Phỏng vấn mẹ Chân phước Carlo Acutis – Kỳ 2: Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ Công giáo

138 lượt xem

“Cha mẹ phải là những giáo lý viên đầu tiên. Họ nên đọc những câu chuyện trong Kinh thánh và hạnh các thánh.”

Carlo Acutis khi còn là một cậu bé. Ảnh: The National Catholic Register

Đây là kỳ 2 của buổi phỏng vấn sâu với bà Antonia Salzano Acutis, mẹ của Chân phước Carlo Acutis, người sẽ sớm trở thành vị thánh đầu tiên của thế hệ Gen Y.

Carlo đã tỏ ra là một người sùng đạo khi còn ở trường trung học. Tuy nhiên, cậu không hề bị các bạn cùng lớp khinh dể. Tại sao lại thế?

Nhiều người cho rằng lòng sùng đạo là thứ gì đó bạn cho đi, nhưng thực ra nó đã thứ bạn được nhận. Vấn đề chính là sự bất an mà phần lớn giới trẻ hiện nay đang gặp phải. Sự bất an này cũng là kết quả của của nền giáo dục ngày nay. Người trẻ cho rằng chúng phải có điện thoại đời mới, phải có quần áo hàng hiệu, nếu không sẽ rơi vào trầm cảm. Hoặc chúng nghĩ rằng cần phải phẫu thuật thẩm mỹ bởi vì chúng không thích chiếc mũi hay cơ thể của mình. Theo tôi, có nhiều cô gái xinh đẹp đã tự tay hủy hoại nhan sắc của mình qua việc phẫu thuật thẩm mỹ.

Nếu sự an toàn của bạn chỉ dựa vào những thứ đó, nếu bạn không có một đời sống nội tâm, nghĩa là bạn chưa biết về sự sống đời đời. Bạn sống như rau cỏ với những chức năng tự nhiên của nó. Bạn không thấy được chiều kích thiêng liêng. Bạn sống như thể bạn chỉ là một cơ thể vô hồn với năm giác quan, chỉ thế thôi. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra sự bất an lớn.

Khi chúng ta sống đời sống Thánh Thể, chúng ta sẽ chạm tới được cùng đích của tình yêu. Như Carlo đã nói, một cuộc đời như thế gọi là thành công bởi vì chúng ta đã đặt Chúa lên trên hết mọi sự. Bạn có thể đạt giải Nobel cao quý, nhưng nếu bạn không đạt tới cùng đích của tình yêu thì bạn đã thất bại.

Điều gì xảy ra khi con người không sống đời sống thiêng liêng?

Về lâu dài, một cuộc đời như thế sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng. Tại sao chúng ta thấy nhiều người trẻ bị trầm cảm đến vậy? Bởi vì chúng không dấn thân cho những giá trị và không có con mắt đức tin. Bạn sẽ phản ứng thế nào trước cái chết và những vấn đề nghiêm trọng mà bạn không may gặp phải trên thế giới này? Người trẻ không có câu trả lời nào và cố gắng lảng tránh những điều này. Chúng không đặt câu hỏi. Chúng chỉ muốn thỏa mãn đam mê. Họ chỉ sống cho những khoái lạc. Đó là một cách gây mê, nhưng khi có chuyện nghiêm trọng xảy ra thì nó là thảm họa. Chúng chưa được chuẩn bị. Thế nhưng hầu hết người trẻ không thể tìm thấy câu trả lời thích đáng.

Chỉ có Chúa Giêsu mới cho bạn những câu trả lời thích đáng. Ngài là Đấng duy nhất đã chết và sống lại. Như thánh Phaolô đã nói: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin của anh em ra vô ích” (1 Cô-rin-tô 15:13-14).

Theo bà việc lạm dụng điện thoại thông minh và công nghệ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến con người?

Tôi thấy rằng đôi mắt của những đứa trẻ thời nay đã không còn ánh sáng. Có lẽ đó là vì chúng dành quá nhiều thời gian cho những trò chơi điện tử và điện thoại thông minh. Chúng giống như vô hồn. Carlo đã nhận thấy điều này ở một số đứa trẻ mê game mà cậu biết.

Gần đây, khi chồng tôi đang đi dạo ở Assisi trước một lâu đài lớn có phần hiên phía trước. Ông ấy gặp một nhóm thanh thiếu niên, khoảng 60 đứa, đang ngồi chìm trong thinh lặng. Không ai nói chuyện với ai. Tất cả đều đang chăm chú vào điện thoại của mình. Chồng tôi đã chụp lại cảnh đó và gửi cho tôi. Nó thực sự đáng lo ngại.

Điều đó giúp chúng ta hiểu rằng những công cụ này cũng đang lấy đi vẻ đẹp của tình tương quan. Xin hãy nhớ rằng Ba Ngôi là mối tương quan: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Con người được tạo dựng để tương quan với nhau. Vì vậy, khi công nghệ chia cắt con người, nó đi ngược lại bản chất của chúng ta. Không có gì ngạc nhiên khi điều này gây ra nhiều vấn đề – thậm chí cả vấn đề về tâm lý.

Bà có nghĩ rằng hiện nay công nghệ làm cho chúng ta sao nhãng đời sống cầu nguyện, khiến người ta cầu nguyện ít hơn không?

Carlo từng nói rằng không thể lãng phí thời gian vào những việc Chúa không muốn. Mỗi phút trôi qua là chúng ta đã mất đi một phút dành cho việc thánh hóa bản thân. Vì vậy, chúng ta hãy tối đa hóa thời gian của mình cho cuộc sống vĩnh cửu.

Carlo đã sử dụng điện thoại di động của mình như thế nào?

Khi Carlo còn sống, chúng tôi không có điện thoại thông minh nhưng chúng tôi dùng ứng dụng nhắn tin (trên điện thoại gập). Cậu thường tắt ứng dụng đó. Thực tế là Carlo rất bận rộn với các hoạt động bên ngoài, các cuộc triển lãm, và công việc giáo lý viên của mình. Cậu không có thời gian để lãng phí. Cậu rất ít khi sử dụng điện thoại di động.

Carlo sử dụng công nghệ thông tin để nói về Chúa. Ảnh: The National Catholic Register

Về các chơi trò chơi điện tử thì sao? Carlo nghĩ gì về việc chơi game?

Lúc 8 tuổi, Carlo sở hữu một chiếc PlayStation. Trước đó, cậu bé đã đọc về những đứa trẻ ở Mỹ buộc phải đến phòng khám để “cai nghiện” vì đã bị lệ thuộc quá mức vào trò chơi điện tử. Một số em có dấu hiệu của bệnh động kinh. Cậu đã vô cùng sốc vì điều này. Vì vậy, từ rất sớm Carlo đã quyết định chỉ chơi điện tử một giờ một tuần. Cậu bé áp dụng quy tắc này cho bản thân mình và luôn giữ điều đó. Điều này cho thấy đức tính tiết độ, là một trong bảy đức tính cần thiết để được Giáo hội tuyên thánh. Đức tiết độ dạy chúng ta biết sử dụng những thứ tốt đẹp có chừng mực. Như thế, ngay cả những trò PlayStation, Xbox, Gameboy – nếu nó không quá bạo lực (vì có một số trò chơi mà tôi nghĩ là rất độc hại) – thì cũng có thể tốt.

Nhưng Carlo đã nói rằng: “Chúng ta không thể trở thành nô lệ của công nghệ. Chúng ta phải kiểm soát được chúng.”

Bởi vì chúng ta có trí thông minh và được dựng nên theo hình ảnh của Chúa nên chúng ta phải làm chủ công nghệ. Nếu những thứ này lấy đi sự tự do của bạn, chúng sẽ trở thành công cụ của ma quỷ. Từ đó người ta không thể làm bất cứ điều gì khác. Họ không tương quan với người khác. Họ không có thời gian dù chỉ 1 giây để cầu nguyện hay suy ngẫm.

Lời khuyên của bà dành cho những cha mẹ có con cái đã bỏ đức tin là gì?

Thánh Gioan Bosco đã nói rằng khi bạn trồng một cái cây nhỏ và thấy nó mọc cong queo, bạn cần phải nắn thẳng nó bằng những cọc gỗ nhỏ. Điều này khó thực hiện hơn nhiều khi cây đã trưởng thành. Lúc đó, bạn cần có một phép màu.

Sai lầm của nhiều bậc cha mẹ là không cùng con cầu nguyện hàng ngày khi chúng còn nhỏ: vào buổi sáng và buổi tối, trước bữa ăn; hoặc lần chuỗi Mân Côi với con khi chúng đến tuổi khôn lớn. Cha mẹ phải là những giáo lý viên đầu tiên. Cha mẹ nên đọc những câu chuyện trong Kinh thánh và hạnh các thánh. Họ phải kể về những lần Đức Mẹ hiện ra đã được Giáo hội công nhận như Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Mẹ Pontmain.

Điều cuối cùng: Đừng bỏ cuộc. Khi cha mẹ đem con đi rửa tội, họ đã thề trước Thiên Chúa sẽ nuôi dạy con cái họ theo đức tin Công giáo.

Một ngày nọ, tôi gặp một phụ nữ trong nhà thờ, bà đã chặn tôi lại và kể cho tôi câu chuyện về hai cô con gái của bà đang ở độ tuổi 16 và 14 không muốn đến nhà thờ nữa, và một linh mục đã khuyên bà đừng ép buộc chúng. Đây là một sai lầm. Bởi vì vị linh mục này rõ ràng không tin rằng ngay cả khi các thanh thiếu niên không có tâm trạng hoặc không muốn tham dự Thánh lễ, Chúa vẫn luôn làm việc qua các Bí tích. Đầu tiên, trước khi con cái chúng ta đủ 18 tuổi, chúng ta phải thực thi một số quyền bính nhất định đối với chúng. Khi đủ 18 tuổi, chúng có thể tự quyết định điều cần làm; nhưng trước khi đến lúc đó, hãy đưa chúng đi tham dự Thánh lễ. Người mẹ mà tôi gặp này đã hoàn toàn bỏ cuộc, lực bất tòng tâm. Điều này thật sai trái.

Những sai lầm khác mà các bậc cha mẹ nên tránh là gì?

Cha mẹ phải học cách nói “Không”. Thật là một sai lầm khi luôn luôn nói “Có”. Khoa học đã chứng minh rằng thanh thiếu niên chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ. Bộ não của các em vẫn đang trong giai đoạn phát triển với các khớp thần kinh chưa được kết nối hoàn toàn với nhau.

Một vấn đề khác là thanh thiếu niên hiện nay yêu quá sớm. Nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục và hướng dẫn con đường đúng đắn cho con em chúng ta.

Điện thoại thông minh, internet và TV không thể là người giữ trẻ. Nuôi con đồng nghĩa với việc phải hy sinh. Dù là chỉ có quỹ thời gian ít ỏi, ta cần biến nó trở thành những giây phút quý báu cho con cái. Điều quan trọng không phải là bao lâu, mà là chất lượng.

Nhiều người bỏ mặc con nhỏ 6-7 tuổi của họ cho internet. Bạn biết rằng trên mạng có rất nhiều nội dung khiêu dâm gây hại. Ở Ý, người ta đã làm một nghiên cứu về nội dung trẻ em từ 6-7 tuổi đến 16 tuổi thường xem: 80% xem các trang web khiêu dâm – cả bé trai lẫn bé gái. Hãy tưởng tượng nó đang hủy hoại con cái chúng ta như thế nào. Đây thực sự là một mối nguy.

Cha mẹ cần học cách hạn chế việc sử dụng mạng bằng các hệ thống kiểm soát trang web mà con cái truy cập. Các bậc cha mẹ cần phải tỉnh thức vì dường như trên mạng có quá nhiều “Công chúa ngủ trong rừng” (ý nói là những nguy hiểm tiềm ẩn có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào – ND). Rất nhiều phụ huynh không có khả năng bắt kịp với công nghệ. Số đông cha mẹ đã không kịp trang bị. Trong hệ thống pháp luật có câu: “Sự thiếu hiểu biết không phải là cái cớ”. Việc giáo dục con cái chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải tỉnh táo.

Cha mẹ cần phải khôn ngoan hơn. Chúng ta đã không biết sử dụng lý trí của mình. Cha mẹ là những người thầy đầu tiên. Bạn không thể chỉ gửi con mình đến nhà thờ hay thậm chí là trường học và nghĩ rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết ở đó.

Tác giả: Sabrina Ferrisi
Châu Anh dịch từ The National Catholic Register

Nguồn tin: dongten.net

Có thể bạn quan tâm