Nguồn sáng lạ Thiên Chúa Giáo và cách tân văn học Việt Nam

1210 lượt xem

Văn học Việt Nam thế kỷ XX đã có những chuyển biến phi thường. Văn hóa Thiên Chúa Giáo đã góp gì vào những thay đổi ngoạn mục ấy? Đây là điều vẫn còn ít được giới nghiên cứu tại Việt Nam chú ý. Dịp Noel năm nay, mời quý vị theo dõi một số chia sẻ của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân (Hà Nội).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI, ngày Noel 25/12/2019, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân giới thiệu bốn trong số các nhà văn Việt Nam, mà dấu ấn văn hóa Thiên Chúa Giáo in đậm. Hàn Mặc Tử với “sự thăng hoa của cái đam mê tội lỗi”, khát khao vươn tới “Phục Sinh và Khải Huyền”. Nguyên Hồng với cái chân thật, cái lương thiện của những người dân nghèo, nhiều khi rơi vào cảnh cùng quẫn, nhưng suốt đời hướng về cái thuở nguyên khôi, “tựa như nhân loại ở vào thời Sáng Thế”. Nam Cao nổi bật với thế giới “những người trí thức nhỏ” thường xuyên nghiêm khắc với những lỗi lầm của bản thân, “tự phán xét, mổ xẻ tâm địa của mình”. Một lối sống rất gần với truyền thống Thanh Giáo. Và Phan Khôi, người khởi xướng phong trào Thơ Mới, tuy không phải là tín đồ Thiên Chúa, nhưng chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi giai đoạn dịch Kinh Thánh với một nhóm mục sư Tin Lành (1).

RFI: Lễ Giáng Sinh Noel đã trở thành một dịp hội lễ được chào mừng bởi đông đảo người Việt Nam, kể cả những người không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Thế nhưng dấu ấn Thiên Chúa Giáo trong văn học Việt Namdường như còn ít được chú ý, thưa ông?

Lại Nguyên Ân: Trong văn học Việt Nam, nếu nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thì có một bộ phận được gọi là văn học Thiên Chúa Giáo của các tác giả Việt Nam, và cũng đã có một vài tác giả viết về mảng này. Ví dụ như ông Lê Đình Bảng, đã có một cuốn về “Lịch sử văn học Công Giáo Việt Nam”. Một số nhà nghiên cứu ở nước ngoài, như Võ Long Tê, cũng đã nói về văn học Thiên Chúa Giáo của người Việt. Nhưng bây giờ, nghiên cứu phổ biến ở trong nước vẫn chưa chú ý đến bộ phận này.

Có một thời gian nhất định, có những nhà văn lấy đề tài Thiên Chúa Giáo mang tính chất là chống lại ảnh hưởng của nó, ví dụ như của Nguyễn Khải những năm 1960 ở miền Bắc, hay của ông Chu Văn, những năm 1960 – 1970, gắn với dòng văn học “chính thống”. Tôi nghĩ đấy là một đề tài khác.

Còn một đề tài mà tôi muốn lưu ý là với một số nhà văn đã thành tựu. Họ không định viết riêng về Thiên Chúa Giáo, nhưng bởi họ có gắn với thế giới Thiên Chúa Giáo. Ví dụ như gia đình họ theo Thiên Chúa Giáo, theo Công Giáo, nhưng về sau, khi đi viết văn, sống ở đô thị, rồi nhất là sống trong xã hội của cán bộ ở miền Bắc chẳng hạn, thì cái gốc Thiên Chúa Giáo, thì đôi khi họ cũng phải coi như chỉ là thuộc về “lý lịch” thôi, chứ không phải là cái hiện tại của họ. Thế thì trong trường hợp ấy, chúng ta sẽ thấy những nét của Thiên Chúa Giáo có thể hoặc đậm, hoặc nhạt trong sáng tác của họ. Thì những điều ấy phải nhìn sâu vào sáng tác của họ, con đường của họ, phong cách của họ thì chúng ta mới có thể nhận ra được.

RFI: Vậy xin ông cho biết một số nét về chiều sâu của tinh thần Thiên Chúa Giáo trong tác phẩm của một số nhà văn Việt Nam tiêu biểu.

Lại Nguyên Ân: Trong số những nhà văn Việt Nam đã thành tựu và thậm chí đã trở thành những tác giả tiêu biểu trong văn học Việt Nam hiện đại, tôi có thể đề cập đến theo kiểu tùy bút thôi, chứ không phải là toàn bộ. Tôi xin nói đến ba tên tuổi lớn, Hàn Mặc Tử (sinh năm 1912 mất năm 1940), là nhà thơ, Nam Cao, nhà văn (1917 – 1951) và thứ ba là Nguyên Hồng (1918 – 1982). Ba nhà văn này gắn với Thiên Chúa Giáo trước hết với việc họ xuất thân từ gia đình theo đạo, theo Công Giáo (2).

Nguyên Hồng gần như không có sáng tác nào riêng về đạo Thiên Chúa, thế nhưng tôi nhớ đến một bài hồi ức của ông nhan đề là “Từ bình nước phép bằng đá ở nhà thờ đến làn sóng mặn ở Biển Đen”, Nguyên Hồng nói về hai đoạn đời của nhận thức của ông trong văn học. Đoạn đầu ông ấy nhớ đến những giọt nước phép mà lúc ông ấy còn là cậu bé được rảy lên đầu trong các dịp lễ, còn đoạn cuối của hồi ức, ông ấy nói đến cảm nhận của ông, khi đọc một truyện ngắn của Gorki (nhà văn Nga, được chính quyền cộng sản Liên Xô một thời tôn làm người cha đẻ của văn học chính thống “hiện thực xã hội chủ nghĩa” – người phỏng vấn bổ sung). Ông Gorki kể chuyện ông ấy đỡ đẻ cho một phụ nữ bên bờ Hắc Hải, rồi ông ấy tắm cho đứa trẻ đó ở Biển Đen. Chỗ đó Nguyên Hồng có ý muốn nói là ông ấy đã thoát khỏi Nhà thờ rồi, là một con người khác rồi. Thế nhưng, tôi nghĩ, đó là ông ấy nghĩ cho hợp thời của những năm 1960 – 1970 ở miền Bắc Việt Nam mà thôi. Còn thật ra Nguyên Hồng không thể che giấu được cái chất phác, thực thà của ông, như là những người nghèo ở đô thị trong các tác phẩm của ông.

Có thể nói trong đời mình, trong các sáng tác văn học của mình, Nguyên Hồng đã đem vào văn chương cái lương thiện của người dân nghèo ở đô thị. Mà những người đó, ít nhiều gắn với đạo Thiên Chúa. Những nhân vật của Nguyên Hồng, như mẹ La, cụ Cam, gái Đen, Tám Bính hay Năm Sài Gòn… chẳng hạn, thì dẫu bị cuốn vào nếp sống của đám “đao búa”, “anh chị”, thì vẫn trông về một cái dịp hoàn lương, luôn nghĩ rằng hiện thời không phải với lương tâm, có tội với Đức Chúa Trời.

Cho nên có thể nói, trong cái thế giới lầm than của các nhân vật trong văn xuôi Nguyên Hồng, thì không có kẻ ác. Ông Nguyên Hồng tập trung cảm tình vào cái thời mà lớp người vô sản chỉ vừa mới trở thành vô sản, tức là đầy niềm tin vào cái gì chân thật, có cái gì tựa như nhân loại ở buổi Sáng Thế. Rồi khi mắc Tội tổ tông, phải chịu lưu đày, phải vác thập giá, thì vẫn không nguôi hoài nhớ về thuở ban đầu.

RFI: Còn về nhà thơ Hàn Mặc Tử, một người gắn bó rất đặc biệt với đạo Thiên Chúa, xin ông cho biết một số nét chính, mà theo ông là những điểm khiến người ta cho rằng đây là một nhà văn Thiên Chúa Giáo tiêu biểu.

Lại Nguyên Ân: Thơ Hàn Mặc Tử có cái thăng hoa của cái đam mê tội lỗi, đau đớn bí mật. Ở thơ Hàn Mặc Tử có sự vươn tới một cõi cao xa rực rỡ, kỳ vĩ. Người ta gặp lại trong thơ Hàn Mặc Tử những cái mà các nhà văn hóa gọi là “các archétype” (những mẫu gốc) của Kinh Thánh Cơ-đốc. Tôi nhớ ông Đặng Tiến (nhà phê bình văn học) có viết một bài dài trên báo Văn xuất bản ở Sài Gòn những năm 1960, nói rằng ở ba giai đoạn cấu thành thơ Hàn Mặc Tử, từ tập Gái Quê, đến tập Đau Thương, rồi Xuân Như Ý, thì người đọc gặp lại các chủ đề cương lĩnh của Cựu Ước và Tân Ước Thiên Chúa Giáo. Tức là một vũ trụ ngây thơ đã đổ vỡ do Tội tổ tông, cái khổ hạnh của thân xác như thể nghiệm của mơ ước huyền diệu, trong sự đợi chờ Điềm Lạ để lên tới một thế giới sáng láng khác ngoài cõi hư linh. Đó là thế giới của Phục Sinh và Khải Huyền.

RFI: Vì sao nói đến dấu ấn Thiên Chúa Giáo trong Nam Cao?

Lại Nguyên Ân: Có thể nói khi ông ấy viết văn, và sau này khi tham gia kháng chiến, có thể nói ông ấy đã gần như trút bỏ con người theo đạo, theo đạo thông thường, mà đã trở thành “cán bộ”. Thế nhưng, thứ nhất là Nam Cao vẫn có một loạt cái viết về tôn giáo. Ví dụ như hồi những năm 1940, viết về các sự tích trong Kinh Thánh, để cho sách cho trẻ em, những sự tích như “Bảy Bông Lúa Lép”. Nhưng theo tôi, có thể nhận thấy dấu ấn văn hóa Thiên Chúa Giáo ở Nam Cao ngay trong các tác phẩm ông ấy viết khi đi kháng chiến, ví dụ như “Ở rừng”, Nhật ký của ông trong kháng chiến chống Pháp.

Thế giới những người trí thức nhỏ của ông thường đối diện với cái lỗi lầm, tự phán xét, rồi phân tích cái kém cỏi của mình, mổ xẻ cái tâm địa của mình. Và cái tinh thần ấy, theo tôi hiểu là, nói là cái dấu vết theo kiểu đạo đức Nho Giáo, kiểu như khắc kỷ phục lễ, tiên trách kỷ hậu trách nhân…, thì tạm được thôi, nhưng mà người ta không thể hình dung là Nho Giáo lại có thể yêu cầu gắt gao, riết róng kiểu như vậy, đối với những người theo Nho Giáo. Đối với Nho Giáo, thì có lẽ chỉ cần phải biết giữ Lễ, rồi biết đối nhân xử thế, đứng đúng chỗ, đóng đúng vai thôi, chứ không cần sự thành thực. Tự mổ xẻ, theo tôi, là xa lạ với Nho Giáo.

Bởi vì nếu mà thật sự sám hối, tự giải phóng để được tự do bên trong, thì đó lại là điều nguy hiểm với Nho Giáo, vì Nho Giáo không muốn có con người tự giải phóng như vậy. 

Theo tôi, Nam Cao gần với Thanh Giáo (Puritanisme) ở Anh, một nhánh Thiên Chúa Giáo không phổ biến lắm ở Công Giáo Việt Nam. Cái chất tín đồ này vẫn giữ nguyên trong nhân vật công chức trong tác phẩm “Sống Mòn”, vẫn còn nguyên ở trong anh cán bộ Nam Cao trong “Nhật ký ở rừng” ở Việt Bắc thời kháng chiến. Những năm 1947 – 1948 như vậy mà có một nếp sống tự phê bình gay gắt, quyết liệt, như ở Nam Cao trong Nhật ký ở rừng, thì cái đó không phải là do ảnh hưởng của “văn hóa Diên An” (của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tràn sang Việt Nam trong những năm sau này), mà là do dấu ấn tự phán xét của con người theo Thiên Chúa.

Ông mất quá sớm trước khi cái văn hóa ấy nó đến, và trở thành một nếp sống được gắn với lối sống của thế giới cán bộ. Nam Cao chưa kịp thể nghiệm cái đó.

RFI: Thế còn ảnh hưởng của Tin Lành, một nhánh Thiên Chúa Giáo lớn khác, với văn học Việt Nam, thưa ông?

Lại Nguyên Ân: Nếu Tin Lành thì phải những nhà văn khác. Tôi là người nghiên cứu về nhà văn Phan Khôi (1887 – 1959). Ông là người đã tham gia dịch Kinh Thánh với một tổ chức Tin Lành từ Mỹ vào. Phan Khôi không theo đạo, ông là người xuất thân Nho Giáo, và sau này ông cũng không theo đạo nào. Nhưng ông ấy đã có 5 năm cộng tác với nhóm Tin Lành của vợ chồng mục sư Cadman. Cuốn Kinh Thánh của đạo Tin Lành mà Phan Khôi có tham gia dịch, đã được xuất bản năm 1926, và gần đây được in lại, người ta đánh giá tương đối cao.

Về Phan Khôi, tôi đánh giá là thời gian 5 năm tham gia đó, đối với Phan Khôi là một kỳ học đáng kể lắm, so với thời kỳ học thứ nhất của ông, trong Nho Giáo. Trong cái khoảng thời gian viết báo của Phan Khôi cho đến năm 1924, tôi thấy rất rõ là Phan Khôi có bàn một vài lần về Nho Giáo, về các phạm trù đạo đức của Khổng Giáo, thì lúc đó ông thuyết minh cho học thuyết Khổng Giáo với tư cách là một tín đồ, không có một chút nào là phê phán cả (3).

Sau 5 năm làm việc với hội thánh Tin Lành dịch Kinh Thánh, thì đến năm 1929, Phan Khôi đã nêu vấn đề phê phán Khổng Giáo. Ông viết một loạt bài, sau này người ta ghi là 21 bài trên báo Thần Chung, có nhan đề chung là “Cái ảnh hưởng của Khổng Giáo ở nước ta”. 21 bài đó gây một chấn động ở lớp thanh niên có học. Cũng thời điểm đó, Trần Trọng Kim viết bộ sách về Nho Giáo. Phan Khôi lần đầu tiên lên tiếng phê phán Khổng Giáo, học thuyết đến thời hiện đại đã tỏ ra lạc hậu. Và trước xu hướng Âu hóa của xã hội phương Đông nói chung, trong đó có Việt Nam, Khổng Giáo đối đầu với xu hướng Âu hóa và đã thua. Cái nhãn quan đó, theo tôi, chưa hề có ở Phan Khôi trước 1925.

Chúng ta không thể chỉ ra được cái ảnh hưởng một cách rạch ròi, vì Phan Khôi rất ít nói về điều đó, nhưng tôi cho rằng cái ảnh hưởng của 5 năm dịch Kinh Thánh rất quan trọng. Vì trước đó Phan Khôi là một nhà nho, dù không tán đồng nhiều điểm của Nho Giáo.

Sau 5 năm đó, Phan Khôi đã chuyển biến, và hoạt động sau này về báo chí, về văn nghệ hoàn toàn có những nét khác. Đến năm 1932, ông nêu ra vấn đề cách tân thơ. Ông nêu ra một bài mang tên “Lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, đề nghị theo một lối Thơ Mới. Đề xuất cải cách đó được hưởng ứng… Sau đó một loạt sáng tác Thơ Mới xuất hiện, và diễn ra cả một phong trào sáng tác cách tân thơ tiếng Việt, xây dựng một nền thơ tiếng Việt mới gắn với văn hóa, báo chí Quốc ngữ. Đấy là một trong các cải cách, đưa văn học tiếng Việt trở thành một hệ thống văn học mới, thay cho hệ thống văn học cũ của người Việt, vốn gắn với các thể lệ cũ, gắn với văn hóa Hán – Nôm.

Ta không thể loại trừ cái tinh thần mà Phan Khôi – có được sau khi tiếp xúc với nhóm Tin Lành trong 5 năm đó – đã để lại dấu ấn trong các hoạt động văn học, nghệ thuật của ông ấy kể từ năm 1928, trong đó có những việc như phê phán tư tưởng Khổng Giáo, hay việc đề xuất phong trào Thơ Mới, vấn đề phụ nữ trong công luận… Một loạt việc như thế, nếu gắn với ảnh hưởng của 5 năm cộng tác (dịch Kinh Thánh) với nhóm Tin Lành cũng là hợp lý.

RFI: Ông có nhận xét gì chung về vấn đề dấu ấn Thiên Chúa Giáo với văn học Việt Nam?

Lại Nguyên Ân: Trong việc xem xét văn hóa Thiên Chúa Giáo, có thể nói là ở giới nghiên cứu Việt Nam, vẫn có sự chưa đúng mức. Rất có thể bởi vì còn rất nhiều những ràng buộc, hạn chế mang tính chất ý thức hệ. Cho nên văn hóa Thiên Chúa Giáo, ở một phía nào đấy, vẫn còn bị nhìn nhận một cách dè chừng, thậm chí tìm cách để giới hạn.

RFI xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân 

Ghi chú
1 – Từ những năm 1990, Lại Nguyên Ân đã sưu tầm và giới thiệu hàng nghìn bài viết của nhà văn, nhà báo Phan Khôi (từ 1917 đến 1959), được công bố trong hơn 10 tập sách.
2 – Mùa Noel 1991, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có bài “Từ nguồn sáng lạ…” nói về chủ đề văn học Việt Nam và dấu ấn Thiên Chúa Giáo.
3 – Nho Giáo có ảnh hưởng rất lớn lao đến văn học Việt Nam thời trung đại, và kể cả sau này, theo một chuyên gia hàng đầu về lịch sử văn học Việt Nam. Xem Trần Đình Hượu “Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại”, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1995.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận