Thánh lễ Tạ ơn mừng Ngân khánh Linh mục Cha Phêrô Trần Phúc Chính: “Hãy ra công làm việc”

2582 lượt xem

Vào lúc 8h sáng ngày 27/06/2019, Giáo xứ Mỹ Lộc long trọng tổ chức Thánh lễ tạ ơn mừng ngân khánh Linh mục Cha Phêrô Trần Phúc Chính. Hiện diện trong Thánh lễ có Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh, quý cha trong và ngoài Giáo phận, quý tu sĩ nam nữ, cùng đông đảo quý ân nhân, thân nhân và cộng đoàn dân Chúa.

Hành trình 25 năm Linh mục là một chặng đường dài với biết bao thử thách và khó nhọc, đồng thời cũng là hồng ân dồi dào mà Thiên Chúa đã thương ban. Thánh lễ hôm nay là dịp để Cha Phêrô dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và tri ân quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, thân nhân, cùng cộng đoàn dân Chúa về hồng ân cao quý mà Cha đã được lãnh nhận.

Trước phần khai lễ, cha Phêrô Hoàng Biên Cương, phó chủ tịch Hội đồng Linh mục Giáo phận công bố phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tiếp sau đó, Đức Cha Phaolô, chủ chăn Giáo phận, đã trao phép lành Tòa thánh cho Cha Phêrô.

Giảng trong thánh lễ, Cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Quản hạt Xã Đoài, Giáo phận Vinh đã mượn câu khẩu hiệu linh mục của Cha Phêrô Trần Phúc Chính “Hãy ra công làm việc” (Ga 6,27) lấy từ Tin Mừng của Thánh Gioan trong chương nói về diễn từ Bánh Hằng Sống để khái quát về cuộc đời và hành trình ơn gọi của Cha Phêrô như là mẫu người chuyên chăm làm việc. Dĩ nhiên không phải lao động chân tay để tạo ra thứ bánh vật chất, thứ bánh mau hư nát nhưng là làm việc với tư cách một tư tế hàng ngày dâng thánh lễ, hàng ngày đưa lại thứ bánh trường sinh cho chính mình và cho người khác.

Là một nhà sư phạm tài ba, Chúa Giêsu bắt đầu từ những cái trực quan sinh động, cụ thể của đời thường để nói về những thực tại siêu nhiên, một lối dẫn dắt tiệm tiến để con người dễ lĩnh hội được những chân lý cao siêu bằng những ví dụ cụ thể sinh động của đời thường. Chúa Giêsu nói về bánh hằng ngày, là thứ bánh vật chất, để từ đó Ngài nói về Bánh hằng sống là chính Ngài. Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã cho cả một đám đông dân chúng được một bữa ăn no nê. Nhưng phép lạ hóa bánh ra nhiều là muốn quy về một thực tại khác lớn lao hơn, đó là phải đi đến việc chân nhận rằng Đức Giêsu chính là bánh ban sự sống đời đời: “Chính Tôi là bánh hằng sống, ai đến với Tôi, không hề đói, và ai tin vào Tôi, sẽ chẳng khát bao giờ”. Ngài mời gọi chúng ta hãy ra sức làm việc để có được thứ bánh trường tồn ấy. Vì nếu con người chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn thứ bánh vật chất, thì muôn đời họ vẫn đói. Nhưng với người Do thái cùng thời với Chúa Giêsu, ý niệm Messia chỉ mang màu sắc chính trị xã hội. Đấng cứu thế mà họ trông đợi khác xa với những gì Đức Giêsu sống và rao giảng. Cho nên cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và dân chúng hầu như không mang lại kết quả gì!

Qua đó, cha Phêrô mời gọi mỗi người tự chất vấn mình về việc xét xem bản thân đã dành bao nhiêu phần trăm thời gian, sức lực, tài năng, tiền bạc cho của ăn đem lại phúc trường sinh và bao nhiêu phần trăm cho của ăn hay hư nát? Cũng trong bài chia sẻ, cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh giúp cộng đoàn nhìn lại hành trình đầy gian khổ của Cha Phêrô, với nhiều năm sống trong cảnh tù đày cách bất công, ngài phải đương đầu với bao chiêu bài tẩy não, mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa và tấn công. Tuy nhiên, điều đó không khiến Cha Phêrô chùn bước nhưng càng giúp ngài kiên vững hơn trên hành trình theo chân Chúa. Suốt 25 năm trong thiên chức Linh mục, Cha Phêrô đã luôn “ra công làm việc… vì của ăn thường tồn đem lại phúc trường sinh” qua việc cử hành Thánh lễ để tìm kiếm nước Thiên Chúa cho mình và cho tha nhân như là việc hệ trọng nhất.

Nhìn lại hành trình ơn gọi và sứ vụ linh mục của Cha Phêrô Trần Phúc Chính

Ngày 13/08/1957, lúc 14 tuổi, cậu Phêrô Chính được chọn vào trường tập Xuân Phong và sau đó 2 năm vào Tiểu Chủng Viện Xã Đoài.

Ngày 20/05/1965, mãn khóa Tiểu Chủng Viện. Lúc này, chính quyền đã không cho Thầy Phêrô đi giúp xứ. Thầy về giúp cha Phêrô Nguyễn Xuân Lan, nghĩa phụ của Thầy, từ ngày 20/05/1965 đến ngày 20/09/1967. Sau đó, Thầy bị chính quyền Nghệ An trục xuất ra khỏi tỉnh Nghệ An và bị quản chế tại địa phương là Hợp tác xã Tân Vĩnh, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1970, Thầy bị bắt với lệnh: Tập trung cải tạo những thành phần không có lợi cho cách mạng. Kể từ đó Thầy phải sống trong cảnh tù tội cách bất công hơn 12 năm.

Năm 1982, Thầy Phêrô được chính quyền Nghệ An trả về Tòa Giám mục Xã Đoài, nhưng sau đó, Thầy lại bị trục xuất khỏi Tòa Giám mục và trở về chịu quản chế tại nơi sinh quán cho đến năm 1987.

Sau nhiều năm bị quản chế, Thầy Phêrô được Đức cha Phêrô Trần Xuân Hạp gọi về Tòa Giám mục giúp việc và đến tháng 9/1992, Thầy Phêrô chính thức có hộ khẩu tại Tòa Giám mục và có danh sách học hàm thụ.

Với sự kiên trì theo đuổi ơn gọi, Thầy Phêrô đã được Chúa thương nhận lời. Ngày 30/05/1994, Thầy được chịu chức Phó tế. Hôm sau, ngày 31/05/1994, Thầy được Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp đặt tay trao ban thừa tác vụ linh mục tại nhà thờ Chính tòa Xã Đoài. Cảm mến tình yêu Chúa đổ đầy trên cuộc đời mình, Cha Phêrô quyết dấn thân không mệt mỏi vì Chúa và Giáo hội, trở nên người thợ tốt lành của Chúa.

Trong 25 năm linh mục, cha đã từng đến với nhiều Giáo xứ khác nhau, đồng thời, ngài cũng đảm nhiệm nhiều sứ vụ khác trong Giáo phận. Vừa lãnh nhận thiên chức Linh mục, cha được bổ nhiệm về quản xứ Rú Đất và kiêm Giáo xứ Lâm Xuyên từ năm 1994-2004. Sau đó nhiều năm, ngài được bổ nhiệm làm cha quản xứ, quản hạt của nhiều nơi như: Thuận Nghĩa, Nhân Hòa, Bình Thuận, Văn Hạnh và hai họ độc lập là Kim Đôi và Trung Cự.

Từ ngày 02/02/2017 đến nay, Cha Phêrô được Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp sai về coi sóc Giáo xứ Mỹ Lộc.

Ngoài ra, từ năm 2001-2007, Bề trên Giáo phận Vinh đã đặt ngài làm cha Giải tội tại ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê. Tháng 01/2007, ngài được Đức Cha Phaolô Maria bổ nhiệm thành viên Ban Tư vấn. Ngày 08/12/2010, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp bổ nhiệm ngài trong thành viên Ban Tư vấn nhiệm kỳ 2010-2015 và tiếp tục nhiệm kỳ 2015-2020.

25 năm Linh mục là một mốc son đáng nhớ và một chặng đường đong đầy nhiều biến cố, thăng trầm cũng như dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa đổ tràn trên hành trình cuộc đời và ơn gọi của Cha Phêrô. Ước mong rằng, qua Thánh lễ tạ ơn hôm nay, Cha Phêrô sẽ luôn giữ được niềm trung tín sắt son và luôn “ra công làm việc” để xứng đáng với thiên chức mà mình được lãnh nhận.

Francis Cao

Có thể bạn quan tâm

Trả lời