Cha Michael Lapsley được trao giải Hòa bình năm 2022 của Quỹ Niwano

875 lượt xem

Cha Michael Lapsley thuộc Anh giáo, một nhà truyền giáo ở Nam Phi, đã được chọn cho Giải thưởng Hòa bình lần thứ 39 của Quỹ Niwano, được xem như một loại “giải thưởng Nobel tôn giáo”, vì “những nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc và các hình thức phân biệt đối xử xã hội khác, sự ủng hộ đối với phong trào giải phóng ở Nam Phi và các hoạt động xây dựng hòa bình của ngài.”

Cha Michael Lapsley

Giải thưởng Hòa bình Niwano tôn vinh và khuyến khích các cá nhân và tổ chức đã đóng góp đáng kể vào sự hợp tác giữa các tôn giáo, đẩy mạnh đóng góp cho hòa bình thế giới.

Trong một tuyên bố hôm thứ Hai 22/2/2022, Ủy ban trao giải viết rằng “Những nỗ lực xây dựng hòa bình đa tôn giáo và bất bạo động của Cha Lapsley và các hoạt động hàn gắn dựa trên công lý phục hồi, đối thoại và hòa giải đang tiếp tục đóng góp vào việc chữa lành cho người dân Nam Phi cũng như nhiều người khác trên toàn thế giới.”

Cha Lapsley sẽ nhận Giải thưởng trong buổi lễ trao giải tại Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 14/6 năm nay.

Cha đã được gặp Đức Thánh Cha vào tháng 6/2019 và đã trình bày với Đức Thánh Cha về kinh nghiệm cũng như hoạt động của cha trong việc hàn gắn và hoà giải.

Nhân chứng mạnh mẽ của việc hàn gắn và hòa giải

Trong nhận xét của mình, các thành viên của Ủy ban Giải thưởng Hòa bình Niwano, hiện bao gồm chín nhà lãnh đạo tôn giáo từ nhiều nơi trên thế giới, mô tả Cha Lapsley là một nhân chứng mạnh mẽ của việc hàn gắn và hòa giải: “Cha bị mất cả hai tay và một mắt. Cha không trở nên cay đắng. Thay vào đó, cha không chỉ tiếp tục cuộc đấu tranh của mình mà còn hoạt động để hàn gắn và hòa giải. Công việc của cha tập trung vào việc hàn gắn tất cả các loại chia rẽ. Cha nhìn thấy sự bất công và đã chiến đấu với nó. Cha đã nhìn thấy tổn thương và đã nỗ lực để chữa lành nó”.

Đấu tranh chống phân biệt chủng tộc

Sinh năm 1949 tại New Zealand, trở thành linh mục Anh giáo năm 1973, cha Lapsley đã được gửi đến Durban ở Nam Phi làm tuyên úy trường đại học, và tại đây cha đã bắt đầu chiến đấu chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Bị trục xuất khỏi đất nước năm 1976, cha định cư ở Lesotho. Tại đây, cha tiếp tục đấu tranh cho quyền của người da đen ở Nam Phi. Năm 1990, khi còn sống lưu vong ở Zimbabwe, vụ nổ lá thư được gửi cho cha khiến cha mất hai tay và chỉ còn một mắt.

Hồng Thủy

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận