Tản mạn tháng Mười Một: Thăm nghĩa trang, thăm lại chính mình

1066 lượt xem

“Lạy Chúa, xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, Ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Tv 90)

Ta vẫn thường nói về chữ ‘đời sống’ một cách tự nhiên mà không cần phải nghĩ ngợi nhiều. Nhưng vấn đề là sống như thế nào? Đức Giê-su nói: “tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10:10). Vâng, điều quan trọng là ‘sống dồi dào’! Đó là ơn gọi của con người. Ta được sinh ra không phải chỉ để tồn tại, mà là để trải rộng đời mình, vươn lên những khả thể đem lại ý nghĩa tối hậu cho cuộc hiện hữu này. Trong đức tin, khả thể lớn nhất chính là sự kết hợp với Đấng là nguồn của sự sống; và trong sự kết hợp đó, đời sống ta trở nên phong phú và sinh nhiều hoa trái.

Câu hỏi được đặt ra: làm sao để hướng về nguồn của sự sống, hay làm thế nào để ta biết cách sống dồi dào? “Hãy quay về với chính mình”. Đó là lời của người yêu nói với người yêu trong sách Diễm ca (2,10). Lời này mạc khải về mầu nhiệm lớn lao mà tất cả chúng ta được mời gọi đi tới : đi vào chính mình để là mình cách trọn vẹn. Nhưng đi vào chính mình không có nghĩa là tự thu mình lại và chỉ hướng về chính cái tôi của bản thân, mà là tìm về mình trong các tương quan với những gì khác bên ngoài – với tha nhân, với Thiên Chúa – mở ra với những điều trợ giúp soi tỏ ý nghĩa cho đời sống. Thiết tưởng, một trong những trợ giúp đó chính là việc thăm viếng nghĩa trang.

Nghĩa trang thường gợi lên nơi ta hình ảnh về mảnh đất của sự chết, về nơi chốn của buồn phiền và đau khổ. Ta không muốn nhắc đến nghĩa trang vì nó khiến ta nghĩ đến sự biệt ly của những người thân yêu. Vào Tháng Mười Một này, nghĩa trang càng mang nét hoang hoải hơn, vì đây là giai đoạn nửa cuối Thu, với khí hậu se lạnh, đất trời âm u, như vẻ đượm buồn phảng phất trên khuôn mặt của Mẹ Thiên Nhiên. Vì vậy, theo lẽ thường tình, thăm viếng nghĩa trang dường như không phải là lời mời gọi thích hợp cho nhiều người, ngoài những ai muốn thể hiện niềm thương nhớ đến thân nhân đã qua đời, hoặc những tâm hồn u hoài và khắc khoải. Tuy nhiên, thăm viếng vùng đất của sự chết này lại có thể mang đến nhiều sức sống cho ta hơn mình vẫn nghĩ.

Chuyện kể rằng, có một vị ẩn sỹ được tiếng là thánh thiện. Ông có khả năng đưa ra những lời khuyên đầy khôn ngoan cho mọi người; và hơn thế nữa, tất cả những ai tiếp xúc đều cảm nhận được nguồn bình an, nét vui tươi và nhiệt huyết toát lên từ vị ẩn sỹ. Lần nọ, có người hỏi ông: “xin ngài cho con biết bí quyết tu tập của ngài là gì?” Vị ẩn sỹ trả lời: “tôi đặt một chiếc quan tài trong am của mình, và thường xuyên nhìn đến nó để suy niệm.” Vâng, bí quyết của một sức sống trào tràn có thể đến từ việc chiêm ngắm sự chết.

Thực ra, điều nói trên không phải xa lạ với Ki-tô giáo, nhất là với truyền thống thiêng liêng của Tây Phương thời Trung Cổ. Thời đó, các nghĩa trang được xây cạnh ngay nhà thờ. Mục đích trước hết là để người chết được kề cận thánh tích của các thánh, cũng như được gần gũi với các cử hành phụng vụ và kinh nguyện của người sống; nhưng điều này cũng nhằm mục đích để người sống có cơ hội cảm nhận về sự hiện diện của các tiền nhân đã chết ngay giữa cộng đồng người sống, đồng thời nhắc nhở họ về thân phận ắt tử của mỗi người. Lối tiếp cận như thế không chỉ giúp con người nghĩ về cái chết một cách bình thản, mà còn là nền tảng để hướng về một lối sống phong phú và giàu ý nghĩa.

Nơi khung cảnh nghĩa trang, ta được nhắc nhở về sự sống hữu hạn của đời mình. Theo tập tục của La Mã cổ đại, khi một chiến binh thắng trận trở về giữa tiêng tung hô của dân chúng, anh sẽ dắt bên mình một nô lệ; và người nô lệ này chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: thường xuyên nói với người chiến binh câu ‘memento mori’ (hãy nhớ, anh sẽ chết). Mục đích của điều này là để người chiến binh không bị ‘chết chìm’ trên vinh quang, vì rốt cục, dù có đạt thành tựu lớn thế nào, anh cũng chỉ mang nơi mình thân phận ắt tử đầy giới hạn.

Ý thức về sự giới hạn của phận người chính là điều căn bản để ta biết cách sống sao cho đẹp và ý nghĩa. Nói theo kiểu triết gia Heidegger, chúng ta chỉ thực sự sống tư cách con người khi đảm nhận ý thức về sự hữu hạn và ắt tử của mình. Cảm thức về sự ngắn ngủi của kiếp người khiến ta biết trân trọng cuộc đời và sống chân thật với chính mình, cũng như biết cư xử đẹp với tha nhân hơn. Ta hiểu rằng, rồi sẽ đến giờ phút mà ta phải bỏ lại tất cả. Điều ta có thể mang theo không phải là vinh hoa phú quý hay tiền tài danh vọng, mà là một tâm hồn đã kết thúc hành trình trần thế.

Hơn nữa, ý thức về cái chết giúp ta biết truy vấn về ý nghĩa cuộc sống này, đồng thời khơi lên niềm hy vọng về đời sống vĩnh cửu. Đứng trước vùng đất của sự chết, ta tự hỏi: chẳng lẽ cuộc sống con người chấm dứt hoàn toàn ở nơi này sao? Chẳng lẽ tất cả những mang vác của tôi, tất cả những cố gắng, những tranh đấu trong vui mừng lẫn thất vọng, rồi cũng chỉ đến thế hay sao? Sự phi lý tột cùng của một khả thể như thế khiến ta hướng về Đấng đã đưa ta vào hiện diện trong cuộc đời này. Ta nhận ra rằng, chỉ ở nơi viễn tượng của ‘sự sống đời sau’, ta mới có thể gọi sự sống lúc này là ‘cuộc đời’, và ta mới đủ lý do để sống sung mãn, sống dồi dào.

Vì thế, thăm nghĩa trang không phải chỉ là để viếng những người đã qua đời, mà là để thăm chính bản thân mình. Đó là cơ hội tuyệt vời để chúng ta học biết sự khôn ngoan đích thực, như lời mời gọi của Thánh vịnh 90: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90). Khôn ngoan đó giúp ta biết sống phong phú và triển nở ngay trong cuộc đời này. Tắt một lời, sự sống ẩn chứa cái chết và cái chết có thể định hình lại cuộc sống.

Khắc Bá, SJ

Để lại một bình luận