CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ THÁNH GIUSE 19.3
GIUSE, CON NGƯỜI CỦA NIỀM TIN - ĐGM Giuse Vũ Duy Thống
THÁNH GIUSE LÀ NGƯỜI CHỒNG, NGƯỜI CHA MẪU MỰC – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
THÁNH GIUSE, CON NGƯỜI HIỆP HÀNH – Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương
THÁNH GIUSE – MẪU GƯƠNG CHO CÁC NGƯỜI CHA – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
THÁNH GIUSE – CON NGƯỜI MẠNH MẼ VỚI TRÁI TIM YÊU NỒNG NÀN – Lm. Giuse Lê Danh Tường
BÀI GIẢNG LỄ THÁNH GIUSE 19-3 – Lm. Phêrô Mai Quốc Anh sss
——————————————————————————————–
1. GIUSE, CON NGƯỜI CỦA NIỀM TIN - ĐGM Giuse Vũ Duy Thống
Trong Phúc Âm, Thánh Giuse được giới thiệu là “người công chính” gắn liền với đời sống âm thầm. Không một lời nào của ngài được ghi nhận. Nhưng giữa những biến cố bên cạnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thánh Giuse lại xuất hiện trong một diện mạo khác, vừa năng động mau mắn vừa xác quyết tin yêu. Nếu đức tin là một sự lên đường liên tục thì thông qua những đáp ứng lên đường mau mắn của Giuse trong những lần được mộng báo, ta có thể gọi ngài là “con người của niềm tin”.
Lên đường ra khỏi ý riêng để tìm theo thánh ý
Cũng như bao người ngoan đạo thời bấy giờ, thánh Giuse thể hiện niềm tin tôn giáo qua việc tuân hành lề luật được ban hành dưới thời Môsê. Luật là kim chỉ nam đời sống, luật cao trọng hơn cả bạc vàng, luật quý giá hơn những lời tinh hoa, luật nên như ánh sáng soi đường công chính. Sự công chính của một người được đánh giá xếp hạng tuỳ vào sự tuân giữ lề luật này. Luật lệ với những quy định rạch ròi, càng tuân thủ khít khao bao nhiêu, càng được đánh giá ở mức độ cao trên đàng công chính bấy nhiêu. Nhưng bước vào chương trình của Thiên Chúa, Giuse được mời gọi phải lên đường ra khỏi ý riêng vốn được luật lệ khuôn định để đến với thánh ý Chúa, đón nhận và tuân hành.
Giấc mộng báo thứ nhất đã nói lên tất cả. Nếu theo luật lệ, Giuse vốn là người công chính, chẳng những không được đón Maria đang mang thai lạ về nhà, mà còn phải nhân danh sự công chính để tố giác Maria trước cộng đồng nữa. Nhưng theo thánh ý thể hiện qua lời sứ thần trong mộng báo, Giuse đã đón nhận Maria trọn vẹn trong tình yêu, để trở nên công chính bằng cách ra khỏi lựa chọn theo tiêu chuẩn của thói quen luật lệ mà gắn bó với lời gọi đầy mạo hiểm của Thiên Chúa. Ý Chúa thật đáng ngại, làm đảo lộn tất cả khuôn sáo ngày trước để mở ra nẻo lối yêu thương. Giuse đã sẵn lòng từ bỏ sự công chính theo tiêu chuẩn của luật lệ để bước theo sự công chính theo chuẩn mực của tình yêu. Chính đây là việc lên đường đầu tiên của niềm tin.
Lên đường ra khỏi sự yên ả để lao đầu vào sóng gió
Đón nhận Maria về chung sống, tưởng rằng từ nay đời có Chúa êm trôi êm trôi, Chúa dắt dìu đi không ngơi không ngơi, nào ngờ tình yêu tuyệt vời chưa kịp thấy, Giuse đã gặp đường đi đơn côi và vất vả chừng như gia tăng gấp bội. Nào là phải lên đường trở về nguyên quán Belem đăng ký hộ khẩu khi Maria đang ở những ngày cuối thai kỳ, nào là phải gạt lệ chịu để Chúa Giêsu được sinh ra trong hang đá nơi trú ẩn của bò lừa, và đỉnh cao là giấc mộng báo thứ hai: “Hãy đem trẻ Giêsu và mẹ Người trốn sang Ai Cập”. Quả là trách nhiệm một thân với đôi vai gánh gồng. Niềm tin là như thế đó, không phải là chọn lấy cuộc sống yên ả êm đềm, mà ngược lại luôn bị đẩy đưa ra giữa biển khơi sóng gió để chèo chống mà lớn lên trong lòng tin cậy mến.
Tin chính là một gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa để sống gắn bó bền lòng bất kể những thử luyện để mà lớn lên, những khổ đau để mà minh chứng, những cùng cực để mà thêm tín thác cậy trông. Thánh Giuse đã trải qua những biến cố thăng trầm ấy để trở nên tượng đài của lòng tin kiên cường. “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà đi theo”. Chúa Giêsu đã ra tiêu chuẩn như vậy. Kitô hữu, thuộc về Chúa Kitô và cũng bước đi theo Người, theo gương thánh Giuse và trong tinh thần Mùa Chay giữa lòng Năm Đức Tin, ta cũng sẵn sàng đón nhận thập giá bổn phận của bậc sống để vác lấy hằng ngày qua việc to việc nhỏ, được nhiều người biết đến hay chỉ trong âm thầm, mà bước đi theo Chúa bền bỉ trong cuộc đời mình.
Lên đường ra khỏi vòng hạn hẹp để sống chan hoà
Nếu giấc mộng thứ ba báo tin bạo chúa Hêrôđê băng hà là tin buồn cho người thuộc phe cánh ông thì lại là tin vui cho gia đình thánh: chấm dứt nỗi lo canh cánh bao ngày canh giữ và bảo toàn sinh mạng cho Đấng Cứu Thế, đồng thời cũng chấm dứt cảnh tha hương trốn chạy. Giấc mộng hồi hương tưởng xa biền biệt giờ đây đã đến. Quê hương vấn vương ngày nào giờ đây đã thân thương tỏ hiện. Nhưng trong chính cảm xúc rất đỗi tự nhiên ấy, thánh Giuse lại được thúc đẩy để không xuôi về Giuđêa miền nam mà ngược lên sinh sống tại Galilêa miền bắc để Chúa Giêsu sau này được người ta nhìn nhận như người Nazarét. Quả là tình tiết nhiệm mầu. Nếu Giuse trở lại miền nam co cụm bên ít gia đình quen biết kẻ mất người còn thì có lẽ mối quan hệ sẽ không tránh khỏi bị hạn chế, đàng này ngài đi xa hơn, mạo hiểm hơn, nhưng cũng đầy tính tiên liệu để trẻ Giêsu sau này lớn lên sẽ có môi trường rộng rãi hơn để thi thố ơn gọi đời mình. Đây không chỉ là việc tính toán mang mầu xã hội mà còn là thể hiện một sứ mạng tôn giáo. Niềm tin không dừng lại trong vòng tròn hạn hẹp địa lý tình thân sở thích, nhưng nhất thiết phải mở ra cho hết mọi người trong sự chan hoà lan toả.
Đành rằng tin là gặp gỡ gắn bó với Chúa, nhưng tin cũng lại là cánh cửa mở ra cho tình hiệp thông liên đới với mọi người đồng thời, cả về mặt Giáo Hội cũng như xã hội. Quả như một định luật dễ thương: ai càng gắn bó với Chúa, lại càng nhanh chóng được Chúa gửi đến với anh chị em chung quanh, để dấn thân lên đường phục vụ.
Tóm lại, chia sẻ về thánh Giuse như “con người của lòng tin” biết lên đường ra khỏi ý mình để tuân hành ý Chúa, ra khỏi sự yên ổn để dấn bước xông pha và ra khỏi vòng cục bộ để sống chan hoà, mong rằng đã trao đến cộng đoàn một chân dung khác của thánh Giuse, đầy nhiệt huyết, nhiều năng động và giầu tính Tin Mừng. Xin cho chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin gặp được nơi thánh Giuse hình mẫu sống động để vững bước theo Chúa giữa cuộc sống hôm nay, vốn đầy dẫy thử thách cám dỗ khó khăn của nếp sống cá nhân, gia đình, xóm đạo, giáo xứ, giáo phận. Nếu thánh Giuse đã vượt lên tất cả để khẳng định niềm tin, xin nhờ lời chuyển cầu của Ngài, cho mọi tín hữu hôm nay không chỉ bằng lòng tuyên xưng mà còn nỗ lực làm chứng cho đức tin nữa.
Mùa Chay cũng là mùa hồng ân, mùa cứu rỗi, mùa tìm về với tình thương của Thiên Chúa, xin cho gia đình giáo phận chúng ta theo gương thánh Giuse biết tìm hiểu và quyết tuân theo thánh ý, dẫu biết rằng sống theo thánh ý cũng chính là phải bước đi trên đường thánh giá, bởi lẽ ý Chúa thường ngược lại với ý riêng con người.
Chúc mừng những người mang bổn mạng Giuse và xin nhờ lời chuyển cầu của Ngài cho mọi người biết sống niềm tin mật thiết đầy đủ hơn và tươi tắn hạnh phúc hơn, đồng thời cũng biết chan hoà cưu mang những người khác, cách riêng những anh chị em cùng khốn chung quanh mình trong sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh. “Hôm nay ngày lễ quan thầy, Giuse thánh Cả tràn đầy ơn thiêng. Dâng câu hát, ngọt lời kinh, Khang an hạnh phúc, nguyện xin chúc mừng”.
Nguồn: gpcantho.com
2. THÁNH GIUSE LÀ NGƯỜI CHỒNG, NGƯỜI CHA MẪU MỰC – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Ngày 19 tháng 3, Hội Thánh hoàn vũ hân hoan mừng kính Thánh Giuse, bạn trăm năm của Ðức Trinh Nữ Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, vị quan thầy khả kính của mình cách trọng thể. Truyền thống bình dân Kitô giáo dành trọn tháng Ba cho thánh Giuse người của Thiên Chúa và đem lòng sùng kính ngài cách đặc biệt.
Trong chương trình của Thiên Chúa tình thương, thánh Giuse đã được mời gọi trở nên người cha trên trần gian của Ngôi Lời Nhập Thể, (nơi ngài) được phản chiếu một cách đặc biệt tình phụ tử của Thiên Chúa. Nên khi chúng ta tôn kính thánh nhân là chúng ta ca khen chúc tụng Thiên Chúa : “Trong ngày lễ kính thánh Giuse chúng con cùng tung hô, chúc tụng và ca ngợi Cha” (Kinh Tiền Tụng Thánh Giuse). Đây là điều đẹp lòng Thiên Chúa, lời nguyện khác có đoạn ” Vào lúc bình minh của thời đại mới, Chúa đã trao cho thánh Giuse bảo vệ các Mầu Nhiệm Cứu Độ, xin cho Hội Thánh Chúa luôn luôn nhớ lời cầu bầu của thánh nhân …”. Chính Đức Giáo hoàng Piô IX đã công bố sắc lệnh Quemadmodum Deus (08.12.1870), nhận thánh Giuse làm quan thầy cả Hội Thánh, hàng năm dành riêng hai lễ kính ngài vào ngày 19 tháng 3 và mùng 01 tháng 5.
Bạn đời của Đức Nữ Trinh
Tin Mừng ghi lại : ” Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kính đáo” (Mt 1, 19). Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của thánh Giuse, một vị hôn phu không những là người đã giữ đức công bình mà còn trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng, người chủ gia đình.
Lần giở lại những trang Tin Mừng có liên quan đến Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay tính cao thượng trượng phu của ngài. Khi hay tin Mẹ Maria mang thai, Thánh Giuse không bối rối cũng không ẩn trốn. Nhưng ngài chỉ mới toan tính bỏ Bà Maria cách kín đáo. Tuy nhiên, ngài không thực hiện ý định đó. Bởi sau khi được sứ thần Thiên Chúa đến mặc khải cho ngài qua giấc mộng: “Mẹ Maria mang thai là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20), ngài đã không còn “bán tín bán nghi” nữa. Trái lại, tín thác hoàn toàn vào lời của sứ thần, sẵn sàng đón Đức Maria về nhà làm bạn mình và phục vụ với lòng kính trọng, mến yêu.
Những biến cố xảy ra trong cuộc đời Thánh Giuse như: Mầu Nhiệm Nhập thể, cuộc trốn chạy sang Ai Cập trước ý định tìm giết Chúa Giêsu của vua Hêrôđê, việc lạc mất Chúa Giêsu, cũng như những tháng năm sống đời ẩn dật tại Nazaret, Giuse, bậc trượng phu đã đứng mũi chịu sào trong mọi tình huốn : cùng bạn mình “đem Hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa” (Lc 2, 22) ; “đem Hài nhi và mẹ Ngài ban đêm mà trốn qua Ai Cập” (Mt 2,14 ) ; “đem Hài Nhi và Mẹ Ngài mà về đất Israel” (Mt 2, 20 ) ; cùng với bạn đời sống âm thầm nơi thôn làng Nazaret, hàng năm cùng với Đức Maria đưa Chúa Giêsu lên Đền thờ chầu lễ (x. Lc 2, 41- 43). Ngài thật là vị hôn phu của Ðức Maria.
Như thế, từ khi kết hôn với Mẹ Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại Ðền thờ Giêrusalem, ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria Hiền thê của ngài trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ; trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại Ðền Thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nazaret, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu.
Thánh Giuse đã sống ơn gọi làm chồng của Đức Maria trong thinh lặng, kiên trì và trung tín hoàn toàn, cả khi ngài không hiểu. Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân trở thành người chồng mẫu mực của Đức Maria và người cha tận tụy đối với Chúa Giêsu, như thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Ðức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Ðức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Trích Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).
Cha nuôi Hài Đồng Giêsu
Thánh Giuse là vị hôn phu của Ðức Maria, Đấng đã cưu mang Chúa Giêsu, mà vẫn còn đồng trinh, do bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhưng con trẻ Giêsu cũng là con của thánh Giuse, vị hôn phu hợp pháp của Mẹ Maria. Vì thế, trong Tin Mừng, cả hai đều được gọi là song thân của Chúa Giêsu (Lc 2, 27.41).
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Mẹ Người mà thánh Luca mô tả : Đức Maria nói “Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con! ” Nhưng Ngài đáp lại: ” Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở lại nơi nhà Cha con sao? ” (Lc 2 , 48 – 49 ). Những lời của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được thiên chức ” làm cha ” của thánh Giuse. Khi gợi lên cho cha mẹ trần gian về việc của Đấng mà Ngài gọi là “Cha con”, Chúa Giêsu tiết lộ sự thật về vai trò của Đức Maria và Thánh Giuse. Thánh Giuse thực sự là “chồng” của Đức Maria và là “cha” của Chúa Giêsu, như Đức Maria nói: “Cha con và mẹ phải đau khổ tìm con”. Nhưng thánh Giuse là chồng và là cha theo ý Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa mời gọi Giuse cống hiến đời mình phục vụ người Con duy nhất của Chúa Cha và Đức Trinh Nữ Maria. Thánh nhân đã đảm nhận thánh ý Chúa với lòng trung thành và ngưỡng mộ.
Gưỡng mẫu cho người trưởng gia
Trong buổi Yết Kiến Chung (28/1/2015), Đức Thánh Cha Phanxicô đã than phiền : “Thật buồn là trong các xã hội hiện nay của chúng ta, chúng ta đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng nơi cương vị làm cha”. Trong quá khứ, thông lệ phổ biến là nhận thức về hình ảnh của người cha như là một người độc tài và đôi khi hà khắc; còn ngày nay, chúng ta có cảm tưởng về một sự không chắc chắn và lẫn lộn nơi vai trò của người cha.” Đức Thánh Cha cho biết: “Thiếu vắng hình bóng người cha, người trẻ thường cảm thấy ‘mồ côi’, bị bỏ trôi dạt lênh đênh vào thời điểm then chốt trong sự trưởng thành và phát triển của chúng.” Ngài kêu gọi những người làm cha phải có trách nhiệm, và cho rằng những bậc làm cha cần thiết phải nên như những mẫu gương và những người hướng dẫn cho con cái của chúng ta trong sự khôn ngoan và đạo đức.
Thật vậy, với bao trách nhiệm gia đình phải gánh vác, nhiều người không biết làm ông, làm bố thế nào cho phải cho nên. Xem ra họ phải chấp nhận mọi hy sinh vì điều thiện hảo cho gia đình của họ. Họ mong ước được người vợ và con cái chia sẻ tình thương để bù lại cho những mệt nhọc phải chịu. Thì thánh Giuse là mẫu gương sống động cho chính họ học đòi bắt chước, trong vai trò làm chồng cách quảng đại, làm cha gương mẫu và làm chủ gia đình cách tận tụy sáng suốt.
Kính xin Thánh Giuse từ trời cao phù hộ cho tất cả các người cha và bảo vệ những người làm cha trong gia đình. Ước chi mỗi người trong họ có thể phản chiếu tình thương dự phòng và trung tín của Thiên Chúa trong khi thi hành những trách nhiệm là chồng, làm cha và làm chủ gia đình.
Nguyện xin Thánh Giuse và Mẹ Maria rất thánh, Nữ Vương các gia đình và là Mẹ của Giáo Hội, (nguyện xin hai Ðấng) cầu cùng Chúa cho chúng con được hồng ân chúng con xin. Amen.
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
3. THÁNH GIUSE, CON NGƯỜI HIỆP HÀNH – Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương
Chúng ta đang cùng nhau hướng tới một Giáo hội Hiệp Hành của Thượng Hội Đồng Thế Giới 2023. Mừng kính trọng thể lễ Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria (19/3) hôm nay, chúng ta thử cùng nhau suy niệm về Thánh Giuse, con người hiệp hành. Tại sao Thánh Giuse được gọi là con người hiệp hành? Hiệp hành của Thánh nhân ở những đức tính nào? Thánh nhân có rất nhiều đức tính đáng để chúng ta suy niệm và noi gương bắt chước. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài chia sẻ này, chúng ta không thể liệt kê hết các đức tính của Thánh nhân, chúng ta chỉ nêu lên 3 đức tính sau đây để cùng nhau suy niệm: công chính, vâng lời và khiêm tốn.
Thiên Chúa là Đấng hiệp hành
Xuất phát từ tình yêu nhưng không, Thiên Chúa đã sáng tạo nên muôn loài muôn vật để vũ trụ này được tham dự vào tình yêu vi diệu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì yêu nên Thiên Chúa tìm mọi cách để làm sao con người được cứu độ dẫu con người bất tuân, phản bội. Vì yêu nên Thiên Chúa muốn trở nên Đấng Hiệp Hành với con người ngang qua công trình cứu chuộc là cho Con Một của Ngài nhập thể nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Nếu trong Cựu ước Thiên Chúa hằng đồng hành và giải thoát Dân Người khỏi những đại họa, như “400 năm nô lệ bên Ai Cập hoặc 70 năm lưu đày tại Babylon”, thì khi đến thời Tân ước, Con Thiên Chúa đã đến trần gian và hiệp hành với Dân Người. Chính Đức Giêsu đã “đi trên cùng một con đường với nhân loại, nói tiếng nói của con người, mang lấy những yếu đuối khổ đau như con người, thậm chí chết đau thương hơn cả con người.” (trích lời của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng). Muốn hiệp hành với con người, Thiên Chúa không thể chỉ phán bằng lời nhưng bằng cách làm người giống con người mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Thiên Chúa làm người thật bằng việc chọn cung lòng của một con người cụ thể và bằng người thật để được sinh ra. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Maria đã được chọn gọi giữa muôn ngàn phụ nữ để làm Mẹ Thiên Chúa, làm mẹ của Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa. Cũng để xác nhận quyền làm con trong gia đình khi Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, không chỉ chọn Maria làm Mẹ mà Thiên Chúa cũng phải chọn gọi Thánh Giuse làm cha nuôi con của Người. Trước khi là cha nuôi Con Đức Chúa Trời, Giuse đã đỉnh hôn với Đức Maria. Giuse là người công chính và đã chấp nhận ý định cao vời khôn ví của Thiên Chúa để kế hoạch cứu độ loài người được thực hiện.
Thánh Giuse, con người hiệp hành
Theo Tin mừng kể lại rằng Giuse là người công chính. Người công chính là người dám can đảm bỏ ý định của riêng mình để ý Thiên Chúa được thực hiện. Thiên Chúa muốn hiệp hành với con người nhờ sự can thiệp của Thánh Giuse. Ý định của Thiên Chúa khác với ý muốn của con người. Giuse đang sống yên ổn và có nhiều dự định cho tương lai và bạn đời của mình là Đức Maria. Thế nhưng, mọi sự không như mong muốn, Giuse đã được truyền tin là phải đón Maria về làm vợ và phải đặt tên con trẻ là Giêsu trong khi cái thai đó không là kết quả của mình mà là do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. (x.Mt 1, 18-19). Đau khổ và thử thách. Chọn lựa hoặc huỷ bỏ? Nhưng vì là người công chính, là người hiệp hành, Giuse đã sẵn sàng gặp gỡ và lắng nghe rồi phân định để đi đúng chương trình của Thiên Chúa ngang qua lệnh truyền sứ thần. Quả thật, Thánh Giuse đã điều chỉnh ý muốn mình theo ý muốn của Thiên Chúa, đường lối của mình theo đường lối của Thiên Chúa. Thánh nhân đã quy hướng toàn bộ con người và cuộc đời theo thánh ý Thiên Chúa. Ngài đã khước từ ý riêng để sống hiệp hành với Thiên Chúa và hiệp hành với Đức Maria và Chúa Giê-su.
Từ khi đáp lời xin vâng theo lệnh của Thiên Chúa là đón Bà Maria về nhà, Thánh Giuse đã gặp không biết bao nhiêu sóng gió. Sóng gió đầu tiên là cùng Đức Maria tìm kiếm nhà trọ để sinh con nhưng không ai đón nhận, cuối cùng phải mượn chuồng bò để Hài Nhi được chào đời. (x. Lc 2, 7). Sóng gió thứ nhì là phải đem Hài Nhi và Mẹ Maria chạy trốn sang Ai cập vì sự bắt bớ của Vua Hê-rô-đê.(x.Mt 2, 13-14). Sóng gió thứ ba là đón Hài Nhi và Mẹ Maria trở lại Nazzaret theo lệnh của sứ thần. (x.Mt 2,21). Một cuộc chạy đi chạy lại của Gia đình Thánh Gia thật vất vả và gian nan nhưng không vô vọng và kêu ca của người Gia trưởng. Vì sao Thánh Giuse lại làm được những chuyện như vậy? Xin thưa vì Giuse là người công chính, là người khiêm tốn và vâng lời Thiên Chúa một cách triệt đế; một sự phó thác hoàn toàn vào chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa hơn là ý riêng của con người. Giuse đã không cậy vào sức lực yếu đuối của con người, nhưng sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa với sức mạnh của Chúa. Vì thế, chúng ta nhận thấy mọi việc Thánh Giuse, với vai trò là người chồng và là người cha nuôi, đều luôn tốt đẹp và thánh thiện theo thánh ý Thiên Chúa.
Thánh Giuse hiệp hành với Giáo Hội
Mặt khác, Giuse không chỉ là người hiệp hành với Thiên Chúa, với gia đình Thánh Gia mà còn là người hiệp hành của Giáo Hội nói chung, của Giáo Hội Việt Nam và mọi người nói riêng. Ngài đã hiệp thông với Chúa cách trọn vẹn ngang qua cuộc đời của ngài với Mẹ Maria và Hài Nhi Giê-su. Ngài đã sẵn sàng hy sinh tất cả và thầm lặng để phục vụ Mẹ Maria và Hài Nhi Giê-su. Giuse là Đấng Bảo trợ và gìn giữ Đức Nữ Đồng Trinh cũng như Đấng Cứu Thế. Giáo Hội Hiền Thê của Đức Giê-su cũng sẽ được bảo trợ bởi Thánh Giuse mỗi ngày. Ngày xưa nhờ Thánh Giuse bảo trợ mà Gia đình Thánh Gia luôn được an toàn và thoát khỏi mọi hiểm nguy của kẻ thù. Ngày nay, Thánh Giuse cũng sẵn sàng nâng đỡ và chở che Giáo Hội Chúa thoát khỏi mọi cơn sóng gió của thời cuộc nếu chúng ta biết chạy đến với Thánh nhân. Chúng ta tin rằng Thánh Giuse luôn hiệp hành với chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách.
Hơn nữa, hiện tại Giáo hội Việt Nam đang phải đối diện với nhiều ‘luồng gió lạ’ đang mọc lên rầm rộ nhằm lôi kéo nhiều cá nhân và tập thể, những người yếu kém đức tin chạy theo nó. Cụ thể như: ‘sứ điệp từ trời’; ‘giáo phái Đức Chúa Trời Mẹ’; ‘Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc’; ‘Linh mục giả, nữ tu giả’; và một số lối sống buông thả khác đang dần dần lây lan nhiều nơi nhiều vùng miền trong toàn thể Giáo Hội Việt Nam chúng ta. Đây có thể là những ‘ung nhọt đang mưng mủ’ làm đau thương và tê tái Giáo hội của Chúa. Đau lòng hơn nữa, có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và một số tín hữu đã bị cám dỗ và bị lôi kéo để lập ra những nhóm, những hội riêng hầu chống báng, lên án, hiềm khích Giáo Hội bất chấp mọi kỷ luật của Đấng bản quyền trong Giáo Hội. Đứng trước những sóng gió lạ và nguy hiểm này, con thuyền Giáo hội không thể không bị ảnh hưởng và chồng chềnh. Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và sự bảo trợ đắc lực của Thánh Giuse, Bổn Mạng của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta cố gắng sống hiệp thông với Chúa cách trung thành và kiên vững cũng như nỗ lực hiệp thông với nhau và mau chạy đến với Thánh Giuse để đủ sức mạnh chiến thắng mọi cơn cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt.
Nguồn: dcvphanxicoxavie.com
——————————————————————–
4. THÁNH GIUSE – MẪU GƯƠNG CHO CÁC NGƯỜI CHA – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Ngày 19 tháng 3, toàn thể Hội Thánh hân hoan mừng kính thánh Giuse, bạn trăm năm của Ðức Trinh Nữ Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, vị quan thầy khả kính dễ mến, dễ thương, là gương tốt lành cho các bậc làm cha làm chủ trong gia đình.
Trong khung cảnh của Mùa Chay Thánh, nổi bật lên khuôn mặt của Thánh Giuse – vị thánh vĩ đại được Giáo hội đề cao như là mẫu gương cho người thế noi gương, bắt chước, học đòi. Ngài là mẫu mực sáng láng về cách ăn nết ở trong nhà, là vị gia trưởng thánh thiện, vâng phục, khiêm cung trong gia đình Nagiarét.
Tin mừng gọi thánh Giuse là người công chính. Công chính trước hết có nghĩa là tuân giữ luật Chúa (Rm 4,2; Gl 3,6). Công chính còn được hiểu là nhân hậu, và trắc ẩn (St 12,19; Tv 37,21; Tv 112,4). Đức công chính của thánh Giuse xem ra nổi bật hơn cả. Chẳng thế, Giuse đính hôn với Maria như bao thanh nam nữ tú thời bấy giờ. Theo phong tục Do thái, khi hai người nam nữ đính hôn, trước luật pháp đã thành vợ chồng, nhưng chưa chung sống; một năm sau đính hôn, chồng rước vợ về sống chung. Thời gian đính hôn, muốn bỏ nhau phải ra toà xin ly dị. Nếu vợ ngoại tình, phải bị xử ném đá theo luật.
Thế mà Maria đã có thai trước khi về chung sống. Giuse thật khó xử. Tin mừng viết: “Giuse, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Vì công chính, Giuse không tố cáo Maria, hay làm nhục người mà ông thương mến yêu; ông không muốn Maria bị xử phạt theo luật, nên quyết định âm thầm ra đi. Vì công chính, nên Giuse hành động theo ý Chúa, sau lời giải thích của Thiên thần, Giuse tín thác hoàn toàn, sẵn sàng đón Đức Maria về nhà làm bạn mình và phục vụ với lòng kính trọng, mến yêu.
Vốn là người vâng nghe ý Chúa, Giuse đã sống ơn gọi làm chồng cách trung thành. Vì thế, thánh nhân trở nên người chồng mẫu mực của Đức Maria và người cha tận tụy đối với Chúa Giêsu, như Chân phước Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Ðức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Ðức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Trích Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).
Nếu như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, gia đình nhân loại hôm nay cần đến lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa biết bao. Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, các gia đình hôm nay đang rất cần có những người chồng, người cha công chính và có lòng bác ái như thánh cả Giuse.
“Hãy cứu lấy các gia đình hỡi những người cha” là lời kêu gọi của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđitô, ngài tiếp: “Các gia trưởng sẽ bớt bài bạc, bớt những chén rượu, bớt đi những cuộc vui vô bổ, để làm gương sáng cho con cái về lòng tin; để con cái siêng năng cầu nguyện và đến với Chúa khi nhìn vào cha mẹ của mình...”. Thánh Giuse đã làm điều đó, đem Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, dẫn về thành Nagiaréth vui sống bình an.
“Tình yêu là sứ mạng của chúng ta” là chủ đề của ĐHGĐTG tại Philadelphia năm 2015. Tình yêu là cốt lõi làm nên ý nghĩa cho đời sống gia đình. Nếu Thiên Chúa không yêu thương thì không tạo dựng gia đình, không có mầu nhiệm nhập thể, và không có chết trên Thánh giá. Cũng vậy, không có tình yêu, chẳng ai dại gì mà kết hôn với nhau cho nó nặng nề. Có tình yêu, người ta mới sống với nhau trong tình nghĩa vợ chồng, hy sinh, quên mình để sống cho người khác. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Thiên Chúa gieo mầm tình yêu đó nơi mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đến để trao cho chúng ta sống và biểu lộ tình yêu ấy cho đồng loại.
Yêu là luôn nghĩ tốt, nỗ lực làm tốt, nói tốt, muốn điều tốt nhất cho người mình yêu. Tình yêu là sứ mạng, thì các gia đình Công Giáo phải thay đổi cách nhìn về gia đình, vì hôm nay ly dị quá nhiều, gia đình bị tan nát, gia đình hai người nam, hoặc nữ kết hôn với nhau. Một bức tranh tăm tối, ảm đạm phủ trên gia đình. Giáo hội phải có sứ mạng tình yêu đó, nhóm lên một ngọn lửa nhỏ để gieo niềm và hy vọng trong đời sống gia đình.
Thánh Giuse là người biết nhìn lên, luôn cố gắng đáp lại kế hoạch của Thiên Chúa. Thánh Giuse cũng là người biết nhìn xuống Đức Maria và Chúa Giêsu, đồng thời cố gắng giải thích những hành động của họ cách thiện ý nhất. Nhìn thánh Giuse bồng Chúa Giêsu trên tay, hai cha con nhìn nhau làm chúng ta nhớ tới anh Đinh Văn Manh cõng vợ là Lương Thị Hà “đi khắp thế gian” (phát sóng ngày 9/5 trên VTV3, Đài truyền hình Việt Nam). Hay là ông Lê Xuân Hồng cõng con là Lê Xuân Bách (xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) suốt 20 năm trời đến trường, theo đuổi giấc mơ đỗ Đại học phát sóng trong chương trình Điều ước thứ 7 ngày 24/10 thật là cảm động. Sau những thành công mà hai cha con vất vả đạt được luôn có hình bóng người mẹ động viên, an ủi. 3 con người, ba trái tim giàu tình yêu thương, họ sống bên nhau, nương tựa vào nhau trong khó khăn, hoạn nạn nhưng lại chưa bao giờ kể cho nhau nghe những tâm tình từ đáy lòng. Chưa hết, ngày con nhập trường cũng là ngày ông cùng con lên trường xin làm bảo vệ để tiếp tục cõng con. Người vợ nói rằng, ông Hồng là người đàn ông tuyệt nhất thế gian.
Vợ chồng, hay bố mẹ cõng nhau xem ra ruột thịt, nhưng Báo Dân Trí có đăng em Nguyễn Văn Phong cõng bạn là Lê Xuân Tú (cùng sinh năm 1998, chung lớp 11C5) đến trường suốt 5 năm trời vì thương bạn quá. Tình bạn không vơi, Tốt nghiệp THCS, Tú và Phong lại may mắn thi đậu vào trường THPT Nguyễn Đức Mậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) và được xếp vào học cùng một lớp.
Đó không phải là thực hành sứ mạng tình yêu và lòng bác ái trong gia đình noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse như Chúa dạy đó hay sao.
Kính xin thánh Giuse từ trời cao trợ giúp các gia đình chúng ta, đặc biệt là những người cha. Amen.
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
5. THÁNH GIUSE – CON NGƯỜI MẠNH MẼ VỚI TRÁI TIM YÊU NỒNG NÀN – Lm. Giuse Lê Danh Tường
Nghệ thuật hội họa và điêu khắc hay phác họa thánh Giuse với hình hài già nua, râu dài, tóc ngả màu. Đặc biệt các tác phẩm vào những thế kỷ XV – XIX, các hoạ sỹ thường vẽ lên chân dung thánh nhân là một ông già. Nhưng sau này, hình ảnh thánh nhân dần dần trẻ hơn.
Để giải quyết vấn đề đồng trinh sạch sẽ của Đức Maria mà người ta đã vẽ nên một Giuse già nua bên cạnh một Maria trẻ trung xinh đẹp. Nhưng càng chiêm ngắm Thánh Giuse, người ta càng nhận ra nơi ngài một khuôn mặt trẻ trung đầy nghị lực, một tâm hồn yêu thương mạnh mẽ.
Khoa tâm lý chiều sâu cho thấy: người mạnh là người có khả năng cảm thấy bình tĩnh trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Bình thản trước mọi thay đổi đột ngột. Lúc nào cũng tỉnh táo và điềm tĩnh đưa ra những lựa chọn tốt nhất.
Thánh Giuse là người đã giữ thinh lặng trong mọi biến cố của cuộc đời mà Kinh Thánh đã nhắc tới: Nhận thấy Maria có thai mà không phải của mình, ngày Maria sinh con mà phải trú ngụ nơi hang đá, trẻ Giêsu mới chào đời mà phải chạy chốn sang Ai cập,… Để giữ được thái độ ấy, thánh nhân phải là người mạnh mẽ phi thường. Đứng trước những nghịch cảnh như vậy mà Ngài vẫn bình thản được. Lạy thánh Giuse, chúng con thật cảm phục Ngài.
Sự giằng co giữa thánh ý Thiên Chúa và ý muốn của con người thật dữ dội. Khi đối chọi với sự lựa chọn ấy ta mới thấy khủng khiếp là dường nào. Quả thực, ơn gọi là một cuộc hành trình đi trong đêm tối của đức tin. Bỏ ý con người và chấp nhận thánh ý Thiên Chúa là bước vào con đường phiêu lưu cùng đức tin.
Thánh Giuse đã phải đối chọi với sự lựa chọn ấy và Ngài đã chọn thánh ý Thiên Chúa. Những lần Kinh thánh nhắc đến sự lựa chọn của Ngài thường là: trong giấc mộng. Ngài đã bước đi trong tối tăm mịt mù, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, từ khi chấp nhận đi theo con đường của Thiên Chúa trong biến cố truyền tin. Biến cố trong đền thờ không là “trong giấc mộng” nhưng lại vượt cả sức tưởng tượng giữa cái Ngài thấy nơi Giêsu tại đền thờ và khung cảnh sống điền viên nơi làng quê Nazaret.
Tình yêu thực thụ, tình yêu tinh tuyền và trong sáng luôn sẵn sàng cho đi, sẵn sàng hy sinh tất cả vì người mình yêu. Tình yêu ấy chỉ mong muốn cho người mình yêu được hạnh phúc, được triển nở, được tươi trẻ mỗi ngày một hơn và được tự do đi trên con đường của người mình yêu. Nó khác hẳn với một tình yêu ích kỷ chỉ mong chiếm đoạt cho mình, bắt người yêu thoả mãn những đòi hỏi của mình, lôi người yêu vào trong cuộc đời của mình, biến người yêu thành một phần của mình, nô lệ mình. Đức Giêsu đã sống tình yêu đích thực ấy, không phải với một người nhưng là với mỗi người và mọi người. Vì yêu mà Thiên Chúa đã để cho con người được tự do.
Đừng quên, Giuse đã đính hôn với Maria trước khi có biến cố truyền tin. Chắc chắn Giuse đã yêu Maria nhiều lắm. Những cách hành xử của Giuse cho ta thấy Giuse đã yêu Maria với tình yêu thực thụ, một tình yêu chỉ muốn tốt cho người mình yêu, chỉ muốn phục vụ, chỉ muốn người mình yêu được triển nở hạnh phúc. Giuse đã sẵn sàng hy sinh tất cả cho người mình yêu là Maria. Bởi thế mà dù ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà, Ngài vẫn là một Giuse công chính và Maria trọn đời đồng trinh. Để có được như vậy, Giuse phải là một con người có một tình yêu nồng nàn và một tâm lý vững vàng mãnh liệt lắm.
Dẫu sao Giuse cũng là người phàm. Chính yếu tố thứ ba đã giúp Giuse kiên trung với một tình yêu trong sáng đến trọn đời. Thủa ban đầu, Adam và Eva đã chung sống hạnh phúc trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong giây phút mà Adam và Eva phạm tội, ta không thấy sự hiện diện của Chúa, nhưng sự hiện diện của ma quỷ thì thật rõ nét. Giuse và Maria đã cùng chung bước trong sự hiện diện của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người và ở giữa hai người. Ta không thấy bóng dáng của ma quỷ can thiệp được vào cuộc đời của Giuse, nhưng sự chỉ dẫn của Chúa với ông rất rõ nét. Tâm hồn Giuse luôn hướng về Chúa và để Chúa hướng dẫn nên ông đã đi đến suối nguồn Tình Yêu.
Quả thật, Giuse không thể là một ông già yếu đuối hay một bác thợ mộc tầm thường. Nhưng bên cạnh Maria và Hài Nhi Giêsu, Giuse là một con người trẻ trung, mạnh mẽ và ngập tràn tình yêu trong sáng. Thánh nhân luôn an nhiên đón nhận thánh ý Chúa và vững vàng tiến bước trước mọi cảnh ngộ của cuộc sống.
Lạy Thánh cả Giuse, xin chỉ dạy con, giúp con tôi luyện con người mình để trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống con luôn vững vàng. Xin hướng lòng con luôn hướng về thánh ý Chúa để con được trung tín đến cùng trong ơn gọi đời con.
Lm. Giuse Lê Danh Tường
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
6. BÀI GIẢNG LỄ THÁNH GIUSE 19-3 – Lm. Phêrô Mai Quốc Anh sss
Ông Gia cóp sinh ông Giuse, chồng của Bà Maria, Bà là Mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô. Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: Bà Maria, Mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “ Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
Đó là lời Chúa
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!!!
Hàng năm, Giáo hội dành riêng tháng ba để kính nhớ thánh cả Giuse và mừng kính ngài cách đặc biệt vào ngày 19/3 hằng năm. Khi suy niệm về các nhân đức của thánh cả Giuse, chúng ta học được nhiều điều nơi ngài, mặc dù trong cả bốn Tin mừng, chẳng thấy chỗ nào có tiếng nói của Ngài, một câu nói cũng không thấy. Thánh nhân không nói, nhưng lại nói rất nhiều. Trong thinh lặng, trong khiêm nhường, Ngài đã để lại cho chúng ta cả một kho nhân đức. Và, kho nhân đức ấy không những chẳng bao giờ lỗi thời, mà còn trở nên bài học quý giá cho chúng ta, cách riêng cho các gia trưởng: là những người đang là chồng, là cha, là ông.
Hôm nay, tôi không đề cập hết các nhân đức của thánh Giuse, mà chỉ xin chia sẻ chút tâm tình về chân dung của ngài: chân dung về một thánh Giuse thinh lặng, một sự thinh lặng nội tâm, đầy tín thác trước huyền nhiệm lớn lao của Thiên Chúa; được thể hiện rõ nét qua đoạn tin mừng cộng đoàn chúng ta vừa nghe.
Vào dịp giáng sinh, trên những tấm thiệp, chúng ta thường thấy vẽ cảnh thánh Giuse đưa Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu trên lưng lừa đi trốn kẽ thù. Bầu trời đen thẫm, có vài tia chớp loé lên ở cuối chân trời, vừa đủ sáng để soi đường. Hơn nữa, đọc tin mừng những chỗ có đề cập đến thánh Giuse, chúng ta cũng nhận ra một điều là: những điều xẩy ra trong cuộc đời của ngài đều diễn ra vào ban đêm: Sứ thần 3 lần hiện ra với ngài vào ban đêm; Đưa Mẹ con hài nhi lẩn trốn Hêrôđê cũng vào ban đêm; đưa Đức Maria tìm chỗ sinh con, cũng vào ban đêm. Có thể nói suốt cuộc đời thánh Giuse là đêm tối. Nhưng đây là đêm tối của những người được Chúa tuyển chọn và yêu thương. Mà ta gọi là đêm tối đức tin.
Cuộc sống trong gia đình quê Nadarét, đối với thánh Giuse là cả một huyền nhiệm. Huyền nhiệm bởi chính Ngài cũng không hiểu mình là ai trong huyền nhiệm lớn lao đó, thế mà ngài vẫn dấn bước, vẫn chấp nhận, chấp nhận vai trò làm ‘cha’ để cho huyền nhiệm đó được tiếp diễn trong thế gian này. Có nhiều người ví ngài như là người đồng hành với chiếc kiệu, mà không biết người trong kiệu là ai, thường dân hay thánh nhân. Không biết nhưng vẫn đồng hành hết cuộc đời. Điều này chúng ta thấy rõ nơi thánh cả Giuse: suốt cuộc đời âm thầm, thinh lặng, đồng hành, che chở cho Đức Maria và CGS. Âm thầm, thinh lặng đến độ mà khi Chúa Giêsu cuộc đời công khai, thì Thánh Giuse hầu như hoàn toàn không còn được nhắc đến, thậm chí, ngài chết bao giờ, chết như thế nào, chết ở đâu thì cũng chẳng ai biết, và cũng chẳng được đề cập đến trong TM.
Trong khi Đức Maria đối diện với huyền nhiệm của Thiên Chúa, Mẹ đã ‘hằng ghi nhớ mọi điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (Lc 2,19), thì bên cạnh đó, Thánh Giuse, một người bạn đời trung tín, bước đi trong sự thinh lặng, âm thầm. Ngài thinh lặng trong cái thinh lặng của TC. Và chính TC dường như cũng không buồn ngỏ lời với ngài, ngoại trừ vài lần trong lúc mơ ngủ. Tất cả diễn ra trong mơ hồ, khó hiểu và đêm tối. Đến nỗi có lần thánh nhân gần như bị quật ngã bởi không tìm thấy lối đi cho mình. Phải đối diện với những nghi ngờ, và cuối cùng đã phải ‘định tâm lìa bỏ Đức Maria cách kín đáo’.
Cộng đoàn kính mến!!!
Thánh Giuse chỉ đóng vai phụ trong màn kịch lớn, chỉ là cái bóng trong đêm tối. Thế nhưng, Thiên Chúa cần đến vai phụ đó, cần đến cái bóng đó cho chương trình cứu độ của Ngài. “Này Giuse, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.”
Nơi thánh Giuse, tôi muốn giới thiệu cho cộng đoàn, cách riêng cho quý ông gia trưởng bài học về sự thinh lặng, một sự thinh lặng nội tâm, phó thác và sẵn sàng nhận ra “sự hướng dẫn âm thầm của Thiên Chúa”.
Sở dĩ chúng ta học nơi thánh Giuse sự thinh lặng vì lẽ sự ồn ào ngày nay đã lan nhiễm khắp nơi. Sự ồn ào không chỉ ở bên ngoài xã hội, mà đã len lỏi vào trong đời sống gia đình, khiến tâm hồn con người ta không ngừng khắc khoải và bất an. Chính những lúc đối diện với một thế giới quá ồn ào đó, thì hình ảnh của thánh Giuse lại rất cần thiết cho mỗi người chúng ta, ngài như chiếc neo kìm giữ con thuyền gia đình chúng ta, không bị mất hướng, không bị cuốn trôi và tan theo những con sóng vô hình và vô tình. Hơn nữa, để chống lại sự lây nhiễm của một thế giới quá ồn ào, đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã chỉ cho chúng ta ‘liều thuốc bổ’ mang tên Giuse, khi Ngài nói: ‘Chúng ta hãy để mình bị tiêm nhiễm bởi sự thinh lặng của thánh Giuse. Chúng ta rất cần sự thinh lặng ấy, vì trong thế giới nhiều lúc quá ồn ào, khiến chúng ta khó suy gẫm và lắng nghe tiếng Chúa… chúng ta cần nuôi dưỡng sự suy gẫm nội tâm, để có thế tiếp nhận và canh giữ CGS trong cuộc sống chúng ta’.
Thánh Giu-se đã chiến đấu với bản thân mình, với bóng đêm để làm loé lên trong đời mình ánh sáng hi vọng. Làm được như thế là vì Ngài mang trong mình ngọn lửa của tình mến, ngọn lửa tín thác và cậy trông. Đêm đen cuộc đời tuy dài, nhưng xa xăm vẫn còn ánh sáng soi đường. Dẫu rằng lắm khi rất mờ mờ ảo ảo, thánh nhân vẫn yêu mến, vẫn gắn bó và vẫn tiến bước với Chúa và trong Chúa.
Trong đêm tối của sự thinh lặng, thánh Giuse đốt lên trong tâm hồn mình ngọn đèn thao thức và tín thác, khiến sự thinh lặng đêm tối, biến thành niềm hi vọng sáng ngời. Niềm hi vọng ấy như dây đàn, rất bén nhạy, mỏng mảnh để sẵn sàng rung lên tiếng ngân trước lời mời gọi như gió thoảng của Thiên Chúa. “Này Giuse, đừng ngại đón Maria về; Này Giuse hãy trỗi dậy, đưa Mẹ con Hài Nhi trốn sang Ai cập, Ngày Giuse, hãy đưa Mẹ con hài nhi trở về…..Niềm hy vọng và sự tín thác đó tạo nên sức mạnh giúp thánh Giuse lèo lái gia đình Nadarét vượt qua những khó khăn, nguy hiểm.
Quý gia trưởng kính mến!!! Nhìn vào thánh Giuse, chúng ta tin tưởng vào lời Chúa, học tinh thần phó thác cho Chúa, để Chúa dẫn ta qua đêm tối. Để rồi cuối đoạn đường chúng ta có thể hát vang lên rằng: Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Có thể bạn quan tâm
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng: Kế Hoạch Thực Hiện Sống Năm Thánh..
Th11
Thánh lễ tạ ơn Công bố Quyết định Thành lập Giáo họ độc..
Th11
Thánh lễ tạ ơn hồng ân thánh hiến tại Cộng đoàn MTG Chân..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B – Chúa Giêsu Kitô, Vua..
Th11
Đức Thánh Cha Thành Lập Ủy Ban Tòa Thánh Về Ngày Thế Giới..
Th11
Ủy Ban Mục Vụ Di Dân Gặp Mặt Tại Hà Nội
Th11
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
Th11
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ
Th11
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina: 1.000 ngày chiến tranh, số người chết..
Th11
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11