Thiếu Nhi Tham Gia Vào Đời Sống Giáo Hội

3472 lượt xem

THIẾU NHI THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

Các con Thiếu Nhi Thánh Thể yêu mến,

Cha muốn cùng các con nói chuyện về việc tham gia vào đời sống Giáo Hội nhé,

Các con biết không?

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong năm mục vụ 2024 mời gọi dân Chúa: “Thúc đẩy sự tham gia vào đời sống Giáo Hội”. Tại sao lại có chủ đề này? Xin thưa, đầu tháng 10/2022, theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô và hướng đến một Giáo hội Hiệp Hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Năm 2023, chúng ta đã cùng nhau sống chủ đề: “Củng cố sự hiệp thông”. Năm nay, chúng ta được mời gọi sống chủ đề: Thúc đẩy sự tham gia vào đời sống Giáo hội”. Lời mời gọi này không chỉ dừng lại cho riêng ai, nhưng cho tất cả Dân Thiên Chúa, cho những ai đã được rửa tội. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta cùng nhau làm sáng tỏ bổn phận và trách nhiệm của Thiếu Nhi Thánh Thể khi tham gia vào đời sống Giáo hội. Tại sao Thiếu Nhi Thánh Thể phải tham gia vào đời sống Giáo hội? Đâu là những cách thức mà Thiếu Nhi Thánh Thể có thể làm hay tham gia vào đời sống Giáo Hội hôm nay?

Trước khi đi vào việc phân tích chi tiết và làm rõ vấn đề, chúng ta cùng nhau lắng nghe đoạn trích Lời Chúa của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi cho công đoàn Cô-rin-tô, (1 Cr 12, 12-30). “Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.

Như vậy, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm và bổn phận cộng tác vào công việc xây dựng Giáo Hội, là thân hình mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Đã là người được lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta thuộc về một Chúa, một Thánh Thần, một ơn cứu độ, một Giáo hội. Chúng ta là anh chị em trong một gia đình, trong một thân thể như Thánh Phaolo mời gọi. Mỗi người là một chi thể làm nên một thân xác của Đức Ki-tô và là chi thể của Người. Chúng ta được mời gọi tham gia vào đời sống Giáo hội để cùng nhau làm cho Giáo hội của Chúa ngày càng lớn lên và vững mạnh trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Là Thiếu Nhi Thánh Thể, chúng ta không nằm ngoài gia đình Giáo Hội nhưng thuộc về Giáo Hội cách đích thực và đều được hưởng trọn vẹn đời sống đức tin và ơn cứu độ như mọi người. Vì thế, chúng ta cũng có trách nhiệm để tham gia vào đời sống Giáo hội cách tích cực và luôn luôn trong lứa tuổi của chính mình.

Quả thật, Tên gọi “Thiếu Nhi Thánh Thể” đã nói lên những chiều kích quan trọng nhất của những người thuộc về đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Đó là những người mang tên Chúa Giêsu Thánh Thể, và mang lấy chính Chúa Giêsu Thánh Thể trong cuộc sống. Nhưng mang lấy Chúa Giêsu Thánh Thể không chỉ là một công việc chỉ xảy ra nơi nhà thờ, mà chi phối toàn bộ cuộc sống của một Thiếu Nhi Thánh Thể. Trong Tông Thư “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con”, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết rằng: “Người Kitô hữu tham dự vào Thánh Thể, học được nơi Thánh Thể cách trở nên người xây dựng sự hiệp thông, hòa bình, liên đới trong mọi tình huống của cuộc sống” (số 27). Hay nói rõ hơn, người Thiếu Nhi Thánh Thể được mời gọi tham gia vào đời sống Giáo hội cách thiết thực và thường xuyên hơn trong độ tuổi hoặc theo các ngành của mình.

Thiết tưởng, để tham gia vào đời sống Giáo Hội cách tích cực và hiệu quả, người Thiếu Nhi Thánh Thể cần biết rằng: “Điều 4 Nội Quy nêu rõ: “Tôn Chỉ của PT/TNTT là Sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong sự Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh và Làm Tông Đồ. Nhất là làm tông đồ cho giới trẻ như Thánh Công Đồng Vatican II dạy: “Người trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ” (TĐGD, 12). Là người công giáo nói chung, sống đời sống cầu nguyện thật là cần thiết. Vì đời sống cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Phương chi là Thiếu Nhi Thánh Thể, chúng ta càng phải năng và chuyên chăm cầu nguyện để nhờ cầu nguyện với Chúa chúng ta có thêm sức mạnh, thánh thiện và biết sống giống Chúa trong mọi lời ăn tiếng nói. Việc kết hợp với Đức Giê-su, Người Anh Cả của Thiếu Nhi chúng ta thật là quan trọng vì không có Chúa chúng ta không làm được việc gì. Chúng ta đến với Ngài qua việc siêng năng tham dự Thánh lễ và dọn mình sạch sẽ để rước Thánh Thể Chúa Giê-su vào trong cung lòng của chúng ta. Từ đó, chúng ta quy hướng đời sống, mọi hoạt động của chúng ta về Chúa Giê-su Thánh Thể qua việc sống Giờ Thánh Thể, sống Ngày Thánh Thể. Quả thật, Thánh Thể là trung tâm điểm mọi suy nghĩ, mọi lời nói và mọi việc làm của Thiếu nhi chúng ta. “Anh chị em thân mến, dù ăn dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm vì vinh danh Thiên Chúa”. (1 Cr 10,31). Như vậy, nhờ kết hợp với Chúa Giê-su Thánh Thể, đời sống Thiếu Nhi Thánh Thể chúng ta ngày càng trở nên giống Chúa Giê-su trong mọi sự, sống theo lời dạy của Anh Cả Giê-su là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6). Cũng vậy, nhờ việc hiệp thông với Thiên Chúa và Chúa Giê-su Thánh Thể là nền tảng quan trọng nhất cho đời sống của Thiếu Nhi Thánh Thể. Mối liên hệ này chi phối toàn bộ mọi hoạt động của Thiếu Nhi Thánh Thể: là mình được đào luyện và tự đào luyện mình, cũng như giúp đào luyện các trẻ em được trao phó cho mình trở nên con người tốt, và con cái thánh thiện của Thiên Chúa (x. Sổ Tay Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp 1, 2005, tr. 8).

Mặt khác, nhờ việc hiệp thông với Anh Cả Giê-su Thánh Thể, Thiếu Nhi Thánh Thể còn được thúc đẩy sống tương quan với anh chị em đồng loại: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết trái tim, hết linh hồn, và hết tâm trí ngươi. Đây là giới răn lớn nhất và trước nhất. Giới răn thứ hai cũng giống như thế. Ngươi phải yêu thương người lân cận như chính mình ngươi” (Mt 12, 30-31). Như thế, yêu người chính là mến Chúa. Mến Chúa thì phải yêu người. Và vì thế, sự hiệp thông với Thánh Thể của Chúa mời gọi Thiếu Nhi Thánh Thể yêu mến và hiệp thông với người xung quanh. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo diễn tả rằng: “Bí tích Thánh Thể biểu thị và thể hiện chính thực chất của Hội Thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất Dân Thiên Chúa. (GLHTCG, 1325).

Chính nhờ Bí Tích Thánh Thể, Thiếu Nhi Thánh Thể đón nhận được sức sống và một tình yêu mãnh liệt giúp các anh chị em đạt đến sự hiệp thông với nhau. Điều đó được biểu hiện nơi một tâm hồn chân thành muốn cộng tác và liên đới với anh chị em của mình. Chính Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp các Thiếu Nhi Thánh Thể vượt lên trên những giận hờn, chia rẽ, ghen tương, ngần ngại, hiềm khích nhau… nhưng chân thành làm việc chung với nhau, một lòng một ý, chung tay xây dựng đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nơi môi trường sống của mỗi người. Bởi thế mỗi một lần tham dự Thánh Lễ, mỗi một lần rước lấy Chúa Giêsu Thánh Thể, là mỗi một lần Thiếu Nhi Thánh Thể học lấy và tập tành lối sống của Chúa Giêsu, đó là một lối sống biết ra khỏi con người mình, biết vượt lên trên mọi ích kỷ, mọi vụ lợi riêng tư, mà đến với anh chị em bằng một tấm lòng yêu thương chân thành, một tấm lòng đã mang lấy sự sống của Chúa Giêsu, hơn thế nữa: mang lấy chính Chúa Giêsu Thánh Thể. Đấng ngự trong ta và ta trong Người.

Như vậy, nhờ việc sống tương quan liên lỉ với Chúa Giê-su Thánh Thể mà Thiếu Nhi có một mối tương quan khăng khít với tha nhân, với bạn bè, nhất là đối với bạn bè chưa cùng niềm tin với chúng ta. Cũng nhờ việc hiệp thông mật thiết với Đức Giê-su ngang qua đời sống cầu nguyện và rước lễ như vậy mà Thiếu Nhi Thánh Thể được mời gọi tham gia vào đời sống Giáo hội cách hăng say và dấn thân không biết mệt mỏi.

Vậy đâu là những cách thức Thiếu Nhi Thánh Thể tham gia vào đời sống Giáo hội, cụ thể là giáo xứ của chúng ta?

Có lẽ nhiều bạn Thiếu Nhi Thánh Thể cũng đã từng hỏi: tôi có thể tham gia vào đời sống Giáo hội, giáo xứ của tôi như thế nào? Có thể có nhiều cách để Thiếu Nhi Thánh Thể tích cực tham gia vào đời sống Giáo hội và Giáo xứ của mình. Sau đây là một vài gợi ý ngõ hầu giúp Thiếu Nhi Thánh Thể có thể sống năm mục vụ 2024 cách tích cực và hiệu quả hơn.

Thứ nhất, chúng ta tham gia vào một trong nhiều hội đoàn trẻ của Giáo xứ: Hội Con Đức Mẹ, hội Giới Trẻ Phan Sinh, hội Mầm Ơn Gọi, hội Thiếu Nhi Thánh Thể… Để kết nối với những người cùng trang lứa của mình để cùng nhau sinh hoạt, học hỏi và chia sẻ những kỹ năng sống, đời sống nhân bản, cũng như tham gia các hoạt động xã hội và giáo hội nhằm nâng cao tinh thần bác ái Ki-tô giáo. Đừng ai đang ở lứa tuổi học trò, lứa tuổi thiếu nhi từ 4-18 tuổi mà lại không muốn tham gia một hội đoàn nào trong Giáo xứ. Thomas Merton đã nói: Không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống là sống cùng, sống chung, sống với, sống vì người khác. Thật vậy, tham gia vào hội đoàn và hoạt động năng động là cách thức tham gia vào đời sống Giáo hội, giáo xứ của chúng ta.

Thứ hai, Thiếu Nhi Thánh Thể được mời gọi yêu mến Lời Chúa và Thánh Thể, nên Thiếu Nhi Thánh Thể  không thể không tham gia vào đời sống thánh lễ hằng ngày. Cách đặc biệt, Thiếu Nhi Thánh Thể được mời gọi đảm nhận các công việc phục vụ trong phụng vụ: giúp lễ, đọc sách, ca đoàn. Đây là cơ hội để giúp chúng ta thánh hoá bản thân, nâng cao trải nghiệm việc thờ phượng Thiên Chúa và hiểu biết sâu sắc hơn về đời sống phụng vụ.

Thứ ba, Thiếu Nhi Thánh Thể tham gia vào các hoạt động từ thiện của hội đoàn và của giáo xứ đối với các hoàn cảnh khó khăn, già cả neo đơn, bệnh tật và thiếu năng. Để tham gia vào những hoạt động đó có hiệu quả và chất lượng, Thiếu Nhi Thánh Thể cần tham gia tích cực vào việc gom ve chai, hội chợ xuân, bán hương tháng linh hồn, bán nến mùa phục sinh, bán hoa tháng Đức Mẹ… Sự tham gia này thúc đẩy ý thức cộng đồng và tạo cơ hội đóng góp cho đời sống của Giáo xứ.

Thứ tư, Thiếu Nhi Thánh Thể có thể tham gia vào các chương trình giáo dục tôn giáo của Giáo xứ trong tư cách là giáo lý viên huynh trưởng hoặc là phụ tá để chia sẻ đức tin của mình với các thành viên trẻ hơn trong cộng đoàn Giáo xứ, đây cũng cơ hội để Thiếu Nhi Thánh Thể tham gia vào việc đào tạo và nâng cao đời sống tâm linh cho thế hệ trẻ, cho các lớp đàn em trong Giáo xứ.

Thứ 5, Thiếu Nhi Thánh Thể tham gia vào hội đoàn học hỏi cũng như chia sẻ Lời Chúa cách nhiệt tình để chia sẻ những kinh nghiệm hiểu biết của mình nhằm xây dựng mối tương quan với anh chị em cùng lứa tuổi và hỗ trợ các đàn em của mình ngày càng hăng say đọc, suy niệm và chia sẻ Lời Chúa hơn trong cộng đoàn Giáo xứ.

Thứ 6, Thiếu Nhi Thánh Thể tham gia vào các cuộc tĩnh huấn để đào sâu đời sống tâm linh cũng như có cơ hội nối kết với anh chị em của mình, từ xa lạ đến quen biết. Tham gia để nối kết để đào sâu hiểu biết đức tin cũng như bồi dưỡng thêm đời sống tâm linh cho mình và cho người.

Thứ bảy, Thiếu Nhi Thánh Thể có thể tham gia vào đời sống truyền giáo của Giáo xứ cũng như các chuyến thiện nguyện tới vùng ngoại biên để hoàn thành sứ mệnh của thiếu nhi là Giới trẻ làm tông đồ cho giới trẻ hôm nay. Thiếu Nhi Thánh Thể không ngại tham gia và lên đường dấn thân các hoạt động xã hội để từ đó giới thiệu Chúa và nhận ra Chúa nơi người nghèo và đau khổ.

Thứ tám, Thiếu Nhi Thánh Thể có thể tham gia vào các chương trình truyền thông của giáo xứ: chụp hình, livestreem, viết bài cho trang web của giáo xứ, phục vụ đánh máy và chiếu máy trong phụng vụ…đây cũng là cách tham gia trong lĩnh vực chuyên môn đối với Thiếu Nhi Thánh Thể.

Thứ chín, Thiếu Nhi Thánh Thể có thể cùng với các hội đoàn trẻ khác tham gia vào hội cầu nguyện cũng như tham gia vào việc đóng góp việc chung của Giáo xứ: quét nhà thờ, quét khuôn viên nhà thờ, hoặc chăm bón cây cảnh và phục vụ thư viện sách trong Giáo xứ.

Có thể có rất nhiều cách thức tham gia vào đời sống Giáo hội và Giáo xứ nữa, nhưng thiết tưởng với chứng ấy cách thức đó cũng giúp các con Thiếu Nhi Thánh Thể sống chiều kích tham gia cách hiệu quả và năng động hầu tạo niềm vui cho bản thân và cho đồng loại. Cầu Chúa chúc lành cho các con Thiếu Nhi Thánh Thể để các con luôn luôn là những người tiên phong trong việc lắng nghe Lời Chúa, yêu mến Thánh lễ và sẵn sàng lên đường tham gia tích cực các công việc thiện ích trong và ngoài Giáo xứ. Mong rằng “đâu cần thì Thiếu Nhi có, việc gì khó có Thiếu Nhi.”! Ước gì được như vậy!

Lm.  Phaolô Phạm Trọng Phương

Nguồn: .dcvphanxicoxavie.com

Có thể bạn quan tâm