Những Nấm Mồ Biết “Nói”

330 lượt xem

Dưới ánh nắng hoàng hôn nhạt nhòa quyện với màu lá vàng đặc trưng của mùa thu Boston trong chiều ngày lễ các linh hồn, tôi bước chân chậm rãi trong khuôn viên nghĩa trang gần chủng viện. Trước mắt tôi là những hàng bia mộ im lìm trải dài trong ánh nắng chiều dần buông. Nhìn những dòng tên được khắc trên những tấm bia đá lạnh lẽo trong không gian tĩnh lặng này, tôi chợt nhớ đến những giai điệu buồn man mác trong bài hát “Hồi ức” của Phan Mạnh Quỳnh: “Tôi đi qua tấm bia không in hình dung – Trước mắt những cái tên xa xôi lạ lùng.” Những giai điệu này dường như vẫn đang vang vọng đâu đây, hòa với những suy tư của tôi về cuộc sống, về cái chết và ý nghĩa của nó trong cõi nhân sinh.

Có nhiều quan điểm khác nhau về cái chết. Nhưng chắc hẳn mọi người đều có một cái nhìn chung về sự chết như một điều không thể tránh khỏi và là một quy luật tự nhiên, tất yếu của cuộc sống. Cái chết, có người đón nhận trong thanh thản, có người ra đi trong nuối tiếc. Có những cái chết được báo trước bằng chuỗi ngày đau đớn của cô đơn và bệnh tật, nhưng cũng có những cái chết đến bất ngờ như một cơn gió thoảng. Nhưng dù thế nào, nó vẫn luôn để lại một khoảng trống khó lấp đầy trong tâm hồn những người ở lại. Ai cũng biết mình sẽ chết, nhưng chúng ta thường quá bận rộn với những lo toan của cuộc sống mà quên đi rằng cái chết không phải là một điều xa vời. Nó có thể đến bất cứ lúc nào, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giàu nghèo. Khi còn sống, người ta dùng năm tháng để tính toán độ dài của một đời người. Nhưng đến khi nằm dưới nấm mồ, chuỗi ngày ấy chỉ còn vỏn vẹn trong dấu gạch ngang nằm giữa năm sinh và năm mất được khắc trên tấm bia mộ. Những con số này quá đỗi đơn giản để có thể chứa đựng một kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, ẩn dưới dấu gạch ngang ấy là cả một hành trình đời người với muôn cung bậc cảm xúc đan xen của nước mắt và nụ cười, của những ước nguyện đã hoàn thành cũng như những ước mơ và hoài bão còn dở dang.

Đời người thật quá ngắn ngủi. Nhưng phải chăng chính sự hữu hạn đó lại khiến cho mỗi khoảnh khắc mà chúng ta đang sống trở nên đáng quý hơn? Và phải chăng điều quan trọng không phải là ta sống được bao lâu, nhưng là sống như thế nào? Có người định nghĩa cuộc đời một cách thật đơn giản nhưng lại rất sâu sắc. Đó là một hành trình từ điểm B đến điểm D, với C nằm ở giữa. B – Birth – là điểm khởi đầu, khoảnh khắc ta chào đón thế giới bằng tiếng khóc đầu đời. D – Death – là điểm cuối, khi ta nhắm mắt, trở về với cát bụi. Nhưng điều làm nên ý nghĩa của cuộc hành trình này không nằm ở điểm xuất phát hay đích đến. Nó nằm ở C – Choice – là những lựa chọn ta thực hiện mỗi ngày. Chọn lựa chính là hành trang của chuyến tàu cuộc đời. Có người chọn đeo đuổi tiền bạc, giàu sang. Có người miệt mài trên con đường danh vọng, quyền lực. Nhưng cũng có những người chọn lựa sống tử tế, gieo những mầm hạt yêu thương: nở nụ cười với một người xa lạ, nói một lời cám ơn và xin lỗi chân thành,… Khi chuyến tàu cuộc đời kết thúc, tiền bạc và quyền chức đều trở nên vô nghĩa, nhưng những hạt giống yêu thương ta đã gieo, những giá trị tinh thần ta đã chia sẻ, sẽ đâm chồi, tươi nở những đóa hoa thơm ngát và bất tử giữa vườn đời. Ai cũng có lựa chọn của riêng mình. Bạn và tôi, chúng ta chọn điều gì? Lặng nhìn những chiếc lá vàng lìa cành trong làn gió nhẹ, khẽ rơi trên những tấm bia mộ, tôi tự hỏi: Liệu có ai sẽ nhớ đến tôi khi tôi không còn trên cõi dương gian này? Khi tôi chỉ còn là một cơn gió thoảng qua hay một chiếc lá lặng rơi trong gió chiều mùa thu? Và liệu những ký ức về tôi trong lòng người ở lại có đủ sâu đậm để vượt qua ranh giới giữa cõi sống và cõi chết? Bởi cuối cùng, khi nhìn lại chặng đường đã qua, điều đọng lại không phải là những gì ta có, mà là những gì ta để lại. Điều này khiến tôi nghĩ đến những câu thơ đầy ý nghĩa trong bài thơ “Không đề” của Văn Cao:

“Con thuyền đi qua để lại sóng
Đoàn tàu đi qua để lại tiếng
Đoàn người đi qua để lại bóng
Tôi không đi qua tôi, để lại gì?”

Nghĩa trang là một nơi thật bình yên và trầm lắng bởi ở đây chẳng có sự ồn ào của tranh đua hay những lời cãi vã, thóa mạ. Tuy nhiên, nghĩa trang cũng được ví là một “thành phố buồn” bởi lẽ ở cạnh nhau mà người ta chẳng biết nhau, cũng không thể nói với nhau một lời yêu thương, chia sẻ. Ngày nay, với sự phát triển vượt trội của khoa học kỹ thuật, nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên mới với những cuộc cách mạng 4.0, 5.0, của “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Cùng với đó, con người cũng đang phải đối diện với sự “nghĩa trang hóa.” Ngày càng có nhiều người, dù đang sống nhưng lại bị chôn vùi dưới những “nấm mồ” của của cái tôi ích kỷ, của sự vô cảm, thờ ơ. Cũng giống như những nấm mộ kia, người ta ở gần nhau mà chẳng nói với nhau một lời. Cuộc sống của chúng ta thật kỳ diệu, từ những người xa lạ, qua thời gian gặp gỡ và gắn bó, họ trở thành vợ chồng, thành những người bạn tri kỷ của nhau. Nhưng cũng trớ trêu thay, không ít những cặp vợ chồng, những người bạn thân, sau bao năm gắn bó lại dần trở nên xa cách như những người dưng. Họ phớt lờ nhau và sống với nhau như những nấm mồ. Hậu quả là nhiều gia đình, trường học, công sở,… trở thành những “nghĩa trang” đầy rẫy những “nấm mồ di động.”

Người ta nói rằng điều đáng sợ nhất không phải là cái chết mà là bị phớt lờ và lãng quên. Có lẽ, con người chỉ thực sự chết khi không còn ai nhớ đến họ. Chính vì thế mà ngày lễ các linh hồn càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Tháng Mười Một – tháng các linh hồn, được người Công giáo dành riêng cách đặc biệt để kính nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất. Truyền thống này không chỉ thể hiện nét đẹp đạo hiếu của người Việt Nam nhưng còn diễn tả mầu nhiệm “các thánh thông công” của đạo Công giáo. Theo đó, các thánh trên thiên đàng, các linh hồn nơi luyện ngục và các tín hữu nơi trần gian cùng hiệp thông với nhau trong Đức Ki-tô và trong lời cầu nguyện. Tháng các linh hồn không chỉ là thời gian để tưởng nhớ những người đã khuất mà còn là dịp để ta suy ngẫm về chính cuộc đời mình trong mối tương quan với những người xung quanh, nhất là những mối quan hệ đã “chết” hay đang trong tình trạng đổ vỡ, sứt mẻ. Giờ là lúc để nối kết và hàn gắn: Nối kết người sống và người chết trong sự hiệp thông của lời cầu nguyện, hàn gắn những mảnh vỡ trong các mối tương quan. Đây cũng là thời gian để nhìn lại bản thân để có thể sửa đổi những lỗi lầm, để sống tốt hơn, yêu thương nhiều hơn. Đây cũng là thời gian thuận tiện nói để nói lời cám ơn và xin lỗi.

Những nấm mộ không thể giao tiếp với nhau, nhưng chúng lại có thể “nói” với chúng ta nhiều điều. Chúng nói với ta rằng: Hỡi những người đang sống, hãy sống trọn vẹn giây phút hiện tại, hãy yêu thương và trân trọng những người đang sống bên mình, để các bạn không phải hối hận khi trở nên giống chúng tôi đây. Trong ngày lễ các linh hồn, mỗi ngọn nến thắp lên là một ngọn lửa của niềm tin. Đó là niềm tin vào sự phục sinh, vào mầu nhiệm “các thánh thông công” và sự kết nối vĩnh hằng giữa người sống và người chết. Đó cũng là ánh áng của niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng khi con người biết yêu thương và tôn trọng nhau hơn. Ánh sáng hy vọng này đẩy lùi bóng đêm của “nền văn minh sự chết,” đồng thời soi dẫn con người đến với “nền văn minh của tình thương và sự sống.” Trong tháng đặc biệt này, chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các linh hồn và cầu nguyện cho nhau để chúng ta biết sống yêu thương hơn và làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn.

N.V.L

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

Có thể bạn quan tâm