Lược Sử Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê

459 lượt xem

DẪN NHẬP

Công cuộc đào tạo linh mục đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực thi sứ mạng của Giáo hội. Nhiều chỉ dẫn của Giáo hội cho thấy chỗ đứng của các cơ sở đào tạo linh mục trong công cuộc này. Huấn thị của Toà thánh 1659 nhắn nhủ các Đại diện Tông toà tại Đông Á lưu tâm việc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ. Huấn thị ghi rõ:

“Đây lí do chính thúc đẩy Thánh Bộ đã cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ giám mục, là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách giáo dục thanh niên, giúp họ có khả năng lãnh nhận chức vụ linh mục. Chư huynh sẽ tấn phong cho họ và cử họ đi khắp các miền bao la ấy, mỗi người cộng tác trong quốc gia của mình; ở đó, họ sẽ hết lòng phụng sự đạo Chúa nhờ chư huynh luôn đặt trước mắt mục đích này là tuỳ sức có thể chư huynh hãy làm sao đưa dẫn được nhiều người và là những người có nhiều khả năng đạt đến chức thánh, đào luyện họ và truyền chức cho mọi người lúc họ đã sẵn sàng” (Huấn thị 1659, Phần III, 1).

Để hiện thực hoá huấn dụ của Toà thánh, Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte triệu tập công nghị tại Ajuthia, Thái Lan (1664) với thành quả là sự ra đời của Huấn dụ Monita ad Missionarios và công nghị tại Phố Hiến (1670) để cụ thể hoá những chỉ dẫn của Huấn thị 1659, trong đó, các ngài vạch ra những hướng đi cụ thể cho việc đào tạo linh mục. Từ những chỉ dẫn này, các cơ sở đào tạo lần lượt được thành lập trên nền tảng Hội Thầy giảng mà dòng Tên đã gầy dựng.

Trong thời đại của chúng ta, có nhiều chỉ dẫn thiết thực và cấp bách của Huấn quyền về việc đào tạo linh mục tại các Đại Chủng viện. Sắc lệnh Optatam totius khẳng định: “Các đại chủng viện là cần thiết cho việc đào tạo linh mục. Trong đó, tất cả việc giáo dục của các sinh viên phải có ý hướng tới mục đích của việc đào tạo những mục tử đích thực của các linh hồn theo mẫu gương của Đức Giêsu Kitô, Tôn sư, Tư tế và Mục tử” (n. 4). Tông huấn Pastores dabo vobis còn nhấn mạnh: “Tự nơi chính mình, chủng viện là một kinh nghiệm nguyên tuyền của đời sống Giáo hội” (n. 60).[1]

Khi giáo phận Nam Đàng Ngoài (Vinh) được thành lập, các Đấng Bề trên đã trăn trở cho việc thành lập một Đại Chủng viện nhằm đào tạo linh mục phục vụ cho công cuộc loan báo Tin mừng tại giáo phận rộng lớn này. Bởi vậy, từng bước, các ngài kiện toàn các cơ sở đạo tạo đã có (các Tiểu Chủng viện) và xúc tiến việc thành lập Đại Chủng viện. Năm 1877, Đại Chủng viện Xã Đoài ra đời, rồi được đổi tên thành Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê (1890), và Đại Chủng viện Phanxicô Xaviê Vinh-Thanh (1988). Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê giáo phận Vinh là cơ sở đạo tạo linh mục cho các giáo phận Vinh, Hà Tĩnh và Thanh Hoá (1988-2022). Trải qua gần 150 năm hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm, Đại Chủng viện đã có nhiều đóng góp cho công cuộc đào tạo linh mục và sứ mạng Phúc âm hoá. Chúng ta cùng nhìn lại hành trình của Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê qua các giai đoạn và thành quả đã đạt được.

  1. CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO TRƯỚC ĐẠI CHỦNG VIỆN
  2. Trong lòng giáo phận Đàng Ngoài

Đàng Ngoài là nơi mà Công đồng đầu tiên được triệu tập trên đất Việt, Công đồng Phố Hiến để thực hiện những chỉ dẫn của các Huấn thị 1659 và Huấn thị Monita ad Missionarios (1664). Từ những chỉ dẫn và định hướng này, Giáo hội tại Việt Nam đã có những cơ sở đào tạo linh mục. Thừa sai Tessier Bình, Bề trên Đại Chủng viện Xã Đoài xác nhận: “Từ ngày đặt nền đạo Công giáo tại xứ này, các Đại diện Tông toà, chiếu theo chỉ thị nhận được từ Roma, không bao giờ ngừng nổ lực nhằm thiết lập hàng giáo sĩ bản quốc, theo các phương thế mà các ngài có thế có được theo nhu cầu của thời đại”.[2] Ở Đàng Ngoài, Chủng viện độc đáo trên thuyền đã được thừa sai Deydier thành lập.

Tại vùng Nghệ  – Tĩnh – Bình thuộc Tây Đàng Ngoài, trước khi giáo phận được thành lập, đã có những cơ sở đào tạo linh mục: “Đức cha De Bourges thành lập trong tỉnh Nghệ An một Tiểu Chủng viện làm tăng số ơn gọi linh mục”.[3] Thừa sai Sarraut tổ chức một chủng viện di động ở Tràng Đen và vùng phụ cận. Theo linh mục Nguyễn Hữu Trọng, chủng viện mà thừa sai Sarraut thành lập nằm ở làng Kỳ Lân, phía tây Núi Quyết, gần làng Mỹ Dụ.

Về sau, tại Nghệ An có Chủng viện Thánh Giuse ở Trang Nứa (1692-1798) được Đức cha De Bourges Gia thành lập khoảng năm 1692. Sau khi Tiểu Chủng viện Trang Nứa bị quân Tây Sơn tàn phá (1798), Chủng viện dời về Bùi Ngoạ và có thể cả Thuận Nghĩa. Vào năm 1803, Thừa sai Jean Jacques Guérard (Cố Đoan) đã thành lập một Tiểu Chủng viện Thánh Giacôbê tại Hướng Phương (Bình Chính). Trong “Truyện 6 Ông Phúc Lộc”, khi đề cập đến sắc chỉ cấm đạo của Vua Minh Mạng năm 1883 đã viết: “Trong Bình Chính, có Nhà trường Latinh tại họ Hướng Phương, gọi là Nhà trường Ông Thánh Giacôbê, Đức cha Đoan, làm Đức Cha phó sau Đức cha Hậu, lập khi đang làm cố, đã được ba mươi năm, cũng phải dỡ xếp, và phải cho học trò về…”.[4]

Như vậy, nhờ sự linh hoạt và thích nghi với từng bối cảnh, ở Đàng Ngoài, cách riêng tại vùng Nam Đàng Ngài luôn tồn tại và luôn là nguồn bổ sung những linh mục từ các cơ sở đào tạo. Năm 1846, giáo phận Nam Đàng Ngoài (Vinh) được thành lập, các Đấng Bề trên tiếp tục lưu tâm tới việc tào tạo linh mục với các cơ sở được hình thành vững chắc.

  1. Tiểu Chủng viện Xã Đoài

Khoảng năm 1847, Đức cha Jean Denis Gauthier Hậu, Giám mục tiên khởi giáo phận Vinh, đã thiết lập tại Xã Đoài một Tiểu Chủng viện nhằm quy tụ việc đào tạo về một nơi. Trong bản phúc trình đầu đời giám mục, Đức cha Gauthier Hậu viết: “Tôi đã nghiên cứu cặn kẽ sắc lệnh của Thánh Bộ ngày 23 tháng 11 năm 1845 về việc phải thành lập gấp một hàng giáo sĩ bản quốc […]. Hiện tại, tôi đang đang thành lập một chủng viện mới hầu có thể tuyển được 150 học sinh”. Trong bản phúc trình đề ngày 02 tháng 02 năm 1849, ngài cho biết thêm: “Ngoài ra còn có 70 thiếu niên được phân phối trong hai trường, để ngày đêm học hoài La ngữ”. Và bản phúc trình ngày 13 tháng 02 năm 1853, ngài khẳng định: “Hiện có hai chủng viện thâu nhận 85 thiếu niên cho học La ngữ và những gì cần cho chức vụ thầy giảng. Ngoài ra còn 20 chủng sinh được gửi qua chủng viện Penang”.

Chính Đức cha Gauthier Hậu nhờ chí sĩ Phaolô Nguyễn Trường Tộ “làm tràng Latinh ba tầng, hình chữ thập, gọi là nhà Tây, cho học trò Latinh ở và học”. Trong thời gian Tiểu Chủng viện nằm trong khuôn viên Nhà chung, có hai vị Giám đốc: thừa sai Toussaint Sebastian Frichot Thanh (1868-1878) và thừa sai Jean François Robert Thuận (1878-1888).

(Nhà Cao) do Nguyễn Trường Tộ thiết kế (1868-1869)

Thời Đức cha Pineau Trị, Tiểu Chủng viện được xây lại trong một khu đất mới ngoài Nhà chung và đến cuối năm 1887 hoàn thành: “Tiểu chủng viện cách trung tâm giáo phận khoảng hai cây số và có 148 học sinh chia làm 6 lớp”;[5]  và thừa sai François Aguesse Minh được đặt làm Giám đốc của cơ sở mới này (1888-1897).  Trong những năm đầu tiên, Tiểu Chủng viện đã nhận 140 học sinh. Năm 1889, Đức cha Pineuau Trị đã cho xây mới một nhà nguyện kiên cố. Năm 1892, Đức cha Pineau Trị hiến dâng Giáo phận cho Đức Mẹ, Tiểu Chủng viện có 6 lớp với 180 học sinh và con số này tăng thêm hàng năm.

Năm 1895, Tiểu Chủng viện Xã Đoài có 232 chủng sinh. Theo thừa sai Belleville Thọ, nguyên Giám đốc Tiểu Chủng viện cho biết: “Các môn học gồm: Latinh, giáo lý, chữ Hán, nhạc thánh, lịch sử, địa lý, toán học và chữ Nôm… nhằm trang bị cho các linh mục tương lai có khả năng công tác mục vụ thông thường”.[6] Năm 1899, trường có 300 học sinh, 10 giáo sư (4 thừa sai và 6 thầy giảng). Sau thừa sai François Aguesse Minh, Đức cha Pineau Trị đặt thừa sai Louis Klingler Thái làm Giám đốc (1897-1912), rồi đến thừa sai Victor Pierre Martin Tín (1912-1922), và thừa sai Albert Le Gourriérec Văn (1922-1940).

Năm 1925, Tiểu chủng viện bị cháy do hoả hoạn. Trong khi chờ đợi khắc phục, cha giám đốc Albert Le Gourriérec Văn cho học sinh nghỉ nửa năm, chỉ giữ lại hai lớp trên. Từ năm 1927-1931, Tiểu Chủng viện được tái thiết khang trang hơn. Dưới đây là hình ảnh của Tiểu Chủng viện trước và sau khi được tái thiết.

 Tiểu Chủng viện Xã Đoài trước 1925   
  Tiểu Chủng viện Xã Đoài trước 1968

Năm 1940, thừa sai Alexandre Lambert Lâm được đặt làm giám đốc (1940-1945) thay thừa sai Albert Le Gourriérec Văn, vị giám đốc cuối cùng thuộc MEP.  Ngày 01 tháng 05 năm 1946, Đức cha Éloy Bắc cho đóng cửa cả ba trường (Trường tập Xuân Phong, Tiểu Chủng viện và Đại Chủng viện), đồng thời công việc điều hành và giảng dạy của các thừa sai cũng chấm dứt từ biến cố này. Ngày 25 tháng 9 năm 1948, Trường tập Xuân Phòng và Tiểu Chủng viện được mở cửa trở lại và các linh mục người Việt lần lượt được đặt làm giám đốc: cha Phêrô Nguyễn Đình Trọng (1948-1951), cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Sáng (1951-1955), cha Gioan Bùi Trọng Đề (1955-1962), cha Gregorio Vũ Duy Khiêm (1962-1968).

Ngày 21/7/1968, Tiểu Chủng viện bị bom đạn phá bình địa và ngừng hoạt động từ đây. Trong lịch sử 100 năm, Tiểu Chủng viện hoạt động một cách quy củ, góp phần quan trong việc chuẩn bị căn bản cho việc đào tạo các linh mục tương lai của giáo phận.

Năm 1999, Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp tái thiết lập một hình thức đào tạo trước Đại Chủng viện với tên gọi Tiền Chủng viện Xã Đoài. Vì chưa có cơ sở, Đức cha Hạp lấy khu Nhà Dài (tên gọi cũ của nhà hưu dưỡng các linh mục) làm nơi đào tạo tạm thời. Sau đó, Tiền Chủng viện được dành riêng khu Nhà Cao (Nhà Nguyễn Trường Tộ) và từ năm 2019 tới nay khu nhà Toà Giám mục cũ được dành riêng cho Tiền Chủng viện. Tiền chủng viện Xã Đoài dần dần đi vào hoạt động theo Định hướng và Chỉ dẫn của Giáo hội về việc đào tạo linh mục. Cho tới nay (2024), Tiền Chủng viện Xã Đoài đã chiêu sinh và đào tạo XIII khoá với 443 chủng sinh.

Tiền Chủng Viện Xã Đoài hôm nay
  1. Trường tập Xuân Phong

Để phát hiện và nuôi dưỡng các ơn gọi linh mục, đồng thời chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn đào tạo tiếp theo tại Tiểu Chủng viện, Trường tập Xuân Phong được thành lập. Đức cha Éloy Bắc gọi Trường tập là Chủng viện Dự bị (Séminaire Preparatoire). Năm1928, khởi công xây dựng Trường dự bị tại Xuân Phong, cách Xã Đoài 30 km về hướng Bắc tại khu đất rộng khoảng 10 mẫu gần bờ biển xã Diễn Thành, huyện Diện Châu, Nghệ An. Năm 1932, trường bắt đầu hoạt động với 40 học sinh, những năm sau đó, số lượng học sinh tăng gấp đôi so với năm trước.

Trường tập Xuân Phong được xây dựng một cách bài bản đúng với cơ sở đào tạo, “gồm có một dãy nhà dài khoảng 60 m, lợp ngói đỏ, có một tầng lầu làm nhà ngủ, hai đầu có phòng dành riêng cho các vị Chánh Phó Giám đốc. Tầng trệt làm phòng học và phòng các giáo sư. Ngoài ra, còn có một nhà chơi rộng lớn, một dãy nhà bếp và hai dãy nhà vệ sinh. Một nhà thứ hai ở giữa làm nhà cơm, tầng trên dành riêng phòng Quản lý, phòng y tế và giáo sư đặc trách bệnh nhân. Trước nhà cơm là nhà nguyện”.[7]

Với mục đích chuẩn bị các học sinh cho Tiểu Chủng viện, nên lúc đầu, Trường Dự bị Xuân Phong nhận các học sinh từ 11 đến 12 tuổi vào học theo chương trình Pháp: học 5 năm từ lớp dự bị (Cours Prépratoire), lớp sơ cấp (Cours Élé mentaire), cho tới lớp nhất (Cours Superieur). Chương trình này tương đương cấp tiểu học ngày nay. Sau khi các xứ đạo có lớp sơ cấp, niên khoá từ 1939-1940, Trường chỉ nhận học sinh đã có bằng Sơ học Yếu lược dự thi tuyển vào học 3 năm: lớp trung I (Cours Mozen I), lớp trung II (Cour Mozen II), và lớp nhất (Supérieur), sau đó thi bằng Tiểu học (Primaire) rồi được chuyển tiếp vào lớp 6 tại Tiểu Chủng viện

Cha Charles Radelet Bình và các học sinh Trường tập 

Chỉ tồn tại 35 năm, Trường tập Xuân Phong để lại nhiều dấu ấn trong nhiều thế hệ thầy và trò và đóng góp lớn trong việc đào tạo ứng sinh linh muc. Năm 1964, để tránh bom đạn, Trường được chuyển đến giáo xứ Nghi Lộc (cách 7 km), một năm sau, tức mùa hè 1965, Trường đóng cửa cùng với Tiểu Chủng viện Xã Đoài. Năm 1967, trường bị bom đạn xoá sổ hoàn toàn. Khu đất của Trường bị chiếm dụng và chia cho dân. Năm 2014, Nhà nước mới trả lại một phần đất cho giáo phận.

  1. Trường Thầy giảng

Trường Thầy giảng là cơ sở đào tạo ít được biết đến, được thành lập ở Xuân Phong vào năm 1935. Nói là Trường Thầy giảng, nhưng thực chất chỉ là một khu nhà nằm trong khuôn viên Trường tập. Cha Victor Martin Tín được đặt làm Bề trên và cha Gioan Nguyễn Văn Đậu phụ trách. Mục đích của Trường là thu nhận những học sinh tu muộn ở độ tuổi 15-17, để theo học chương trình bổ túc đặc biệt về giáo lý và sinh ngữ để sau làm thầy giảng giúp xứ, chứ không chủ trương tiến chức linh mục. Tuy nhiên, Trường chỉ thu nhận học sinh được 4 niên khoá, vì Bề trên Giáo phận chỉ coi đây là hình thức thử nghiệm để đào tạo những cộng sự viên cho công cuộc truyền giáo của Giáo phận mà chưa có một chương trình bài bản và dài hạn nên đã đóng cửa vào năm 1940.[8]

  1. ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ
  2. Thao thức thành hình: Đại Chủng viện Xã Đoài

Việc đào tạo linh mục luôn là ưu tiên hàng đầu của tất cả các giáo phận, vì đó là đòi buộc của Toà thánh được nêu rõ trong Huấn thị năm 1659, để thành lập hàng giáo sĩ bản quốc. Vì thế, việc ưu tư cho giáo phận có được hàng giáo sĩ người Việt là định hướng số một của các Đấng Bề trên. Sau khi thành lập giáo phận, việc quy tụ các cơ sở đào tạo đã có thành một Đại Chủng viện được lưu tâm hàng đầu. Tuy nhiên, do bị cấm cách, một Đại Chủng viện quy củ chưa được hình thành.

Năm 1877, Đức cha Yves Croc Hoà mới thực hiện được thao thức của vị tiền nhiệm, khi khởi công xây dựng Nhà thờ Chính toà và Đại Chủng viện lấy tên là Đại Chủng viện Xã Đoài. Như thế, nguyện ước của cả Giáo phận trở thành hiện thực. Đức cha Yves Croc Hoà là người đặt nền móng cho Đại Chủng viện Xã Đoài.

  1. 2.       Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, những chặng đường phát triển

2.1      Từ tình trạng tạm bợ tới sự quy mô vững chãi

Năm 1890, Đức cha Louis Pineau Trị, sau khi đảm nhận việc lãnh đạo giáo phận (năm 1886), đã quyết định dùng nhà hưu dưỡng linh mục làm cơ sở Ðại chủng viện và đổi tên thành Đại chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê với ước mong các linh mục xuất thân từ đây đều là những nhà truyền giáo theo mẫu gương vị Thánh Bổn mạng các xứ truyền giáo. Tuy nhiên, Đại Chủng viện vẫn chưa có một cơ sở thực sự mà còn trong tình trạng tạm bợ do sự thiếu thốn của Giáo phận. Trong phúc trình năm 1887-1888, ngài cho biết về Đại Chủng viện như sau:

“Đại Chủng viện cách xa Toà Giám mục khoảng 15 phút. Đại Chủng viện có khuôn viên riêng, nhưng tất cả đều còn tạm bợ. Những hy sinh mà chúng tôi dành cho việc hồi cư các giáo hữu đã làm cạn kiệt mọi tài nguyên của chúng tôi và khiến cho việc xây dựng kiên cố lúc này là không thể được […]. Niên trưởng của chúng tôi, Cố Tessier Bình, hiện là Giám đốc Đại Chủng viện. Trong dịp tựu trường vừa rồi, có 20 đại chủng sinh nhưng tháng 9 (1887), 8 trong số họ đã được lãnh nhận chức linh mục”.[9]

Tình trạng tạm bợ này kéo dài tới thời Đức cha Belleville Thọ. Khi được Toà thánh đặt coi sóc giáo phận, Đức cha Thọ đặt ưu tiên cho việc xây dựng Đại Chủng viện, nơi ngài đã trải qua phần lớn cuộc đời thừa sai của mình trong tư cách là giáo sư và bề trên. Ngài viết: “Hai Chủng viện chúng tôi hoạt động bình thường, nghĩa là ổn thoả. Cơ sở Tiểu Chủng viện là đầy đủ, trừ nhà ăn. Nhưng mọi thứ còn thiếu thốn tại Đại Chủng viện, nơi cần những tấm lòng quảng đại kỳ diệu để có thể chứa hết, một cách sơ đẳng, đúng ra phải nói là xếp lớp như xếp cá, 65 chủng sinh của chúng tôi. Việc xây dựng một cơ sở thích hợp là điều cấp bách: đó là bận tâm hàng đầu của chúng tôi”.[10] Ngài chỉ mới ra một thư chung (01/10/1911) kêu gọi tín hữu Vinh đóng góp cho công trình quan trọng này nhưng chưa kịp thi công thì ngài đột ngột qua đời. Ước nguyện của ngài được Đức cha kế vị thực hiện.

Từ năm 1914 đến 1916, Đức cha Andre Joseph Éloy Bắc đã kiến thiết lại toàn bộ công trình của Đại Chủng viện với nhiều hạng mục quan trọng: nhà dành cho Ban Giáo sư được xây dựng năm 1914 với hai tầng khang trang và kiên cố, nhà nguyện, nhà Micae, nhà Giuse, nhà Maria, nhà Phanxicô lần lượt được xây dựng và hoàn thành năm 1916. Bên cạnh đó, các công trình phụ như nhà ăn, nhà chơi, nhà tiếp khách cũng lần lượt được hoàn thành. Cơ sở vật chất của Đại Chủng viện vào thời điểm đó có thể nói là khang trang, đầy đủ và những công trình kiến trúc đó được sử dụng một cách hiệu quả trong gần 100 năm. Cùng với sự ổn định về cơ sở vật chất thì công tác đào tạo cũng có nhiều tiến triển. Cho đến trước biến cố 1946, có thể nói Đại chủng viện đã có một thời kỳ ổn định và hưng thịnh.

Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê 1914-1988
Nhà Phanxicô, nhà nguyện và nhà Maria  (1914-1916)
        Nhà các giáo sư (1914)    

Có thể nói, các cơ sở vật chất đã chịu cảnh “bãi bể nương dâu” nhưng nhờ ơn Chúa luôn có sự hiện diện hầu như liên tục của các cơ sở đào tạo, nhất là thời Đức cha Éloy Bắc, Giáo phân Vinh luôn có một hàng ngũ linh mục đông đảo và nhiệt thành. Bảng thống kê sau cho thấy sức sống và thành quả của các cơ sở đào tạo của Giáo phận Vinh từ năm 1900-1940:[11]

NămChủng sinhThầy giảngLinh mụcNămChủng sinhThầy giảngLinh mục
1900357235681921265210133
1901340260681922245215138
1902243270701923220211143
1903342275701924227202148
1904337288741925223202155
1905340296751926210214159
1906323296841927209190163
1907330292801928202175165
1908278290811929151151172
1909286289891930192150180
1910256290851931196135117
1911277290881932246130168
1912299280991933300130169
19132742501071934311130169
19142642521151935296110183
19152772581151936286112175
19162542481141937284110175
19172642481151938296110183
1918275237120193929098186
1919284228122194029098186
1920268215127

Trong giai đoạn khó khăn 1941-1944, Đại Chủng viện hoạt động bình thương và số chủng sinh được phong chức: năm 1941: 7 linh mục; năm 1942: 14 linh mục; năm 1943: 4 linh mục; năm 1944: 5 linh mục.

Từ năm 1884-1945, Đại Chủng viện Phanxicô Xaviê được điều hành bởi các Giám đốc:

Thừa sai Sébastien Frichot Thanh (1884-1888)

Thừa sai Alexis Tessier Bình (1888-1895)

Thừa sai François Belleville Thọ (1895-1903)

Thừa sai André Joseph Éloy Bắc (1903-1913)

Thừa sai Louis Marie Dalaine Tân (1913-1945)

2.2.         Kiên cường trong những xáo trộn của thời cuộc

Từ năm 1946 – 1951, Đại Chủng viện bị các thừa sai đóng cửa, vì các chủng sinh tham gia biểu tình đòi trao quyền tự trị cho hàng Giáo phẩm Việt Nam. Năm 1948 (25/9), Trường Tập Xuân Phong, Tiểu Chủng viện được mở cửa trở lại sau 28 tháng các chủng sinh phải mòn mỏi chờ đợi. Đến năm 1951, sau khi linh mục Gioan Baotixita Trần Hữu Đức được tấn phong Giám mục, Đại Chủng viện mới được mở cửa hoạt động trở lại, đón 17 chủng sinh trên tổng số 48 chủng sinh của niên khoá 1945 – 1946 và cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoãn được đặt làm giám đốc.

Khi Đại Chủng viện đang dần ổn định, năm 1953 phải tạm ngừng một năm thời cuộc. Sau biến cố 1954, tình hình Giáo hội tại miền Bắc nói chung, Đại chủng viện nói riêng, gặp rất nhiều khó khăn. Cha giám đốc Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoãn và một số chủng sinh di cư vào nam. Ngoài sự khủng hoảng về mặt nhân sự do một số linh mục và chủng sinh di cư vào Nam, những người ở lại cũng luôn trong tâm trạng hoang mang, tương lai ảm đạm. Dầu vậy, Đại Chủng viện vẫn duy trì hoạt động. Tình hình ngày càng khó khăn, nhiều chủng sinh lần lượt bị đưa vào trại giam vì những lý do không rõ ràng, số còn lại bị quản thúc tại gia. Cuối cùng, Đại chủng viện phải tạm đóng cửa vào năm 1981.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách đố, các Đấng Bề trên đã cố gắng duy trì hoạt động của các cơ sở đào tạo linh mục. Các cha Giám đốc trong giai đoạn 1951-1988:

Cha GB Trần Thanh Ngoãn (1951-1954)

Cha Phaolô Nguyễn Đình Nhiên (1954-1964)

Cha Phêrô Nguyễn Văn Kính (1963-1969)

Cha Phanxicô Phạm Duy Chỉnh (1969-1974)

Cha Phêrô Nguyễn Văn Huyền (1974-1988)

2.3.         Hồi sinh cách mãnh mẽ: Đại Chủng viện Phanxicô Xaviê Vinh – Thanh

Sau thời gian cấm cách do thời cuộc, Đại Chủng viện phải đóng cửa, im lìm trong cảnh hoàn tàn, ngày 22 tháng 11 năm 1988, sau rất nhiều cố gắng của Bề trên hai Giáo phận Vinh và Thanh Hoá là Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp, Giám mục giáo phận Vinh, và Đức cha Phêrô Phạm Tần, Giám mục giáo phận Thanh hóa, Đại chủng viện đã được mở cửa trở lại với tên gọi: Đại chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Vinh – Thanh, nơi đào tạo linh mục cho hai giáo phận. Giáo đoàn Vinh và Thanh Hoá vui mừng khôn xiết trong tâm tình tạ ơn Chúa, Đại chủng viện đón 30 chủng sinh khoá I (18 Vinh và 12 Thanh Hoá).

Thánh lễ khai giảng 22/11/1988
Toàn cảnh chủng viện năm 1991

Với việc được mở lại cùng với việc áp dụng những chỉ dẫn của Toà thánh, nhất là Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, Đại Chủng viện Phanxicô Vinh – Thanh mang trong mình một sứ mạng mới trong công cuộc đào tạo linh mục cho hai Giáo phận Vinh và Thanh Hoá. Sau khi Khải giảng khoá I, ba năm sau, 1991, khoá II mới được chiêu sinh và những năm tiếp theo, hai năm chủng viện tuyển sinh một lần. Từ năm 1999, sau khi Tiền Chủng viện Xã Đoài được thành lập, các chủng sinh có hai năm Tu đức tại đây trước khi được gọi vào Đại Chủng viện để được đào tạo theo chương trình dành cho các Đại Chủng viện. Cùng với việc hoàn thiện chương trình đào tạo, bổ sung nhận sự đào tạo, Đại Chủng viện cũng được kiến thiết, xây mới một số hạng mục nhằm phục vụ cho việc đào tạo linh mục trong bối cảnh mới.

Thời Đức cha Gioan Phêrô Trần Xuân Hạp, có nhiều hạng mục được nâng cấp và làm mới: năm 1990, hai nhà Maria và Phanxicô được chồng thêm một tầng đáp ứng chỗ ở cho 30 chủng sinh; năm 1991, xây dựng tượng đài Đức Mẹ và hai sân trường; năm 1992 sửa sang và nới rộng phần cung thánh nhà nguyện; năm 1994 xây lại nhà Micae cho chủng sinh triết và sửa sang nhà Ban giáo sư.

Dưới thời Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, nhờ sự trợ giúp của nhiều nhà hảo tâm và giáo dân Vinh, ba toà nhà được xây mới: nhà Phanxicô cho chủng sinh khối thần học, nhà thư viện và máy tính, và nhà cho chủng sinh khối triết học.

Nhà Phanxicô (2004) cho khối thần học
Nhà thư viện và máy tính (2006)

 

 

Nhà chủng sinh khối triết học (2009)

Năm 2010, Đức Giám mục giáo phận Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã thực hiện việc quy hoạch lại chủng viện và xây mới những công trình cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu và phục vụ tốt cho công cuộc đào tạo. Ngày 08/06/2012, ngài chủ sự Thánh lễ khởi công tái thiết Đại chủng viện. Các hạng mục được xây mới: nhà nguyện, nhà Maria cho khối thần 3 và 4, nhà Micae cho khối thần 1và 2, nhà đa năng bao gồm thư viện, phòng máy tính, hội trường, phòng ở Ban giáo sư, phòng họp, phòng học, nhà cơm và nhà bếp cùng nhà cho quý soeurs phục vụ và quy hoạch khuôn viên.

Sau hơn một năm thi công, nhà Maria và nhà nguyện đã hoàn thành. Ngày 03/9/2013, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Toà thánh tại Việt Nam đã chủ sự Thánh lễ làm phép nhà nguyện.

Hơn một năm sau, ngày 03/12/2014, các hạng mục của công trình tái thiết được hoàn thành. Cả giáo phận hướng về Đại Chủng viện trong dịp đặc biệt ghi dấu 5 sự kiện quan trọng:

  1. Khánh thành quần thể công trình tái thiết Chủng viện,
  2. Mừng bổn mạng Chủng viện, Thánh Phanxicô Xaviê,
  3. Kỷ niệm 137 năm Đại Chủng viện Xã Đoài,
  4. Kỷ niệm 25 năm Đại Chủng viện Vinh-Thanh,
  5. Truyền chức linh mục cho 25 thầy thuộc khoá X.

Trong ngày mừng vui tạ ơn Chúa, Đại Chủng viện được sống trong bầu khí thánh thiêng của toàn thể dân Chúa giáo đoàn Vinh. Thánh lễ do Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự, cùng đồng tế với ngài có: Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli – đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam; Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc – Tổng giáo phận Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục Giáo phận Thanh Hóa; Đức cha Gioan Maria Vũ Tất – Giám mục Giáo phận Hưng Hóa; Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh – Giám mục Giáo phận Kontum; Đức Cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên – Giám đốc Đại Chủng viện; Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên; Đức Viện phụ Phanxicô Maria Bảo Tịnh Trần Văn Bảo cùng quý Cha trong và ngoài giáo phận trước sự hiện diện đông đảo của quý tu sĩ, chủng sinh, quý ông bà cố, thân ân, ân nhân của các tiến chức và hàng ngàn giáo dân khắp nơi cùng tề tựu về tham dự ngày đại lễ. Khuôn viên Đại Chủng viện dường như không còn chỗ trống với sự hiện diện của gần 20.000 người.

Toàn cảnh Đai Chủng viện Phanxicô Xaviê năm 2014

 

 

 

 

 

Ngày 02 tháng 9 năm 2016, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh tuyên bố thành lập Đại Chủng viện Lê Bảo Tịnh Thanh Hoá, vậy nên từ năm 2017, ngoài những chủng sinh đang theo học, giáo phận Thanh Hoá không còn gửi chủng sinh khoá mới vào Vinh nữa, từ đây Đại Chủng viện Vinh – Thanh lấy lại tên cũ là Đai Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê.

Theo thông lệ, cứ ba năm, vào dịp lễ Thánh Phanxicô, Bổn mạng của Đại Chủng viện là Ngày Hội ngộ Truyền thống Gia đình Vinh-Thanh. Ngày 04-05/12/2017 và 30/11-01/12/2022 là những dịp đặc biệt của Ngày Truyền thống Tri ân và tình huynh đệ, đã quy tụ các chủng sinh đã được đào tạo tại Đại Chủng viện từ năm 1988.

Ngày hội Truyền thống Vinh – Thanh 05/12/2017

Ngày 30 tháng 5 năm 2022, bế giảng năm học, cũng là ngày khép lại thời gian 34 năm giáo phận Thanh Hoá có chủng sinh học tại Đại Chủng viện. Từ đây, Đại Chủng viện Phanxicô Xaviê là nơi đào tạo linh mục của hai giáo phận Vinh và Hà Tĩnh. Ngoài ra, Đại Chủng viện cũng giúp đào tạo linh mục cho một số giáo phận ở Nhật Bản: Tổng Giáo phận Osaka – Takamatsu (từ năm 2011 tới nay), giáo phận Fukuoka (từ năm 2023), và một số Dòng tu: Citeuax Mỹ Ca, Hiệp hội Thánh Antôn Padua.

Các Giám đốc từ thời hồi sinh tới nay:

–  Năm 1988-1993: Cha Phêrô Nguyễn Văn Huyền

–  Năm 1993-1999: Cha Phêrô Hoàng Bảo

–  Năm 1999-2007: Cha Phêrô Lê Duy Lượng

–  Năm 2007-2014: Cha Gioan Baotixita Nguyễn Khắc Bá

–  Từ 08/2014-02/2017: Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên

–  Từ 25/02/2017-6/2019: Cha Gioan Baotixita Nguyễn Khắc Bá.

–  Từ 11/09/2019 đến nay: Cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh

  1. Những biến cố và các mốc lịch sử quan trọng

– Năm 1877: Đức cha Yves Maria Croc Hòa khởi công xây dựng Chủng viện sát cạnh Nhà Chung và Tiểu Chủng viện.

– Năm 1886: Đức cha Louis Pineau Trị quyết định dùng nhà hưu dưỡng linh mục làm Ðại chủng viện (ví trí hiện nay của Đại Chủng viện) và đổi tên thành Đại chủng viện thánh Phanxicô Xaviê.

– Năm 1914 đến 1916, Đức cha Andre Joseph Eloy Bắc đã kiến thiết lại toàn bộ công trình của Đại Chủng viện.

– Năm 1945: Đại Chủng viện và Tiểu Chủng viện bị đóng cửa.

– Năm 1948: Tiểu Chủng viện mở cửa trở lại.

– Năm 1951: Đại Chủng viện mở cửa trở lại.

– Năm 1981: Đại Chủng viện bị đóng cửa, tuy vẫn có cha giám đốc bám trụ cùng với chú Từ và vài người già khác.

– Ngày 22 tháng 11 năm 1988: Đại chủng viện đã được mở cửa trở lại với tên gọi mới: Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Vinh – Thanh, làm nơi đào tạo linh mục cho hai giáo phận Vinh và Thanh Hoá.

– Ngày 8 tháng 6 năm 2012 đến 2014: tái thiết lại toàn bộ công trình Đại Chủng viện.

– Ngày 3 tháng 9 năm 2013: Làm phép Nhà nguyện của Đại Chủng viện.

– Ngày 3 tháng 12 năm 2014: Khánh thành toàn bộ công trình tái thiết Đại Chủng viện; kỷ niệm 137 năm Đại Chủng viện Xã Đoài; 25 năm Vinh-Thanh, mừng Bổn mạng Đại Chủng viện, Thánh Phanxicô Xaviê, và truyền chức linh mục cho 25 thầy phó tế K.X thuộc giáo phận Vinh.

– Năm 2015, giáo phận Thanh Hoá gửi chủng sinh khoá cuối, K.XIV (2015-2022).

– Ngày 04-05/11/2017: Ngày Truyền thống Vinh – Thanh. Đây là lần đầu tiên tổ chức Ngày Hội Ngộ có sự tham gia đầy đủ các thế hệ thành viên gia đình chủng viện từ ngày tái thành lập 1988.

– Ngày 22/12/2018, giáo phận Hà Tĩnh được thành lập, tách từ giáo phận Vinh.

– Ngày 30/5/2022, khoá XIV tốt nghiệp, khép lại 34 năm các chủng sinh thuộc giáo phận Thanh Hoá được đào tạo tại Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê.

  1. Hoa trái của việc đào tạo

Số linh mục từ khi thành lập năm 1877 tới năm1981:

– Từ năm 1879 – 1914 là 144 vị

– Từ năm 1915 – 1944 là 203 vị

– Từ năm 1951 – 1981 là 57 vị

Số linh mục từ ngày hồi sinh (1988) tới nay:

– Từ ngày hồi sinh, 22/11/1988 tới nay 7/2024, Đại Chủng viện đã chiêu sinh XIX khoá, đã có 515 linh mục xuất thân từ Đại Chủng viện.

– Hiện có 41 chủng sinh (K.XV) đã tốt nghiệp và đang thi hành Năm Tập vụ (21 Vinh và 20 Hà Tĩnh).

Ban giáo sư và chủng sinh đoàn 09/3/2024

Như vậy tổng số linh mục được đào tạo tại Đại Chủng viện này, tính từ khi thành lập cho đến nay là 919 vị; trong số các linh mục này có 6 vị đã được tấn phong giám mục.

  1. Chương trình và định hướng đào tạo

Việc đào tạo tại Đại Chủng viện dựa trên những nguyên tắc căn bản:

Thứ nhất, tiến trình đào tạo toàn diện “người môn đệ Chúa Kitô

Đại Chủng viện bám sát định hướng chung của Giáo hội, nhất là hướng đi của Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis 2016 của Bộ Giáo sĩ và Bản Định Hướng và Chỉ dẫn về đào tạo linh mục (2012) của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ của các giáo phận liên hệ cũng như những biến đổi sâu rộng của xã hội hiện thời.

Theo hướng đi đó, chương trình đào tạo linh mục tại giáo phận được tổ chức cách bài bản: Nhà ứng sinh cho các dự tu sinh viên với chương trình 3 năm; sau khi trải qua kỳ thi, các ứng sinh trung tuyển được nhận vào Tiền Chủng viện và trải qua hai năm huấn luyện (1 năm dự bị và 1 năm tu đức). Chương trình tại Đại chủng viện gồm 6 năm (2 năm triết học và 4 năm thần học) cho một khoá học. Sau khi kết thúc chu kì triết học, các chủng sinh trải qua Năm Thử[12] tại môi trường giáo xứ để phân định ơn gọi. Tiếp theo là 4 năm thần học và sau khi kết thúc chương trình tại Đại Chủng viện, các chủng sinh có Năm Tập vụ trước khi lãnh nhận thánh chức phó tế và linh mục.

Để đào tạo các mục tử như lòng Chúa và Giáo hội mong muốn, với phương châm bám sát Định hướng và Chỉ dẫn của Giáo hội, Đại Chủng viện đã nỗ lực để tạo nên một sự thống nhất về nội dung trong toàn bộ tiến trình đào tạo nhằm đạt tới sự thăng tiến toàn diện con người ứng sinh. Tiến trình duy nhất của người môn đệ truyền giáo như Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalie 2016 dạy:

“Tiến trình đào tạo của các linh mục, kể từ những năm chủng viện, được Ratio fundamentalis mô tả rằng việc đào tạo khởi đi từ bốn đặc tính đáng lưu ý, đó là tiến trình: duy nhất, toàn thể, cộng đoàn và truyền giáo. Việc đào tạo các linh mục là sự tiếp nối của một “con đường môn đệ” duy nhất, bắt đầu với Phép rửa, được hoàn thiện với các Bí tích Khai tâm khác, được đón nhận là trung tâm của cuộc sống của một người khi bước vào chủng viện và tiếp tục trong suốt cuộc sống” (Dẫn nhập RFIS, 3).

Tiến trình đào tạo người môn đệ là hành trình suốt đời, không bao giờ ngưng nghỉ để có được kinh nghiệm đích thực và mới mẻ về Thiên Chúa và con người: “Trở thành môn đệ là một kinh nghiệm không bao giờ hoàn tất. Do đó, đào tạo là một tiến trình nhất quán và toàn diện, khởi đầu ở chủng viện và tiếp nối trong cuộc đời linh mục dưới hình thức thường huấn. Việc này đòi hỏi phải lưu ý kỹ lưỡng trong mọi thời điểm” (RFIS, 53).

Đào tạo linh mục hướng tới việc phát triển toàn vẹn con người của ứng sinh trong một tiến trình, trong đó việc trưởng thành trong các chiều kích đào tạo (nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ) được xem như là đòi hỏi thiết yếu. Do vậy, trong toàn bộ tiến trình đào tạo không nên chỉ giới hạn vào một khía cạnh duy nhất (duy tri thức, duy thiêng liêng, duy tâm lý…) làm phương hại tới những khía cạnh khác. Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis lưu ý:

“Bốn chiều kích tác động đồng thời lẫn nhau trong tiến trình đào tạo và đời sống thừa tác viên chức thánh: chiều kích nhân bản là ‘nền tảng cần thiết và năng động’ của toàn bộ đời sống linh mục; chiều kích thiêng liêng quyết định phẩm chất của thừa tác viên linh mục; chiều kích tri thức cung cấp những công cụ thuần lý cần thiết để hiểu các giá trị riêng làm nên người mục tử, ngõ hầu họ có thể đưa các giá trị vào trong cuộc sống cũng như truyền đạt nội dung đức tin cách thích đáng; chiều kích mục vụ rèn luyện năng lực đảm nhận một cách có trách nhiệm và phong phú phận vụ được Giáo hội giao phó” (RFIS, 89).

Việc đào tạo toàn diện nhằm giúp “biến đổi hay đồng hóa” con tim ứng sinh với con tim của Đức Kitô, nghĩa là “hiệp thông vào đức ái của Chúa Kitô, Mục tử tốt lành”, trở nên “hiện thân sống động, chân thực và trong suốt” của Đức Giêsu Kitô giữa dân Thiên Chúa” (RFIS, 92).

Thứ hai, lưu tâm tới đặc tính riêng trong bối cảnh đa văn hoá

Hơn nữa, xét thấy hiện nay trên phần đất của Bắc Miền Trung này nói riêng, và Việt Nam nói chung, còn nhiều dân tộc các anh em chưa được đón nhận ánh sáng Tin mừng, Đại Chủng viện mong muốn và cố gắng đào tạo chủng sinh trở nên những môn đệ truyền giáo cho những anh chị em mà hầu như họ đang bị lãng quyên này, nhất là những anh chi em ở niềm Tây Nghệ – Tĩnh – Bình, thửa đất rộng lớn còn thiếu những thợ gặt.

Thứ ba, hướng tới sứ mạng phổ quát

Nghệ – Tĩnh – Bình là nơi có đang dồi dào ơn thiên triệu trong đời sống linh mục và tu sĩ. Vậy nên, Đại Chủng viện mong ước đào tạo nên những vị thừa sai cho những nơi ở ngoại quốc mà hiện nay không còn có ơn gọi linh mục nữa. Theo hướng đó, hiện tại Đại Chủng viện, dưới sự hướng dẫn và liên kết của Đấng Bề trên giáo phận Vinh với Giáo phận Versailles, Tổng giáo phận Paris (Pháp), Tổng giáo phận Chicago (Mỹ) đã gửi các chủng sinh qua học và phục vụ tại các giáo phận này từ năm 2009. Hơn nữa, Đại Chủng viện đang nhận đào tạo những chủng sinh người Việt cho một số giáo phận tại Nhật như Osaka (2011) và Fukuoka (2023). Ngoài ra, với hơn 700 dự tu ơn gọi linh mục (400 Vinh và 320 Hà Tĩnh), Ban Mục vụ Ơn gọi của hai giáo phận tổ chức lớp Dự tu với tiến trình ba năm giúp đồng hành để phân định, giúp họ nhận ra ơn gọi và ý thức sứ mạng phổ quát của ơn gọi.

  1. Nhân sự đào tạo

Để phục vụ công cuộc đào tạo theo Định hướng và Chỉ dẫn của Giáo hội, Bề Trên giáo phận đã thành lập Ban Giám đốc và quý cha giáo nội trú (cộng đoàn đào tạo) chịu trách nhiệm đào tạo các chủng sinh theo cơ cấu: cha giám đốc, cha phó giám đốc, cha giám học, cha thư ký, cha quản lý, cha linh hướng và các cha giải tội, cha chủ nhiệm và đồng hành của mỗi khoá. Ngoài quý cha giáo nội – ngoại trú thuộc các giáo phận có các chủng sinh theo học, Đại Chủng viện còn mời các giáo sư thỉnh giảng từ các Đại Chủng viện, các Học viện và cả nước ngoài giúp đào tạo, nâng cao sự hiểu biết khoa học thánh cho các chủng sinh. Hơn nữa, để tìm hiểu những Giáo huấn và cập nhật những chủ đề mang tính thời đại, Chủng viện còn tổ chức các buổi Hội thảo các chuyên đề, các kỹ năng sống và những trải nghiệm mục vụ.

Cơ cấu ban Giám đốc và giáo sư nội trú hiện nay của Đại Chủng viện:

Ban Giám đốc:

Cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc

Cha Phêrô Nguyễn Văn Hương, Phó Giám đốc, kiêm giám học

Cha Gioan Baotixita Hoàng Đông Dương, Thư ký

Cha Giese Trần Văn Đồng, Quyền Quản lý

Các giáo sư nội trú:

Cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Giáo sư Học thuyết xã hội của GHCG

Cha Phêrô Nguyễn Văn Hương, Giáo sư Tín lý

Cha Gioan Baotixita Hoàng Đông Dương: Giáo sư Tín lý

Cha Phaolô Nguyễn Văn Khai: Giáo sư Kinh thánh

Cha Gioan Baotixita Nguyễn Trung Kiên S.J, Giáo sư Linh đạo, Linh hướng

Cha Phaolô Nguyễn Văn Quang, Giáo sư Tín lý

Cha Giuse Trần Văn Đồng, Giáo sư Luân lý

Cha Phêrô Nguyễn Văn Quang: Giáo sư Linh đạo và Đào tạo, Linh hướng

Cha Giuse Hoàng Cung, Giáo sư Triết học

Cha Giuse Nguyễn Văn Quy, Giáo sư Tín lý, Linh hướng.

Ngoài ra, Đại chủng viện còn có hơn 35 giáo sư ngoại trú trong và ngoài nước.

Chủng sinh:

Hiện tại (niên khoá 2024-2025), có 248 chủng sinh, trong đó:

Tại Đại Chủng viện có 153 chủng sinh ba khoá tại bao gồm: 37 chủng sinh (khoá XVI) thần học năm thứ ba; 52 chủng sinh (khoá XVII) thần học năm thứ nhất; 62 chủng sinh (khoá XVIII) + 2 tu sĩ dòng Citeaux Mĩ Ca, triết học năm thứ hai;

Tại Tiền Chủng viện có 64 chủng sinh Năm Tu đức, trong đó: 34 chủng sinh tại Tiền Chủng viện Xã Đoài (28 thuộc giáo phận Vinh, 4 chủng sinh thuộc Tổng giáo phận Westminter, Anh Quốc, 1 chủng sinh của giáo phận Fukuoka và 1 chủng sinh của giáo phận Sendai, Nhật Bản) và 30 chủng sinh tại Tiền Chủng viện Gioan Phaolô II giáo phận Hà Tĩnh.

NHƯ MỘT LỜI KẾT

Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Chúa mong ước” (Gr 3,15). Tông huấn Pastores dabo vobis được mở đầu với những lời của Giêrêmia như là sự thâm tín vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, Đấng luôn bước đi cùng Giáo hội, “luôn che chở giữ gìn để đoàn chiên Chúa được hướng dẫn nhờ các vị lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử nhân danh Con Chúa coi sóc đoàn chiên”[13]. Ý thức kế hoạch được Thiên Chúa ủy thác cho mình, Giáo hội không ngừng khẩn cầu Chúa Cha “sai nhiều thợ gặt” (Lc 10,2) cho cánh đồng truyền giáo. Giáo hội tuyển chọn và đào tạo “những người thợ đích thực”, những mục tử theo mẫu gưỡng Mục tử nhân lành.

Việc đào tạo linh mục đóng vài trò quan trọng trong hành trình của dân Thiên Chúa, nhất là trong bối cảnh mà Giáo hội đang đối diện với nhiều thách đố liên quan tới ơn gọi linh mục. Đây là công cuộc của toàn thể Dân Chúa – một Giáo hội “cùng nhau cất bước” trong ý thức trách nhiệm cùng “tham dự” vào một “sứ mạng” duy nhất của Đức Kitô.

Ý thức trách nhiệm của mình trong việc đào tạo những “mục tử như lòng Chúa mong ước”, Đại Chủng viện Phanxicô Xaviê trong những năm qua đã cố gắng áp dụng những định hướng của Giáo hội để kiến tạo Chủng viện trở thành “nhà của những môn đệ Chúa Kitô”, “cộng đoàn chứng nhân” để các chủng sinh sống kinh nghiệm với Chúa Kitô và sống “tình huynh đệ bí tích”, “môn đệ truyền giáo”, những người say mê Thiên Chúa và say mê con người như Tông huấn Pastores dabo vobis dạy:

“Chủng viện không chỉ được coi như một thời gian và một nơi chốn, nhưng trên hết chủng viện được coi như một cộng đoàn giáo dục theo những bước tiến lần lượt: đó là cộng đoàn được giám mục thiết lập để tạo cho người nào được Chúa kêu mời phục vụ như các Tông đồ có điều kiện lặp lại bằng cuộc sống kinh nghiệm giáo dục mà Chúa đã dành riêng cho Nhóm Mười Hai. […] Bản chất sâu xa của chủng viện là, bằng cách thế của mình, thể hiện một sự nối tiếp, trong Giáo hội, cộng đoàn tông đồ quây quần chung quanh Đức Giêsu. Tự nơi chính mình, chủng viện là một kinh nghiệm nguyên tuyền về đời sống Giáo hội: các thành phần khác nhau trong chủng viện, liên kết với nhau nhờ Chúa Thánh Thần bằng một tình huynh đệ duy nhất, hợp tác với nhau, mỗi người tuy theo tài năng riêng của mình, để làm cho mọi người được tăng trưởng trong đức tin và đức ái” (n. 60).

Địa chỉ:

Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê
Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An, Việt Nam
Tel: +84 2383 861 266

Website: https://www.dcvphanxicoxavie.com

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn: dcvphanxicoxavie.com

[1] Ngoài ra, giáo huấn của Giáo hội cũng nhấn mạnh vai trò của Tiểu chủng viện: “Mục tiêu của tiểu chủng viện là nhằm giúp những thiếu niên bắt đầu có dấu hiệu được gọi vào chức linh mục thừa tác, nên trưởng thành về mặt nhân bản và Kitô giáo, hầu làm lớn lên trong các em một sự tự do nội tâm thích hợp với lứa tuổi của các em, một sự tự do làm cho các em có thể đáp lại dự định của Thiên Chúa trên cuộc đời các em” (RFIS, 18; cf. PDV, 63-64).

[2] Augustinô Vương Đình Chữ, Lịch sử giáo phân Vinh, tập I, Reichstett, France 2015, 498.

[3] Ibid.

[4] Ibid., tr. 499.

[5] Augustinô Vương Đình Chữ, Lịch sử giáo phân Vinh, tập I, Reichstett, France 2015, 502.

[6] Ibid.

[7] Cao Vĩnh Phan, Lịch sử Giáo phận Vinh, 280-281.

[8] Toà Giám mục Xã Đoài, Hỏi đáp 150 câu về Giáo phận Vinh, 132.

[9] Augustinô Vương Đình Chữ, Lịch sử giáo phân Vinh, tập I, Reichstett, France 2015, 498.

[10] Ibid., 506.

[11] Ibid., 507-508.

[12] Trước khi Ratio của HĐGMVN được áp dụng, từ khoá V – X (2021-2012), các chủng sinh trải qua một năm giúp xứ sau khi kết thúc thần II và trở lại tiếp tục chương trình cho tới khi mãn khoá. Sau khi áp dụng Ratio của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đại Chủng viện thực hiện theo chương trình được thống nhất trong toàn Giáo hội tại Việt Nam, nên từ khoá XI, sau hai năm triết học, các chủng sinh trải qua Năm thử.

[13] Kinh tiền tụng các thánh Tông đồ I.

Có thể bạn quan tâm