SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV
NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỊ NẠN THỨ 111

(04-05/10/2025)

Người di cư, những nhà truyền giáo hy vọng

Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 111, ngày mà vị tiền nhiệm của tôi đã muốn cử hành trùng với ngày Năm thánh Người di cư và các nhà Truyền giáo, mang đến cơ hội để suy tư về mối liên hệ giữa hy vọng, di cư và việc truyền giáo.

Bối cảnh toàn cầu hiện nay thật đáng buồn khi bị ghi dấu bởi chiến tranh, bạo lực, bất công và các hiện tượng khí hậu cực đoan, khiến hàng triệu người phải rời bỏ quê hương để tìm nơi trú ẩn. Xu hướng phổ biến chỉ quan tâm đến lợi ích của các cộng đồng thu hẹp tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự chia sẻ trách nhiệm, hợp tác đa phương, thực hiện lợi ích chung và sự liên đới toàn cầu vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Viễn cảnh về một cuộc chạy đua vũ trang mới và việc phát triển của các loại vũ khí mới, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, sự thiếu quan tâm đến tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện tại và những bất bình đẳng sâu sắc về kinh tế khiến cho các thách đố của hiện tại và tương lai trở nên ngày càng khó khăn.

Đối mặt với khả năng toàn cầu bị tàn phá và các kịch bản đáng sợ, điều quan trọng là mong muốn hy vọng vào một tương lai của phẩm giá và hòa bình cho tất cả mọi người phải ngày càng lớn lên trong lòng mỗi người. Tương lai đó là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại và toàn thể vũ trụ. Đây là tương lai cứu độ mà các ngôn sứ đã tiên báo: “Trên những quảng trường Giêrusalem, các cụ ông cụ bà ra ngồi nghỉ. Ai nấy tay chống gậy vì tuổi thọ đã cao. Tại các quảng trường trong thành phố, đông đảo thiếu nhi nam nữ tới vui đùa. […] Đây là hạt giống bình an: cây nho sẽ cho quả, đất sẽ sinh hoa lợi và trời sẽ đổ sương xuống” (Dc 8,4-5.12). Và tương lai này đã bắt đầu, vì nó đã được khai mở bởi Chúa Giêsu Kitô (xem Mc 1,15 và Lc 17,21), và chúng ta tin tưởng và hy vọng nó được thực hiện trọn vẹn, bởi vì Chúa luôn giữ lời hứa của Người.

Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy: “Nhân đức hy vọng đáp lại khát vọng hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt vào trong lòng mỗi người; nó tiếp nhận những kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động của con người” (số 1818). Và chắc chắn, việc tìm kiếm hạnh phúc – và triển vọng tìm thấy nó ở nơi khác – là một trong những động lực chính của sự di chuyển của nhân loại hiện nay.

Mối liên kết giữa di cư và hy vọng thể hiện rõ nét trong nhiều trải nghiệm di cư của thời đại chúng ta. Nhiều người di cư, tị nạn và di tản là những chứng nhân đặc biệt của niềm hy vọng được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, qua sự tín thác của họ vào Thiên Chúa và kiên cường vượt qua nghịch cảnh để hướng tới một tương lai, trong đó họ nhìn thấy hạnh phúc và sự phát triển con người toàn diện là điều có thể. Kinh nghiệm lữ hành của dân tộc Israel được tái hiện trong chính cuộc sống của họ: “Lạy Thiên Chúa, thuở Ngài lãnh đạo đoàn dân riêng xuất trận, thuở Ngài tiến bước trong sa mạc hoang liêu, đất đã chuyển rung, trời cũng tan chảy, trước mặt Thiên Chúa, Đấng xuất hiện tại núi Xinai, trước mặt Thiên Chúa là Thiên Chúa của Israel. Lạy Thiên Chúa, Ngài đổ mưa ân hậu, gia nghiệp Ngài tiêu hao mòn mỏi, Ngài đã bổ sức cho. Lạy Thiên Chúa, đàn chiên của Ngài đến ở nơi đâu, Ngài cũng luôn nâng đỡ, bởi vì Ngài nhân hậu đối với kẻ khó nghèo” (Tv 68, 8-11).

Trong một thế giới trở nên u ám bởi chiến tranh và bất công, ngay cả khi mọi thứ có vẻ đã mất, người di cư và người tị nạn nổi lên như những sứ giả của hy vọng. Lòng can đảm và sự kiên trì của họ là một chứng tá anh hùng của đức tin, một đức tin nhìn vượt trên những gì mắt thường có thể thấy và mang lại cho họ sức mạnh để đối mặt với cái chết trong các lộ trình di cư hiện đại. Ở đây cũng có thể thấy một sự tương đồng rõ ràng với trải nghiệm của dân tộc Israel lưu vong trong sa mạc, khi họ đối mặt với mọi hiểm nguy, nhưng vẫn tín thác vào sự bảo vệ của Chúa: “Chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc. Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa” (Tv 91,3-6).

Người di cư và người tị nạn nhắc nhở Giáo hội về chiều kích lữ hành của mình, luôn hướng tới quê hương vĩnh cửu, được nâng đỡ bởi hy vọng, một nhân đức đối thần. Mỗi khi Giáo hội đầu hàng trước cám dỗ “an cư lập nghiệp” và ngừng là civitas peregrina – dân tộc của Thiên Chúa đang lữ hành hướng về quê hương thiên quốc (xem Thánh Augustinô, De civitate Dei, sách XIV-XVI), Giáo hội không còn “ở giữa thế gian” và trở thành “của thế gian” (xem Ga 15,19). Đây là một cám dỗ đã có nơi những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, đến mức Thánh Tông đồ Phaolô phải nhắc nhở Giáo hội tại Philipphê rằng “quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).

Đặc biệt, người di cư và người tị nạn Công giáo có thể trở thành những nhà truyền giáo hy vọng ở các quốc gia đón nhận họ, bằng cách phát triển những hành trình đức tin mới tại những nơi sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô chưa được loan báo, hoặc bắt đầu các cuộc đối thoại liên tôn dựa trên đời sống hàng ngày và việc tìm kiếm những giá trị chung. Với lòng nhiệt thành thiêng liêng và sức sống của mình, họ có thể giúp làm sống lại các cộng đoàn giáo hội đã bị cứng nhắc và nặng nề, nơi đang diễn ra sự sa mạc hóa thiêng liêng. Vì vậy, sự hiện diện của họ cần được công nhận và trân trọng như một phúc lành thực sự của Thiên Chúa, một cơ hội để mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng ban sức mạnh và hy vọng mới cho Giáo hội của Người: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Hr 13,2).

Như Thánh Phaolô VI đã nhấn mạnh, yếu tố đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng là chứng tá: “Tất cả các Kitô hữu đều được gọi làm chứng nhân và bằng cách này họ có thể là những người loan báo Tin Mừng thực sự. Chúng tôi đặc biệt nghĩ đến trách nhiệm của những người di cư tại các quốc gia tiếp nhận họ” (Evangelii nuntiandi, 21). Đây thực sự là một missio migrantium, sứ vụ do chính người di cư thực hiện, một sứ vụ cần phải được chuẩn bị đầy đủ và hỗ trợ liên tục thông qua sự hợp tác giữa các giáo hội.

Mặt khác, các cộng đồng tiếp nhận họ cũng có thể là chứng nhân sống động của hy vọng. Hy vọng được hiểu như là lời hứa về một hiện tại và tương lai trong đó phẩm giá của tất cả mọi người được công nhận như con cái của Thiên Chúa. Nhờ đó, người di cư và người tị nạn được công nhận như các anh chị em, là thành phần của gia đình trong đó họ có thể thể hiện tài năng và tham gia đầy đủ vào đời sống cộng đồng.

Nhân dịp ngày Năm Thánh này, khi Giáo hội cầu nguyện cho tất cả người di cư và người tị nạn, tôi muốn phó thác tất cả những ai đang trên hành trình này, cũng như những người đang nỗ lực giúp đỡ họ, cho sự che chở đầy từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, niềm an ủi của người di cư, để Mẹ giữ cho hy vọng sống động trong trái tim họ và nâng đỡ họ trong dấn thân xây dựng một thế giới ngày càng giống Vương quốc của Thiên Chúa, Quê hương đích thực đang chờ đợi chúng ta ở cuối hành trình.

Từ Vatican, ngày 25 tháng 7 năm 2025,
Lễ Thánh Giacôbê Tông Đồ

Nguồn: vaticannews.va/vi