Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp kỷ niệm 10 năm ban hành Tông huấn Evangelii Gaudium

1064 lượt xem

Hôm 24.11, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện tổ chức Hội nghị chuyên đề nhân kỷ niệm 10 năm Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium) của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vào dịp này, Đức Thánh Cha đã gửi tới các tham dự viên Hội nghị một sứ điệp. Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN DỊP KỶ NIỆM 10 NĂM
BAN HÀNH TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM

Anh chị em thân mến,

Tôi xin cảm ơn Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã tổ chức hội nghị chuyên đề này để suy tư về Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium – EGnhân kỷ niệm 10 ban hành Tông huấn.

Trong dịp đó, tôi đã ngỏ lời với các Kitô hữu để mời gọi họ bước vào một giai đoạn mới trong việc loan báo Tin Mừng. Tôi đề nghị tái khám phá niềm vui truyền giáo của các Kitô hữu tiên khởi, là những người tràn trề niềm vui, can đảm không mệt mỏi và nhiệt tình trong việc rao giảng Tin Mừng [EG, 263], ngay cả trong những hoàn cảnh không thuận lợi cho sứ điệp Tin Mừng, cho cuộc đấu tranh vì công lý, hoặc việc bảo vệ phẩm giá con người [EG, 263]. Họ bị phỉ báng, bách hại, tra tấn, giết hại… tuy nhiên, thay vì khép mình lại, họ lại là mô hình của một Giáo hội “đi ra”, mạnh dạn có sáng kiến, đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã, đứng ở các ngả đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề [EG, 24].

Ngay cả thời đại chúng ta cũng có những khó khăn, ít rõ ràng hơn nhưng có lẽ ngấm ngầm hơn. Vì không lộ rõ nên chúng hoạt động giống như thuốc gây mê hoặc giống như khí carbon monoxide từ những chiếc bếp lò cũ giết người một cách âm thầm. Mỗi thời kỳ lịch sử đều ghi dấu những yếu đuối của con người, tính tham lam, tự mãn và ích kỷ, chưa nói gì đến những dục vọng luôn rình rập chúng ta. Những chuyện này luôn luôn hiện hữu dưới hình thức này hay hình thức khác [EG,263].

Việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay tiếp tục đòi hỏi chúng ta một sự phản kháng mang tính ngôn sứ và kháng văn hoá chống lại chủ nghĩa hưởng thụ ích kỷ của ngoại giáo [EG, 193], giống như sự phản kháng của các Giáo phụ, sự phản kháng trước một hệ thống giết chết, loại trừ, và hủy hoại nhân phẩm; sự phản kháng trước một não trạng cô lập, xa lánh, khép kín đời sống nội tâm vào lợi ích riêng của mình, khiến chúng ta xa cách người lân cận, xa cách Thiên Chúa.

Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, tôi muốn cho thấy rõ rằng, được mời gọi để có những tâm tình giống như Chúa Giêsu Kitô, sứ mạng loan báo Tin Mừng và đời sống Kitô hữu của chúng ta không thể bỏ mặc người nghèo. Toàn thể lịch sử cứu độ được đánh dấu bởi sự hiện diện của người nghèo [EG, 197]. Tất cả mọi thứ. Từ thân mẫu của Chúa Giêsu, Đức Mẹ đồng trinh, một thiếu nữ nghèo ở vùng ngoại ô của một đế quốc vĩ đại. Chính Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên nghèo khó, Đấng sinh ra trong chuồng gia súc giữa bầy súc vật và nông dân, Đấng lớn lên giữa những người công nhân và tự tay kiếm sống, Đấng vây quanh mình với vô số những người bị tước đoạt, và đồng hoá mình với họ, đặt họ vào trung tâm trái tim của mình, Đấng là người đầu tiên loan báo Tin Mừng cho họ, hứa ban Nước Trời cho họ và sai tất cả chúng ta, những môn đệ thừa sai, đến để nuôi sống họ, phân phát của cải cho họ một cách công bằng, bảo vệ chính nghĩa của họ đến độ chỉ rõ cho chúng ta thấy rằng lòng thương xót đối với họ là chìa khoá để vào nước trời (x. Mt 25, 35ff) [EG, 197].

Thông điệp này quá rõ ràng và trực tiếp, quá đơn sơ và hùng hồn, nên không một lối chú giải nào của Giáo hội có quyền tương đối hoá nó [EG, 194], vì ở đây ơn cứu độ của chúng ta đang bị đe dọa. Vì lý do này, Giáo hoàng không thể không đặt người nghèo vào trung tâm. Đó không phải là chính trị, không phải là xã hội học, không phải là ý thức hệ, nhưng là đòi hỏi thuần túy và đơn giản của Tin Mừng. Những tác động thực tế mà nguyên tắc không thể thương lượng này mang lại đối với từng bối cảnh, xã hội, con người và thể chế – trong các tổ chức và chính phủ quốc tế, trong các công đoàn và các phong trào quần chúng, trong các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, trong các chính trị gia, thẩm phán và giới truyền thông – có thể và nên khác nhau, nhưng điều không ai có thể trốn tránh hoặc miễn trừ chính là món nợ tình yêu mà mọi Kitô hữu – và tôi dám nói, mọi người – mắc nợ người nghèo.

Giáo hội có thể tìm thấy nơi người nghèo ngọn gió thổi bùng lên ngọn lửa của lòng nhiệt thành đang tàn lụi, giống như chất lỏng đặc mà các tư tế cổ xưa vào thời Nêhêmia đã nhóm lại ngọn lửa bàn thờ sau cuộc lưu đày đến nỗi “một ngọn lửa lớn bùng lên khiến mọi người sững sờ kinh ngạc” (2 Mcb 1, 22). Trong tình yêu tích cực mà chúng ta mắc nợ người nghèo, có một phương thuốc chữa trị mối nguy cơ lớn của thế giới ngày nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ,… cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ [EG, 2].

Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, với việc không đòi độc quyền trong việc giải thích thực tại xã hội, tôi lập luận rằng để giải quyết triệt để các vấn đề của người nghèo – đây là điều kiện cần thiết để giải quyết bất kỳ vấn đề nào khác bởi vì sự bất bình đẳng là căn nguyên của các tệ nạn xã hội –  thì chúng ta cần một sự thay đổi sâu sắc về não trạng và cơ cấu. Tôi muốn đề cập ngắn gọn đến hai khía cạnh này bằng việc trích một số đoạn trong Tông huấn.

Một não trạng mới

Một não trạng biết nghĩ đến cộng đồng và vị trí ưu tiên của sự sống vượt lên trên việc chiếm hữu của cải bởi một số ít người [EG, 188].

Tình liên đới là một phản ứng tự nhiên của những người nhận ra rằng chức năng xã hội của tài sản và mục tiêu phổ quát của của cải là những thực tại đi trước quyền tư hữu. Quyền tư hữu tài sản được biện minh bởi nhu cầu bảo vệ và gia tăng chúng, để chúng có thể phục vụ công ích tốt hơn; vì lý do này, tình liên đới phải được sống như là quyết định hoàn trả cho người nghèo những gì thuộc về họ. Các xác tín và thói quen này về tình liên đới, khi được đem ra thực hành, sẽ mở đường cho những biến đổi khác về cơ cấu và làm cho chúng trở thành hiện thực. Thay đổi các cơ cấu mà không tạo ra được những niềm tin và thái độ mới thì chắc chắn chỉ làm cho các cơ cấu ấy sớm hay muộn sẽ trở thành tham nhũng, áp bức và vô bổ” [EG, 189].

Đôi khi đây là vấn đề lắng nghe tiếng kêu của cả dân tộc, những dân tộc nghèo khổ nhất trên trái đất, vì “hoà bình không chỉ được đặt nền trên sự tôn trọng các quyền của con người, mà còn được đặt nền trên sự tôn trọng các quyền của các dân tộc. Buồn thay, ngay cả các quyền của con người cũng bị lợi dụng để biện minh cho một sự bênh vực các quyền của các cá nhân hay các quyền của các dân tộc giàu có hơn. Trong khi tôn trọng chủ quyền và văn hoá của mỗi quốc gia, chúng ta không bao giờ được quên rằng hành tinh này thuộc về toàn thể nhân loại và được dành cho toàn thể nhân loại; sự kiện một số dân tộc được sinh ra tại những nơi có ít tài nguyên hơn hay ít phát triển hơn không biện minh cho sự kiện họ đang sống kém phẩm giá hơn. Cần phải nói lại rằng “những người may mắn hơn phải từ bỏ một số quyền lợi của mình để đặt của cải của mình một cách quảng đại hơn vào việc phục vụ người khác”. Để nói đúng về các quyền của mình, chúng ta cần mở rộng tầm nhìn và nghe tiếng kêu của các dân tộc và các vùng khác ngoài đất nước của chính chúng ta. Chúng ta cần lớn lên trong tình liên đới để nó “giúp mọi dân tộc trở thành những người tạo nên vận mệnh của chính mình”, vì “mọi người được kêu gọi hoàn thành bản thân mình” [EG, 190].

Cơ cấu mới của tình liên đới

Những cơ cấu mới, được thiết lập dựa trên tư duy mới này, phải loại bỏ tính tự trị tuyệt đối của các thị trường và nạn đầu cơ tài chánh cũng như bằng cách tấn công vào các nguyên nhân của cơ cấu bất bình đẳng [EG, 202].

Phẩm giá của mỗi con người và sự mưu cầu lợi ích chung là những mối quan tâm phải định hình mọi chính sách kinh tế. Tuy nhiên có khi chúng chỉ là những thêm thắt từ bên ngoài để bù đắp cho một lý thuyết chính trị thiếu tầm nhìn hay thiếu kế hoạch cho một sự phát triển toàn diện. Biết bao nhiêu từ gây khó chịu cho hệ thống này! Khó chịu khi vấn đề đạo đức được nêu lên, khi tình liên đới toàn cầu được khơi dậy, khi sự phân phối của cải được nhắc đến, khi có ám chỉ về một vị Thiên Chúa đòi hỏi sự dấn thân cho công lý. Khi khác, các vấn đề này bị khai thác bởi một hình thức tu từ làm cho chúng trở nên rẻ mạt. Thỉnh thoảng sự dửng dưng trước những vấn đề như thế làm cho cuộc đời chúng ta trở nên trống rỗng và các lời nói của chúng ta mất hết ý nghĩa. Kinh doanh là một ơn gọi, một ơn gọi cao quí, miễn là những người tham gia kinh doanh thấy mình được thách thức bởi một ý nghĩa lớn hơn trong cuộc sống; nó sẽ giúp họ thực sự phục vụ công ích bằng cách cố gắng làm gia tăng của cải cho thế giới này và làm cho mọi người có thể có nhiều của cải hơn” [EG, 203].

Chúng ta không còn có thể tin vào những lực lượng giấu mặt và bàn tay vô hình của thị trường. Gia tăng sự công bằng đòi hỏi một cái gì lớn hơn là tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn nhìn nhận sự tăng trưởng này: nó đòi hỏi những quyết định, chương trình, cơ chế vận hành và các qui trình được thiết kế chuyên biệt để có một sự phân phối thu nhập tốt hơn, tạo ra các nguồn lực về việc làm và một sự thăng tiến toàn diện người nghèo, một sự thăng tiến vượt lên trên não trạng thuần tuý an sinh. Tôi hoàn toàn không chủ trương một thứ chủ nghĩa dân tuý vô trách nhiệm, nhưng nền kinh tế không còn có thể cậy dựa vào những liều thuốc mà thực ra là những bài thuốc độc mới, như tìm cách tăng lợi nhuận bằng việc giảm lực lượng lao động khiến thành phần những người bị loại trừ tăng lên” [EG, 204].

Nếu chúng ta không đạt được sự thay đổi về não trạng và cơ cấu này, chúng ta sẽ phải chứng kiến các cuộc khủng hoảng về khí hậu, sức khỏe, và di cư ngày càng sâu sắc, đặc biệt là bạo lực và chiến tranh gây nguy hiểm cho toàn thể gia đình nhân loại, người nghèo và người không nghèo, người được hội nhập và người bị loại trừ, bởi vì “tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền và tất cả chúng ta đều được mời gọi chèo thuyền cùng nhau”.

Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, tôi có ý trình bày:

“Ngày nay tại nhiều nơi chúng ta nghe thấy tiếng kêu gọi phải có an ninh hơn. Nhưng bao lâu tình trạng loại trừ và bất bình đẳng trong xã hội còn chưa được đảo ngược, thì không thể nào xoá bỏ bạo lực. Người nghèo và các dân tộc nghèo bị tố cáo sử dụng bạo lực, nhưng nếu không có các cơ hội bình đẳng thì các hình thức gây hấn và xung đột khác nhau sẽ tìm được mảnh đất mầu mỡ để phát triển và bùng nổ. Khi một xã hội—địa phương, quốc gia, hay thế giới—muốn gạt ra bên lề một thành phần của mình, thì không một chương trình hay nguồn lực chính trị nào dành cho việc thực thi pháp luật hay các hệ thống giám sát có thể bảo đảm vĩnh viễn sự an bình. Không chỉ đơn giản vì sự bất bình đẳng khơi dậy một phản ứng bạo lực từ những người bị loại trừ khỏi hệ thống, nhưng là vì hệ thống kinh tế-xã hội là bất công tận gốc. Cũng như sự tốt lành có xu hướng lan toả, việc dung túng sự ác, nghĩa là bất công, có khuynh hướng mở rộng ảnh hưởng độc hại của nó và âm thầm huỷ hoại mọi hệ thống chính trị và xã hội, bất kể hệ thống ấy có vẻ vững chắc đến đâu. Nếu mọi hành động đều có những hậu quả của chúng, thì một sự ác nằm trong các cơ cấu của một xã hội cũng có một tiềm năng phá hoại và huỷ diệt lâu dài. Nó chính là sự xấu được kết tinh trong những cơ cấu xã hội bất công, và không thể là cơ sở để hi vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta còn ở xa cái gọi là “tận cùng của lịch sử”, vì các điều kiện cho một sự phát triển bền vững và hoà bình vẫn chưa được thấy rõ và thể hiện đầy đủ” [EG, 59].

Ngày nay các cơ chế vận hành kinh tế cổ xuý việc tiêu thụ quá mức, nhưng rõ ràng chủ nghĩa tiêu thụ xả láng kết hợp với tình trạng bất bình đẳng làm cho cơ cấu xã hội bị huỷ hoại gấp hai lần. Bất bình đẳng sẽ sinh ra bạo lực sử dụng vũ khí và sẽ không bao giờ có thể giải quyết được. Nó chỉ có thể tạo ra hi vọng giả tạo cho những người kêu gọi gia tăng an ninh, mặc dù ngày nay chúng ta biết rằng các vũ khí và bạo lực không hề giúp tìm ra giải pháp, mà chỉ tạo ra những xung đột mới và nghiêm trọng hơn. Một số người bằng lòng với việc chỉ trích những người nghèo và các quốc gia nghèo vì là nguồn gốc của các rắc rối; bằng những sự khái quát hoá vô căn cứ, họ cho rằng giải pháp phải là “giáo dục” để xoa dịu những người nghèo, thuần hoá họ và làm họ trở thành vô hại. Tất cả quan điểm này càng làm cho những người bị loại trừ cảm thấy tức giận khi chứng kiến tình trạng tham nhũng tràn lan và ăn rễ sâu tại nhiều quốc gia—trong các chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức—bất kể xu hướng chính trị của các nhà lãnh đạo của họ là gì” [EG, 60].

Theo cách tương tự, các cuộc khủng hoảng về khí hậu, chăm sóc sức khỏe và di cư có cùng nguồn gốc từ sự bất bình đẳng trong nền kinh tế, vốn đang giết chết, loại bỏ và hủy hoại đất mẹ chị em, trong não trạng ích kỷ đã duy trì nó, mà tôi đã đề cập sâu hơn trong Thông điệp Laudato sí. Bất cứ ai nghĩ rằng họ có thể tự cứu mình, ở thế giới này hay ở thế giới tiếp theo, đều sai lầm.

Mười năm sau khi ban hành Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, chúng ta hãy tái khẳng định rằng chỉ khi chúng ta lắng nghe tiếng kêu thường xuyên bị bóp nghẹt của trái đất và của người nghèo, chúng ta mới có thể hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình, sống cuộc sống mà Chúa Giêsu đề ra cho chúng ta, và góp phần giải quyết những vấn đề nghiêm trọng của nhân loại.

Xin cảm ơn anh chị em một lần nữa vì Hội nghị chuyên đề này;

Xin cảm ơn về những gì anh chị em làm. Tôi chúc lành cho anh chị em và đồng hành với anh chị em trong lời cầu nguyện. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Thành Vatican, ngày 24 tháng 11 năm 2023

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (24.11.2023)

Nguồn: hdgmvietnam.com

Để lại một bình luận