Tết có anh em lương dân

1233 lượt xem

Hằng năm có những lễ hội quan trọng, hoặc theo lịch phụng vụ (Noel, Mùa Chay, Khánh nhật Truyền giáo, Lễ 02/11…), hoặc theo truyền thống văn hóa xã hội (Trung Thu, Ngày Nhà giáo 20/11 – Ngày Thầy thuốc 27/2 – Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3…). Nếu đầu tư nghiên cứu và thêm sáng kiến, những dịp lễ quan trọng này, cùng với những hoạt động phù hợp kèm theo, được tổ chức theo định hướng truyền giáo, sẽ là cơ hội thuận lợi qui tụ anh em lương dân đến nhà thờ để tìm hiểu đạo và nhận biết Chúa.

Tết Nguyên đán là một trường hợp cụ thể. Tết vừa là một tập tục văn hoá đậm nét truyền thống dân tộc, vừa là một sinh hoạt xã hội quan trọng, với những nét đẹp riêng, ai cũng trải nghiệm và gia đình nào cũng từng hưởng. Những sinh hoạt này, nếu được vận dụng sẽ là một cơ hội để giới thiệu tinh thần Kitô giáo, đem Tin Mừng cho anh em lương dân trong những ngày đầu Xuân. 

Dịp Tết, do quá bận rộn với bao nhiêu chuyện lớn nhỏ trong nhà ngoài đường, từ xã giao hiếu hỉ đến đền ơn đáp nghĩa, lo cho người sống, nhớ tới người khuất, từ giao tế xã hội tới lễ nghi nhà thờ… nên xưa nay chúng ta ít quan tâm vận dụng những sinh hoạt ngày Tết thành hoạt động truyền giáo (Quên thì nhiều, nhớ thì… chẳng một lần!).

Hy vọng những gợi ý dưới đây sẽ tạo cho sinh hoạt ngày Tết trong giáo xứ, đã có xưa nay, thêm nét mới hơn những Xuân qua. “TẾT CÓ ANH EM LƯƠNG DÂN” để Chúa, Giáo Hội, lương dân và chúng ta, tất cả cùng chung một niềm vui!

1. Ưu tiên thăm viếng các đối tượng lương dân hay tôn giáo bạn

Tết là dịp để mọi người, dù bận rộn đến đâu, không quên thăm viếng và tặng quà thân hữu, từ ân nhân, thân nhân, sui gia, đến thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp….

Thăm viếng luôn là một công tác quan trọng và cần thiết trong việc loan báo Tin Mừng. Vậy nên vào dịp Tết, cần ưu tiên thăm viếng các đối tượng lương dân hay tôn giáo bạn. Thăm viếng nhau ngày Tết không chỉ là việc giao tế, mà còn là “mũi dùi” truyền giáo, là cơ hội tốt để tiếp cận và tạo tình thân với anh em lương dân.

Lịch Truyền giáo thật thích hợp để làm quà tặng tinh thần dịp này, giúp mở đầu cuộc gặp gỡ và mở đường cho việc phổ biến những nét đẹp Kitô giáo, và cả đường hướng của Giáo Hội nữa.

Giáo xứ có thể tổ chức và phân công nhiều nhóm đến thăm viếng các đối tượng lương dân, như những ân nhân và thân hữu trong năm đã giúp đỡ hoặc có những liên lạc thường xuyên với giáo xứ, chánh quyền địa phương, ban giám hiệu các trường học trong địa bàn giáo xứ, những người già yếu neo đơn nghèo khổ, anh em di dân… Đây không chỉ là một hoạt động bác ái, mà còn là một công tác truyền giáo đáng kể trong dịp Tết.

2. “Thờ Trời khấn Chúa” qua Nghi thức Mừng Tuổi Chúa

Có thể nói, Tết là dịp đáng mừng khi anh em lương dân mở lòng hướng về Trời-Đất linh thiêng, với ước vọng tìm được sự hộ phù và mong hưởng được an lành hơn trong năm mới; là dịp nói cho họ biết Thiên Chúa là Đấng toàn năng, yêu thương mọi người, phù trợ ai kêu khấn…, là điều rất hợp với khát mong của họ. Và qua đó, họ cũng nhận ra người Công giáo thật gần gũi và thân thiết, vì cùng chung một khát vọng hạnh phúc như họ khi bước vào năm mới.

Như thế, không quá khó để mời một lương dân đến nhà thờ kêu cầu Ơn Trên, trông tìm một Thiên Chúa là Chủ Tể quyền năng và là một người Cha nhân hậu… Lời mời đó chính là công tác loan báo Tin mừng rất đúng lúc và khả thi, khi đến thăm viếng họ những ngày trước Tết. 

Mồng I Tết có Nghi thức Mừng Tuổi Chúa, vừa trang trọng và linh thiêng, vừa vui tươi và ý nghĩa, thêm bầu khí sốt sắng và đồng tâm hiệp nguyện của cộng đoàn trong nhà Chúa, chắc sẽ làm bất cứ người lương nào có dịp tham dự nghi thức, dễ nâng lòng hướng thượng và chung tâm tình “Thờ Trời khấn Chúa”. Ấn tượng sâu sắc đó sẽ là bước khởi đầu giúp họ tìm đến Chúa. Đó là cách truyền giáo bằng lễ nghi Công giáo dịp Tết.

Về Nghi thức Mừng Tuổi Chúa, xin đề nghị:

– Nội dung Mừng Tuổi Chúa gồm: Chúc tụng Chúa Ba Ngôi, kính tôn Đức Mẹ, suy tôn Thánh Cả Giuse, ca mừng chư thánh và thiên thần.

– Bài múa nên đơn giản, ít động tác, thay đổi nhiều đội hình để thêm sinh động. Hiện có nhiều mẫu Mừng Tuổi Chúa, cần chọn mẫu dễ hát và quen thuộc, nếu được thì hát cộng đồng. Như thế, lương dân sẽ thấy rõ sự đồng tâm nhất trí của cộng đoàn trong việc suy tôn thờ phượng Chúa.

– Linh mục chủ tế Thánh lễ nên chủ sự Nghi thức Mừng Tuổi Chúa. Nếu được, có thể mời một hai đại diện lương dân đứng bên cạnh, càng hay. Đội Mừng Tuổi Chúa nên gồm đủ mặt các giới, hơn là chỉ có thiếu nhi đại diện !

– Nghi thức sẽ nổi bật hơn, nếu được cử hành trước Thánh lễ, kết thúc bằng một lời nguyện (xin ơn nhận biết và phụng thờ Chúa, trong năm mới được Chúa phù hộ và ban ơn lộc dồi dào…), rồi hát Kinh Vinh Danh.

3. Hái Lộc Thánh đầu Xuân

Nghi thức hái “Lộc Thánh Lời Chúa” thường thấy trong những năm gần đây, cũng là một thuận lợi về mặt truyền giáo, khi giới thiệu với anh em lương dân phút đầu năm tìm hái “Lộc Thánh” nơi nhà Chúa.

Mỗi giáo dân có thể mời gọi một lương dân cùng đi lễ Giao Thừa và hái Lộc Thánh. Đây là một công tác truyền giáo xem ra đơn giản nhưng thật tuyệt vời, đồng thời cũng là một việc bác ái mà một tín hữu tốt không quên chia sẻ ân đức cho anh em, nhất là xóm giềng tôn giáo bạn. Dĩ nhiên, để người giáo dân làm được công tác này, không thể thiếu vài trò trọng yếu của các linh mục là hướng dẫn và đôn đốc.

Chính linh mục hoặc một người hiểu biết Kinh Thánh (tu sĩ, chủng sinh, giáo lý viên) giải thích ý nghĩa Lời Chúa trên Lộc Thánh, và cho thấy Lộc rất linh nghiệm nếu đem ra làm chỉ nam sống trong năm mới. Cũng cần hướng dẫn anh em lương dân đặt Lộc Thánh nơi trang trọng và dễ thấy, hầu mọi người trong gia đình cùng tâm niệm và thực hiện suốt năm.

4. Nghi thức Thắp hương hiếu thảo, kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên

Mồng II Tết, Giáo Hội dạy nhớ Cội Nguồn, đó là ngày của hiếu thảo, ngày dành riêng để cầu nguyện cho Tổ Tiên đã khuất và Ông Bà Cha Mẹ còn sống. Đạo làm con chính là điểm chung của mọi người lương-giáo, và là điểm mạnh nhất để qui tụ anh em lương dân trong cùng nghĩa cử thờ kính Tổ Tiên dịp đầu Xuân.

Hơn nữa, ngày đầu năm, con cháu càng đoàn tụ đông đủ, Ông Bà Cha Mẹ trong gia tộc sẽ càng vui vẻ, hạnh phúc. Cũng vậy, chắc chắn Chúa sẽ vinh quang hơn, và Ông Bà Cha Mẹ, dù còn sống hay đã khuất, sẽ ấm lòng hơn, nếu đủ mặt cháu con lương-giáo trong những nghi lễ đầu Xuân. Điều đó cho thấy công tác truyền giáo dịp Tết càng chính đáng và thiết yếu hơn.

Dịp này có thể cử hành Nghi thức Tưởng Nhớ Tiên Nhân theo cách thức Lễ 02/11 (xin xem bài “Khánh nhật Truyền giáo, Ngày đến với anh em lương dân”). Cũng đề nghị mỗi gia đình mang theo di ảnh của Tiên nhân khi đi lễ nhà thờ, để cộng đoàn cùng thắp hương và cầu nguyện cho các ngài dịp đầu năm (Cần chuẩn bị một số kệ đặt di ảnh). Nghi thức này dễ đánh động lòng hiếu thảo của mọi người và nối kết thêm tình thân lương-giáo.

Thêm một sáng kiến mới, ghép vào thân cây nhang một mảnh giấy nhỏ, có thể ghi họ tên / tên thánh người quá cố, hoặc viết những ý nguyện dịp đầu Xuân, gọi là “Nhang khấn”, hay “Nén hương nguyện cầu”. Lưu ý chọn màu thích hợp, ví dụ: màu trắng dành để nhớ tiên nhân – màu hồng ghi lời cầu chúc cho người thân – màu vàng viết những ước nguyện của mình đầu năm.

Cần chuẩn bị một lư hương lớn, ngay trước sảnh nhà thờ, bên cạnh đặt thêm bàn có sẵn mẫu giấy và nhiều viết, chuẩn bị một hai ngọn nến để mồi nhang… Mọi người khi đi lễ, sẽ lắng đọng tâm tư và ghi ý cầu nguyện lên giấy (nhà thờ có thể in sẵn một vài mẫu ý nguyện), rồi thắp nhang và cắm vào lư như gởi gắm lời cầu lên Chúa, đồng thời cũng hiệp ý cầu nguyện với nhau và cho nhau. Lúc dâng lễ, có thể mang lư hương lên trước bàn thờ làm lễ vật.

5. Nghi thức Chúc thọ Ông Bà Cha Mẹ cao niên

Một nghi thức thấm đượm lòng kính tôn thảo hiếu, đó là việc mừng thọ các vị cao niên (>75 tuổi). Giáo dân nên hãnh diện và ra sức thuyết phục anh em lương dân đưa cả song thân, là các cụ ông cụ bà cao niên đến nhà thờ để làm Lễ Chúc Thọ. Đây sẽ là một nghĩa cử đầy ấn tượng: Ai cũng vui khi cha mẹ mình trường thọ, nay lại được nhà thờ và cả cộng đoàn “bên Đạo” nghênh đón, kính trọng chúc thọ dịp đầu năm. Và dĩ nhiên, đó sẽ là cơ hội kết tình thân hữu lương-giáo sâu đậm hơn.

Nên mời các cụ cao niên lương-giáo ngồi chung, trên những hàng ghế dành riêng gần cung thánh, để dễ làm Lễ Chúc Thọ, cử hành trước Thánh lễ hoặc sau bài giảng.

Rất nên chọn một bài hát diễn tả lòng hiếu thảo (Vd: Cầu cho Cha Mẹ 7, Uống nước Nhớ nguồn), in ngay trong Thư Mời để xem trước (xin xem mẫu bên dưới), và tập cho cộng đồng như bài hát chủ đề của nghi lễ Mồng II Tết để mọi người lương-giáo dự lễ cùng hát.

Nghi thức Chúc Thọ có thể như sau :

– Trước tiên, khai mạc với các em đội lễ tân, hoặc thanh niên thanh nữ tuấn tú, lên gắn bông lên áo: nữ gắn cho các cụ ông, nam gắn cho cụ bà – hoa vàng cho các cụ còn cả vợ chồng, hoa đỏ cho các cụ đơn thân.

– Thứ đến, đại diện của giáo xứ, hoặc một gia đình với đông đủ con cháu lên đọc Bài Chúc Thọ… Ca đoàn sẽ hát bài Cầu cho Cha Mẹ, hoặc hát một bài tạ ơn Chúa ban tuổi thọ cho các ngài.

– Sau cùng, Cha xứ và Ban Hành giáo trực tiếp trao quà tặng (Vd: ấm trà, bình thuỷ, bình nấu nước siêu tốc, hộp nhựa đựng thuốc men, gối mềm…).

– Trong phần đọc Lời nguyện cộng đồng và phần Dâng Lễ vật, cũng nên dành một ý hay mời một vị cao niên góp mặt.

6. Nghi thức Làm phép dụng cụ hành nghề và hạt giống

Mồng III Tết, ngày thánh hóa việc lao động. Giáo dân có thói quen mang đến nhà thờ dụng cụ hành nghề hoặc hạt giống để được làm phép, như lời khấn xin Ơn Trời chúc lành cho công ăn việc làm, điều khiển thời tiết thuận hòa và ban cho một năm mới thuận lợi trong mọi việc.

Nghi thức Làm phép này cũng hấp dẫn anh em lương dân, nên dễ mời họ mang “đồ nghề” tới dự lễ và qua đó, vừa giới thiệu : Chúa là chủ vạn vật, điều khiển đất trời, nắm vận mệnh và lịch sử con người…, lại vừa khích lệ họ phó thác cho Chúa năm mới và cả cuộc đời. Ý nghĩa Lễ Thánh hóa công ăn việc làm là một lời loan báo Tin Mừng thật cụ thể và thiết thân.

Trong bài giảng, linh mục có cơ hội khơi dậy niềm tin tưởng cậy trông nơi Chúa, kêu gọi cả lương-giáo “Cầu Trời khấn Chúa”, xin mưa thuận gió hòa, cho công việc làm ăn trong năm được êm đẹp, dâng Chúa mọi khát vọng, dự tính, hiện tại và tương lai… Tùy nhà thờ, có thể lì xì tiền mới cho tất cả lương-giáo, tượng trung cho phúc lộc đầu năm.

Để gây thêm ấn tượng Lễ Thánh hóa việc lao động, có thể tổ chức một đội thiếu nhi mặc trang phục các ngành nghề (thầy giáo, học sinh, doanh nhân, y tá bác sĩ, công nhân điện, bán vé số, lao động…), mang dụng cụ lao động & hạt giống sẽ được làm phép, rước chủ tế lúc nhập lễ và dâng lễ vật sau Nghi thức Làm phép (xem Lời nguyện Làm phép). Nghi thức cũng có thể cử hành sau thánh lễ và ngoài sân nhà thờ.

* LỜI NGUYỆN LÀM PHÉP HẠT GIỐNG

Lạy Chúa là Đấng đã dựng nên “trái đất xanh um thảo vật tươi tốt, rau cỏ và cây trồng sinh quả có hạt giống theo loại”, để nuôi dưỡng con cái loài người. Xin Chúa thương chúc lành + cho những hạt giống nầy’ mà chúng con sẽ gieo trồng trong năm nay. Xin cũng thương ban thời tiết thuận hòa, để nhờ ơn Chúa giúp cùng với sức lao động, chúng con sẽ được mùa thu hoạch dồi dào. Nhờ đó, con cái Chúa sẽ được ấm no về phần xác’ và trong tâm hồn sẽ tăng thêm niềm tin tưởng Chúa hơn. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô…

* LỜI NGUYỆN LÀM PHÉP DỤNG CỤ HÀNH NGHỀ

Lạy Chúa là Đấng đã truyền cho con người phải lao động’ để tiếp nối công trình sáng tạo của Chúa, làm cho bộ mặt trái đất ngày càng tốt đẹp hơn. Chúa cũng đã cho Con Chúa là Đức Giêsu Kitô, Người Công nhân Thành Nagiarét, đến để chia sẻ gánh nặng cơm áo vất vả nhọc nhằn với chúng con. Xin Chúa thương chúc lành + cho những dụng cụ hành nghề nầy, mà trong năm nay chúng con sẽ dùng để làm ăn kiếm sống. Xin cho chúng con biết thánh hóa việc lao động để góp phần làm vinh danh Chúa, và phục vụ anh em ngày một tận tình tận lực hơn. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô …

7. Họp mặt những người di dân về quê và người di dân xa quê

Nhiều nơi thường tổ chức họp mặt học sinh – sinh viên Công giáo trong giáo xứ đi học xa. Thiết nghĩ mô hình này có thể mở rộng cho học sinh sinh viên lương dân, cho cả anh chị em di dân xa quê mới về, cũng như những di dân nơi khác đến, mà dịp Tết không thể về quê.

Cuộc họp mặt thật là niềm an ủi cho những người xa quê, vừa giúp họ chia sẻ tâm tư vui buồn, vừa là cơ hội để các mục tử khích lệ, đưa ra những hướng dẫn cần thiết, giúp họ sống và làm việc trong hoàn cảnh của người di dân.

Nên tổ chức họp mặt trước hoặc sau Thánh lễ Mồng II Tết, như vậy sẽ có ý nghĩa và nhiều thuận tiện hơn. Dịp này, cha sở và giáo xứ có thể thêm một vài sinh hoạt dành riêng cho anh em di dân lương-giáo : Lời nguyện Chúc lành, tặng quà hỗ trợ, trao đổi thông tin liên lạc (địa chỉ, điện thoại), chụp ảnh lưu niệm, kèm theo những lời khuyên nhủ khích lệ thực tế, và bữa cơm hiệp thông, nếu có thể.

Nội dung gặp gỡ anh chị em di dân lương-giáo thật phong phú, đa dạng, tiêu biểu như: Thông báo những quy định của Giáo Hội về di dân – Kêu gọi tình thân hữu và tương trợ lương-giáo – Nhắc nhở bổn phận thảo hiếu bằng thường xuyên liên lạc với gia đình, trách nhiệm chăm sóc con cái và người thân còn ở nhà – Lưu ý những cạm bẫy thường gặp khi xa nhà do thiếu thốn đủ thứ, nhất là tình cảm, thử thách lòng chung thủy vợ chồng – Kêu gọi ý chí phấn đấu vượt lên thân phận “tha phương cầu thực” – Đề cao bổn phận giữ lễ nghĩa gia phong dù xa xứ…

Những hoạt động dành cho người di dân lương-giáo như thế không nhiều, nhưng cũng là một cơ hội truyền giáo rất tốt. Được quan tâm, được khích lệ, được bao bọc trong bầu khí gia đình thiêng liêng, được an ủi trong một Giáo hội rộng mở như thế, chắc chắn sẽ làm cho anh em lương dân xa quê suy nghĩ và biết đâu đấy chính là con đường đưa dẫn họ tới với Chúa và với đạo. 

* Một đề nghị riêng dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020

– Thực tế, Mồng I Tết Canh Tý 2020 nhằm Thứ Bảy, hơn nữa, ngày đầu năm sẽ khó mời được anh em lương dân đến nhà thờ, nên Thánh lễ và các nghi thức Mồng I Tết chỉ dành cho giáo dân giáo xứ.

– Mồng II Tết nhằm Chúa nhật, mời lương dân dự thánh lễ với các nghi thức. Đề nghị cử hành chung các nghi thức của cả 3 ngày Tết. Trước mỗi nghi thức, chủ tế sẽ giải thích ý nghĩa và cách thức thực hiện :

Mừng Tuổi Chúa: cử hành đầu lễ và Hái Lộc Thánh: lúc kết thúc thánh lễ

Thắp hương thảo hiếuChúc Thọ Ông Bà Cha Mẹ cao niên: Sau bài giảng, trước phần Dâng lễ

Thánh hóa việc lao động, Cầu MùaLàm phép Vật dụng lao động.

* Về Thư mời anh em lương dân đến nhà thờ

Cần có Thư mời chính thức của giáo xứ hoặc của cha sở mới mong mời được anh em lương dân đến nhà thờ dịp Tết, trong đó nên ghi rõ các “sinh hoạt tâm linh” đáng tham dự ngày Tết.

Thư mời được mỗi giáo dân trong giáo xứ, trước Tết, chuyển đến một hay nhiều anh em lương dân thân hữu hoặc quen biết, với thái độ nồng nhiệt tiếp đón, thậm chí lôi kéo. Linh mục phải giải thích đây là một công tác truyền giáo đầy ý nghĩa, cần giáo dân cộng tác mới thực hiện được, làm “Quà tặng Tất niên” dâng Chúa.

Xin gợi ý mẫu Thư mời hoặc mỗi nơi tùy nghi soạn thảo. Có thể in đơn giản bằng photocopy, vừa dễ vừa mau, trên giấy bìa sơmi màu thì hay. Nếu được đặt trong bao thư Chúc Tết sẽ thêm trang trọng, lịch sự và có tính “thuyết phục” hơn.

① Mẫu I: Thư mời Lễ Mồng II Tết:  Hái Lộc Thánh đầu Xuân – Chúc Thọ Ông Bà – Thánh hóa Công việc làm ăn.

Mặt ngoài thư mời
Mặt trong thư mời

Mẫu II: Thư mời Lễ Mồng III Tết: Thánh hóa Công ăn việc làm

Mặt ngoài thư mời
Mặt trong thư mời

KẾT

Nhớ đến anh em lương dân trong dịp Tết, ý tưởng thật đơn giản nhưng là tiền đề mở ra cánh đồng truyền giáo “bề bộn”, hứa hẹn nhiều hoạt động truyền giáo mới mẻ từ nhưng ngày đầu năm, lại đúng với hoài bảo “sai đi” của Chúa…

Các sinh hoạt ngày Tết mang tính văn hóa dân tộc, vừa đa dạng, vừa lâu đời, lại vừa linh thiêng. Do đó, công tác loan báo Tin Mừng dịp Tết rất quan trọng vì thuộc lãnh vực văn hóa và là một cách hội nhập tinh thần Kitô giáo vào các tập tục xã hội Việt Nam.

Ngày Tết, mọi người đều có khát vọng tâm linh, hướng về Trời-Đất khấn xin một tương lai tươi sáng, ước nguyện những may lành phú túc trong năm mới. Khát vọng mở đường để khơi gợi niềm tin tôn giáo nơi anh em lương dân. Nên một chương trình truyền giáo dịp Tết “trên thuận ý Trời, dưới hợp lòng người”.

Sinh hoạt truyền giáo dịp Tết cũng mới lạ, nhưng rất thuận lợi và đúng lúc. Nếu được các nơi quan tâm và thực hiện hằng năm, việc truyền giáo thiết thực này hứa hẹn một hoạt động mới mẻ trong công tác loan báo Tin Mừng của Giáo hội Việt Nam, lại tô thêm ý nghĩa cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Như các việc truyền giáo khác, chương trình truyền giáo dịp Tết cũng cần quyết tâm và dấn thân của các chủ chăn, là những nhà thiết kế, những “lập trình viên” của việc loan báo Tin Mừng ; đồng thời, cần đến nỗ lực của mỗi giáo dân với ý thức rằng : ngày Tết không thể thiếu mặt anh em lương dân.

Sau cùng, thực trạng xưa nay, Tết nào Chúa cũng thấy những gương mặt quá quen, hằng năm và mỗi tuần vẫn “bấy nhiêu đó”. Trong Tết này, nếu có anh em lương dân, chắc là Chúa phải ngạc nhiên và vui thích lắm, tựa như cha mẹ hạnh phúc khi đông đủ cháu con sum họp ngày Tết. Do đó, “TẾT CÓ ANH EM LƯƠNG DÂN” mới vui và… thật là chính đáng!

Lm Gioan B. Trương Thành Công
UB Loan báo Tin Mừng / HĐGMVN

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận