NGẮM 14 CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ NĂM 2025
Chủ Đề: DẤU CHÂN HY VỌNG TRÊN ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ
Làm dấu …
Hát kính Chúa Thánh Thần
Kính Đức Mẹ:
Kinh ăn năn tội
LỜI DẪN:
Kính thưa Cộng đoàn!
Ngày thứ Sáu Tuần Thánh gieo vào lòng người nỗi buồn vô hạn. Chúng ta cùng nhau tụ họp nơi đây trong khung cảnh trầm lắng ấy để bước đi trên con đường thương khó của Chúa Giê-su, lặng lẽ theo chân Người để tái khám phá bí mật của Đàng Thánh Giá là tình yêu và lòng thương xót: Chúa Cha trao ban Con Một duy nhất, Chúa Thánh Thần nâng đỡ từng dấu chân trên đường Thập Giá, và Chúa Giê-su thực hiện hành vi hiến tế, mở ra trọn vẹn dung mạo yêu thương của Ba Ngôi, phá vỡ xiềng xích tử thần đang giam hãm nhân loại. Mỗi bước đi của Chúa Giê-su là một bước tiến cao cả của tình yêu: Tình yêu chiến thắng tất cả, tình yêu là tiếng nói cuối cùng. Ai không cảm nhận được tình yêu của Chúa thì là một sự thất bại lớn lao nhất.
Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và đoàn dân thánh, chúng ta hãy cùng nhau lữ hành theo dấu chân thập tự để nguồn hy vọng cứu độ đổi mới con tim và thánh hóa toàn diện con người chúng ta. Giờ này, nhìn vào từng ngóc ngách của thế giới, vẫn còn những thập giá đâm sâu vào số phận con người: ở bên Đông bên Tây, các cuộc chiến tranh phi nghĩa tàn phá cuộc sống; trong lòng các thành phố, biết bao người cùng khổ vẫn lê lết trên những lề đường; trong các bệnh viện, bao nhiêu người đang đớn đau vật lộn với những căn bệnh hiểm nghèo; trong các xứ đạo, nhiều bậc cha mẹ phải khóc thương trước sự hư hỏng của con cái mình. Và đâu đây trong lát cắt tâm hồn của mỗi người, vẫn còn đó những nỗi muộn phiền giằng xé tâm can, những nỗi đau không ai thấu hiểu, hay là những lắng lo toan tính cho cuộc sống tạm bợ này.
Thế nên, hơn bao giờ hết, khi dừng lại ở từng chặng đường tiêu biểu cho cả hành trình Thập Giá với chủ đề “DẤU CHÂN HY VỌNG TRÊN ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ”, chúng ta được mời gọi tháp nhập những thập giá đời thường của mình, của tha nhân, của thế giới và của Giáo hội vào cây Thập Giá cứu độ của Chúa Giê-su, cách riêng là trong bối cảnh linh thiêng của Năm Thánh này.
Với những tâm tình đó, cùng với Mẹ Ma-ri-a và các thánh nam nữ trên trời, xin cộng đoàn chúng ta hãy cùng sống lại những giây phút cuối cùng của Con Thiên Chúa nơi trần gian. Chúng ta hãy gạt bỏ tất cả những chia trí vướng bận, hãy có một ánh nhìn sâu sắc và cùng theo sát dấu chân Chúa Giê-su tiến về Can-vê tử nạn bằng trọn cả trái tim và thể xác; đồng thời, hãy cật vấn bản thân: “Tôi là ai trên chặng đường thương khó của Chúa?”. Này giờ của Người đã đến!
Hát: Con Đường Chúa đi
- Lạy Mẹ linh hồn con rất khát khao…
(Khi tới chặng thứ nhất, đọc và cộng đoàn đứng)
Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ NHẤT
CHÚA GIÊ-SU BỊ KẾT ÁN TỬ HÌNH
Cầu cho Giáo Hội và Giáo Phận
Lời Chúa: Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Gio–an.
Ông Phi–la–tô nói với người Do Thái: “Đây là Vua các người”. Họ liền hô lớn: “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào Thập Giá!” Ông Philatô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh Vua các người sao?” Các Thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê–za”. Bấy giờ, ông Phi–la–tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào Thập giá” (Ga 19,14-16).
Suy niệm:
Án tử là kẻ thù của niềm hy vọng! Mọi lý lẽ đều trở nên vô nghĩa trước sự cứng rắn của lòng thù hận. Âm mưa của Hội Đồng Do Thái đã thành công: Đức Giê-su phải chết! Trước phiên tòa, lòng dạ của đám đông thì tăm tối, tiếng la ó dữ dội làm đảo điên thêm cả một quảng trường, những tiếng hét đòi máu, đòi mạng sống vô tội lại như những lát cắt sắc bén cứa vào trái tim của Đấng Cứu Độ trần gian. Phi-la-tô đã cố gắng nhưng ông không thắng nổi chính mình và đã đầu hàng trước đám đông. Sự hèn nhát của ông như một dấu chấm đen trên tấm bảng trắng của công lý. Thế nhưng, không chỉ có Phi-la-tô và đám đông thời ấy đóng dấu vào bản án tử hình dành cho Chúa. Chính tất cả mỗi người chúng ta đều nhúng tay vào. Không phải một lần nhưng nhiều lần. Không phải một ngày nhưng mỗi ngày. Chúng ta đã không ít lần nín thinh trước sự giả dối, chẳng dám lên tiếng bảo vệ sự thật, chẳng màng bảo vệ người yếm thế và không dám nhận lỗi mà mình gây ra. Đó là những khoảnh khắc chơi với của niềm hy vọng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Hồi tưởng lại phiên tòa xét xử Chúa, ngày nay, trên cuộc lữ lành đức tin, thân thể mầu nhiệm của Chúa là Giáo Hội cũng luôn bị lên án vì nhiệt tâm bảo vệ sự thật và lên tiếng trước những bất công. Xin Chúa ban cho Đức Thánh Cha Phanxicô luôn vững mạnh hồn xác, cách riêng là trong điều kiện sức khỏe hiện tại. Xin cho các phẩm trật và toàn thể mọi thành phần trong Giáo Hội biết nỗ lực bảo vệ sự vẹn tuyền của kho tàng đức tin, kiến tạo sự hiệp thông trọn vẹn, tích cực tham gia và dấn thân thi hành sứ vụ trong bậc sống của mình nhằm hướng về một Giáo Hội lữ hành trên con đường hy vọng tiến về trời mới, đất mới. Cách riêng, xin Chúa chúc lành cho Đức Giám Mục Giáo phận và thánh hóa mọi công việc hiện tại cũng như dự phóng tương lai của giáo phận chúng con, để Giáo phận ngày càng thăng tiến về chiều kích siêu nhiên lẫn tự nhiên.
- Hát: Hát Ngắm Đàng Thánh Giá (PK 1)
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ HAI
CHÚA GIÊ-SU VÁC THÁNH GIÁ
Cầu cho đời sống Hôn nhân gia đình
Lời Chúa: Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Gio–an.
Bấy giờ ông Philatô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Đức Giê-su đi, chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến một nơi gọi là cái Sọ, tiếng Híp ri là Gôn-gô-tha (Ga 19,16-17).
Suy niệm:
Trước bản án tử hình man rợ, Chúa Giê-su vẫn một mực im lặng, hiền lành như con chiên câm nín cho người ta đưa đi làm thịt. Lính tráng điệu Người ra khỏi thành thánh Giê-ru-sa-lem, người Do Thái muốn kết thúc cuộc đời của Người vì những đạo lý mà Người giảng dạy làm họ chướng tai, gai óc. Họ chẳng cần đến Người nhưng Người muốn cứu rỗi họ. Cậy Thập Giá mà Chúa Giê-su gánh lấy trên vai tích tụ tỗi lỗi của nhân loại từ thuở tạo thiên lập địa cho đến ngày chung cục của vũ trụ. Đó cũng là sức nặng tội lỗi của mỗi người chúng ta từ lúc mới sinh cho đến giây phút hiện tại. Sức nặng ấy thật khủng khiếp! Cũng như người Do Thái xưa, biết bao nhiêu lần chúng ta mời Chúa ra khỏi cuộc đời mình, để đón ma quỷ bước vào. Nếu không có chúng ta, Thập Giá đã nhẹ nhàng hơn! Thế nhưng, đối với Chúa Giê-su, chúng ta luôn là duy nhất và mãi được Người yêu thương!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Đời sống gia đình luôn có những thập giá hằng ngày phải vác. Mỗi gia đình, mỗi thành viên đều có thập giá riêng và sức nặng của chúng đang kéo ghì hạnh phúc gia đình xuống bờ vực bất ổn. Tệ hại hơn, biết bao gia đình sa ngã vì tội lỗi, vì sự yếu đuối, bất trung với người bạn đời của mình dẫn đến bạo lực, đổ vỡ và chia ly. Xin Chúa ban cho mỗi người biết chia sẻ, nâng đỡ và gánh vác cho nhau những muộn phiền, để thập giá trong gia đình không còn là thập giá riêng của người vợ, thập giá của riêng người chồng, thập giá riêng của con cái mà là thập giá chung, mọi người cùng nhau hiệp hành vác đỡ. Ước gì trong gia đình, người cha không chạy trốn trách nhiệm, người mẹ không chối bỏ bổn phận, và người con không quên lòng hiếu thảo đối với công cha nghĩa mẹ, để làm cho gia đình luôn trọn vẹn tình nghĩa và ngập tràn hạnh phúc.
- Hát: Lạy Mẹ âu sầu….
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 3
CHÚA GIÊ-SU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ NHẤT
Cầu cho nền hòa bình Thế giới
Lời Chúa: Trích sách Thánh Vịnh
Con ra đi như chiều tà bóng ngả
Bị cuốn lôi đi như gió cuốn cào cào
Gối rã rời vị nhin ăn nhịn uống
Thân xác con gầy còm yếu nhược.
Con bị người đời mắng nhiếc dể duôi
Trông thấy con là chúng lắc đầu (Tv 109,23-25).
Suy niệm:
Người là Đấng cầm giữ ánh sáng của Thiên đàng và muôn vàn tinh tú trong bàn tay thần linh. Trước nhan Người, các quyền lực trên trời dưới đất phải kinh hãi phục lạy. Thế mà giờ đây, Người đã ngã gục xuống đất. Vũ trụ vạn vật không thể gánh bớt sức nặng của cậy Thập tự mà nhân loại chất lên vai Người. Mỗi bước đi của Người là một sức nặng khủng khiếp nén xuống đôi chân rướm máu, cơn đau dội khắp toàn thân, máu từ các vết thương phun ra vung vãi. Chúa bước đi loạng choạng, rồi Người ngã chúi xuống đất vì không thể gượng nổi. Gương mặt man rợ của những tên lính với trận mưa đòn tiếp tục giáng xuống xối xả. Rồi Chúa đã gượng dậy lê lết bước cho tới cùng con đường Thập giá để vực dậy và trao ban niềm hy vọng cho mỗi người chúng ta cùng tất cả những ai vấp ngã trên đường đời.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Lòng người thâm độc và đầy những mưu mô toan tính. Vì thế, có biết bao nhà lãnh đạo đã ngã gục trước mãnh lực của quyền bính, tiền tài, danh vọng và lạc thú. Họ đã mưu cầu hạnh phúc cá nhân trên thiện ích chung và mạng sống của những người dân vô tội. Đó đây trên thế giới, hằng ngày vẫn xảy ra những cuộc chiến tranh phi nghĩa, những chính sách vô nhân đạo, những đường lối cực đoan. Chúng con nài xin Chúa ban cho các nhà cầm quyền luôn biết lấy lương tâm ngay thẳng làm nguyên lý lãnh đạo, biết dùng quyền bính để phục vụ hạnh phúc của người dân và kiến tạo một thế giới thanh bình, văn minh, hạnh phúc.
- Hát: Đường Thập Tự (PK1-MC 258)
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 4
ĐỨC MẸ GẶP ĐỨC CHÚA GIÊ-SU VÁC THÁNH GIÁ
Cầu cho các bà mẹ đau khổ
Lời Chúa: Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu–ca:
Ông Si–mê–on chúc phúc cho hai ông bà và nói với bà Ma–ri–a, Mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng. Như vậy, những ý định từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà.” ( Lc 2,34-35).
Suy niệm:
Đường lên Can-vê dài thăm thẳm, Mẹ Ma-ri-a vẫn can trường bước theo từng dấu chân của Chúa. Trong khi chứng kiến Con mình ngã quỵ, tình mẫu tử thúc đẩy Mẹ chen qua đám đông đang la ó dữ tợn và đám quân lính hung hăng, để được giáp mặt với Con yêu dấu của mình. Ánh mắt của Mẹ và Con giao nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng chứa đựng bao tâm tình không thể nói thành lời. Đó là ánh mắt ngập tràn niềm hy vọng. Chúa Giê-su, dù đang vật lộn với nỗi đau tột cùng, vẫn tìm thấy một tia sáng trong ánh mắt của Mẹ. Người hiểu rằng Người không cô đơn. Còn Mẹ, ánh mắt kiên cường thể hiện một tình yêu không tránh né đau thương, nhưng dám đối mặt và chia sẻ mọi thứ trong thinh lặng, trong lòng tin tuyệt đối vào kế hoạch của Thiên Chúa. Mẹ là hình ảnh của tất cả những người mẹ lữ hành trên đường đức tin và hy vọng, những người luôn sẵn sàng hy sinh và chịu đựng vì con cái, dẫu nỗi đau có lớn đến đâu.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Ma-ri-a! Người mẹ là món quà cao quí nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại chúng con. Gia đình nào còn có người mẹ là gia đình giàu có nhất và hạnh phúc nhất. Vậy mà trong nhiều gia đình hôm nay, còn đó những lưỡi gươm vô hình đang đâm thấu trái tim và tâm hồn của biết bao bà mẹ. Đó là sự bạo hành của người chồng; áp lực vì con cái bất hiếu, hư hỏng; lo lắng, sợ hãi vì bệnh tật hiểm nghèo. Xin Mẹ thắp lên lòng can đảm và sự bền tâm trong tinh thần sống Phúc Âm nơi họ; để giữa những nghịch cảnh và trái khuấy của cuộc sống, họ luôn tìm thấy bình an, cùng nhận ra giá trị cứu độ nơi những hy sinh âm thầm.
- Hát: Chiều Can-vê (PK1)
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 5
ÔNG SI-MON VÁC THÁNH GIÁ ĐỠ ĐỨC CHÚA GIÊ-SU
Cầu cho anh chị em Lương Dân và Dự Tòng
Lời Chúa: Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mác–cô
Lúc ấy, có một người từ miền quê lên đi qua đó, tên là Si–mon gốc Ky–rê–nê. Ông là thân phụ hai ông A–le–xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thánh giá đỡ Đức Chúa Giê-su (Mc 15,21).
Suy niệm:
Trên con đường thương khó, một khoảnh khắc đầy bất ngờ đã xảy ra: ông Si-mon, người Ky-rê-nê, một người ngoại đạo, bị lính tráng bắt ép phải vác đỡ Thánh Giá cho Chúa Giê-su. Đó không phải là một sự xui xẻo nhưng thực sự là một vinh dự lớn lao cho ông! Hình ảnh người ngoại đạo vác đỡ Thập Giá cho Chúa tương phản sâu sắc với đám đông con cái Israel khát máu Đấng Cứu Thế. Si-mon Ky-rê-nê, dù ban đầu miễn cưỡng vác đỡ Thập Giá cho Chúa, nhưng khi một nửa gánh nặng của Thập Giá dần dần chuyển qua vai, trái tim ông đã hoàn toàn thay đổi. Chúng ta là con cái Thiên Chúa, thế nhưng, có biết bao lần, chúng ta sống không bằng người ngoại đạo. Như Si-mon Ky-rê-nê, chúng ta chỉ có thể thực sự hiểu Chúa khi chúng ta biết chia sớt Thập Giá cho Chúa trong những phận người lê lết đau thương trên đường đời.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Hằng ngày chúng con gặp gỡ nhiều người ngoại giáo. Như Si–mon, họ cũng được mời gọi gặp gỡ Chúa và vác Thánh Giá của Chúa trong đời thường. Họ cần người chỉ dẫn, chia sẻ về Chúa và dẫn họ đến với Chúa. Tuy nhiên, chúng con thường xa lánh, coi họ là người ngoài cuộc và đôi khi làm xấu đi hình ảnh của người Công Giáo. Xin Chúa giúp chúng con biết xây dựng những nhịp cầu đức tin. Xin cho nhiều người có tâm hồn rộng mở trước chân lý đức tin, để họ cũng được diễm phúc làm con cái Chúa trong gia đình Giáo hội. Xin Chúa cũng gia tăng ơn thánh cho những anh chị em dự tòng nay đã tìm thấy Chúa và đang hân hoan chuẩn bị đón nhận đời sống mới qua phép Rửa tội, để họ can đảm sống những giá trị của Tin Mừng và trở nên những người Ki-tô hữu chính danh giữa lòng xã hội nhiễu nhương này.
- Hát: Đường Thập Tự (PK1-MC 258)
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 6
BÀ VÊ–RÔ–NI–CA TRAO KHĂN CHO ĐỨC CHÚA GIÊ-SU LỌT MẶT
Cầu cho Giáo xứ
Lời Chúa: Trích sách ngôn sứ Isaia
Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng khinh khi không đếm xỉa tới (Is 53,2-3).
Suy niệm:
Càng tiến lên đồi Can-vê, khuôn mặt Chúa càng trở nên rách nát, đầm đìa máu lẫn mồ hôi, bụi đường và những vết khạc nhổ. Tóc Người bết lại, mắt cuồng thâm mờ hẳn, khó trông thấy lối đi. Giữa cảnh tượng tê tái ấy, một người phụ nữ vô danh được thúc đẩy bởi tình yêu và lòng thương xót, đã dám bước ra khỏi đám đông, vượt lên trên tất cả những rào cản, để làm một việc nhỏ mà đầy ý nghĩa. Bà chỉ có một tấm khăn nhỏ trong tay. Bà mở tấm khăn ấy ra lau sạch khuôn mặt nhuốm máu của Chúa. Cử chỉ ấy, tưởng chừng như rất nhỏ bé, lại chứa đựng tình yêu lớn lao. Nghĩa cử bác ái của bà đã trở thành lời tuyên xưng đức tin hùng hồn, làm cho bà trở thành một chứng nhân của lòng thương xót vô biên. Chúa Giê-su đã đáp lại nghĩa cử cao đẹp ấy bằng cách in khuôn mặt vào tấm khăn ấy như “chụp lại nguyên vẹn” hình tượng của Người. Chẳng ai hay biết tên của bà, nhưng vì tấm khăn kia mà người đời sau gọi tên bà là Vê-rô-ni-ca, nghĩa là “chân dung đích thực phản ảnh gương mặt Thầy Giê-su.”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Lối sống tục hóa và sức mạnh của đồng tiền đang làm biến dạng khuôn mặt tinh tuyền của các xứ đạo. Đời sống xã hội đã và đang hút hết thời gian, sức lực, căn tính, tình cảm và đời sống đức tin của các tín hữu. Tại nhiều nơi, việc “chuyển trao Đức tin” giữa các thế hệ đã dần mai một và đi đến bế tắc. Giáo xứ của chúng con cũng không phải là ngoại lê. Xin cho các bậc ông bà, cha mẹ luôn quan tâm đến việc giáo dục Đức tin, tri thức và nhân cách cho người trẻ bằng chứng tá đời sống và kinh nghiệm đức tin sống động của mình. Xin cũng cho mọi thành phần trong giáo xứ chúng con biết đoàn kết, yêu thương, chân thành cộng tác chặt chẽ với Cha xứ, làm cho giáo xứ trở một cộng đoàn đức tin vững mạnh, một cộng đoàn hăng say loan báo Tin Mừng, một cộng đoàn bác ái yêu thương và là một cộng đoàn lữ hành đức tin trong hy vọng.
- Hát: Hát Ngắm Đàng Thánh Giá (PK6)
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 7
CHÚA GIÊ-SU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ HAI
Cầu cho các bệnh nhân
Lời Chúa: Trích sách ngôn sứ Isaia
Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành (Is 53, 3-5).
Suy niệm:
Đường dài gai góc, mỗi bước chân tiến về phía trước, Chúa Giê-su đều phải trả giá bằng những giọt máu và những cơn đau đớn khôn cùng. Người kiệt sức, đôi chân không đi được nữa, nên ngã quỵ xuống đất lần thứ hai. Tay ghì thập giá, tay chống lên đất, Người gượng dậy để đi tiếp. Ngã xuống đứng lên là biểu tượng của sự bền bỉ trong tình yêu. Chúa không ngừng vươn mình dù sức nặng và khổ đau có thể nghiền nát Người. Và qua đó, Người dạy chúng ta rằng, dù cuộc sống có đẩy chúng ta đến những bờ vực của tuyệt vọng, dù chúng ta có ngã xuống bao nhiêu lần, Chúa luôn hiện diện, chờ đợi ta đứng dậy và tiếp tục bước đi. Đó là niềm hy vọng lớn nhất mà chúng ta nhận lãnh trong cuộc lữ hành đức tin.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê–su! Bệnh tật là một thực tại đeo đẳng lấy phận người. Gia đình nào rồi cũng sẽ có người đau yếu, già nua, tàn phế… Bệnh tật làm biết bao người ngã quỵ trong đau đớn, chơi vơi, muộn phiền phủ vậy, suy kiệt trong thể xác lẫn tinh thần. Chúng con xin dâng lên Chúa những ai đang gánh chịu nỗi đau đớn bệnh tật, xin Chúa ban cho họ sức mạnh và sự tin tưởng vào Chúa, để họ có thể chịu đựng những đau đớn thể xác, sống trong tinh thần lạc quan và tràn trề niềm hy vọng. Xin cho họ nhận ra rằng Chúa lê bước vác thập giá không chỉ để cứu rỗi linh hồn mà còn là thể xác nữa và sự tín thác chính là phương dược kỳ diệu nhất để chữa lành mọi loại bệnh tật của con người.
- Hát: Tình Yêu Thánh Giá (PK2)
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 8
CHÚA GIÊ-SU AN ỦI CÁC PHỤ NỮ THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM
Cầu cho nạn nạo phá thai
Lời Chúa: Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu–ca
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều người phụ nữ vừa đấm ngực vừa khóc than Người. Đức Giê–su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê–ru–sa–lem, đừng khóc thương tôi làm gì, có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23,27-28).
Suy niệm:
Lọt thỏm giữa đám đông hung ác là hình ảnh những người phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem hiền lành, đứng lặng lẽ bên lề đường. Họ nhìn theo Chúa Giê-su, mắt đẫm lệ, lòng đầy xót xa, thương cảm cho Thầy Chí Thánh đang oằn mình vác Thập Tự đi đến chỗ hành quyết. Sự thê thảm của Chúa Giê-su lúc này đang thách thức niềm tin của họ, nhưng sức mạnh của tình yêu đã thúc dục họ theo sát Chúa đến cùng. Phần Chúa Giê-su, người lại như quên nỗi đau của mình mà xót xa cho số phận những phụ nữ tốt bụng này, vì chính họ là những bà mẹ sẽ phải chịu nỗi đau khủng khiếp hơn nhiều khi tai họa sẽ ập đến trên toàn thành Giê-ru-sa-lem, trên gia đình, con cháu của các bà.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Phá thai là tước bỏ niềm hy vọng được sống. Đằng sau mỗi thai nhi chưa sinh, có một linh hồn bất tử đang chờ đợi để được yêu thương và sống cuộc đời mà Thiên Chúa đã tiền định. Việc kết thúc sự sống của một sinh linh là không chỉ tước đi cơ hội sống, mà còn là sự phá hủy một phần của tình yêu và ơn gọi mà Thiên Chúa đã trao ban. Vậy mà trong thế giới hôm nay, khi sự sống vừa chớm nở, biết bao thai nhi đã bị tước bỏ quyền sống, quyền được làm người; do những người cha thiếu trách nhiệm, bởi bao người mẹ ích kỷ và vô tâm, cùng với sự thiếu lương tri của các y bác sĩ. Thêm vào đó, là sự đồng thuận bất nhân của thể chế xã hội. Xin Chúa ban ơn can đảm cho các bậc cha mẹ, cùng thức tỉnh những người hữu trách để họ biết trân trọng và nuôi dưỡng sự sống Chúa ban.
- Hát: Dân ta ơi (ĐK)
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 9
CHÚA GIÊ-SU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ 3
Cầu cho những người sa ngã và tội lỗi
Lời Chúa: Trích sách Thánh vịnh
Tấm thân này bị nhận xuống bùn đen, theo lời Người, xin cho con được sống. Con kể lể đường đời, Chúa đáp lại, xin dạy cho con biết thánh chỉ Người. Ðường lối huấn lệnh Người, xin cho con hiểu rõ, để con suy gẫm những kỳ công của Người. Con đã phải buồn sầu ứa lệ, như lời Người phán, xin đỡ con lên (Tv 119,25-28).
Suy niệm:
Trời mỗi lúc một đứng bóng, Chúa Giê-su gượng rán mình lên, thoi thóp trong từng hơi thở, tay chân run bắn và con tim nhói đau. Sức đã cùng lực đã kiệt! Thêm một lần nữa, Người lại té nhào xuống đất. Đây là lần ngã tồi tệ nhất trong ba lần. Ba lần ngã của Chúa Giê-su như một lời cảnh tỉnh cho con người về sự yếu hèn của phận người trước mãnh lực của ba thù: thế gian, ma quỷ và xác thịt. Trên con đường thương khó với lần té ngã này, Chúa bước cách vững hơn vào trong lịch sử nhân loại, để vực dậy và đồng hành trong mọi lúc với những ai ngã sa trên đường đời. Và Người cho chúng ta thấy rằng: Con đường Thập Giá không chỉ là con đường của sự đau đớn, mà là con đường của sự chiến thắng vĩ đại, nơi tình yêu mạnh mẽ hơn tất cả những gì kinh hoàng nhất, kể cả quyền lực tử thần đang rình rập nuốt chửng thân phận con người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Những cơn cám dỗ trong đời thường rất là tinh vi. Nó gây ra hậu quả khủng khiếp nhưng lại trá hình trong vỏ bọc của sự an toàn và hạnh phúc. Chính vì thế, một ngày chúng con ngã hơn ba lần. Có những lúc chúng con cố gắng trỗi dậy nhưng rồi lại ngã xuống và đánh mất luôn niềm hy vọng. Xin Chúa nâng dậy chúng con và những ai đã ngã sa bao phen trước cạm bẫy của quỷ ma, cho tất cả được ơn cam đảm để khóc than cho tội lỗi của mình, dám rũ bùn đứng dậy làm lại cuộc đời, đừng để mỗi người phải tuyệt vọng và từ bỏ ước mơ được cứu độ. Có Chúa thì chúng con còn hy vọng. Có Chúa thì chúng con sẽ chẳng ngại đứng lên, dẫu một ngày phải ngã xuống đứng lên nhiều lần.
- Hát: Con đường Chúa đã đi qua
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 10
QUÂN DỮ LỘT ÁO CHÚA GIÊ-SU
Cầu cho Giới Trẻ
Lời Chúa: Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio–an
Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được”. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn” (Ga 19,24).
Suy niệm:
Đấng thánh thiện vô cùng mang áo cẩm bào là muôn tinh tú nay lại trần trụi để người ta giễu cợt. Cho đến lúc này, chính tội lỗi đã phân mảnh và tước đoạt manh áo cuối cùng của Con Thiên Chúa làm người, ngang qua hành động lột áo của đám quân dữ. Cái giá của ơn cứu độ thật đắt đỏ: Chúa đã chịu cảnh trần truồng để phơi bày sự tàn phá khủng khiếp của tội lỗi, và chính trong khoảnh khắc ấy, Người phục hồi phẩm giá cho nhân loại. Chúa chịu nhục nhã trên đỉnh đồi cao, để ngày Phán xét, chúng ta không phải cúi mặt hổ thẹn trước triều thần Thiên quốc. Người đã đi trước chúng ta, chuẩn bị con đường cứu rỗi như thế, vậy chúng ta phải sống thế nào để không phải đứng trần trụi, không đánh mất chiếc áo choàng ân sủng trước Tòa Phán Xét? Làm sao để chúng ta không phải ghê tởm chính mình vì tội lỗi và sự hư hèn, mà được đứng vững trong ánh sáng và tình yêu của Thiên Chúa?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Người trẻ ngày nay đang đứng trước cơn khủng hoảng về các giá trị luân lý, đạo đức, và cơn khủng hoảng kinh khủng nhất là khủng hoảng Đức tin. Họ đắm mình vào cuộc sống thực dụng, phù phiếm, đua đòi, sống buông thả, sống dửng dưng vô cảm, thiếu nhân bản, thiếu đức hạnh và thiếu cả trách nhiệm. Biết bao bạn trẻ đã không ngần ngại “cởi bỏ” đi “chiếc áo tự do của người con” để choàng lên mình “manh áo của nô lệ tội lỗi”. Xin Chúa cho các bạn trẻ tìm thấy nơi gia đình, giáo xứ, môi trường học tập, môi trường làm việc sự nâng đỡ chắc chắn cho giá trị làm người của họ; để họ biết phát huy tiềm năng trong khối óc và con tim, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ Giáo Hội và xã hội. Xin Chúa cũng khơi lên trong các bạn khát vọng sống đời tận hiến, để cánh đồng truyền giáo có thêm nhiều thợ gặt cho mùa vụ bội thu.
- Hát: Hát Ngắm Đàng Thánh Giá (PK 10)
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 11
ĐÓNG ĐINH CHÚA GIÊ-SU VÀO THẬP GIÁ
Cầu cho những người sống đời Thánh hiến
Lời Chúa: Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan
Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê–su thì ở giữa. Ông Phi–la–tô cho viết một tấm bảng với tên gọi: “Giê-su Na–da–rét, vua dân Do Thái” (Ga 19,17-19).
Suy niệm:
Sau khi bị lột trần, bọn lý hình xô Chúa nằm ngửa trên thập giá và đóng đinh Người. Một Thiên Chúa toàn năng khiếm ma quỷ phải khuất phục, sóng gió phải lặng yên, người chết được sống lại, người què đi được, kẻ câm nói được, người mù được thấy, người bệnh được khỏi, giờ đây, lại trở nên như bất lực trước sự tàn ác của con người. Giữa đất trời lồng lộng, tiếng búa chát chúa vang lên từ phương trời này đến phương trời kia, dòng máu đỏ thắm từ các mũi đinh thấm sâu xuống các tầng đất, làm nên sức sống cho cây Thập giá trổ sinh quả phúc. Tiếng búa ấy vẫn đang vang lên và dòng máu cứu độ ấy vẫn tuôn chảy trong tâm hồn chúng ta ngay bây giờ và lúc này.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê–su! Chúng con xin dâng lên Chúa những người dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa trong sự khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục của đời tu. Xin đổ đầy ân sủng và bình an của Chúa xuống trên họ, để họ luôn cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong từng bước đi, từng lời cầu nguyện, từng hành động, và trở nên những chứng nhân đích thực của niềm hy vọng hằng sống. Xin Chúa cũng ban cho họ lòng quảng đại, để họ luôn sẵn lòng phục vụ và yêu thương những người nghèo đói, đau khổ, và những ai đang cần sự an ủi. Xin cho họ không ngừng lớn lên trong tình yêu, sự thánh thiện, và lòng kiên trung với Chúa, để qua họ, danh Chúa được tôn vinh và Nước Trời được mở rộng.
- Hát: Hát Ngắm Đàng Thánh Giá
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 12
CHÚA GIÊ-SU CHẾT TRÊN THẬP GIÁ
Cầu cho công cuộc Loan báo Tin mừng của Giáo Hội
Lời Chúa: Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
Bấy giờ đã gần đến giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời tối đi. Bức màn trướng trong đền thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”. Nói xong Người tắt thở (Lc 23,44-46).
Suy niệm:
Chén đắng nay đã uống cạn, Chúa Giê-su đang cố vét chút sức tàn để thốt lên: “Lạy Cha, Con phó linh hồn con trong tay Cha”. Tiếng ấy kêu lên là toàn thể trời đất chấn động, run rẩy, mặt trời như kinh hãi và lịm tắt ánh sáng, sự thầm lặng của vực thẳm mênh mông vô tận đang dần chế ngự thế gian, bởi Con Thiên Chúa đã trút Thần Khí và đi vào cõi chết. Chúa Giê-su đã hy sinh hạnh phúc, danh dự, máu huyết và chính sự sống của Người vì những thụ tạo vô ơn; và Người đã chết trong biển cả mênh mông giá lạnh của đớn đau cùng với những sự xúc phạm, để đền trả tội lỗi nhân loại! Chúa Giê-su đã trao lại linh hồn và toàn bộ công trình cứu độ mà chính Cha đã giao để nhận lại con cái loài người. Người bị thế gian từ khước, nhưng lại mở ra một con đường duy nhất để chúng ta trở về với Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Đã hơn 2000 năm trôi qua, vậy mà vẫn còn đó biết bao người chưa đón nhận đức tin, chưa một lần được nghe danh thánh Giê-su và chưa được hưởng nguồn sự sống cứu độ của Chúa nhờ cây Thập giá. Chúng con xin dâng lên Chúa công cuộc Loan Báo Tin mừng của Giáo Hội. Xin Chúa ban ơn thánh hóa, chúc lành và không ngừng canh tân bộ mặt của Giáo Hội, để khi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, Hội Thánh có sức cảm hóa họ bằng chính bản chất thánh thiện vẹn tuyền. Xin cho các nhà truyền giáo luôn biết sẵn sàng ôm lấy những mảnh đời bất hạnh, những tâm hồn nghèo nàn đức tin mà dẫn họ về đoàn tụ với một đoàn chiên duy nhất là Giáo Hội.
- Hát: Giờ tử nạn (PK 4)
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 13
THÁO XÁC ĐỨC CHÚA GIÊ-SU
Cầu cho những người đau khổ và tị nạn
Lời Chúa: Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
Sau đó, ông Giô–xếp người A–ri–ma–thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê–su xuống, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô–xếp đến hạ thi hài Người xuống (Ga 19, 38).
Suy niệm:
Giô-xếp là người theo Chúa cách kín đáo. Mặc dù chưa dứt khoát và can đảm, nhưng ông vẫn trung thành theo Chúa đến cùng. Cùng với Ni-cô-đê-mô, ông đã không sợ liên lụy, không bỏ rơi Chúa và Mẹ Người. Khi hạ xác Chúa, các ông đã chứng kiến một cảnh tượng thật thê lương. Họ quặn đau trước thảm cảnh của một người mẹ. Còn nỗi xót xa nào hơn cảnh tượng của người Mẹ chứng kiến Con mình chết tức tưởi trên Thánh Giá. Và làm sao người Mẹ ấy vẫn vững vàng dang rộng đôi tay yếu mềm của người phụ nữ để đón nhận tấm thân tả tơi, đẫm máu, cứng đờ, bất động và lạnh ngắt của Con mình khi được hạ xuống từ cây thập giá? Đây thực sự là giây phút mà lưỡi đòng oan nghiệt đã đâm thủng và xoáy sâu liên hồi trong trái tim Mẹ. Mẹ đã sát tế đời mình và lãnh nhận ngành là tử đạo dưới chân Thập tự bằng hai tiếng “Xin vâng” nhiệm mầu để chu toàn ý định ngàn đời của Thiên Chúa Cha.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Thế giới còn biết bao nhiêu người bị bỏ rơi, bị lãng quên. Họ không có tiếng nói, không được bảo vệ nhưng bơ vơ nơi gầm cầu góc chợ, ở các khu ổ chuột, trong các trại tập trung mà không mấy ai quan tâm. Xin Chúa soi sáng cho các nhà lãnh đạo trên thế giới có những chính sách nhân đạo phù hợp, cho mọi người biết rộng tay chia sẻ, để vực dậy và thay đổi cuộc đời của những phận người đáng thương này. Chúng con cũng xin Chúa ban cho những ai đang phải chịu nhiều đau khổ về tinh thần cũng như thể lý, biết can đảm đón nhận và vượt qua tất cả với trọn niềm tin yêu phó thác.
- Hát: Chiều Canvê (PK 3)
- Xướng: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lại và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ 14
TÁNG XÁC ĐỨC CHÚA GIÊ-SU
Cầu cho các tín hữu đã qua đời
Lời chúa: Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
Khi đã nhận thi hài, ông Giô–xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, mà đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp của mồ, rồi ra về (Mt 27,59-60).
Suy niệm:
Mọi sự đã hoàn tất, Vua sự sống dường như đã tử trận và bị chôn vùi trong bóng tối âm phủ tưởng chừng như mất hút trong thời gian biền biệt. Một tảng đá vô định khổng lồ che lấp cửa mồ, là dấu chỉ vương quốc tử thần, là nơi đăng quang của sự dữ. Trong thâm tâm của những người táng xác Chúa, họ nghĩ rằng: “Thế là hết!”. Sự lạnh lẽo của nấm mồ làm băng giá niềm hy vọng mà trái tim ủ ấp. Trong ngõ cụt của lương tri con người, có một sự chuyển động âm thầm xảy ra, tình yêu và sự trao hiến đang bừng nóng lên nơi Trái tim bị đâm thâu của Chúa Giê-su. Người hóa nên như “hạt lúa mì mục nát” mà Thiên Chúa đã vùi vào lòng người, để nảy lên mầm sống mới bất tử. Phục sinh sẽ không còn xa nữa! Ánh quang phục sinh sẽ khơi lên cho nhân loại niềm hy vọng về bình minh ló rạng sau đêm đen, về niềm vui sau những khổ đau và thất vọng. Mỗi chúng ta cũng sẽ được đón nhận ánh sáng của sự Phục sinh, khi chúng ta biết chôn đi những thói hư tật xấu, những đam mê thấp hèn đang phủ lấp cuộc đời, để tình yêu Chúa Phục sinh sẽ cứu chữa chúng ta thoát khỏi mọi sự dữ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã chịu chôn vùi trong lòng đất để ban nguồn sống Phục Sinh cho nhân loại. Giờ đây, chúng con xin dâng lên Chúa những người thân yêu của chúng con đã từ giã cõi đời này để về cùng Chúa. Xin thương đến những ai ra đi trong sự căm thù, tức giận, những người về với thế giới bên kia mà còn mang theo vết thương chưa được chữa lành, những người ra đi cách vội vàng chưa kịp ăn năn thống hối hay chưa kịp hoàn thành ước mơ của mình. Xin cũng thương đến những người đã đi trọn hành trình đức tin nhưng còn vướng mắc một vài lầm lỗi. Chúng con cậy vì hy lễ cứu chuộc của Chúa trên cây Thánh Giá và lễ vật hy sinh của dân thánh Chúa, mà thanh tẩy những vết nhơ tội lỗi để họ được sớm được thông phần vào sự sống Phục Sinh vĩnh cửu trên Thiên Quốc.
- Hát: Niềm vinh dự của ta (ĐK)
LỜI KẾT
Lời nguyện kết thúc (Cộng đoàn quỳ):
Lạy Chúa Giê-su chịu đau khổ và vinh thắng, Chúa đã chọn con đường Thập Giá để biểu lộ tình yêu cứu độ cho chúng con. Chúa đã dẫn chúng con dọc theo con đường “tự hủy” của Hạt Lúa Cứu Độ, từng chặng đường phải nát thêm mình ra, để sinh sôi cho đến vô cùng vô tận. Khi đi lại chặng đàng Thánh Giá của Chúa, mỗi người chúng con nhận ra mình là ai. Khuôn mặt của chúng con là ai, chỉ có mình Chúa và con thấu tỏ. Cũng chỉ có Chúa mới thấy rõ những sần sùi và yếu đuối trong chúng con. Đường Thánh Giá của Chúa đã hoàn tất với sự phục sinh khải hoàn, nhưng Đường Thánh Giá của chúng con vẫn còn tiếp diễn. Chúng con vẫn phải tiếp tục vác thập giá theo Chúa hằng ngày, vẫn còn phải chiến đấu với bản thân và với bản ngã yếu đuối của phận người. Xin in vào trái tim chúng con các tâm tình khổ đau vì tội lỗi và lòng hoán cải chân thành. Xin đừng để những dấu ấn thiêng liêng và những quyết tâm đổi mới trong giờ này tan biến trong hư không và sự vô ơn bạc nghĩa. Xin Chúa khắc ghi con đường Thập Giá của Chúa trong suy nghĩ, trong tinh thần và trong con tim của chúng con, để chúng con đón lấy Thập Giá đời mình trong tinh thần tự nguyện và tin yêu. Ngõ hầu con đường chúng con đi không còn phải là đường Thập Giá gồ ghề sỏi đá nhưng là con đường Thánh giá đầy niềm tin và hy vọng, dẫn chúng con về hưởng vinh quang với Chúa muôn đời.
Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin Mẹ đồng hành với chúng con, và hiện diện ở chặng cuối cùng của cuộc đời của chúng con, như xưa Mẹ đã kiên trung bước đi với Chúa Giê-su trong từng chặng đường: từ Bê-lem đến Núi Sọ, từ Dinh Tổng trấn đến dưới chân Thập Giá, và từ chân Thập Giá đến Ngôi mộ trống. Amen.
Đọc: 1 Kinh Lạy Cha – Kính mừng – Sáng Danh
Đọc kinh: “Tôi lạy Thánh Giá”
Phép lành (Nếu có Linh mục
Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh
Maria Fiat Diệu Huyền
Có thể bạn quan tâm
Đàng Thánh Giá Năm 2025: “Dấu chân hy vọng trên đường thương khó”
Th4
Đức Giáo Hoàng kêu gọi chúng ta bớt nhìn vào màn hình, và..
Th4
Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay Năm C: “Một Khởi Đầu Mới..
Th4
Giáo Xứ Tân Thành Khai Mạc Ngày Cao Điểm Tuần Chầu
Th4
Học Hỏi Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ..
Th4
Danh Sách Các Điểm Hành Hương Năm Thánh 2025 Tại Việt Nam
Th4
Doanh nhân Giáo phận tĩnh tâm và hành hương Năm Thánh
Th4
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức
Th4
Suy Niệm Đàng Thánh Giá 2025: “Thập Giá – Niềm Hy Vọng Của..
Th4
Ủy Ban Phụng Tự Lưu Ý Khi Cử Hành Nhiều Lần Nghi Thức..
Th4
Ý Cầu Nguyện Của Đức Giáo Hoàng – Tháng 4/2025
Th4
Lá Thư Mùa Chay (4): Sai Một Ly Đi Một Dặm
Th4
Tin Tổng Hợp Giáo Phận Hà Tĩnh Tháng 03/2025
Th4
Cáo Phó: Ông Cố Gioan Baotixita – Thân phụ của Nt. Têrêxa Cao..
Th4
Thánh Lễ Cao Điểm Tuần Chầu Lượt Giáo Xứ An Nhiên
Th4
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 13 (24/3 – 31/3/2025): Bác Ái..
Th4
Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm C: “Niềm Vui Của Người..
Th3
Đức Thánh Cha đau buồn trước động đất ở Myanmar, Thái Lan và..
Th3
Gia Đình Thánh Tâm Giáo Phận Tĩnh Huấn Tông Đồ Trong Dịp Hành..
Th3
“Đến Với Anh Em” – Chuyến Thăm Của Đức Cha Louis Nguyễn Anh..
Th3