ĐTC Phanxicô: Được nên công chính nhờ ân sủng, chúng ta được kêu gọi làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa

744 lượt xem

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư 29/9/2021 Đức Thánh Cha giải thích cho các tín hữu về giáo huấn của thánh Phaolô về ơn công chính hoá. Đức Thánh Cha nhắc rằng chúng ta được nên công chính nhờ ân sủng của Chúa được ban qua đức tin vào Chúa Kitô. Đức tin nảy sinh từ kinh nghiệm của chúng ta về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa sẽ biến đổi mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta và sinh hoa kết quả trong các hoạt động bác ái.

 

Đối với Thánh Tông đồ Phaolô, Thiên Chúa với lòng thương xót, qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, đã ban ơn tha thứ và cứu rỗi dứt khoát cho những người tội lỗi, nhờ đó hòa giải chúng ta với chính Người. Cuộc gặp gỡ của thánh Phaolô với Chúa Phục sinh trên đường đến Đa-mát đã khiến thánh nhân hiểu rằng chúng ta được công chính hoá không phải nhờ việc tuân giữ các giới luật và nỗ lực của chính mình, nhưng nhờ ân sủng của Thiên Chúa được ban nhờ đức tin vào Chúa Kitô. Mặc dù Lề luật vẫn là một món quà thánh thiện của Thiên Chúa (x. Rm 7, 12), và việc tuân giữ các điều răn là điều cần thiết cho đời sống tâm linh của chúng ta, thì ân sủng của Thiên Chúa, được ban cách nhưng không trong Chúa Kitô, là điều chính yếu.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình học hỏi thêm về giáo huấn của thánh Phao-lô, hôm nay chúng ta sẽ gặp một chủ đề khó nhưng quan trọng; đó là ơn công chính hoá. Ơn công chính hoá là gì? Chúng ta từng là những tội nhân, đã được nên công chính. Ai đã làm cho chúng ta được nên công chính? Đức Giêsu Kitô. Quá trình thay đổi này là sự công chính hoá. Trước mặt Chúa, chúng ta là người công chính. Sự thật là chúng ta có tội lỗi cá nhân của mình. Nhưng về nền tảng, chúng ta được công chính hoá. Đây là sự công chính hoá.

Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về chủ đề này, để tìm ra cách giải thích phù hợp nhất với ý tưởng của thánh Tông đồ và, như thường lệ, những cuộc thảo luận này thậm chí đã dẫn đến những lập trường mâu thuẫn. Trong Thư gửi tín hữu Galát, cũng như trong Thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô nhấn mạnh sự thật rằng sự công chính hoá có được nhờ đức tin vào Chúa Kitô.

Ơn công chính hoá đến từ ân sủng

Điều gì ẩn sau từ ngữ “sự công chính hoá”, điều có ý nghĩa quyết định đối với đức tin? Không dễ để đi đến một định nghĩa đầy đủ, nhưng xét tổng thể tư tưởng của thánh Phaolô, có thể nói cách đơn giản rằng sự công chính hoá là hệ quả của “sáng kiến ​​nhân từ của Thiên Chúa Đấng ban ơn tha thứ” (Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, số 1990). Trên thực tế, Thiên Chúa, qua sự chết của Chúa Giêsu – và chúng ta cần nhấn mạnh điều này: qua sự chết của Chúa Giêsu – đã tiêu diệt tội lỗi và ban cho chúng ta ơn tha thứ và ơn cứu rỗi của Người cách hoàn toàn. Như thế, được nên công chính, tội nhân được Thiên Chúa tiếp đón và hòa giải với Người. Dường như mối tương quan ban đầu giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo trước khi tội lỗi xảy đến đã được khôi phục. Do đó, sự công chính hoá do Thiên Chúa thực hiện cho phép chúng ta phục hồi sự vô tội đã bị đánh mất bởi tội lỗi. Sự công chính hoá diễn ra như thế nào? Trả lời câu hỏi này có nghĩa là khám phá ra một điểm mới lạ khác trong giáo huấn của thánh Phaolô: ơn công chính hoá đến từ ân sủng.

Chúng ta không trở nên công chính nhờ nỗ lực của mình

Đức Thánh Cha nhận định: Thánh Tông đồ luôn suy niệm về trải nghiệm đã làm thay đổi cuộc đời ngài: cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh trên đường đến Đa-mát. Thánh Phaolô là một người kiêu hãnh, sùng đạo và nhiệt thành, tin chắc rằng sự công chính hoá bao gồm việc tuân thủ tỉ mỉ các giới luật của Lề luật. Tuy nhiên, giờ đây, ngài đã bị chinh phục bởi Đức Kitô, và đức tin vào Chúa đã hoàn toàn biến đổi thánh nhân, giúp ngài khám phá ra một sự thật đã bị che giấu: chúng ta không trở nên công chính nhờ nỗ lực của chính mình. Không, không phải là chúng ta, mà là Đức Kitô, bằng ân sủng của Người, Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính. Vì vậy, thánh Phaolô sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì trước đây đã làm cho ngài trở nên giàu có, để nhận thức đầy đủ về mầu nhiệm Chúa Giêsu (x. Ph 3, 7), vì ngài đã khám phá ra rằng chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới cứu được ngài. Chúng ta đã được trở nên công chính, chúng ta đã được cứu độ, hoàn toàn nhờ ân sủng, không phải nhờ công trạng của chúng ta. Và điều này khiến chúng ta có rất nhiều tin tưởng. Chúng ta là tội nhân, đúng; nhưng chúng ta sống cuộc đời mình với ân sủng này của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta được nên công chính mỗi khi chúng ta cầu xin sự tha thứ. Nhưng không phải trong lúc đó chúng ta được trở nên công chính: chúng ta đã được công chính rồi, nhưng Người đến để lại tha thứ cho chúng ta.n

Vai trò của đức tin

Đối với thánh Tông đồ, đức tin có một giá trị toàn diện. Nó chạm đến mọi khoảnh khắc và mọi khía cạnh trong cuộc sống của một tín hữu: từ bí tích rửa tội cho đến khi chúng ta rời khỏi thế giới này, tất cả đều được thấm nhuần đức tin vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng ban ơn cứu rỗi. Sự công chính hoá nhờ đức tin nhấn mạnh vai trò tiên quyết của ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng cho những ai tin vào Con của Người, không phân biệt ai.

Tuy nhiên, chúng ta không được kết luận rằng đối với thánh Phaolô, Luật Môsê đã mất giá trị; đúng hơn, nó vẫn là một món quà không thể thay đổi của Thiên Chúa. Thánh Tông đồ viết rằng Lề luật là “thánh” (Rm 7, 12). Ngay cả đối với đời sống tâm linh của chúng ta, việc tuân giữ các điều răn là điều cần thiết – chúng ta đã nói điều này nhiều lần. Nhưng ngay cả ở việc này, chúng ta cũng không thể dựa vào nỗ lực của mình: ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được trong Đức Kitô là nền tảng. Ân sủng đó đến từ sự công chính hoá do Đức Kitô ban cho chúng ta, Đấng đã trả giá cho chúng ta. Từ Người, chúng ta nhận được tình yêu nhưng không, cho phép chúng ta, đến lượt mình, yêu theo những cách cụ thể.

Sự năng động trong tình yêu

Đức Thánh Cha nói tiếp: Trong bối cảnh này, thật tốt khi nhớ lại lời dạy của thánh Tông đồ Giacôbê: “Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi”. Điều này có vẻ trái ngược, nhưng không phải thế. “Vì một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 24. 26). Nếu sự công chính hoá không mang lại kết quả bằng các công việc của chúng ta, thì chỉ có thế bị chôn vùi, bị chết. Nó ở đó, nhưng chúng ta phải kích hoạt nó bằng các hoạt động của mình. Đây là cách mà những lời của thánh Giacôbê bổ sung cho giáo huấn của thánh Phaolô. Vì vậy, đối với cả hai, sự đáp trả của đức tin đòi hỏi chúng ta phải năng động trong tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và trong tình yêu của chúng ta đối với người lân cận. Tại sao lại phải “năng động trong tình yêu đó”? Bởi vì tình yêu đó đã cứu tất cả chúng ta, nó làm cho chúng ta trở nên công chính cách nhưng không.

Ơn công chính hoá: quà tặng của sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu

Sự công chính hoá tháp nhập chúng ta vào lịch sử cứu độ lâu dài, điều chứng tỏ sự công bình của Thiên Chúa: trước sự sa ngã và thiếu thốn liên tục của chúng ta, Người đã không bỏ cuộc, nhưng Người muốn làm cho chúng ta trở nên công chính và Người đã làm như vậy nhờ ân sủng, nhờ quà tặng của Chúa Giêsu Kitô, sự chết và sống lại của Người. Đôi khi tôi nói, Thiên Chúa hành động như thế nào? Phong cách của Thiên Chúa là gì? Và tôi đã đưa ra ba từ: Phong cách của Thiên Chúa là gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Ngài luôn đến gần chúng ta, cảm thương và dịu dàng. Và sự công chính hoá chính xác là sự gần gũi nhất, lòng trắc ẩn nhất, sự dịu dàng nhất của Thiên Chúa đối với chúng ta. Sự công chính hoá là món quà của Chúa Kitô, quà tặng từ sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô làm cho chúng ta được tự do.

Thực hiện ơn công chính hoá bằng hoạt động bác ái

Vì vậy, ánh sáng của đức tin cho phép chúng ta nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa, ân sủng hoạt động vì lợi ích của chúng ta, là vô hạn. Nhưng cũng chính ánh sáng đó làm cho chúng ta thấy được trách nhiệm đã được trao phó cho chúng ta là cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ của Người. Quyền năng của ân sủng cần được kết hợp với các công việc của lòng thương xót mà chúng ta được kêu gọi sống để làm chứng cho thấy tình yêu của Thiên Chúa vĩ đại thế nào. Chúng ta hãy tiến bước với sự tin tưởng này: tất cả chúng ta đã được trở nên công chính, chúng ta được công chính trong Đức Kitô. Chúng ta phải thực hiện ơn công chính hoá đó bằng các công việc của mình.

Hồng Thủy – Vatican News

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận