Đức Cha Giuse Ngụy Cảnh Nghi – vị Giám mục 60 tuổi và là nhân vật được kính trọng của Giáo Hội “thầm lặng” ở Trung Quốc – đã bày tỏ ý kiến của mình nhân những chộn rộn về chuyện có thể xảy ra một bước ngoặt nào đó trong mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Những chộn rộn có lẽ là có thiện chí và cũng có thể có những hậu ý, nhưng – dù là thiện chí hay có hậu ý – thì cũng không thực sự cần thiết. Qua cuộc trao đổi với trang mạng Vatican Insider do phóng viên Gianni Valente thực hiện ngày 16.2.2018, ngài nói:
Tôi là một Giám mục của cộng đoàn Giáo Hội Công giáo thầm lặng ở Trung Quốc.Tôi biết ơn những ai quan tâm đến chúng tôi và đã giúp chúng tôi trong mọi cách có thể. Nhưng tôi cũng muốn nói với tất cả mọi người rằng đất nước Trung Quốc rất rộng, và Giáo Hội có những hoàn cảnh rất khác nhau tùy từng nơi, và điều này áp dụng trước hết đối với Giáo Hội thầm lặng. Vì vậy, tôi thành tâm cầu xin các bạn hữu của chúng tôi ở ngoài Trung Hoa đại lục, bao gồm cả những người ở Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và ở tất cả các châu lục khác, xin đừng phát biểu nhân danh chúng tôi, đừng nhất quyết nói thay chúng tôi, đừng nói thay mặt cho Giáo Hội thầm lặng. Tôi xin các bạn vì các bạn không phải là người có thể đại diện cho Giáo Hội thầm lặng ở Trung Quốc.
Người viết hoàn toàn không có ý định muốn bàn đến chuyện của Giáo Hội ở Trung Quốc, vì đấy là một vấn đề quá lớn và vượt ngoài sự hiểu biết nông cạn của người viết.
Người viết chỉ muốn có một vài suy nghĩ về “tật” thích “nói giùm” có lẽ là đã xuất hiện ngay từ khi con người có mặt trên mặt đất này và sẽ tồn tại cho đến thời sau cùng. Thủa xa xưa cho đến thời của Facebook (năm 2004), Twitter (2006) và Instagram (2010)… thì “nói giùm” chưa phải là chuyện lùm xùm to lớn lắm. Nhưng hôm nay thì “nói giùm” đã phát triển vượt bậc đến độ một cái hắt-xì-hơi của một ai đó – tình cờ thôi – nhưng dăm ba giây sau thì cả thế giới đều biết và biết với muôn hình vạn trạng. Chẳng hạn như ông này, bà kia hắt-xì-hơi ra vàng, ra hoa hay ra bong bóng…
Người viết nghĩ rằng chuyện “nói giùm” lớn lao nhất xảy ra ngay ở cái thời hồng hoang và đã buộc Lòng Thương Xót của Thiên Chúa phải vào cuộc, đấy là lời con rắn – thần Cám Dỗ – nói với Evà và “nói giùm” cho Thiên Chúa: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần, biết điều thiện ác.” ( St 3, 4). Từ đó hết chuyện này đến chuyện khác, những vụ “nói giùm” to lẫn nhỏ liên tục xảy ra và mang nhiều sắc thái khác nhau, dưới nhiều hình dạng khác nhau, ở nhiều lãnh vực khác nhau, với nhiều tầm mức khác nhau để rồi đưa đến những kết quả hay là những hậu quả, những điều tốt lành hay những bi kịch khôn lường.
Đang lạch cạch gõ những hàng chữ trình bày sự “nói giùm” và nghi tay xả hơi bằng việc lật giở sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông 15.3.2018 với chủ đề “Sự thật sẽ giải thoát chúng con” (Gio 8, 32) thì thấy ở số 2 của sứ điệp, khi nói đến việc “làm thế nào để nhận ra những tin giả (fake news)”, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến “kẻ chủ mưu loan tin giả” ở ngay cái buổi đầu tiên của Sáng Tạo là “con rắn” hay Thần Cám Dỗ. Thì ra là hắn – chuyên gia nói giùm, chuyên nghiệp loan tin giả – luôn có ý đồ và đầy mục đích. Dĩ nhiên – ở thời hồng hoang – hắn mang hình dạng của con rắn, và – trong hôm nay – hắn thay da qua nhiều nhiều giai đoạn – giai đoạn nào cũng là “môi trường thuận lợi” cho hắn, bởi vì giai đoạn nào cũng đầy những con người cộng tác với hắn – kẻ thì vô tình, người thì cố ý.
Trong tờ Hiệp Thông số 196 ( tháng 5 & 6 – 2018) vừa qua – với chuyên đề “Tác động của truyền thông xã hội lên người trẻ và gia đình trẻ” – qua bài viết “Giáo Hội trước những thách đố của không gian mạng” , ở số 2 “Quan điểm của Giáo Hội”, cha Joshy Kunnel Xavier, S.J. viết và được cha Thế Vĩnh và Hữu Hiền lược dịch:
Internet hiện nay đang được sử dụng tốt, và có rất nhiều triển vọng, nhưng cũng gây ra nhiều thiệt hại do sử dụng không đúng cách. Nó tốt hay xấu phần lớn phụ thuộc vào việc lựa chọn. Chọn lựa của Giáo Hội luôn mang hai yếu tố quan trọng là: sự dấn thân bảo vệ phẩm giá con người, và truyền thống khôn ngoan của Giáo Hội về luân lý. Xét như một sứ điệp được thông truyền, thì Internet cần dựa trên nguyên tắc đạo đức căn bản: Con người và cộng đoàn con người là cùng đích và là thước đo việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội; truyền thông giữa người với người phải hướng đến sự phát triển toàn diện cho con người.
Nghĩa là việc sử dụng Internet tốt thì phải đáp ứng được những điểm sau:
– Biết chọn lựa,
– Chọn lựa dựa trên hai yếu tố Giáo Hội muốn: dấn thân bảo vệ phẩm giá con người và tôn trọng các nhân đức luân lý Giáo Hội dạy,
– Sử dụng Internet nhằm giúp phát triển toàn diện con người và cộng đoàn con người.
Tác giả đề nghị việc đào tạo truyền thông xã hội càng nhiều càng tốt cho mọi thành phần tham gia vào kế hoạch mục vụ: các chủng sinh, tu sĩ, linh mục, giáo viên, phụ huynh học sinh…và giáo lý viên.
Bởi vì “người trẻ cần phải học cách sống tốt trong thế giới không gian mạng, biết đưa ra các phán đoán sáng suốt theo tiêu chuẩn đạo đức lành mạnh về những gì họ tìm thấy ở đó, và sử dụng công nghệ mới cho sự phát triển toàn diện của họ và cho lợi ích của người khác.”
Nghĩa là Giáo Hội khuyến khích con cái mình biết tận dụng những phương tiện mới mẻ và hiệu quả của công nghệ cao vào công cuộc rao giảng cũng như hoàn thiện bản thân với suy nghĩ, đắn đo và có quyết tâm để trưởng thành hơn khi “chỉ” chọn lựa những gì phù hợp và giúp thăng tiến con người và cộng đoàn con người.
Nói cách nôm na hơn, Giáo Hội khuyến cáo chúng ta biết phân biệt thật/giả, tốt/xấu khi dùng điện thoại thông minh hay lướt mạng xã hội. Và muốn phân biệt được thật/giả, tốt xấu… thì những người có trách nhiệm trong cộng đoàn giáo xứ, giáo phận, các hội đoàn…và các gia đình phải am tường vấn đề, có khả năng chọn lựa và luôn luôn ý thức việc bảo vệ phẩm giá con người cũng như rõ ràng về các tiêu chuẩn luân lý trong Giáo Hội để có thể hướng dẫn những người mình có bổn phận phục vụ họ.
Tác giả bài viết cũng trích lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói:
Chúng ta gặp phải những điều cực kỳ khó khăn trên mạng, bao gồm sự lan truyền ngày càng tăng nội dung khiêu dâm, hiện tượng “chat sex” (sexting) phổ biến giữa các bạn trẻ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, và sự phát triển các cuộc bắt nạt qua mạng – một hình thức tấn công tinh thần, thể chất và phẩm giá người trẻ, thêm vào đó là hiện tượng “bóc lột tình dục qua mạng (sextortion)”, gạ gẫm trẻ vị thành niên… Đó là chưa kể đến những tội ác nghiêm trọng và kinh khủng về nạn buôn người trực tuyến, mại dâm và thậm chí là việc phát trực tiếp những hành động hiếp dâm và bạo lực đối với trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới.
Và Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hãy đứng lên để bảo vệ phẩm giá trẻ em.
Qua lời của Đức Thánh Cha, chúng ta cũng nhận ra cái nhu cầu và yêu cầu vô cùng của công tác mục vụ trong vấn đề này. Điều đáng tiếc những thuật ngữ của vấn đề hình như cũng đã khá là quen tai với chúng ta, vì các phương tiện truyền thông – khi trình bày sự kiện cụ thể xảy ra ở đây và ở đó – thì cũng với những thuật ngữ ấy. Dần dần đi đến tình trạng người ta không lấy làm điều. Và có thể nói là chung chung người ta “biết” về vấn đề, nhưng không “hiểu” được vấn đề cho đến khi vấn đề trở thành là của mình, của gia đình mình thì tất cả đã quá trễ tràng !!!
Và vì thế, công việc của người làm công tác mục vụ là có những “diễn đàn” dưới hình thức này hay hình thức khác và dành cho từng thành phần Dân Chúa: Giáo lý viên, Huynh trưởng, Hội phụ huynh học sinh, Các bà mẹ Công giáo, Người cha gia đình, Sinh viên học sinh…Công việc này khó khăn lắm lắm và đòi hỏi nhiều công sức cả về tinh thần lẫn vật chất. Tinh thần thì phải chạy đôn chạy đáo để mời được những con người chuyên môn trong nhiều lãnh vực cùng cộng tác với mình – những con người có nhiệt huyết, có sự xả kỷ và có những ưu tư dành cho các thế hệ con cháu. Vật chất thì phải chạy đôn chạy đáo lo cho có tài chính để tổ chức và đáp ứng những khâu trong quá trình tổ chức. Và chuyện chạy đôn chạy đáo này – trong con mắt của nhiều người – không có gì “nổi” cho bằng xây một ngôi thánh đường, làm một ngôi nhà đa năng, dựng chặng đàng thánh giá… Chính vì vậy người ta dễ để bằng lòng với những gì nổi trội và thấy được – dễ cả về mặt “hoành tráng” và cả về mặt tìm kiếm những nguồn tài trợ.
Trong bài viết “Truyền thông xã hội với người trẻ và gia đình trẻ – những hệ lụy nhìn từ góc độ tâm lý học” của mình – Hiệp Thông số 196 – ở mục 1.1.2 Mất khả năng phân định, cha Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ viết:
Việc “like” và “share” những thông tin trên mạng xã hội cách vội vã và thiếu kiểm chứng, và được lồng vào trong đó càm xúc của cá nhân đang tạo nên một hiệu ứng lây lan mang tính bầy đàn. Thậm chí nhiều khi chỉ thấy tên của người đưa thông tin, tiêu đề của thông tin cũng đủ cho nhiều người bình luận và thể hiện thái độ như những “anh hùng bàn phím” và như “những nhà đạo đức mạng”. Điều đó cho thấy mạng xã hội không có chỗ cho sự phân biệt qua lại cách công bằng, thẳng thắn.
Đàng khác, chính sự thôi thúc bày tỏ thái độ như đi tìm và chứng tỏ quyền lực mềm của mình mà nhiều người đã tích cực đưa những thông tin mà mình chưa kiểm soát đủ; hay nói cách khác, thiếu sự phân định đúng/sai, thật/ảo của chính thông tin mình chia sẻ với cộng đồng.
[…]
Nicolas Carr, trên một bài xã luận viết cho tạp chí Atlantic, với tiêu đề được nhấn mạnh: Is Google making us stupid? (Google có đang làm chúng ta ngu đi không?) đã gợi ý rằng việc sử dụng Internet đã làm thay đổi cách thức chúng ta động não, qua đó làm giảm khả năng nhận biết và xử lý những khối lượng lớn thông tin, chẳng hạn các bài viết chuyên ngành hay sách vở.
Thụ động và lười suy nghĩ, nói cách khác, đánh mất khả năng phân định, tư duy phản biện, nhiều người trẻ tham gia mạng xã hội như một con robot. Công cụ Google giúp cho việc tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng, giúp việc học tập thuận lợi hơn. Nhưng những gì mạng xã hội cung cấp cho thấy rõ là không phải hoàn toàn tất cả đều đúng. Một thông tin được kiếm từ mạng xã hội, nếu không được phân định và phản biện sẽ là một điều nguy hiểm. Trong thực tế, dường như khả năng “copy” và “paste” đang gắn liền với không ít người trẻ. Việc đầu tư suy luận, lập luận, phản biện và phân định của người trẻ dường như đang mất dần cùng với sự phát triển của hệ thống truyền thông xã hội với những công cụ của nó.
Góp thêm đôi ba suy nghĩ về phương diện trên đây, người viết nghĩ đến việc “soạn bài giảng lễ” – một công tác mục vụ quan trọng và thường ngày. Thật ra thì đã có khá nhiều những chia sẻ – bằng miệng và qua các bài viết – về vấn đề này. Một thực tế là – ngày nay – trên mạng dẫy đầy những bài giảng soạn sẵn dưới mọi hình thức. Dĩ nhiên những người viết ra các bài giảng ấy hoàn toàn không có ý “làm thay” cho những người có nhiệm vụ giảng lễ. Chúng ta hoàn toàn có thể lên mạng để tham khảo những bài giảng ở trang web này, trang web khác – đặc biệt là về phương diện chuyên môn như chú giải Kinh Thánh chẳng hạn. Tuy nhiên “copy” bài giảng – dù là toàn bộ hay từng đoạn, từng khúc thì cũng không nên, vì mỗi môi trường sống – giáo xứ hay cộng đoàn tu sĩ, người cao tuổi hay giới trẻ – có những vấn đề riêng, những trải nghiệm riêng và những lời giáo huấn riêng mà người rao giảng phải biết cách để có được những sửa soạn cho phù hợp và lợi ích. Nhất là trong các Thánh Lễ ngày thường, những người thiện chí và cố gắng đi dâng Thánh Lễ – tuy có thể là họ có thời gian hơn – nhưng ước mong của họ vẫn là những bài giảng lễ vắn gọn, đánh động tâm hồn và tạo cảm hứng cho việc sống Lời Chúa trong ngày hôm ấy. Mà tất cả những yếu tố đó đều chỉ có thể có được khi nhà giảng thuyết “đã” sống.
Thôi thì “Nói giùm” hôm nay tạm ngưng lại ở đây với những vấn đề “Đọc giùm” nơi các chuyên đề – vốn là tiếng nói chính thức của HĐGM/VN với độc giả tín hữu Việt Nam khi người viết còn có thể đọc và gõ phím. Đấy vừa là lợi ích cho chính mình, vừa là những chia sẻ với mọi người tin. Nghĩa là còn có thể đọc thì vẫn còn có chuyện để mà nói…
Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
Có thể bạn quan tâm
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11