7 lời khuyên giúp thanh thiếu niên vượt qua nỗi đau

1208 lượt xem

7 LỜI KHUYÊN GIÚP THANH THIẾU NIÊN VƯỢT QUA NỖI ĐAU

Cerith Gardiner

 Có thể nói, một trong những điều khó vượt qua nhất thời thanh xuân là khi bị tan vỡ mối tình đầu. Nuôi dạy con trong độ tuổi thanh thiếu niên vốn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thêm vào đó, lại là đứa trẻ đang gặp mối đau khổ, thì đó quả là nỗi đau gấp đôi cho cả gia đình.

Sau đây là chia sẻ của một bà mẹ có 4 đứa con và nhiều học sinh ở độ tuổi 18-19, về 7 lời khuyên giúp chúng ta đồng hành với trẻ thanh thiếu niên và thanh niên khi chúng đối diện với nỗi đau mất đi mối tình đầu, với hy vọng cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn một chút.

1.Thừa nhận nỗi đau

Trước hết, dù có làm gì, nói gì thì bạn cần tránh phủ nhận nỗi đau của trẻ. Thật sự, trẻ đang cảm thấy mất mát sâu sắc trong mối tương quan của mình và điều này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Nếu con cần khóc, hãy cho con không gian và thời gian để làm điều đó.

2.Đừng sử dụng kiểunói “không thiếu gì người tốt hơn thế”

Một điều khiến tôi, khi còn là một thiếu nữ, và sau này, là con gái tôi đều cảm thấy rất khó chịu, đó là nghe nói rằng: với 8 tỷ dân số, nên còn rất nhiều đàn ông khác ngoài kia!

Điều này không chỉ phủ nhận tình cảm sâu đậm mà trẻ dành cho người yêu với hàm ý rằng, người ấy có thể dễ dàng bị thay thế, mà còn chẳng ích lợi gì khi đau buồn về tình yêu đã mất.

Thay vào đó, có một cách tiếp cận tế nhị hơn khi nói rằng, “Mặc dù con có thể chưa sẵn sàng để nghe điều này, nhưng đâu đó trên hành tinh này vẫn có một người nào đó đang sống cuộc đời của họ mà chưa biết rằng họ sẽ hạnh phúc ra sao khi cuối cùng họ yêu con”.

Ý tưởng về những điều chưa biết rất thú vị và nó cũng cho phép trẻ nghĩ rằng chúng đang ở trên một cuộc hành trình mà Thiên Chúa đã sắp đặt cho, và chẳng ai biết được hành trình ấy sẽ dẫn đến đâu.

3.Đi dạo

Khuyến khích trẻ đi dạo với bạn. Đây là thời khắc rất quí để cả hai có thể cùng trao đổi về tình huống của trẻ, và trẻ có thể tuỳ nghi thoải mái chia sẻ những điều ôm ấp trong lòng.

Tập thể dục và hít thở không khí trong lành cũng góp phần giúp tinh thần phấn chấn, sảng khoái, và nhắc trẻ rằng vẫn có cuộc sống sinh động bên ngoài những bức tường căn phòng của chúng.

4.Giữ cho trẻ bận rộn

Ở thời điểm này, trẻ rất khó để tập trung cho việc học, nên nếu có thể, hãy giúp trẻ khuây khoả bằng cách để nghị một số việc làm thể chất, hoặc hoạt động bên ngoài để trẻ cùng làm và tham gia với bạn.

5.Chia sẻ những điều tích cực

Một điều mà nhiều người hay làm là nói những điều tiêu cực về người đã làm tan nát trái tim con mình. Tôi cố gắng tránh điều này vì chúng ta không muốn trẻ cảm thấy ngu ngốc vì đã dành tình cảm cho một người không xứng đáng.

Điều tôi làm là để trẻ hiểu rõ những điều chúng thực sự thích, đồng thời cũng ghi nhận những điều chúng không thích nơi người đó. Sau khi có được những thông tin này, bạn có thể gợi ý để trẻ liệt kê danh sách những phẩm chất để tìm người chồng/ vợ tương lai của mình. (Cũng như những điều trẻ có thể muốn tránh!)

Tuy nhiên, điều này có thể hơi đau đớn và những phẩm chất có thể bị phóng đại khi trẻ giữ chặt lấy những điều chúng yêu thích ở người ấy. Dù thế, theo thời gian, trẻ có thể điều chỉnh lại danh sách này và nhận ra rằng những phẩm chất này cũng có thể được tìm thấy nơi những người khác.

6.Liệu yêu và bị thất tình thì tốt hơn?

Tennyson có một câu nói xem ra rất cần thiết: “Thà có người yêu và bị thất tình còn hơn là chưa bao giờ có trải nghiệm về tình yêu”. Hãy nói với trẻ thử tưởng tượng về một cuộc sống mà chúng chưa bao giờ yêu xem thế nào. Yêu là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, và nếu chúng ta từng có khả năng yêu một người nào đó, thì chúng ta cũng sẽ có thể yêu thương những người khác. Và đây thực sự là niềm vui và hy vọng mà chúng ta có được trong cuộc sống trần thế này.

7.Chia sẻ mẫugương của Chúa Giêsu

Khi nói đến tình yêu và đau khổ, thì chẳng có ví dụ nào tốt hơn là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu của Ngài sâu đậm đến nỗi hy sinh Con Một yêu dấu của Ngài. Điều này không chỉ giúp nhìn vấn đề ở góc độ bao quát hơn mà còn có thể nhắc trẻ tin tưởng vào kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho chúng.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm (Chuyển ngữ)

Nguồn: hdgmvietnam

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận