Giáo lý cho Bài giảng lễ Chúa Nhật 5 Phục Sinh Năm A

10520 lượt xem

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

 Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 2746-2751: Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc LySố 661, 1025-1026, 2795: Đức Kitô mở đường cho chúng ta về trời

Số 151, 1698, 2614, 2466: Tin vào Chúa Giêsu

Số 1569-1571: Chức phó tế

Số 782, 803, 1141, 1174, 1269, 1322: “Giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả”

Bài Ðọc I: Cv 6, 1-7

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 4-9

Phúc Âm: Ga 14, 1-12

Số 2746-2751: Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly

  1. Khi đến Giờ của Người, Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha[1]. Lời cầu nguyện của Người, lời dài nhất được sách Tin Mừng lưu truyền, bao gồm toàn bộ Nhiệm cục tạo dựng và cứu độ, cũng như cả cái Chết và sự Phục sinh của Người. Lời cầu nguyện trong Giờ của Chúa Giêsu vẫn luôn còn là lời cầu nguyện của Người, cũng như cuộc Vượt Qua của Người, đã diễn ra “một lần cho mãi mãi”, vẫn luôn hiện diện trong phụng vụ của Hội Thánh Người.
  2. Truyền thống Kitô giáo gọi lời nguyện này một cách xác đáng là “lời nguyện tư tế” của Chúa Giêsu. Đây chính là lời cầu nguyện của Vị Thượng Tế của chúng ta, lời cầu nguyện này không thể tách rời khỏi cuộc hiến tế của Người, khỏi cuộc Vượt Qua của Người để về cùng Chúa Cha, trong đó chính Người “được thánh hiến”[2]trọn vẹn cho Chúa Cha.
  3. Trong lời cầu nguyện của cuộc Vượt Qua, của cuộc hiến tế này, mọi sự “được quy tụ”[3]trong Người: Thiên Chúa và thế gian, Ngôi Lời và xác phàm, sự sống vĩnh cửu và thời gian, tình yêu tự trao nộp và tội phản bội lại tình yêu, các môn đệ đang có mặt và những người sẽ tin vào Người nhờ lời của các ông, sự hạ mình và vinh quang. Đó là lời cầu nguyện của sự Hợp nhất.
  4. Chúa Giêsu đã hoàn thành toàn bộ công trình của Chúa Cha và lời cầu nguyện cũng như hy lễ của Người trải rộng tới lúc hoàn tất thời gian. Lời cầu nguyện trong Giờ của Người hoàn thành những thời buổi cuối cùng và dẫn đưa chúng đến chỗ hoàn tất. Chúa Giêsu, Người Con đã được Chúa Cha trao cho mọi sự, đã trao hiến trọn vẹn cho Chúa Cha và đồng thời Người tỏ ra mình hoàn toàn tự do[4], nhờ quyền năng Chúa Cha ban cho Người trên mọi xác phàm. Người Con, Đấng đã trở thành Người Tôi Tớ, là Chúa, là Đấng Toàn Năng (Pantocrator). Vị Thượng Tế cao cả của chúng ta, Đấng cầu nguyện cho chúng ta, cũng là Đấng cầu nguyện trong chúng ta, và là Thiên Chúa, Đấng nhận lời chúng ta cầu nguyện.
  5. Khi đã thuộc về Danh thánh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đón nhận, từ bên trong, lời cầu nguyện chính Người dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con”. Lời cầu nguyện tư tế của Người, từ bên trong, gợi hứng cho những lời cầu xin quan trọng của kinh Lạy Cha: quan tâm đến Danh Cha[5], nhiệt tình với Nước Cha (vinh quang[6]), chu toàn Ý Cha, kế hoạch cứu độ của Ngài[7]và sự giải thoát khỏi sự dữ[8].
  6. Cuối cùng, trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu mạc khải và dạy chúng ta sự “hiểu biết” bất khả phân ly về Chúa Cha và Chúa Con[9]. Sự hiểu biết ấy chính là mầu nhiệm của đời sống cầu nguyện.

Số 661, 1025-1026, 2795: Đức Kitô mở đường cho chúng ta về trời

  1. Bước cuối cùng này vẫn liên kết chặt chẽ với bước đầu tiên, nghĩa là với việc từ trời xuống thế, được thực hiện trong việc Nhập Thể. Chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”: đó là Đức Kitô[10]. “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13)[11]. Nhân loại, với sức tự nhiên của mình, không thể vào được “Nhà Cha”[12], không thể đạt tới sự sống và sự vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước”[13].
  2. Sống trên thiên đàng là “ở với Đức Kitô”[14]. Những người được tuyển chọn sống “trong Người”, nhưng ở đó họ vẫn giữ, thậm chí họ tìm được, căn tính riêng của mình, danh xưng riêng của mình[15].

“Quả vậy, sự sống là được ở với Đức Kitô, bởi vì ở đâu có Đức Kitô, ở đó là Nước Trời”[16].

  1. Chúa Giêsu Kitô, nhờ sự chết và sự sống lại của Người, đã “mở cửa” thiên đàng cho chúng ta. Sự sống của các Thánh cốt tại việc sở hữu sung mãn các hoa trái của ơn Cứu Chuộc mà Đức Kitô đã hoàn thành, Người là Đấng kết hợp vào vinh quang thiên quốc của Người những ai đã tin vào Người và đã trung thành với thánh ý Người. Thiên Đàng là cộng đồng vinh phúc của tất cả những người đã được tháp nhập trọn vẹn vào Đức Kitô.
  2. Thuật ngữ “ở trên trời” hướng chúng ta đến mầu nhiệm Giao ước mà chúng ta đang sống, khi chúng ta cầu nguyện với Cha chúng ta. Ngài “ở trên trời”, đó là nơi Ngài ngự, là nhà của Cha, nên cũng là “quê hương” của ta. Tội lỗi đã khiến chúng ta bị lưu đày xa miền đất Giao ước[17], còn hối cải tâm hồn sẽ dẫn đưa chúng ta trở về cùng Cha “ở trên trời”[18]. Quả vậy, trời đất được giao hòa trong Đức Kitô[19], bởi vì chỉ có Chúa Con đã “từ trời xuống”, và chính Người đã dẫn đưa chúng ta lên trời với Người, nhờ thập giá, sự Phục sinh và Thăng thiên của Người[20].

Số 151, 1698, 2614, 2466: Tin vào Chúa Giêsu

  1. Đối với Kitô hữu, tin vào Thiên Chúa không thể tách rời khỏi việc tin vào Đấng Ngài đã sai đến, tức là Con chí ái của Ngài, đẹp lòng Ngài mọi đàng[21]. Thiên Chúa đã dạy chúng ta phải nghe lời Con của Ngài[22]. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Người: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,l). Chúng ta có thể tin vào Chúa Giêsu Kitô, vì chính Người là Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Bởi vì Người “đã thấy Chúa Cha” (Ga 6,46), nên chỉ một mình Người biết Chúa Cha và có thẩm quyền mạc khải Chúa Cha cho chúng ta[23].
  2. Điểm quy chiếu đầu tiên và tối thượng của việc dạy giáo lý như vậy sẽ luôn luôn là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng là “con đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6). Khi nhìn ngắm Người bằng đức tin, các Kitô hữu có thể hy vọng chính Người sẽ thực hiện nơi họ những điều Người đã hứa, và khi yêu mến Người bằng tình yêu mà Người đã yêu mến họ, họ có thể thực hiện được những việc phù hợp với phẩm giá của mình:

“Tôi xin bạn hãy coi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Đầu thật của bạn và bạn là một trong các chi thể của Người…. Người đối với bạn cũng như đầu đối với các chi thể; mọi sự của Người, là của bạn: tinh thần, trái tim, thân thể, linh hồn và mọi khả năng của Người, … bạn phải sử dụng tất cả như của riêng bạn để phục vụ, ca ngợi, yêu mến và tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng bạn thuộc về Người, như chi thể thuộc về đầu, vì vậy Người hết sức khao khát sử dụng tất cả các tài năng của bạn, như là của Người, để phục vụ và tôn vinh Cha Người”[24].

“Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21).

  1. Khi Chúa Giêsu ký thác cách công khai cho các môn đệ Người mầu nhiệm cầu nguyện với Chúa Cha, thì Người tỏ cho các ông kinh nguyện của các ông – và cũng là của chúng ta – phải thế nào, một khi Người sẽ trở về với Chúa Cha trong nhân tính đã được tôn vinh của Người. Vào lúc đó điều mới mẻ là “cầu xinnhân danh Người[25]. Lòng tin vào Người đưa các môn đệ đến chỗ biết Chúa Cha, vì Chúa Giêsu là “Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Lòng tin mang lại hoa trái trong lòng mến: đó là tuân giữ lời Người, các giới răn của Người, đó là cùng với Người ở lại trong Chúa Cha, Đấng yêu mến chúng ta trong Người, đến độ ở lại trong chúng ta. Trong Giao ước mới này, chúng ta xác tín rằng những lời cầu xin của chúng ta được đoái nhận, niềm xác tín đó dựa trên nền tảng là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu[26].
  2. Chân lý của Thiên Chúa được tỏ hiện cách trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô. Chính Người, Đấng tràn đầy ân sủng và chân lý[27], là “ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Chính Ngườilà chân lý[28]. Mọi kẻ tin vào Người, thì không còn ở trong bóng tối[29]. Môn đệ của Chúa Giêsu ở trong lời Người, để nhận biết chân lý có sức giải thoát[30] và thánh hóa[31]. Bước theo Chúa Giêsu là sống bởi Thánh Thần chân lý[32], Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Người[33], và là Đấng sẽ dẫn đưa đến “sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải tuyệt đối yêu mến chân lý: “Trong lời nói của anh em, hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’” (Mt 5,37).

Số 1569-1571: Chức phó tế

  1. “Ở bậc thấp hơn của phẩm trật, có các phó tế, những người được đặt tay, không phải để lãnh nhận chức tư tế, nhưng là để phục vụ”[34]. Khi truyền chức phó tế, chỉ một mình Giám mục đặt tay; điều này cho thấy phó tế được liên kết đặc biệt với Giám mục trong các trách nhiệm “phục vụ”[35]của ngài.
  2. Các phó tế tham dự vào sứ vụ và ân sủng của Đức Kitô[36]một cách đặc biệt. Bí tích Truyền Chức Thánh ghi cho họ một ấn tín không thể tẩy xóa, và làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng trở thành “người phục vụ”, nghĩa là tôi tớ của mọi người[37]. Ngoài các nhiệm vụ khác, phần việc của các phó tế là phụ giúp Giám mục và các linh mục trong việc cử hành các mầu nhiệm thần linh, nhất là mầu nhiệm Thánh Thể, trao Mình Thánh Chúa, chứng kiến và chúc lành cho bí tích Hôn Phối, công bố và giảng Tin Mừng, chủ sự lễ nghi an táng và dấn thân vào các việc phục vụ bác ái[38].
  3. 1571.Sau Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội La tinh tái lập chức phó tế “xét như một bậc riêng và vĩnh viễn của phẩm trật”[39], trong khi các Giáo Hội Đông phương vẫn duy trì chức vụ này từ xưa. Chứcphó tế vĩnh viễn này, có thể được ban cho những người nam đã lập gia đình, làm phong phú cho Hội Thánh trong vấn đề sứ vụ. Quả vậy, thật là thích hợp và hữu ích, khi có những người chu toàn thừa tác vụ phó tế trong Hội Thánh cả trong đời sống phụng vụ và mục vụ cả trong các công tác xã hội và bác ái, “nhờ việc đặt tay đã được các Tông Đồ truyền lại, họ được nên vững mạnh và được kết hợp mật thiết hơn với bàn thánh, để chu toàn thừa tác vụ của mình một cách hữu hiệu hơn nhờ ân sủng bí tích của chức phó tế[40].

Số 782, 803, 1141, 1174, 1269, 1322: “Giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả”

  1. Dân Thiên Chúa có những đặc tính, phân biệt họ một cách rõ ràng với tất cả những tập thể trong lịch sử về tôn giáo, chủng tộc, chính trị hoặc văn hóa:

– Đây là dân của Thiên Chúa: Thiên Chúa không thuộc riêng một dân nào. Nhưng Ngài thủ đắc cho mình một dân từ những người trước kia không phải là một dân: “là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh” (1 Pr 2,9).

– Người ta trở nên phần tử của dân này, không nhờ sự sinh ra theo thể lý, nhưng nhờ sự sinh ra “bởi ơn trên”, “bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,3-5), nghĩa là, nhờ đức tin vào Đức Kitô và nhờ bí tích Rửa Tội.

– “Dân này có Đấng làm Đầu là Chúa Giêsu Kitô (Đấng Được Xức Dầu, Đấng Messia): bởi vì cùng một Sự Xức Dầu, là Chúa Thánh Thần, chảy từ Đầu vào Thân thể, nên đây là “Dân thuộc về Đấng Được Xức Dầu”.

– “Dân này có phẩm giá và sự tự do của các con cái Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần ngự trong trái tim của họ như trong một đền thờ”[41].

