Ngày 25/07: Thánh Giacôbê – Tông đồ

889 lượt xem

Ngày 25 tháng 7
THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ

1. Thân thế của Giacôbê:

Giacôbê là con của ông Dêbêđê và bà Salômê, anh của thánh Gioan Tông Đồ, sống nghề chài lưới ở biển Giênêgiaréth, bạn chài với Phêrô và Andrê. Tin Mừng thường nhắc đến hai anh em Giacôbê và Gioan Tông Đồ nhiều lần.

Họ thuộc nhóm những môn đệ tâm giao của Chúa Giêsu (cùng với Phêrô và Gioan). Các ngài được chứng kiến:

* Việc Chúa cho con gái ông Giairô sống lại.

* Sự hiển dung của Chúa ở đồi Thabor.

* Lúc Chúa cầu nguyện ở vườn Cây Dầu.

Giacôbê là người đầu tiên trong Nhóm Mười Hai đã lấy máu đào của mình làm chứng cho Chúa Giêsu: vua Hêrôđê Antipa đã ra lệnh chặt đầu ngài vào năm 44 (Cv 12,2; Mt 20,22-23). Như thế ứng nghiệm lời Chúa tiên báo cho ông: “ông đã thông chia chén của Chúa”.

2. Tính tình của Giacôbê: Giacôbê được gọi là vị Tông Đồ cao vọng (Mt 20,20).

Giacôbê được Chúa gọi là “con của thiên lôi”, điều này cho thấy rằng ông là con người nóng nảy và cuồng nhiệt đến thế nào. Quả vậy, phản ứng của ông đối với các dân thành Samaria đã giải thích điều đó. Khi Chúa qua con đường Samaria để về Giêrusalem, dọc đường những người Samaria đã từ chối không đón tiếp Chúa, Giacôbê đã đề nghị với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt chúng không?” (Lc 9,54).

Cao vọng của Giacôbê còn được thể hiện qua sự việc bà Salômê, là mẹ của ông, đã thỉnh cầu Chúa Giêsu cho Giacôbê và Gioan rằng: “Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi đây được ngồi một đứa bên tả, một đứa bên hữu Ngài trong Nước của Ngài” (Mt 20,21).

Cao vọng của người mẹ truyền sang cho người con đến độ người mẹ không xin thì con cũng tự xin. Bằng chứng là Marcô kể lại câu chuyện thỉnh nguyện này mà không nhắc đến người mẹ, nhưng chỉ kể Giacôbê và Gioan tự miệng nói ra câu ấy (Mc 10,37).

Tuy Giacôbê có cao vọng như vậy, nhưng Chúa vẫn chọn ông và tín nhiệm ông, và Người đã hoán cải ông. Chúa hoán cải các môn đệ:

* Bằng đời sống gương mẫu của ngài: Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ và Người bảo các Tông Đồ hãy rửa chân cho nhau, vì “Ai muốn làm lớn trong anh em, thì hãy hầu hạ anh em” (Mt 20,27).

* Bằng cái chết của Người: con Người đến để thí mạng sống mình hầu làm giá chuộc thay cho nhiều người (Mt 20,28). Các Tông Đồ đã lần lượt chịu tử đạo để theo gương Chúa.

3. Bài học:

+ Thánh Giacôbê thuộc giới thợ thuyền, làm nghề chài lưới ít học, tính tình lại nóng nảy, thêm vào đó lại còn có một tham vọng không phù hợp với vai trò và tinh thần của người tông đồ, vậy mà Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn ông đi theo Chúa và làm Tông Đồ cho Chúa. Điều này chứng tỏ ơn thánh của Chúa quả có sức mạnh như thế nào mới có thể biến được đổi tâm hồn và cuộc sống của Giacôbê đến độ ông đã trở thành một tông đồ gương mẫu cho anh em mình.

Trong quá trình chinh phục một con người như thế, chắc hẳn chúng ta phải thấy Chúa đã phải kiên nhẫn, chịu đựng và nhất là đã giành cho con người này tình thương lớn lao như thế nào.

Ngay từ khi được Chúa kêu gọi, Giacôbê luôn được ở gần Chúa. Chúa đã cho ông được tham dự vào nhiều biến cố đặc biệt của Chúa. Những biến cố mà các tông dồ khác không được tham dự. Việc được Chúa đối xử như thế chắc chắn đã đem lại nhiều biến đổi trong tâm hồn của Ông. Cuộc biến đổi này không có ngay lập tức khi Giacôbê bắt đầu theo Chúa, nhưng dần dần với thời gian nhất là sau khi với tác động của Chúa Thánh Thần, sau khi Chúa về trời. Vai trò của Giacôbê trong việc quản trị Giáo Đoàn Giêrusalem cho chúng ta thấy điều đó. Quả thực Chúa đã không uổng phí công sức để chọn và giáo dục một con người như Giacôbê trở thành một tông đồ “ruột” của Người. Cái chết của Giacôbê, một cái chết đầu tiên trong số những người theo Chúa đã đủ nói lên điều đó.

+ Hôm nay mừng ngày sinh nhật trên trời của vị tông đồ đáng kính này, chúng ta không thể không nhớ đến quá trình chinh phục và làm biến đổi một con người như Giacôbê trở thành một tông đồ của Chúa. Chắc là Chúa đã phải kiên trì, chịu dựng và đầy lòng yêu thương mới có thể làm cho cuộc chinh phục đạt được kết quả kỳ diệu này.

Sau khi rảo bước qua các dãy phố sầm uất ở Hồng Kông, du khách bước vào một tiệm bán tranh sơn mài. Mắt du khách dừng lại ở một chiếc bàn lớn kê giữa tiệm, màu nước sơn thật tuyệt, màu xanh nước biển của mặt bàn như gợi lên chiều sâu thăm thẳm của đại dương, và một cảm giác man mác dâng lên trong lòng. Chung quanh bàn là những bông hoa trạm trổ bằng xà cừ rất tinh vi trông thật đẹp mắt.

Thấy khách có vẻ bị thu hút, người chủ tiệm đến gần kể lại công phu phải có để làm nên cái bàn tuyệt đẹp đó: Sở dĩ nước sơn tạo nên được những cảm giác như vậy là nhờ 12 nước sơn. Sau mỗi lần sơn, lại được mài bằng tay với giấy cát thật mịn, ngoài ra cần phải kể đến những công phu và thời gian trạm trổ từng mảnh xà cừ nhỏ vào các hình ảnh trên mặt bàn.

Khách du lịch đứng lặng người lắng nghe. Ông ngắm nghía thán phục vẻ đẹp của cái bàn và không ngớt lời khen ngợi tài khéo léo của người thợ trạm trổ cũng như tài vẽ của họa sĩ đã hóa thành cái bàn tuyệt đẹp và quí giá đó. Ông chủ tiệm vui vẻ đáp lại:

+ Kiên nhẫn là yếu tố cần thiết và là con đường ngắn nhất nếu muốn hoàn thành một tác phẩm nào đáng công và đáng giá.

Chúng con cám ơn Chúa đã để lại cho chúng con những bài học thật quí giá cho cuộc sống. Xin cho chúng con biết nhìn vào chính cuộc sống của Chúa để xây dựng cuộc đời của chúng con.

Lạy Chúa

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Nguồn: tgpsaigon.net

Có thể bạn quan tâm