Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng xuân Nhâm Dần

1552 lượt xem

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG XUÂN NHÂM DẦN

Các con thân mến,

Chỉ còn đúng một tuần nữa là chúng ta sẽ bước vào năm mới Nhâm Dần. Trong văn hóa Việt Nam của chúng ta, Tết Nguyên Đán sẽ là những thời khắc quan trọng để khởi đầu cho một năm mới. Bởi đó mà các con sẽ thấy rất nhiều phong tục, lễ hội, dù rất xa lạ với thế giới hiện đại, nhưng vẫn còn được lưu giữ trong sinh hoạt gia đình của những ngày Tết. Vì được coi là những ngày thiêng liêng và trọng đại nhất trong năm, cho nên mọi người luôn có một sự chuẩn bị tốt nhất cho những ngày này. Là những người Công giáo, chúng ta cũng mừng xuân đón Tết như tất cả mọi người. Chúng ta cũng tất bật chuẩn bị nhiều thứ cho sự kiện quan trọng này. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta không được quyền quên sót, đó chính là những lời tạ ơn Chúa. Trong đời sống của một Kitô hữu, nếu như những ngày cuối năm được coi là để tổng kết mọi sự trong một năm qua, mà lại thiếu vắng lời tạ ơn Thiên Chúa, thì nó sẽ là một việc làm chưa được trọn vẹn và đúng nghĩa để khởi đầu cho một năm mới. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tất cả mọi điều Người đã ban cho chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, vì đó là điều phải lẽ, đẹp lòng Chúa và sinh ơn ích cho chúng ta.

1. Tạ ơn Chúa, một tâm tình xứng hợp

Rất nhiều câu chuyện trong Thánh Kinh cho thấy rằng: tạ ơn là một việc làm thường xuyên và xứng hợp nhất của con người, khi đứng trước những ơn lành của Thiên Chúa. Bởi vì xét cho cùng, khi nhìn lại những ơn huệ Chúa ban, con người cũng chẳng thể làm được gì gọi là tương xứng để thể hiện lòng biết ơn của mình. Chúa Giêsu trong phúc âm cũng muốn chúng ta học lấy tâm tình này khi Người luôn sống như thế với Chúa Cha. Người không những tạ ơn khi vui mừng vì đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa trong việc mạc khải Nước Trời (x. Mt 11, 25), mà còn tạ ơn lúc phải đối diện với những lo lắng trước mầu nhiệm Thập giá trong bữa Tiệc ly với các Tông đồ (x. Mt 26, 26 – 28).

Thời gian mục vụ giáo xứ đã cho cha một kinh nghiệm đáng quý này: Vào những ngày cuối năm, các gia đình xin lễ tạ ơn nhiều hơn những ngày bình thường. Đó là một truyền thống thật đẹp, đáng quý và đáng được phát huy vì ý nghĩa cao đẹp của nó. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI giải thích như sau: “Giáo hội gợi ý rằng: chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cảm tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài đã thương ban”. Vậy thử hỏi rằng: Chúa đã ban cho chúng ta điều gì trong năm qua, khi mà ai cũng nhận thấy là dịch bệnh đã để lại quá nhiều tổn thất về mọi mặt? Đúng vậy, từ vật chất cho đến tinh thần, từ những sinh hoạt cộng đồng cho đến nếp sống đức tin, dịch bệnh đã lấy đi quá nhiều thứ trong cuộc sống của chúng ta. Thế nhưng, đứng về phía của những người còn được Chúa ban cho cơ hội để nói lời tạ ơn như câu chuyện của vua Khitkigia (x. Is 38, 1- 20 ), chúng ta phải nói lời tạ ơn Chúa: Tạ ơn vì chúng ta còn bình an cho đến ngày hôm nay, tạ ơn vì chúng ta có những phương tiện y tế hỗ trợ, tạ ơn vì chúng ta có những người can đảm đứng ở tuyến đầu trong việc cứu chữa mọi người, tạ ơn vì kết quả học tập của chúng ta, tạ ơn vì tất cả những điều Chúa đã ban cho mình trong năm qua, kể cả những điều mình chưa nhận thấy.

2. Hãy tạ ơn Chúa bằng đời sống đạo đức

Biết ơn là một hành vi mang đậm tính nhân nhân văn của con người. Thậm chí người ta còn nói rằng: ai càng có lòng biết ơn nhiều, người đó càng trở nên người bấy nhiêu. Thế nhưng trong tinh thần Kitô giáo mà Thánh Giacôbê đã dạy bảo về những hành động của đức tin (x. Gc 2, 17 – 18), cha ước mong rằng: các con cũng hãy nói lời tạ ơn Chúa bằng chính đời sống tốt lành của mình. Nghĩa là, các con hãy sống cuộc đời mình cách đạo đức nhất như một lời tạ ơn Chúa. Có thể ai đó sẽ nói với các con rằng: sống đạo đức là lạc hậu, là thua thiệt, là đi sau thời đại, … Không phải như thế, tài và đức phải luôn sánh đôi với nhau, đó mới là một con người hoàn thiện. Hơn thế nữa, lòng đạo đức có một giá trị trổi vượt trong cái nhìn của đức tin Kitô giáo. Các con hãy lắng nghe lời Thánh Phaolô hướng dẫn: “Luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức” (1Tim 4, 8). Cha nghĩ rằng đó là lý do mà trong Thánh lễ Giao Thừa, thời khắc tạ ơn long trọng trước thềm năm mới, chúng ta được nghe lại bài Phúc âm mô tả về các Mối phúc. Như vậy, sống đạo đức không những là một thái độ xứng hợp của lòng biết ơn đối với Chúa, mà còn là một bảo đảm cho hạnh phúc ở đời này và đời sau vĩnh cửu.

Các con thân mến! Bên cạnh việc tạ ơn Chúa trong những ngày cuối năm, tết Việt còn là những ngày của lòng hiếu thảo. Truyền thống gia đình Việt Nam coi chữ “Hiếu” như một chuẩn mực đạo đức cho con cái trong nhà. Bằng Giới răn thứ tư, đạo hiếu cũng là lệnh truyền của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Lệnh truyền này mang theo một kết quả tốt đẹp: “Để ngươi được hạnh phúc và để được sống lâu trong phần đất mà Chúa là Thiên Chúa ngươi sẽ ban cho ngươi” (Xh 20, 12b). Sách Huấn ca còn liệt kê thêm bốn phúc lành cho những ai thi hành giới răn này: Được tha thứ tội lỗi, được nhận lời khi cầu xin, được sống trường thọ, được tích trữ kho tàng ơn lành (x. Hc 3, 6). Vậy, các con hãy luôn sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ của mình. Nếu vì một lý do nào đó, lòng hiếu thảo chưa được trọn vẹn, các con hãy bắt đầu lại trong dịp thuận tiện này. Cha tin rằng nó sẽ mang lại cho các con một niềm vui mới trong cuộc sống hàng ngày của các con.

3. Lời nguyện đầu năm

Tạ ơn Chúa vì một năm đã qua đi trong sự quan phòng của Người, cũng là lúc chúng ta hướng về một năm mới trong niềm hy vọng. Dù khó khăn và lo sợ vẫn còn đó, dù các con có hay không những cơ hội tham dự Thánh lễ đầu năm, nhưng chúng ta hãy bước vào năm mới bằng lòng tin tưởng và trông cậy nơi Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Hãy can đảm, hãy tiến bước bằng cầu nguyện. Chúa Giê-su luôn ở cùng chúng ta” (Trích bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 14/10/2020). Các con đừng quên cầu nguyện cho tất cả mọi người đã qua đời vì đại dịch Covid – 19, cho các em nhỏ mồ côi cha mẹ, cho những người thất nghiệp khốn khó. Chúng ta cùng dâng lên Chúa Xuân quê hương đất Việt thân yêu của mình, xin Người dẫn dắt chúng ta sớm bước qua cơn đại dịch nguy hiểm này.

Các con thân mến! Mùa xuân đang dần đến, năm mới đã gần kề, cha ước mong cho các con thêm một tuổi mới là thêm sự ngoan hiền mới, thêm lòng đạo đức mới và thêm nhiều ơn lành của Chúa. Với tất cả trái tim, chúng ta chúc mừng nhau một Năm mới Nhâm Dần 2022 vui tươi, hạnh phúc, bình an và thánh thiện. 

Vĩnh Long, ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu (2021). 

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

 

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận