Suy Niệm Chúa Nhật VII Thường Niên C

91 lượt xem

Suy Niệm Chúa Nhật VII Thường Niên C

1 Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1 Cr 15,45-49; Lc 6,27-38

Cuộc Cách Mạng Của Tình Yêu Kitô Giáo

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta một cuộc cách mạng vĩ đại về tình yêu Kitô hữu, là tha thứ và yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Dưới hình thức những câu danh ngôn, Chúa Giêsu cho chúng ta một khuôn vàng thước ngọc để hành xử và cho thấy động lực yêu thương kẻ thù như thế “anh em sẽ là con cái Thiên Chúa.”

  1. Yêu thương kẻ thù, thước đo và động lực

Thước đo của cách hành xử bao gồm hai phần: phần một liên quan đến tình yêu đối với kẻ thù, và phần hai là sự thấu hiểu huynh đệ. Trước hết, là yêu kẻ thù, lý tưởng này được khai triển dựa trên những ví dụ cụ thể: ai vả má phải thì đưa cả má trái, ai lột áo ngoài thì nhường cả áo trong, ai xin thì hãy cho và cho vay mà không đòi lại (x. Lc 6,27-30). Tiếp theo là sự thấu hiểu để tránh xét đoán người khác. Khía cạnh này ngắn hơn. Chúa Giêsu dạy chúng ta thực hành những điều đó theo mẫu gương của Chúa Cha:

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).

Người kết luận:

“Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).

Quả thật, giáo huấn của Chúa Giêsu về việc yêu thương kẻ thù phải trở thành quy luật hành xử của mỗi người môn đệ Chúa. Dưới khái niệm “kẻ thù,” có nhiều mức độ thù địch khác, ví dụ: từ sự ác cảm tự nhiên và từ việc không hợp tính khí, đến sự ganh đua bên trong hay thể hiện ra ngoài, từ thái độ thô lỗ và tính kiêu căng, sự xảo trá và lừa lọc, tà ý và phản bội, cuối cùng là sự thù oán và thù ghét, dẫn tới sự bách hại và giết chết.

Thứ đến, động lực của tình yêu này đối với kẻ thù được tìm thấy trong việc noi gương bắt chước tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đối với loài người:

“Và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6,35).

Lý do này kết hợp với lý do thần học “nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ,” nó làm dội lại lý do phổ quát khác:

“Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Quả thế, những tiêu chuẩn này phải là nền tảng của cách hành xử chúng ta đối với tha nhân, đặc biệt đối với kẻ thù: đó là phải có lòng tốt, thương xót và sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Khi chúng ta yêu hết mọi người với thái độ bao dung và nhân ái này, chúng ta trở nên giống Thiên Chúa và hình ảnh con người mới trong Chúa Kitô được tái hiện trong chúng ta. Yêu thương kẻ thù là giáo huấn cao thượng nhất giúp chúng ta đạt tới sự viên mãn và trưởng thành nhân bản, xét như là hữu thể được tạo dựng để yêu thương và được yêu thương. Chỉ khi nào yêu thương một cách vô vị lợi, con người mới có thể đạt tới hạnh phúc, và với tư cách là Kitô hữu, chúng ta đạt tới tầm mức con người mới trong Chúa Kitô. Như thế, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả mọi người.

  1. Một thông điệp “chói tai”

Tin Mừng hôm nay rất cao thượng, nhưng rất khó để sống, và dường như là không thể sống. Chúng ta có cảm tưởng “chói tai” khi nghe đoạn Tin Mừng này. Chúng ta khó chấp nhận tính cao thượng này vì giới hạn của mình. Bởi lẽ, trong thực tế, người ta đối xử với nhau rất xa lạ so với lý tưởng này. Chúng ta bị cám dỗ khi nghĩ rằng Chúa Giêsu chỉ là người xa rời thực tế, không hiểu thấu con tim con người. Có lẽ Người không biết rằng chúng ta mang trong mình một quy luật bẩm sinh về sự trả thù mà Cựu Ước nói tới: “Mắt đền mắt, răng đền răng.” Thưa rằng không! Nhưng chính vì điều này mà Chúa Giêsu đề nghị chúng ta tới một con đường giải thoát và hạnh phúc, không bằng bạo lực thù oán, nhưng bằng sức mạnh của tha thứ và yêu thương. Đây cũng là sự vĩ đại nhân bản mà Đavít đã thể hiện khi tha thứ cho kẻ thù đáng chết của mình là vua Saul, một người được xức dầu của Thiên Chúa (bài đọc I).

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống yêu thương kẻ thù luôn mãi, bởi vì chúng ta luôn bị thúc đẩy báo thù vì sự bất công và thù hận. Những cuộc tranh chấp và báo thù xảy ra hằng ngày không chỉ ở phạm vi cá nhân, gia đình mà còn ở phạm vi quốc gia và quốc tế nữa, con người thù địch lẫn nhau, quốc gia này thù địch với quốc gia kia.

Nếu không hành xử theo tình yêu và tha thứ mà Chúa Giêsu dạy, chúng ta không thể là Kitô hữu chính danh. Chúng ta được mời gọi đối xử với những kẻ thù của mình với lòng nhân từ mà Chúa Giêsu dạy. Mặc dầu chúng ta biết rằng việc thực hành những điều đó không dễ dàng chút nào.

Nhưng điều xem ra không thể đối với con người lại là điều có thể đối với Thiên Chúa. Nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta có thể thực hiện được những điều vĩ đại và cao cả trong đời sống mình, nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa.

  1. Yêu thương không cần đền đáp

Bởi thế, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta:

“Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa?” (Lc 6,32).

Điều này những người khác đều làm, cả người xấu xa và kẻ vô đạo. Đối với các môn đệ, Chúa Giêsu đòi hỏi nhiều hơn: yêu thương cả những kẻ không yêu thương, những kẻ thù ghét, những kẻ không chào hỏi, những kẻ thô lỗ, những kẻ phản bội, làm hại và vu khống chúng ta, tóm lại, những kẻ thù của chúng ta.

Điều làm cản trở chúng ta khi sống giới răn yêu thương này đó là sự ích kỷ, tính toán và vị lợi. Nó là bệnh kinh niên làm chúng ta toan tính: “Tôi được gì? Điều đó có ích gì cho tôi? Hay tôi kiếm được gì nơi người này?” Đặc biệt, khi đối diện với những người bị loại trừ, người nghèo, người già, người tàn tật, những nạn nhân xã hội, hay kẻ thù của mình…, chúng ta đặt câu hỏi như trên và tự trả lời: không gì cả! Như thế, chúng ta khép lòng lại thay vì phải sống theo gương Thiên Chúa là quảng đại, nhân ái, thấu hiểu và đón tiếp, chấp nhận và gần gũi, vui vẻ, chia sẻ, yêu thương và tha thứ cho họ.

Như thế, yêu thương kẻ khác với tấm lòng bao dung và phổ quát phải là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống chúng ta đối với tha nhân. Yêu thương kẻ thù là tình yêu lớn nhất và là dấu chứng khả tín nhất về việc chúng ta nên giống Chúa qua cách hành xử cụ thể của mình. Amen!

Thiên Chúa Luôn Thương Và Tha

Lm. Hoa Thập Tự

Sau thế chiến thứ II, một nạn nhân của việc phân biệt chủng tộc, đứng trước cộng đoàn Dân Chúa nói lên sự tha thứ cho những kẻ đã tra tấn mình theo tình thần của Tin mừng. Kết thúc buổi gặp gỡ, bà gặp một người đàn ông bước tới trước mặt bà, cúi đầu cám ơn vì bà đã tha thứ cho những sai lỗi mà ông đã gây lên. Người phụ nữ nhân ra người đàn ông đang tiến về phía mình là kẻ đã tra tấn bà trước đây. Bà chững lại, nét mặt biến sắc như muốn nổi giận. Bà im lặng rất lâu mới đưa bàn tay ra nắm lấy bàn tay của người đàn ông. Nói lên sự tha thứ rất dễ, đối diện với việc phải tha thứ rất khó, cần ơn Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay là trung tâm của giáo huấn Tin mừng – tình yêu tha thứ. Chúng ta cần học biết yêu thương, cần có kinh nghiệm về việc được thương, được tha bởi Thiên Chúa để có thể sống phẩm cách con cái của Đấng luôn thương và tha. Xin gợi lên ba điểm suy niệm:

  1. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn

Toàn bộ mặc khải thần linh vén mở cho chúng ta thấy dung nhan đích thực của Thiên Chúa, Đấng được gọi tên là thương xót. Kinh nghiệm về Thiên Chúa mà con người có được theo dọc dài lịch sử cứu độ là kinh nghiệm về một vị Thiên Chúa “luôn thương và luôn tha”. Môsê truyền cho dân ưu tuyển kinh nghiệm này khi viết: “Đức Chúa, Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi” (Xh 34,6). Đó cũng chính là kinh nghiệm mà Vịnh gia 102 trong bài đáp ca diễn tả về Thiên Chúa: “Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương; Đấng thương tha muôn vàn tội lỗi, không cứ vào tội ta mà xét xử, ném thật xa tội ta đã phạm”.

Thiên Chúa luôn thương và tha ấy là tâm điểm của toàn bộ mặc khải, được biểu lộ cách trọn vẹn nơi khuôm mặt nhân loại của Thiên Chúa, Đức Kitô Giêsu, Đấng đến để kêu gọi người tội lỗi, gần gũi với họ như một người bạn, để dẫn họ về với cung lòng thương xót của Thiên Chúa như người Cha nhân hậu chạnh lòng thương những đưa con đi hoang. Trong bài giảng sáng thứ Sáu, ngày 28 tháng 3 năm 2014, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Phanxicô nói:

Thiên Chúa là Đấng chờ đợi chúng ta, Thiên Chúa là Đấng tha thứ cho chúng ta. Người không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta là những người luôn mệt mỏi cầu xin sự tha thứ. Đây là trái tim của Cha chúng ta, Thiên Chúa là như thế. Người không mệt mỏi dọc dài thế kỷ này sang thế kỷ khác, với cơ man những bội giáo của dân Người. Và Người luôn luôn trở lại với dân Người vì Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa chờ đợi.

Mọi người và từng người chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương tha thứ cách tuyệt đối. Đó phải là kinh nghiệm mà chúng ta, những môn đệ của Đấng luôn chạnh thương và tha thứ tuyên xưng trong đời sống của mình. Tuyên xưng vì chúng ta biết mình được thương – tha và có khả năng thương – tha cho người khác.

  1. Hãy có lòng nhân từ như Cha, Đấng nhân từ

“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6, 27-28).

Đây là giáo huấn chính yếu của Tin mừng, chóp đỉnh của đức ái Kitô giáo. Những điều này Chúa không nói suông, không phải trương khẩu hiệu mà chính Thiên Chúa đi bước trước. Bởi vậy, Chúa Giêsu mới nhắn gửi chúng ta: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi lân ái và là Thiên Chúa hằng sẵn lòng nâng đỡ ủi an” (2Cr 1,3) là mẫu gương, là tiêu chuẩn để chúng ta sống tình yêu thương xót.

Câu chuyện David trong bài đọc thứ nhất xứng đáng đi trước bài Tin mừng. David luôn tha thứ cho kẻ năm lần bảy lượt muốn ra tay sát hại ông. Không phải chứng tỏ phong cách anh hùng, mà David là một tâm hồn đạo đức. Lòng kính sợ Đức Chúa đã khiến ông không muốn tra tay với người được Chúa xức dầu. David không nghĩ đến quyền lợi của mình, mà tôn trọng ý Chúa, để Chúa tiên liệu số phân cho Saul.

Chúng ta, những môn đệ của Đấng đã tìm đến và chung bàn với người tội lỗi, đã tha thứ cho kẻ xỉ vả, đánh đập và đóng đinh mình, được mời gọi học biết tha thứ không ngừng, “không chỉ bảy lần, mà bảy mươi lần bảy”, nhất là trong thế giới luôn gây hấn đối với Tin mừng Chúa Kitô và Hội thánh.

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, ngày 16 tháng 02 năm 2022, Đức Phanxiô lưu ý các tín hữu vào thời điểm khi mà người ta dễ dàng chỉ trích Giáo hội, điều này có nghĩa là phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta là đoàn dân gồm những tội nhân được ơn cứu chuộc bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh ở giữa chúng ta, cho quyền năng biến đổi của Người, cho ân sủng trong các bí tích và sự thánh thiện là quà tặng không ngừng được Chúa Thánh Thần trao ban. Ngài mời gọi các tín hữu hãy yêu quý Giáo hội như chính Giáo hội là, nghĩa là với cả sự thánh thiện và với cả những yếu đuối lỗi lầm của các thành phần trong Giáo hội.

Khi chúng ta biết tha thứ, chúng ta phản chiếu dung nhan của Thiên Chúa chúng ta cho người khác. Tuy nhiên, chúng ta cần biết xin ơn can đảm, tha thứ và khiêm nhường.

  1. Biết thương, biết tha để được luôn thương và tha

Thương và tha cho người khác, cho kẻ mắc nợ, kẻ thù của chúng ta không chỉ là lời mời gọi mà là điều kiện để đón nhận tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa. Kết thúc Lời kinh của Chúa và giáo huấn về Giáo hội trong chương Mt 6,14 và 18,35, Chúa Giêsu khẳng định: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời, cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha thứ cho anh em”.

Tha thứ là phẩm cách của con cái Thiên Chúa, của môn đệ Chúa Giêsu. Khi biết thương và tha, chúng ta sống kinh nghiệm tình yêu tha thứ cách vô lương giá của Thiên Chúa với mỗi chúng ta, đồng thời chúng ta phản chiếu dung nhan của Thiên Chúa cho người khác ngang qua đời sống của mình. Tuy nhiên, chúng ta có một kinh nghiệm khác, Thiên Chúa thì không biết mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta, còn chúng ta lại mệt mỏi cầu xin ơn tha thứ, và khó tha thứ cho người khác. Thiên Chua tha bổng, tha một cách nhưng không, còn chúng ta chấp nhất từng li, từng tí đối với anh em mình.

Tha thứ là một lời mời gọi, nhưng cũng là ơn mà chúng ta phải khẩn xin mỗi ngày để học biết thương và tha. Bởi vậy, trong Kinh lạy Cha, chúng ta luôn xin ơn tha thứ và biết thứ tha: “Xin tha nợ cho chung con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng ta”. Để có thể tha thứ cho người khác, chúng ta cần nại tới một tình yêu lớn hơn, đủ sức giúp tha tha thứ như chính Chúa Giêsu đã nài xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ sát hại mình: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,43).

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết thứ tha để đón nhận sự tha thứ vô lượng giá của Chúa với mỗi chúng ta, để chúng con nếm hưởng niềm vui khi biết thứ tha, niềm vui của con cái Đấng không biết mệt mỏi thương và tha. Amen.

Có thể bạn quan tâm