– “Dân này có Luật là giới răn mới của yêu thương như chính Đức Kitô đã yêu thương chúng ta”[42]. Đó là Luật “mới” của Chúa Thánh Thần[43].

– Sứ vụ của dân này là làm muối đất và ánh sáng thế gian[44]. “Dân này là hạt giống chắc chắn nhất mang lại sự hợp nhất, niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại”[45].

– Cuối cùng, mục đích của dân này là “Nước Thiên Chúa, đã được chính Thiên Chúa khởi sự nơi trần thế và ngày càng lan rộng, cho đến khi được chính Ngài hoàn tất trong ngày tận thế”[46].

  1. “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9).
  2. Cộng đoàn cử hành phụng vụ là cộng đoàn của những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, “nhờ sự tái sinh và sự xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, họ được thánh hiến để trở thành ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh, để dâng lên những của lễ thiêng liêng qua tất cả các công việc của Kitô hữu”[47]. “Chức tư tế cộng đồng” này là chức tư tế của Đức Kitô, vị Tư Tế duy nhất, mà tất cả các chi thể của Người đều được tham dự vào[48]:

“Mẹ Hội Thánh tha thiết ước mong mọi tín hữu đều được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách đầy đủ, ý thức và tích cực. Việc tham dự như vậy do chính bản chất phụng vụ đòi hỏi, và dân Kitô giáo, ‘là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa’ (1 Pr 2,9)[49], do bí tích Rửa Tội, có quyền lợi và nhiệm vụ trong việc tham dự như vậy”[50].

  1. Mầu nhiệm của Đức Kitô, cuộc Nhập Thể và Vượt Qua của Người, mà chúng ta cử hành trong bí tích Thánh Thể, đặc biệt nơi cộng đoàn quy tụ ngày Chúa nhật, thấm nhập và biến đổi thời gian của từng ngày nhờ việc cử hành các Giờ Kinh phụng vụ, còn gọi là kinh “Thần Vụ”[51]. Trung thành với những lời khuyên của các Tông Đồ là “hãy cầu nguyện không ngừng”[52], việc cử hành này “đã được thiết lập để suốt cả ngày đêm được thánh hiến bằng việc ca ngợi Thiên Chúa”[53]. Các Giờ Kinh phụng vụ là “kinh nguyện công khai của Hội Thánh”[54], trong đó các tín hữu (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) thực thi chức tư tế vương giả của những người đã lãnh bí tích Rửa Tội. Khi được cử hành “theo hình thức được Hội Thánh phê chuẩn”, các Giờ Kinh phụng vụ “thật sự là tiếng của chính Hiền Thê nói với Phu Quân; thậm chí còn là lời cầu nguyện của Đức Kitô cùng với Thân thể Người dâng lên Chúa Cha”[55].
  2. Người đã chịu Phép Rửa đã trở thành phần tử của Hội Thánh, họ không còn thuộc về mình nữa[56], nhưng thuộc về Đấng đã chết và đã sống lại vì chúng ta[57]. Từ nay, họ được mời gọi để phục tùng lẫn nhau[58]và phục vụ người khác[59] trong sự hiệp thông của Hội Thánh, được mời gọi “vâng lời và phục tùng” các vị lãnh đạo của Hội Thánh[60] với lòng kính trọng và quý mến[61]. Cũng như bí tích Rửa Tội là nguồn mạch của các trách nhiệm và bổn phận, người chịu Phép Rửa cũng được hưởng các quyền lợi trong lòng Hội Thánh: được lãnh nhận các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được nâng đỡ bằng các trợ giúp thiêng liêng khác của Hội Thánh[62].
  3. Bí tích Thánh Thể hoàn tất việc khai tâm Kitô giáo. Những người đã được nâng lên hàng tư tế vương giả nhờ bí tích Rửa Tội, và được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô cách sâu xa hơn nhờ bí tích Thêm Sức, nay nhờ bí tích Thánh Thể được tham dự vào chính hy tế của Chúa cùng với toàn thể cộng đoàn.

Bài Ðọc I: Cv 6, 1-7

“Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”.

Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài, và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna, và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó.

Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa.

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa.

Hoặc đọc: Alleluia.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa.

Hoặc đọc: Alleluia.

3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa.

Hoặc đọc: Alleluia.

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 4-9

“Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi đến cùng Chúa là tảng đá sống động, bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn và tôn vinh, chính anh em như những tảng đá sống động, xây dựng toà nhà thiêng liêng, chức vụ tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Ðức Giêsu Kitô. Vì thế, có lời Thánh Kinh rằng: “Ðây Ta đặt tại Sion tảng đá góc tường, được tuyển chọn và quý giá, ai tin Người, sẽ không phải hổ thẹn”. Vậy, vinh dự cho anh em là những kẻ tin; nhưng đối với những kẻ không tin, thì tảng đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường, đá vấp ngã và đá chướng ngại cho những kẻ chống lại và không tin lời Chúa, và số phận của họ là thế. Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 1-12

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”. Ðó là lời Chúa.

Nguồn::hdgmvietnam


[1] X. Ga 17.

[2] X. Ga 17,11.13.19.

[3] X. Ep 1,10.

[4] X. Ga 17,11.13.19.24.

[5] X. Ga 17,6.11.12.26.

[6] X. Ga 17,1.5.10.22.23-26.

[7] X. Ga 17,2.4.6.9.11.12.24.

[8] X. Ga 17,15.

[9] X. Ga 17,3.6-10.25.

[10] X. Ga 16,28.

[11] X. Ep 4,8-10.

[12] X. Ga 14,2.

[13] Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Thăng Thiên, ISách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 410.

[14] X. Ga 14,3; Pl 1,23; 1 Tx 4,17.

[15] X. Kh 2,17.

[16] Thánh Ambrôsiô, Expositio evangelii secumdum Lucam, 10, 121: CCL 14, 379 (PL 15, 1927).

[17] X. St 3.

[18] X. Gr 3,19-4,1a; Lc 15,18.21.

[19] X. Is 45,8; Tv 85,12.

[20] X. Ga 12,32; 14,2-3; 16,28; 20,17; Ep 4,9-10; Dt 1,3; 2,13.

[21] X. Mc 1,11.

[22] X. Mc 9,7.

[23] X. Mt 11,27.

[24] Thánh Gioan Eudes, Le Cœur admirable de la Très Sacrée Mère de Dieu, 1, 5: Oeuvres complètes, v. 6 (Paris 1908) 113-114.

[25] X. Ga 14,13.

[26] X. Ga 14,13-14.

[27] X. Ga 1,14.

[28] X. Ga 14,6.

[29] X. Ga 12,46.

[30] X. Ga 8,31-32.

[31] X. Ga 17,17.

[32] X. Ga 14,17.

[33] X. Ga 14,26.

[34] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 29: AAS 57 (1965) 36; x. Id., Sắc lệnh Christus Dominus, 15: AAS 58 (1966) 679.

[35] X. Thánh Hippôlytô Rôma, Traditio apostolica, 8: ed. B. Botte (Mušnster i. W. 1989) 22-24.

[36] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 41: AAS 57 (1965) 46; Id., Sắc lệnh Ad gentes, 16: AAS 58 (1966) 967.

[37] X. Mc 10,45; Lc 22,27; Thánh Pôlycarpô, Epistula ad Philippenses, 5, 2: SC 10bis 182 (Funk 1, 300).

[38] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 29: AAS 57 (1965) 36; Id., Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 35, 4: AAS 56 (1964) 109; Id., Sắc lệnh Ad gentes, 16: AAS 58 (1966) 967.

[39] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 29: AAS 57 (1965) 36.

[40] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes, 16: AAS 58 (1966) 967.

[41] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13.

[42] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13; x. Ga 13,14.

[43] X. Rm 8,2; Gl 5,25.

[44] X. Mt 5,13-16.

[45] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13.

[46] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9: AAS 57 (1965) 13.

[47] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.

[48] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 10: AAS 57 (1965) 14; Ibid., 34: AAS 57 (1965) 40; Id., Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 2: AAS 58 (1966) 991-992.

[49] X. 1 Pr 2,4-5.

[50] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 14: AAS 56 (1964) 104.

[51] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, IV, 83-101: AAS 56 (1964) 121-125.

[52] X. 1 Tx 5,15; Ep 6,l8.

[53] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 84: AAS 56 (1964) 121.

[54] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 98: AAS 56 (1964) 124.

[55] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 84: AAS 56 (1964) 121.

[56] X. 1 Cr 6,19.

[57] X. 2 Cr 5,15.

[58] X. Ep 5,21; 1 Cr 16,15-16.

[59] X. Ga 13,12-15.

[60] X. Dt 13,17.

[61] X. 1 Tx 5,12-13.

[62] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 37: AAS 57 (1965) 42-43; Bộ Giáo Luật, các điều 208-223; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 675,2.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận