Sáng ngày 19/3, Phòng báo chí Toà Thánh đã phổ biến Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61, được cử hành vào Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, 21/4 tới đây. Sứ điệp có chủ đề: “Được kêu gọi gieo hy vọng và xây dựng hoà bình”.
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI
LẦN THỨ 61, NĂM 2024:
ĐƯỢC KÊU GỌI GIEO HY VỌNG VÀ XÂY DỰNG HOÀ BÌNH
Anh chị em thân mến!
Mỗi năm, Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi mời gọi chúng ta suy tư về hồng ân quý giá lời mời gọi của Chúa dành cho mỗi người chúng ta, như dân trung thành của Người trên hành trình, để chúng ta có thể tham gia vào kế hoạch tình yêu của Người và thể hiện vẻ đẹp Tin Mừng trong những bậc sống khác nhau. Lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, không phải là một nghĩa vụ được áp đặt từ bên ngoài, ngay cả nhân danh một lý tưởng tôn giáo; trái lại, đó là cách chắc chắn nhất để chúng ta có để thực hiện niềm khao khát hạnh phúc sâu thẳm nhất của chúng ta. Cuộc sống của chúng ta được viên mãn khi chúng ta khám phá ra mình là ai, hồng ân của chúng ta là gì, chúng ta có thể làm cho hồng ân này sinh hoa trái ở đâu, và chúng ta có thể đi con đường nào để trở thành dấu chỉ và khí cụ của tình yêu, đón nhận quảng đại vẻ đẹp và hòa bình, trong bối cảnh chúng ta đang sống.
Vì vậy, Ngày này luôn là một cơ hội tốt đẹp để nhớ lại với lòng biết ơn Chúa về những nỗ lực trung thành, kiên trì và thường ẩn giấu của những người đã đáp lại lời mời gọi liên quan đến cả cuộc đời họ. Tôi nghĩ đến những người cha, người mẹ không nghĩ đến mình trước tiên và không theo những gì nhất thời chóng qua, nhưng đặt nền tảng cuộc sống qua việc chăm sóc các mối tương quan, bằng tình yêu và sự quảng đại, mở lòng đón nhận hồng ân sự sống và dấn thân cho con cái và sự phát triển của chúng. Tôi nghĩ đến những người thực hiện công việc của mình với sự tận tâm và tinh thần cộng tác; những người dấn thân, trong các lĩnh vực và cách thức khác nhau, xây dựng một thế giới công bằng hơn, một nền kinh tế liên đới hơn, một nền chính trị công bằng hơn, một xã hội nhân đạo hơn. Tóm lại, đó là tất cả những người nam nữ thiện chí, những người cống hiến cuộc đời cho công ích. Tôi nghĩ đến những người thánh hiến, những người hiến dâng cuộc sống cho Chúa trong thinh lặng cầu nguyện và hoạt động tông đồ, đôi khi ở những nơi xa xôi và nỗ lực thực thi đoàn sủng một cách sáng tạo và sẵn sàng giúp đỡ những người họ gặp gỡ. Và tôi nghĩ đến những người đã đón nhận ơn gọi linh mục và cống hiến cho việc loan báo Tin Mừng và hiến dâng cuộc đời mình, cùng với Thánh Thể, cho anh chị em, gieo rắc niềm hy vọng và cho mọi người thấy vẻ đẹp của Vương quốc Thiên Chúa.
Với những người trẻ, đặc biệt những người cảm thấy xa cách hoặc nghi ngờ Giáo hội, tôi muốn nói điều này: các bạn hãy để Chúa Giêsu lôi cuốn, mang đến cho Người những câu hỏi quan trọng bằng cách đọc Tin Mừng, hãy để Người thách đố các bạn bởi sự hiện diện của Người, điều luôn tạo nên cho chúng ta một cuộc khủng hoảng lành mạnh. Hơn ai hết, Người tôn trọng tự do của chúng ta. Người không áp đặt nhưng đề nghị. Hãy dành chỗ cho Người và bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc khi theo Người. Và nếu Người yêu cầu, hãy dâng hiến toàn bộ cuộc sống cho Người.
Một dân đang bước đi
Sự đa dạng của các đoàn sủng và ơn gọi khác nhau mà cộng đoàn Kitô giáo nhìn nhận và đồng hành giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn căn tính Kitô của mình: như dân Thiên Chúa trong thế giới được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và là những viên đá sống động trong Thân Mình Chúa Kitô, mỗi người khám phá ra rằng mình là thành viên của một đại gia đình, con cái của Cha và là anh chị em của nhau. Chúng ta không phải là những hòn đảo khép kín nhưng là những phần của một tổng thể lớn hơn. Vì vậy, Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi có tính hiệp hành: giữa sự đa dạng của các đặc sủng, chúng ta được mời gọi lắng nghe và cùng nhau bước đi để nhận ra các đặc sủng này và phân định điều Chúa Thánh Thần đang kêu gọi chúng ta vì lợi ích của tất cả.
Vào thời điểm lịch sử hiện tại, hành trình chung đang dẫn chúng ta đến Năm Thánh 2025. Chúng ta hãy bước đi như những người hành hương hy vọng hướng tới Năm Thánh, bởi vì trong việc tái khám phá ơn gọi của mình và bằng cách liên kết các ân sủng khác nhau của Thánh Thần, chúng ta có thể trở thành những sứ giả và chứng nhân cho thế giới về giấc mơ của Chúa Giêsu: một gia đình nhân loại duy nhất, hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa và trong mối dây bác ái, chia sẻ và tình huynh đệ.
Ngày này được dành một cách đặc biệt để cầu xin Chúa Cha ban ơn gọi thánh thiện để xây dựng Vương quốc Người: “Anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10, 2). Và cầu nguyện – như tất cả chúng ta đều biết – được thực hiện bằng việc lắng nghe hơn là những lời hướng về Chúa. Chúa nói với tâm hồn chúng ta và muốn thấy tâm hồn rộng mở, chân thành và quảng đại. Lời Người đã trở thành xác phàm trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng mạc khải và thông truyền cho chúng ta tất cả ý muốn Chúa Cha. Trong năm 2024 này, được dành cho việc cầu nguyện và chuẩn bị Năm Thánh, tất cả chúng ta được kêu gọi tái khám phá hồng ân vô giá là có thể đối thoại với Chúa, từ trái tim đến trái tim, nhờ đó trở thành những người hành hương hy vọng. Vì “cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của hy vọng. Bạn cầu nguyện và niềm hy vọng lớn lên, tiến về phía trước. Tôi có thể nói rằng cầu nguyện mở ra cánh cửa hy vọng. Niềm hy vọng có đó, nhưng nhờ cầu nguyện, tôi sẽ mở được cánh cửa” (Giáo lý, ngày 20/5/2020).
Những người hành hương hy vọng và những người xây dựng hòa bình
Nhưng trở thành người hành hương có nghĩa là gì? Những người hành hương trước hết tìm cách chú tâm vào mục tiêu và luôn giữ nó trong tâm trí và trái tim. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, cần tập trung vào từng bước đi, nghĩa là di chuyển nhẹ nhàng, bỏ những gánh nặng không cần thiết, chỉ mang theo những thứ cần thiết và cố gắng mỗi ngày để gạt bỏ mọi mệt mỏi, lo sợ, bất an và do dự. Như thế, là một người hành hương có nghĩa là mỗi ngày bắt đầu lại, tái khám phá lòng nhiệt thành và sức mạnh để theo đuổi các giai đoạn khác nhau của hành trình, dù mệt mỏi và khó khăn, luôn mở ra trước mắt chúng ta những chân trời mới và những khung cảnh trước đây chưa từng được biết tới.
Ý nghĩa đích thực của hành hương Kitô giáo là: chúng ta bắt đầu hành trình khám phá tình yêu Thiên Chúa và đồng thời khám phá chính mình, qua một hành trình nội tâm được nuôi dưỡng bởi các mối tương quan. Vì thế, chúng ta là những người hành hương bởi vì được kêu gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau. Hành trình của chúng ta trên mặt đất này không phải là chuyến đi vô nghĩa hay lang thang không mục đích; trái lại, mỗi ngày, bằng cách đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta cố gắng thực hiện những bước có thể hướng tới một thế giới mới, nơi mọi người có thể sống trong hòa bình, công lý và yêu thương. Chúng ta là những người hành hương hy vọng bởi vì chúng ta đang tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn, dấn thân xây dựng trong hành trình.
Cuối cùng, mục đích của mọi ơn gọi là: trở thành những người nam nữ hy vọng. Với tư cách là những cá nhân và cộng đoàn, trong nhiều đặc sủng và mục vụ khác nhau, tất cả chúng ta đều được mời gọi “trao ban thể xác và tâm hồn” cho niềm hy vọng Tin Mừng trong một thế giới bị đánh dấu bởi những thách đố mang tính thời đại: sự tiến triển đầy đe doạ của chiến tranh thế giới thứ ba từng phần; làn sóng người di cư chạy trốn quê hương để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn; sự gia tăng không ngừng của người nghèo; mối nguy hiểm tổn hại không thể phục hồi tới sức khỏe hành tinh chúng ta. Thêm vào nữa là những khó khăn chúng ta gặp phải hàng ngày, đôi khi có nguy cơ đẩy chúng ta vào tình trạng cam chịu hay chủ bại.
Vì thế, trong thời đại chúng ta, điều quyết định là chúng ta, những Kitô hữu phải vun trồng một cái nhìn đầy hy vọng để có thể làm việc hiệu quả đáp lại ơn gọi được trao phó cho chúng ta, trong việc phục vụ vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình của Thiên Chúa. Niềm hy vọng này – Thánh Phaolô đảm bảo với chúng ta – “không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5, 5), vì đó là lời hứa mà Chúa đã thực hiện với chúng ta là sẽ luôn ở với và đưa chúng ta vào công cuộc cứu chuộc mà Người muốn thực hiện trong trái tim của mỗi cá nhân và trong “trái tim” của mọi thụ tạo. Niềm hy vọng này tìm thấy sức mạnh trong sự phục sinh của Chúa Kitô “chứa đựng một sức mạnh sự sống đã thấm nhuần thế giới này. Ở nơi mà tất cả có vẻ như đã chết, các dấu hiệu phục sinh đột nhiên xuất hiện. Đó là một sức mạnh không gì sánh bằng. Thường chúng ta thấy Thiên Chúa có vẻ như không hiện hữu: chúng ta thấy khắp nơi những cảnh bất công, tội ác, thờ ơ, tàn bạo không ngừng. Nhưng cũng đúng là giữa cảnh tối tăm luôn luôn có một cái gì mới phát sinh và sớm hay muộn sẽ sinh hoa kết quả” (Evangelii Gaudium, 276). Một lần nữa, Thánh Tông đồ Phaolô nói với chúng ta “trong niềm hy vọng chúng ta đã được cứu” (Rm 8, 24). Ơn cứu độ được thực hiện trong Phục sinh mang lại hy vọng, một niềm hy vọng chắc chắn và đáng tin cậy, nhờ đó chúng ta có thể đối diện với những thách đố của hiện tại.
Vì vậy, trở thành những người hành hương hy vọng và những người xây dựng hòa bình có nghĩa là đặt chính sự hiện hữu của chúng ta trên đá tảng phục sinh Chúa Kitô, biết rằng mọi dấn thân của chúng ta, trong ơn gọi mà chúng ta đã đón nhận và tiến bước, sẽ không bao giờ vô ích. Những thất bại và trở ngại có thể nảy sinh trên đường đi, nhưng những điều tốt lành mà chúng ta gieo đang âm thầm lớn lên và không gì có thể tách chúng ta ra khỏi mục tiêu cuối cùng: đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và niềm vui sống mãi mãi trong tình yêu huynh đệ. Chúng ta phải luôn thấy trước được lời kêu gọi này: tương quan tình yêu với Chúa và anh chị em phải thực hiện ngay bây giờ để thực hiện giấc mơ hiệp nhất, hòa bình và tình huynh đệ của Chúa. Không ai cảm thấy bị loại trừ khỏi ơn gọi này! Mỗi chúng ta, theo cách nhỏ bé của mình, trong bậc sống cụ thể của mình, có thể, với sự trợ giúp của Thánh Thần, trở thành người gieo hạt giống hy vọng và hòa bình.
Can đảm dấn thân
Dưới ánh sáng này, một lần nữa tôi muốn nói như đã nói trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon: “Hãy đứng lên!”. Hãy tỉnh thức khỏi giấc ngủ, bỏ lại đằng sau sự thờ ơ, hãy mở những cánh cửa tù ngục mà đôi khi chúng ta tự nhốt mình, để mỗi người có thể khám phá ra ơn gọi của mình trong Giáo hội và thế giới, và trở thành người hành hương hy vọng và xây dựng hoà bình! Chúng ta hãy say mê cuộc sống và dấn thân chăm sóc yêu thương những người đang ở xung quanh và môi trường chúng ta đang sống. Tôi nói lại lần nữa: “Hãy can đảm dấn thân!” cha Oreste Benzi, một tông đồ bác ái không mệt mỏi, luôn đứng về phía người nhỏ bé và những người không có khả năng tự vệ, thường lặp lại rằng không ai nghèo đến mức không có gì để cho đi, và không ai giàu đến mức không cần nhận một thứ gì đó.
Vậy chúng ta hãy chỗi dậy và lên đường như những người hành hương hy vọng, để, như Đức Maria đã làm với Thánh Elizabeth, chúng ta cũng có thể trở thành những sứ giả của niềm vui, tạo ra sự sống mới và những nghệ nhân của tình huynh đệ và hòa bình.
Roma, Gioan Lateranô, ngày 21 tháng 4 năm 2024, Chúa nhật IV Phục Sinh.
Bản dịch của Vatican News Tiếng Việt
Nguồn: vaticannews.va/vi
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ
Th12
Ý nghĩa của hành hương Năm thánh?
Th12
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo
Th12
Cửa Thánh: Nguồn Gốc, Lịch Sử, Ý Nghĩa Và Việc Mở Cửa Thánh
Th12
Trực Tiếp Sứ Điệp Giáng Sinh Năm 2024 Và Phép Lành Toàn Xá..
Th12
Đức Thánh Cha Chủ Sự Nghi Thức Mở Cửa Thánh Đền Thờ Thánh..
Th12
Ngày 26-12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Th12
Đức cha Louis chủ sự đại lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Chính..
Th12
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12