TGM-GPHT: Thư Mục Vụ Mùa Vọng 2023

3714 lượt xem

Số: 04/2023/TC-GM

Văn Hạnh, ngày 29 tháng 11 năm 2023

THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG 2023
Gửi Cộng Đoàn Dân Chúa Giáo Phận Hà Tĩnh

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang bước vào thời gian mùa Vọng hướng đến mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh. Trong khi cầu nguyện, tôi tự hỏi anh chị em tín hữu mình đang sống những niềm hy vọng nào, và những hy vọng đó có liên hệ gì tới niềm Hy vọng cánh chung của người Kitô hữu mong được gặp lại Chúa trong vinh quang vĩnh cửu không?

Nhiều tham dự viên Đại hội Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần XVI tháng Mười vừa qua đã vui mừng và ngạc nhiên bởi niềm vui lần đầu tiên được Giáo hội mời đến để sống và nói về Đức Tin và niềm Hy vọng. Một số người lo lắng sợ hãi cho hành trình Thượng Hội Đồng này, không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một số người mong đợi Giáo hội sẽ có những thay đổi đột phá, hệ trọng. Một số khác sợ rằng những thay đổi như thế sẽ chỉ dẫn Giáo hội đến bờ chia cắt, thậm chí li giáo. Nhưng trong những lúc hệ trọng như thế, chúng ta luôn được nghe Chúa Giêsu nói: “Đừng sợ!” (Mt 10, 28). Thánh Gioan cũng nói, “Tình yêu đích thực loại trừ sợ hãi” (1Ga 4, 18). Cái thực sự đáng sợ chính là nỗi sợ hãi của chúng ta.

Cũng như các tham dự viên Thượng Hội Đồng sống những ngày tĩnh tâm trước khi bước vào Hội nghị, tôi mời gọi anh chị em hãy bước vào mùa Vọng chuẩn bị lễ Giáng sinh bằng cuộc tĩnh tâm cầu nguyện dài ngày để lấy lại can đảm và hy vọng mà lên đường cùng với toàn thể Hội thánh loan báo Tin Mừng. Chúng ta sẽ học cách lắng nghe Lời Chúa, và cùng lắng nghe nhau. Chúng ta cùng nhau hy vọng về tương lai của Hội thánh và nhân loại. Giữa các cá nhân, trong gia đình và các cộng đoàn, lớn hay nhỏ của chúng ta có thể vẫn còn nhiều hiểu lầm và tranh cãi, vẫn còn có những hy vọng đối lập nhau, dẫu thế, chúng ta vẫn tiến bước trong “Hy vọng cả khi chẳng có gì để hy vọng” (Rm 4,18). Vào bữa Tiệc Ly, các môn đệ đã lãnh nhận niềm hy vọng mà có lẽ các ông chưa bao giờ nghĩ tới: Đó là Thân Mình và Máu của Đức Kitô, Giao ước mới, sự sống đời đời. Cao điểm của cuộc tĩnh tâm cầu nguyện luôn là Tiệc Thánh Thể, sự tham dự trước vào Tiệc cánh chung trong Nước Trời. Dưới ánh sáng của niềm Hy vọng từ Thánh Thể, tất cả những ước vọng đối kháng của chúng ta khi còn ở thế gian này dường như chẳng là gì cả.
Tôi muốn lưu ý và khuyến khích anh chị em thực hành lắng nghe nhau và cầu nguyện thinh lặng trong đời sống tín hữu và cộng đoàn.

Lắng nghe

Tôi xin anh chị em quan tâm hơn đến việc chú tâm nghe Lời Chúa trong cầu nguyện, trong phụng vụ Thánh Thể và lắng nghe nhau qua nhóm chia sẻ Lời Chúa trong cộng đoàn nhỏ (gia đình, liên gia, hội đoàn, giáo họ, giáo xứ…). Hãy lắng nghe nhau, ơn Chúa sẽ đến từ những bất đồng, khác biệt, nếu mỗi người dám lắng nghe người khác. Như cha Timothy Racliffe, OP, nói trong tĩnh tâm của các tham dự viên Thượng Hội Đồng: chúng ta lắng nghe không chỉ những gì người khác nói mà cả những gì họ đang muốn nói, lắng nghe cả những gì chưa được nói ra, những lời mà họ tìm kiếm. Lắng nghe khi họ nói đúng, hay chỉ đúng một phần, và ngay cả khi họ nói sai. Lắng nghe với niềm hy vọng chứ không khinh thường. Bởi đâu đó trong lời nói sai lầm của họ là một sự thật tôi cần được nghe. Chúng ta là những người hành khất đi tìm sự thật.[1] Nếu chúng ta thực sự lắng nghe nhau, những câu trả lời có sẵn trong đầu chúng ta sẽ không còn nữa, chúng ta sẽ im lặng và không nói nên lời, vì muốn nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ hòa hợp tất cả những khác biệt trong tình bác ái yêu thương, hiệp thông.

Thinh lặng

Bởi thế, anh chị em hãy lưu ý đến sự thực hành cầu nguyện thinh lặng thích hợp, trong các cử hành phụng vụ, trong các hội họp, học hành, hội nghị, sinh hoạt Giáo hội. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ ngắn gọn trong buổi cầu nguyện canh thức đại kết trước khi khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua, về sự thinh lặng như thế này: “thinh lặng là nền tảng của lời nói và cuộc sống. Thánh Phaolô nói rằng mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể “được bao phủ trong thinh lặng đến muôn đời” (Rm 16:25), thánh nhân dạy chúng ta rằng sự thinh lặng bảo tồn mầu nhiệm, như Abraham đã bảo vệ Giao ước, như Mẹ Maria đã gìn giữ sự sống của Con Mẹ trong cung lòng cũng như luôn suy niệm trong lòng về đời sống của Người (x. Lc 1,31; 2,19.51). Mặt khác, sự thật không cần đến những tiếng kêu la dữ dội mới chạm được đến trái tim con người. Thiên Chúa không thích những lời tuyên bố và la hét, huyên thuyên và ồn ào: Ngài thích ngỏ lời trong “tiếng thì thầm của làn gió nhẹ” (1V 19,12) […]. Chúng ta “… cần thoát khỏi nhiều tiếng ồn để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Bởi vì chỉ trong sự thinh lặng của chúng ta Lời Chúa mới vang vọng”. “Thinh lặng trong cộng đoàn Giáo hội, khiến cho sự giao tiếp-truyền thông huynh đệ trở nên khả thi, trong đó Chúa Thánh Thần hòa hợp các quan điểm. Trở nên hiệp hành có nghĩa là chào đón nhau theo cách này, trong ý thức rằng tất cả chúng ta đều có điều gì đó để làm chứng và để học hỏi, cùng nhau lắng nghe “Thần Khí sự thật” (Ga 14,17) để biết Người “nói gì” với các Giáo hội” (Kh 2,7). Và sự thinh lặng cho phép phân định, qua việc chăm chú lắng nghe “những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,26) của Thánh Thần vang vọng, thường ẩn tàng, trong Dân Chúa”.

Lắng nghe và thinh lặng là hai điều thiết yếu nền tảng khởi đầu cho việc “Đối thoại trong Thánh Thần”, phương pháp của Hội thánh hiệp hành truyền giáo. Như Đức Giêsu gặp gỡ người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, chúng ta không thể loan báo Tin Mừng nếu không có đối thoại; và sẽ không có đối thoại nếu trước hết không có lắng nghe nhau thực sự trong sự lắng nghe Chúa Thánh Thần, với mong ước tìm kiếm chân lí mang lại hạnh phúc thật.

Chúc anh chị em được bình an và ngày càng tiến sâu hơn vào sống mầu nhiệm Nhập Thể trong Mùa Vọng – Giáng sinh sắp tới này. Kính dâng anh chị em cho Thánh Gia Thất: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse bảo trợ và  xin các Ngài chuyển cầu cho chúng ta.

Thân ái trong Chúa Kitô!

 Louis Nguyễn Anh Tuấn,
(Đã ấn ký)

    Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh.

[1] Cf. Timothy Radcliffe, OP, Suy niệm tĩnh tâm THĐGM lần XVI, x. https://vaticannews.va.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận