu Kitô. Đó là ân huệ lớn lao bảo đảm cho chúng ta tình trạng luôn thức tỉnh để đón đợi Chúa. Ngài viết: “trong Đức Kitô anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người” (1Cr 1,5), và Ngài xác tín rằng ân huệ của Chúa Kitô dư tràn cho những ai biết thức tỉnh, nghĩa là sống trong sự hiệp thông – tương quan cá vị với Người, và chính Người sẽ bảo đảm cho họ đứng vững trong ngày của Người  (x. 1Cr 1,6-8).

“Mùa mãi trong ta mùa vọng ngóng
Mỗi nhịp đời một nhịp đợi. Khôn ngơi…
Mong Người đến giữa cuộc trần cháy bỏng
Thánh hóa ta bằng dịu ngọt sương trời”

(Lm. Cao Gia An.S.J)

Lạy Chúa,

Xin thanh tẩy con khỏi những bợn nhơ của thất trung, bội tín, thiếu yêu thương;

Xin thức tỉnh tim con, để con không mê đắm trước những giai điệu êm đềm, mê hoặc của thế sự;

Xin đốt lên trong lòng con cơn khát tình trời, tình người, để chỉ còn ái mộ những sự chốn trời cao;

Xin cho lòng con trở nên máng cỏ để Chúa nương mình giữa đêm đen khi người đời quay lưng từ khước;

Xin cho con trở nên hơi âm tỏa lan cho những phận nghèo giữa giá rét của nhân thế lãnh cảm.

Xin cho con trở nên anh sao dõi lối những bước chân mỏi gối tìm về Ánh Hừng Đông

Xin mở rộng lòng con, nâng bước con để đăng trình tìm về chiêm ngưỡng Chúa trong hang đá máng cỏ – lòng con.Amen!

Lm. Hoa Thập Tự
Nguồn: dcvphanxicoxavie.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận