Chúa Nhật Tuần V – Mùa Phục Sinh
Bài đọc 1 Cv 14,21b-27
Hai Tông Đồ tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
21b Hồi ấy, sau khi đã loan Tin Mừng cho thành Đéc-bê và nhận khá nhiều người làm môn đệ, ông Phao-lô và ông Ba-na-ba trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a. 22 Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói : “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” 23 Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.
24 Hai ông đi qua miền Pi-xi-đi-a mà đến miền Pam-phy-li-a, 25 rao giảng lời Chúa tại Péc-ghê, rồi xuống Át-ta-li-a. 26 Từ đó hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành.
27 Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin.
Đáp ca Tv 144,8-9.10-11.12-13ab (Đ. x. c.1)
Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
9Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
10Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
11nói lên rằng : triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.
Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
12Để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
13abTriều đại Ngài : thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Bài đọc 2 Kh 21,1-5a
Thiên Chúa lau sạch nước mắt họ.
Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
1 Tôi là Gio-an, tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. 2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. 3 Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to : “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. 4 Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”
5a Đấng ngự trên ngai phán : “Này đây Ta đổi mới mọi sự.”
Tung hô Tin Mừng Ga 13,34
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói :
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới,
là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.”
Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng hôm nay
Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Ga 13,31-33a.34-35
31 Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
33a “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. 34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.”
Giới Răn Mới
Sứ điệp trung tâm của phụng vụ Lời Chúa tuần này là giới răn yêu thương:
“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Chúa Giêsu lặp lại ba lần những lời này. Điều đó cho thấy đây là mạc khải quan trọng, Người gọi là giới răn mới. Nên trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của giáo huấn này.
- Giới răn mới
Thực ra, Cựu Ước đã nói về giới răn yêu thương rồi. Từ xa xưa, sách Lêvi đã dạy giới răn yêu thương:
“Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (Lv 19,18).
Ở đây, Cựu Ước lấy việc “yêu mình” làm chuẩn mực, bởi theo một mức độ nào đó, nếu ta yêu người như yêu mình, thì tình yêu đó cũng là tốt lắm rồi. Vì ai cũng muốn điều tốt cho chính mình. Tuy nhiên, yêu người như yêu chính mình vẫn là tình yêu giới hạn, nhiều lúc nặng tính ích kỷ, có điều kiện, chưa phải là tình yêu hoàn hảo.
Chúa Giêsu đã đi xa hơn khi nói:
“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
“Yêu như Thầy đã yêu” nghĩa là yêu thương theo cách thức của Chúa Giêsu. Đây chính là sự mới mẻ, là căn bản của Kitô giáo. Quả vậy, Kinh Thánh Cựu Ước chỉ nói tới giới răn yêu thương mà không giới thiệu một khuôn mẫu cụ thể hoàn hảo nào của tình yêu. Ngược lại, trong Tân Ước, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình như là khuôn mẫu tuyệt hảo và nguồn mạch của tình yêu.
Bởi lẽ, điều Chúa Giêsu nói và làm là một: Người là Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận tôi đòi. Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Người chấp nhận chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Người sống lại và ban Thánh Thần cho chúng ta. Người đã lập bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta mãi cho đến ngày tận thế.
Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì tình yêu đó được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, đó là phục vụ, cảm thương, dịu dàng, tha thứ, hy sinh vì chúng ta.
Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì đó là một tình yêu hoàn toàn nhưng không, Người không tìm kiếm điều kiện để yêu, Người yêu cả những ai không xứng đáng, Người yêu cả những ai làm hại mình.
Tình yêu Chúa là mới mẻ bởi vì Chúa Giêsu không nói: Thầy đã yêu thương anh em, nên anh em hãy yêu thương Thầy và hãy phục vụ Thầy… Nhưng Chúa nói: Thầy đã yêu thương anh em. Giờ anh em hãy yêu thương nhau và phục vụ lẫn nhau.
- Dấu chỉ người môn đệ Chúa Kitô
Như thế, tình yêu Chúa Giêsu ở dạng thức cao cả nhất– agape – tình yêu hiến dâng hoàn toàn mà không hề có bóng dáng ích kỷ và chiếm hữu. Tình yêu Chúa là phổ quát, không giới hạn và vô điều kiện. Người yêu chúng ta trước khi chúng ta còn là tội nhân. Tình yêu đó thật lớn lao!
Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta:
“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Tình yêu Chúa là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta noi theo. Chúa Giêsu còn nói thêm:
“Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Như thế, qua câu nói trên, Chúa Giêsu muốn quả quyết rằng: Dấu chỉ mà người ta nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Kitô không phải vì chúng ta có chức vụ trong Giáo Hội, không phải vì chúng ta đeo thánh giá, tràng hạt, mặc áo tu, hay phẩm phục tôn giáo, đọc kinh nhiều, nhưng là tình yêu thương nhau.
Người môn đệ Chúa Kitô là người theo sát dấu chân của Người, học theo cung cách sống của Người để trở nên đồng hình đồng dạng với Người (sequela Christi). Như thế, dấu chỉ của người môn đệ đích thực yêu thương như Chúa đã yêu thương. Tình yêu và lòng bác ái mà chúng ta dành cho nhau là bằng chứng hùng hồn chúng ta thực sự là môn đệ Chúa Kitô. Yêu thương là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Đức Kitô. Như thế, rõ ràng theo logic này: Nếu chúng ta không sống yêu thương nhau thì chúng ta không phải là môn đệ Chúa. Nếu chúng ta làm cho người khác phải đau khổ, chúng ta không phải là môn đệ Người. Chúng ta thử hỏi: chúng ta có yêu thương nhau như Chúa dạy không?
- Mọi sự sẽ thay đổinhờ tình yêu
Câu chuyện sau đây diễn tả về đời sống cộng đoàn thay đổi khi họ biết yêu thương nhau:
Bề trên một tu viện Công Giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi Hi Mã Lạp Sơn để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện. Trước kia, tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng lời ca tiếng hát cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu. Vậy mà giờ đây, tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ.
Cha bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay. Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình.” Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người.”
Nhận được lời giải đáp, cha bề trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu Thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là hiện thân “Đấng Cứu Thế.”
Từ ngày ấy, mọi người kính trọng nhau như với Đấng Cứu Thế. Mọi người quan tâm và phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuôn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta luôn ý thức rằng, được làm môn đệ Chúa Kitô là một niềm vui lớn lao; đồng thời chúng ta biết sống yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã nêu gương. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Yêu Thương, Chân Tính Môn Đệ
“Tất cả đường lối Chúa là tình yêu và thành tín”, bởi Người là Tình yêu. Ai yêu thương thì biết Thiên Chúa và được Thiên Chúa sinh ra. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm và sống chân tính của chúng ta, đó là TÌNH YÊU. Xin được gợi lên 3 điểm suy niệm:
- Yêu thương, giới răn mới, lời trăng trối của Chúa
Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau” (c.34). Đây là lời trăng trối của Chúa Giêsu cho các môn đệ, cho Giáo hội, cho mỗi chúng ta. Nhưng tại sao gọi là giới răn mới? Trong sách Lề Luật có chép: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”. Vậy tại sao Chúa lại gọi điều răn ấy là mới, trong khi Người biết chắc điều đó đã có từ xưa?
Thánh Augustinô khi minh giải về điều này đã viết: “Phải chăng điều răn ấy mới vì nó mặc cho ta con người mới, sau khi con người cũ được cởi bỏ? Thật vậy, tình yêu đổi mới những ai nghe điều răn đó, nói đúng hơn với những ai tuân giữ. Tuy nhiên, tình yêu nói ở đây không phải là bất cứ tình yêu nào, nhưng là thứ tình yêu khác với tình yêu phàm nhân, như Chúa muốn phân biệt khi nói thêm: “như Thầy đã yêu thương anh em”. Tình yêu đó đổi mới, làm cho chúng ta thành những con người mới, những kẻ kế thừa Giao Ước mới, những người hát bài ca mới”.[1]
- Yêu thương như Chúa đã yêu thương
Chúa Giêsu không đưa ra một khẩu hiệu, một mệnh lệnh chung chung rồi buộc người ta thi đua như thiên hạ vẫn làm, nhất là trong thời mà quảng cáo, tiếp thị lên ngôi như hôm nay. Không phải là thứ tình yêu “nơi đầu môi chót lưỡi” nhưng là tình yêu đích thực như Thánh vịnh 144 thưa lên: “Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với công cuộc của Chúa” (c.8-9).
Tình yêu Thiên Chúa không chỉ được cảm nghiệm qua kỳ công của Người mà còn được biểu lộ, được nhập thể nơi Đức Giêsu, khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa. Người mời gọi chúng ta thực thi đức yêu thương với khuôn mẫu là chính Người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”
Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta bằng tình yêu trọn vẹn: “yêu cho đến cùng” (Ga 13,1), yêu đến “hiến mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15,13). Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là trao ban, là phục vụ của những người thân hữu: “Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,15). Người là Chúa, là Thầy, các môn đệ là con người, là môn đệ những được ngồi đồng bàn, được gọi là bạn hữu. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được, nhưng không vậy, Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Người, “tri âm tri kỷ” nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Người là mẫu gương của mỗi chúng ta. Thánh Phêrô chân nhận điều đó: “Đức Kitô chịu đau khổ vì anh em, để lại cho anh em một mẫu gương để anh em dõi bước theo Ngài” (1Pr 2,21). Nhạc sĩ Cao Huy Hoàng, trong bài hát “Xin định nghĩa tình yêu” đã viết: “Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu. Yêu hãy đừng nói yêu nhưng là hãy yêu bằng tình yêu mến mến yêu. Yêu! Yêu là chết đi, yêu là đóng đinh là biết hy sinh cho người mình yêu. Yêu hãy đừng nói yêu nhưng là hãy yêu bằng tình chung thủy, bằng tình thủy chung”. Và ông dẫn tới khuôn mẫu trong điệp khúc: “Hãy yêu như Giêsu, chết đi cho dương gian, đóng đinh cho người mình yêu mến. Hãy yêu trong an vui, thủy chung trong đau thương, sống trong cuộc đời đầy mến yêu”.
- Yêu thương, dấu chỉ nhân ra môn đệ Chúa
Yêu thương làm nên cốt cách của người kitô hữu, là dấu chỉ để nhận ra nhau là môn sinh của Thầy Giêsu: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Truyện kể rằng: “Một vị giám mục kiểm tra khả năng của một nhóm dự tòng xin lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Ngài hỏi: Bằng dấu chỉ nào mà người khác nhận ra các con là người Công giáo? Không có tiếng trả lời. Rõ ràng, không có ai ngờ một câu hỏi như thế. Vị giám mục lặp lại câu hỏi. Và ngài lặp lại thêm một lần nữa, lần này ngài làm dấu Thánh giá có ý nhắc nhớ cho các người dự tòng một câu trả lời chính xác. Bất chợt một ứng viên trả lời: Đó là tình yêu. Vị giám mục rất ngạc nhiên! Khi sắp mở miệng nói “sai”, ngài bỗng kịp thời im lặng. Thánh giá biểu lộ tình yêu. Dấu chỉ của tình yêu là Thánh giá. Đạo Công giáo là đạo của bác ái yêu thương.
Đạo của chúng ta là đạo yêu thương, và do đó, chúng ta là con cái của tình yêu, sự hiện diện của chúng ta phải là sự hiện diện của tình yêu. Công việc, sứ vụ của chúng ta phải nhập thể tình yêu, làm cho tình yêu lên ngôi và triển nở trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, trong những môi trường, công việc, trong các tương quan của chúng ta.
Nhìn nhà thờ, khuôn viên, nhà xứ của chúng thật đẹp và tráng lệ, ước gì đó là thành quả, là sự phản chiếu đời sống đức tin, là hoa trái của tình yêu mà chúng ta đã rắc gieo trong cuộc sống. Ước gì mỗi khi người ta, nhất là những người chưa nhận biết Chúa, nhìn vào tháp nhà thờ, khi nghe tiếng chuông ngân vang, người ta nhận ra dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa gọi mời, làm cho lòng người nếm cảm được niềm vui, bình an và hoan lạc.
“Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, nếu anh em biết yêu thương nhau” (Ga 13,35). “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc làm của anh em, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 4,16).
Lm. Hoa Thập Tự
Có thể bạn quan tâm
TGM-GPHT: Thư Rao Dự kiến Truyền chức Linh mục cho Phó tế Khoá..
Th5
Thủ tướng Ý điện đàm với Đức Thánh Cha Lêô XIV
Th5
Suy Niệm Chúa Nhật V Phục Sinh C – Giới Răn Mới
Th5
14 Triều đại Giáo hoàng với Tông hiệu LEO
Th5
Đức Thánh Cha Lêô XIV duy trì tài khoản Giáo hoàng trên X..
Th5
Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô..
Th5
Các cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha trong tháng 5
Th5
Sứ Điệp Gửi Quý Phật Tử Nhân Dịp Đại Lễ Vesak 2025: Phật..
Th5
Diễn Văn Của Đức Thánh Cha Lêô XIV Dành Cho Các Đại Diện..
Th5
Ngày 14/05: Thánh Matthia Tông Đồ
Th5
Đức Giáo hoàng Lêô XIV: Truyền thông cần thúc đẩy hòa bình và..
Th5
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima
Th5
Châm ngôn và Huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV
Th5
Đức Thánh Cha Lêô XIV viếng mộ Đức cố Giáo hoàng Phanxicô
Th5
“Ngài đã có một tỷ số tuyệt vời” tại Mật nghị
Th5
Ủy Ban Thánh Nhạc: Bài Hát “Cầu Cho Đức Giáo Hoàng”
Th5
ĐTC Lêô XIV tạm thời xác nhận các vị trí lãnh đạo và..
Th5
Lời chúc mừng Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV từ nhiều lãnh đạo..
Th5
Suy Niệm Chúa Nhật IV Phục Sinh C – Chúa Là Mục Tử..
Th5
VPTGM-GPHT: Thông Báo Về Việc Hội Thánh Có Đức Tân Giáo Hoàng
Th5