THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI TRONG HUYỀN NHIỆM THẬP GIÁ
Philip Primeau
Việc trình bày đức tin thánh thiện của chúng ta thường gặp trở ngại do không thể hiện được sự thống nhất hữu cơ của các bộ phận cấu thành nên đức tin đó, một vấn đề mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã than phiền rất nhiều, Ngài đã nhận xét rằng Kitô giáo thường bị giảm xuống thành một thực tế “thật nhiều giáo thuyết rời rạc” (Evangelii Gaudium, số 35). Không ở đâu xu hướng này được cảm nhận sâu sắc hơn là mối liên quan nguồn cội giữa thập giá, vốn là sự tự mặc khải của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, và căn tính của con người với tư cách là imago Dei – hình ảnh của Thiên Chúa, mối tương quan mà bài viết này cố gắng giải thích, kẻo một sự thật cơ bản sẽ bị bỏ qua.
Chúng ta phải bắt đầu bằng cách khẳng định một nguyên tắc nền tảng trong tín điều của chúng ta: rằng Chúa Giêsu Kitô, chính Ngài là ánh sáng tự hữu của Thiên Chúa Cha, đã xuất hiện giữa loài người để mặc khải Thiên Chúa Cha: “Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:27, Ga 1:18, Hípri. 1:2-3). Có vẻ gần như ngớ ngẩn khi đọc lại lời dạy này. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta nói một cách chung chung về “sự nhập thể của Thiên Chúa,” và làm cho sự cứu độ trở nên trống rỗng vì mất đi tính năng động riêng có của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng chính Chúa Giêsu Kitô, và chỉ có Chúa Giêsu Kitô, là Khuôn Mặt của Thiên Chúa: Người Con, Ngôi Lời, Trí Tuệ, Quyền Năng và sự Sáng Ngời của Thiên Chúa. Ngoài Ngài ra, không ai hiểu và nhận ra Thiên Chúa Cha. Do đó, chúng ta tôn thờ Chúa Kitô là Hình ảnh hiển hiện của Thiên Chúa, nơi Ngài chúng ta “chiêm ngưỡng vẻ đẹp không thể diễn tả bằng lời của Nguyên mẫu”, tức là Chúa Cha toàn năng (Thánh Basiliô Cả, Về Chúa Thánh Thần IX, 23).
Không nghi ngờ gì nữa, Chúa Kitô đã cho thấy mình là Hình ảnh của Thiên Chúa – nghĩa là Ngài diễn tả Thiên Chúa cách trung thực – trong suốt thời gian lưu lại trên trần thế của Ngài, nói rõ, trong nhân tính của Ngài, Lời của Thiên Chúa Cha, rằng đơn giản là Ngài ở trong thần tính của Chúa Cha. Tuy nhiên, mầu nhiệm này cho thấy hình dạng rõ ràng nhất của nó trên thập giá, nơi Chúa Kitô thể hiện tình yêu tự trao hiến sâu xa của Chúa Cha bằng sự tự hủy thẳm sâu của Ngài:
“Thiên Chúa là tình yêu.
Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta
được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian
để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống”
(1 Ga 4:8-9)
Như Ôrigiênê đã nhận xét: “Chúng ta không ngần ngại nói rằng sự tốt lành của Chúa Kitô thể hiện dưới một ánh sáng lớn lao và thần linh hơn, và giống hình ảnh của Chúa Cha hơn, bởi vì Ngài đã hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết” (Bình giải về Gioan I, 37). Do đó, thập giá đã (và đang) là nơi thích hợp cho sự mặc khải của Thiên Chúa. Bị đóng đinh, Chúa Con đã biểu lộ Bản thể tự lan tỏa, là nguồn gốc của vạn vật, và ngay cả bây giờ cũng biểu lộ chính Ngài là Thực tại y như vậy đối với những ai hưởng được tầm nhìn chiêm niệm thấu suốt của đức tin: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8:28; Xh 3:14, Is. 41–45).
Sự mặc khải của thập giá không phải là một câu đố dành riêng cho suy đoán thần học. Ngược lại, nó được dệt thành tấm vải của lòng đạo đức Kitô giáo. Chẳng hạn, hãy xem xét cách chúng ta kêu cầu Chúa Ba Ngôi trong khi làm dấu thánh giá, qua đó tuyên xưng “Thiên Chúa là Đấng được thập giá mặc khải” (Thánh Grêgôriô Nyssa, Chống lại Eunomius V, 3). Các bí tích cũng làm chứng cho mầu nhiệm này, mỗi bí tích theo một cách riêng. Đặc biệt, Bí tích Thánh Thể làm sáng tỏ ý nghĩa sâu kín của thập giá, đồng thời công bố và truyền đạt agape thần linh – Đức Ái của Thiên Chúa – biến một hành động bất công hết mực thành một hành động yêu thương tuyệt đỉnh, và làm cho đồi Canvê trở thành một mặc khải dễ hiểu về bản tính của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, con người cũng được mặc khải trên thập tự giá không kém gì Thiên Chúa. Thật vậy, con người không chỉ được mặc khải, mà còn được hoàn thiện; đúng hơn, con người được mặc khải đến độ họ được trở nên hoàn thiện. Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta… Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Stk 1:27), và diễm phúc nguyên thủy của con người cốt ở việc mang lại vinh quang cho Thiên Chúa nhờ sự tương hợp với Đấng Tạo Hóa của mình. Con người đã từ bỏ trạng thái đầy phúc lành này bằng cách hướng cõi lòng mình ra khỏi ánh sáng vĩnh cửu, để rồi trở nên nguội lạnh, mờ ảo và u ám. Chúa Kitô, bằng sự xuất hiện và phục vụ của mình, đã phục hồi nơi con người hình ảnh của Thiên Chúa, làm cho bản tính của chúng ta trở thành một phương tiện duy nhất để thể hiện tình yêu tự lan tỏa của Chúa Cha. “Chúa Kitô đã bắt đầu làm tươi mới lại hàng dài những con người… để những gì chúng ta đã đánh mất nơi Ađam – cụ thể là tình trạng giống hình ảnh Thiên Chúa – để chúng ta có thể phục hồi nơi Ngài” (Thánh Irênê, Chống Dị giáo III, 18, 1 – từ bản Syriac). Qua cuộc khổ nạn của mình, Chúa Kitô đã tạo nên dung mạo của người cha trong hình dạng con người, vì Chúa Cha là tình yêu thương phát sinh và thông truyền, do đó làm cho con người thực sự trở nên và dường như là thần thánh. Trên cây gỗ thánh, hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người lại bừng sáng; hiện tại, hình ảnh đó vẫn có sẵn để con người lấy làm của riêng qua các bí tích, và đặc biệt là qua Bí tích Thánh Thể, nơi “Agape – Tình Yêu của Thiên Chúa mang tính xác phàm đến với chúng ta” (ĐGH Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est, số 14), và chúng ta tìm thấy và trở thành con người thật của mình qua cuộc gặp gỡ với hình ảnh thật. Ecce homo!
Nói tóm lại, thập giá là một cánh cửa kép, dẫn vào chiều sâu của những mầu nhiệm của Thiên Chúa và con người, những mầu nhiệm mà sau khi Ngôi Lời đến trần thế, không thể nào chia cắt ra một cách thích đáng được. Những ai nhận được Chúa Thánh Thần từ cạnh sườn Chúa Kitô thì hiểu được Thiên Chúa chịu đóng đinh: “để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Chúa Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Eph 3:18-19). Họ càng nhận thức được Thiên Chúa, thì đồng thời họ càng nắm bắt được điều bí nhiệm của ngôi vị con người, vốn được ban cho imago Dei – hình ảnh của Thiên Chúa, được kêu mời làm cho vẻ huy hoàng vô hình của thần tính trở nên hữu hình, một thần tính trước hết hệ tại ở tình yêu khôn tả: “tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Eph 3:19).
Ước mong chúng ta có thể giữ gìn cách nhìn thấu suốt này trước mắt mình, thì chúng ta có thể chia sẻ đức tin một cách thuyết phục hơn, cho thấy thập giá chứa đựng mọi bí mật của hiện hữu và chứa đựng “mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Côlôsê 2:3).
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: hprweb.com (24.02.2023)
Có thể bạn quan tâm
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng: Kế Hoạch Thực Hiện Sống Năm Thánh..
Th11
Thánh lễ tạ ơn Công bố Quyết định Thành lập Giáo họ độc..
Th11
Thánh lễ tạ ơn hồng ân thánh hiến tại Cộng đoàn MTG Chân..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B – Chúa Giêsu Kitô, Vua..
Th11
Đức Thánh Cha Thành Lập Ủy Ban Tòa Thánh Về Ngày Thế Giới..
Th11
Ủy Ban Mục Vụ Di Dân Gặp Mặt Tại Hà Nội
Th11
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
Th11
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ
Th11
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina: 1.000 ngày chiến tranh, số người chết..
Th11
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11