Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (24.06.2018) – Gioan nghĩa là “Thiên Chúa đã ban ơn”

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (17.06.2012) – Ngôn sứ dọn đường cho Chúa

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (24.06.2018) – Gioan nghĩa là “Thiên Chúa đã ban ơn”

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta cử hành lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Sự chào đời của thánh nhân là biến cố chiếu sáng cuộc đời của cha mẹ ngài, ông bà Dacaria và Elisabét, và mang lại niềm vui và sự kinh ngạc cho bà con và láng giềng thân cận. Hai vị thân sinh cao niên của thánh Gioan đã mơ về ngày có con và cũng đã chuẩn bị cho ngày ấy, nhưng giờ đây họ không còn chờ đợi nữa: họ cảm thấy mình bị loại trừ, bị khinh khi và thất vọng, vì họ không có con. Trước lời loan báo về việc chào đời của người con trai (x.Lc 1,13), ông Dacaria vẫn không tin, bởi vì theo luật tự nhiên ông không còn khả năng có con nữa: họ đã già, đã cao tuổi. Vì sự cứng lòng của ông, Thiên Chúa đã làm cho ông không nói được trong suốt thời gian vợ ông mang thai đứa con (x. câu 20). Đó là một tín hiệu. Nhưng Thiên Chúa không dựa vào kiểu lý luận của chúng ta và vào những khả năng con người giới hạn của chúng ta. Chúng ta cần học tín thác và im lặng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa và suy gẫm trong sự khiêm nhường và thinh lặng việc làm của Chúa, Đấng tự mặc khải mình trong lịch sử và nhiều lần vượt khỏi sự tưởng tượng của chúng ta.

Và giờ đây, sự việc được thực hiện, giờ đây bà Elisabét và ông Dacaria kinh nghiệm rằng “không có gì là không thể đối với Thiên Chúa” (Lc 1,37), và họ vui mừng biết bao. Trang Tin mừng hôm nay (Lc 1,57-66.80) loan báo sự chào đời của đứa con và rồi dừng lại ở thời khắc đặt tên cho con trẻ. Bà Elisabét chọn một tên khác lạ với truyền thống của gia đình; bà nói: “Đứa bé được đặt tên là Gioan” (câu 60), món quà được ban tặng nhưng không và giờ đây thật bất ngờ, bởi vì Gioan nghĩa là “Thiên Chúa đã ban ơn”. Đứa trẻ này sẽ là sứ giả, chứng tá của ân sủng của Thiên Chúa cho dân nghèo mong đợi với niềm tin khiêm nhường ơn cứu độ của Chúa. Ông Dacaria khẳng định việc chọn tên đó, ngoài sự chờ đợi của mọi người, khi viết trên một tấm bảng – bởi vì ông bị câm –và “vào giây phút đó miệng lưỡi ông mở ra, ông nói được bình thường và chúc tụng Thiên Chúa” (câu 64).

Tất cả biến cố chào đời của thánh Gioan Tẩy Giả được bao trùm bởi niềm vui kinh ngạc, sự ngạc nhiên và lòng biết ơn. Sự kinh ngạc, sự ngạc nhiên và lòng biết ơn: dân chúng kính sợ Thiên Chúa “và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđêa” (câu 65). Dân chúng trung thành nhận ra rằng có điều gì vĩ đại đã xảy ra, ngay cả nó có vẻ khiêm nhường và bị ẩn dấu, và họ tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào?” (câu 66). Người dân trung thành của Thiên Chúa có thể sống niềm tin với niềm vui, với sự kinh ngạc, ngạc nhiên và biết ơn. Nhưng chúng ta quan sát những người dân đang bàn tán về sự việc kỳ diệu này, phép lạ của sự chào đời của Gioan, và họ vui mừng, hân hoan, với sự kinh ngạc, ngạc nhiên và lòng biết ơn. Và quan sát điều này, chúng ta tự hỏi: đức tin của tôi thì thế nào? Nó là một đức tin vui tươi, hay là một đức tin luôn luôn như nhau, một đức tin đều đều? Tôi có cảm thấy kinh ngạc khi nhìn thấy các công trình của Thiên Chúa, khi tôi nghe về những việc loan báo Tin mừng hay về đời sống của một vị thánh, hay khi tôi nhìn thấy những con người tốt lành: tôi có cảm thấy ân phúc, trong nội tâm, hay không có gì lay chuyển trái tim tôi? Tôi có cảm thấy sự an ủi của Thần Khí hay tôi đóng kín lòng mình lại? Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình, khi xét mình: Đức tin của tôi thế nào? Nó có vui tươi không? Có mở ra với sự ngạc nhiên về Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Chúa của sự ngạc nhiên không? Tôi có cảm nếm trong tâm hồn cảm nghiệm về sự ngạc nhiên cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa,tình cảm biết ơn hay không? Chúng ta hãy nghĩ về những từ này, những từ của một tâm hồn có niềm tin: niềm vui, cảm giác kinh ngạc, cảm giác ngạc nhiên và biết ơn.

Xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, giúp chúng ta luôn ý thức rằng trong việc hình thành một đứa con, các bậc cha mẹ hành động như những người cộng tác của Thiên Chúa. Một sứ vụ thật sự cao trọng khi kiến tạo mỗi gia đình thành một đền thờ sự sống và đánh thức niềm vui, sự ngạc nhiên và lòng biết ơn khi mỗi đứa trẻ chào đời.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (17.06.2012) – Ngôn sứ dọn đường cho Chúa

Anh chị em thân mến,

Hôm nay 24 tháng 6 chúng ta cử hành lễ trọng Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Trừ Đức Trinh Nữ Maria ra, Gioan Tẩy Giả là vị thánh duy nhất mà phụng vụ mừng ngày sinh và Giáo Hội mừng sinh nhật thánh nhân vì nó gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thật thế, từ trong lòng mẹ Gioan là tiền hô của Đức Giêsu: việc thụ thai ông cách lạ lùng đã được thiên thần báo cho Đức Maria biết như dấu chỉ “không có gì là không thể được đối với Thiên Chúa” (Lc 1,37), sáu tháng trước khi xảy ra biến cố lạ lùng trao ban cho chúng ta sự cứu rỗi, sự kết hiệp của Thiên Chúa với con người bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Bốn Phúc Âm nêu bật gương mặt của Gioan Tẩy Giả, là vị ngôn sứ kết thúc thời Cựu Ước và khai mào thời Tân ước, bằng cách cho chỉ cho thấy Đấng Cứu Thế nơi Đức Giêsu thành Nagiarét, Đấng Được Thánh Hiến của Chúa. Thật vậy, chính Đức Giêsu đẽ nói về Gioan như sau: “Chính ông là người Thánh Kinh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến. Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,10-11).

Cha của Gioan, ông Dakharia, chồng bà Elidabét, bà con của Đức Maria, đã là tư tế của phụng tự do thái. Ông đã không tin ngay lập tức vào lời loan báo chức làm cha đã không được chờ đợi nữa, vì thế ông bị câm cho tới ngày con trẻ được cắt bì, mà ông và vợ đặt tên cho như Thiên Chúa đã chỉ định, là Gioan, có nghĩa là “Thiên Chúa ban ơn”. Được linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần, ông Dakharia đã nói về sứ mệnh của con minh: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu của Đấng Tối Cao; con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết moi tội khiên” (Lc 1,76-77).

Tất cả những điều này được tỏ lộ ba mươi năm sau đó, khi Gioan bắt đầu ban phép rửa trong sông Giọcđan, bằng cách kêu gọi người ta chuẩn bị, với cử chỉ sám hối, cho biến cố đến gần của Đấng Cứu Thế, mà Thiên Chúa đã mạc khải trong khi ông sống trong sa mạc Giuđêa. Vì thế ông được gọi là “Tẩy Giả”, nghĩa là “Người thanh tẩy” (x, Mt 3,1-6). Một ngày kia, khi từ Nagiarét, chính Đức Giêsu đến để được thanh tẩy; ban đầu Gioan từ chối, nhưng rồi ông đồng ý, và ông trông thấy Thánh Thần đậu xuống trên Đức Giêsu và nghe tiếng của Thiên Chúa Cha trên trời công bố Người là Con của Ngài (x. Mt 3,13-17). Nhưng sứ mệnh của ông Gioan đã chưa được thành toàn: ít lâu sau đó, ông được yêu cầu đi trước Đức Giêsu cả trong cái chết bạo lưc nữa; Gioan đã bị chém đầu trong ngục của vua Hếrôđê, và như hế ông đã làm chứng tá tràn đầy cho Chiên Con của Thiên Chúa, mà ông đã là người đầu tiên nhận biết và chỉ cho thấy một cách công khai.

Các bạn thân mếm, Đức Trinh Nữ Maria đã trợ giúp người bà con Elidabét cao niên kết thúc thời kỳ mang thai Gioan. Xin Mẹ giúp tất cả bước theo Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, mà ông Tẩy Giả đã loan báo với lòng khiêm tốn lớn lao và nhiệt huyết ngôn sứ.

Nguồn: archivioradiovaticana.va