Ngày Quốc tế Bệnh nhân

1451 lượt xem

Đau ốm, bệnh tật là câu chuyện quen thuộc của đời người, bởi có ai sống mà không đôi lần đau bệnh, có ai làm người mà không ít nhiều đã là bệnh nhân, và mấy người thoát khỏi cảnh lâm bệnh, nhiễm bệnh, ngã bệnh, bạo bệnh, bị bệnh trước khi giã từ cuộc sống?

Đức Phật xếp Bệnh vào tứ khổ của đời người: Sinh, Lão, Bệnh, Tử; Đức Giêsu thì chọn bệnh nhân là một trong những đối tượng của sứ vụ Cứu Thế.

Quả thực, bệnh buồn lắm, vì bệnh hạn chế tự do: người bệnh không thể sinh hoạt bình thường như lúc khoẻ mạnh, nhưng mọi hoạt động bình thường phải chậm lại hoặc ngừng hẳn, bởi cơ thể không còn cho phép người bệnh ăn uống, suy nghĩ, phán đoán, nói năng, cư xử, phản ứng, hành động một cách bình thường, với hiệu năng và mức độ chính xác như trước.

Bệnh đau lắm, khi vi trùng tàn phá cơ thể làm nhức nhối toàn thân, vết thương đục khoét từng phân ly da thịt làm xót buốt tận xương, chưa kể kim chích, dao mổ, và nhiều dụng cụ y khoa khác làm bệnh nhân rợn rùng, khiếp sợ.

Bệnh khổ lắm, vì mất hết khả năng độc lập, tự lập, khi “vai năm thước rộng, thân mười thước cao” như tráng sĩ thửơ nào bây giờ bất động, nằm yên một chỗ, không tự mình làm được bất cứ việc gì, dù đơn giản, dễ dàng nhất, nhưng “nhất cử nhất động” đều phải cậy nhờ người khác. Người bệnh đau đớn thân xác đã đành, mà còn quay quắt tâm can, khổ sở tinh thần, vì không còn khả năng lo cho chính mình.

Vì không lo được cho chính mình, dù chỉ là những việc rất nhỏ, rất bé như vệ sinh cá nhân, đứng, ngồi, ăn, uống, nên người bệnh rất dễ tủi thân, với một rừng mặc cảm: mặc cảm vô dụng, mặc cảm gánh nặng của người thân, mặc cảm thất bại, mặc cảm bị loại bỏ, mặc cảm bị coi thường, mặc cảm bị trừng phạt vì tội xưa, lỗi cũ…

Bệnh buồn chán lắm, vì hiện tại cơ cùng, tương lai bế tắc, lại không mấy người thông cảm, có thời giờ ở bên cạnh để tâm sự, ủi an, nên buồn chán mau dẫn đến thất vọng, và người bệnh như ngọn đèn leo lét không biết vụt tắt lúc nào, khi con sóng tuyệt vọng ập vào cuốn đi.

Bệnh làm hoang mang, ray rứt lắm, khi cả người bệnh lẫn thân nhân, gia đình đều không biết thời gian kéo dài của bệnh, không nắm được “đường đi nước bước » của bệnh, không suy đoán, lường trước được bước chân dồn dập hay thong thả, nhịp nhẩy khoan thai hay điên lọan, độ lên xuống bất ngờ trầm hay bổng của căn bệnh, trong khi tiền bạc ngày càng hao hụt, khả năng vật chất theo thời gian giảm sút. Và nếu bệnh làm hoang mang, ray rứt người bệnh có tiền của, và gia đình người bệnh có tài chánh, thì hoang mang sẽ không dậm chân tại chỗ, nhưng biến thành ác mộng kinh hoàng cho người bệnh nghèo, và ray rứt sẽ trở thành đe dọa khủng khiếp đối với người bệnh cơ hàn, cô thế, cô thân.

Bệnh làm lo sợ lắm, khi cái chết rình rập, sẵn sàng chụp lấy người bệnh bất cứ lúc nào, nên đã bệnh là lo sợ: lo bệnh lấy đi sự sống, sợ bệnh đưa vào sự chết, đẩy vào cõi hư vô.

Vì thế, vào bệnh viện, hay đến tư gia thăm người bệnh, có ai vui được khi nhìn người thân nằm đó xanh xao, yếu nhược, thều thào, nhăn nhó, run rẩy, co quắp vì đau; có ai không khỏi “se dạ thắt lòng” thấy người bệnh cong người, quằn quại vì cơn ho hằng giờ; có ai cầm lòng được nghe người nhà rên rỉ, vật vã, lăn lộn, mồ hôi, nước mắt thẫm ướt khuôn mặt gầy guộc, thiểu não sau những cơn đau kinh khủng, dữ dội. Trái lại, ai cũng buồn, vì cảm thương nỗi đau của người bệnh; ai cũng xúc động, vì cảm thông nỗi khổ của bệnh nhân; ai cũng chạnh lòng trước thử thách không dễ vượt qua của phận người nhiều giới hạn, và ai cũng bâng khuâng, ngậm ngùi nghĩ về số phận của chính mình.

Bâng khuâng nghĩ về đời người có khởi điểm là sinh ra, rồi lớn lên, và ngậm ngùi nghĩ đến tuổi già khó khăn, nghĩ về bệnh hoạn khó tránh và cái chết như kết thúc chắc chắn sẽ xẩy ra cho mọi người, không trừ ai, chúng ta không khỏi thấy cuộc đời mong manh, cuộc sống vô thường, và định mệnh khắc nghiệt. Nhưng chính trong cảm thức tính mong manh, lẽ vô thường và khắc nghiệt ấy, chúng ta nhận ra giá trị của con người, giá trị của cuộc đời làm người, gía trị của những thách đố cam go, những thử thách ruớm máu, những đau khổ tưởng chừng đã đánh gục con người.

Chính những giá trị được nhận ra đó cho chúng ta thấy mình là một hữu thể được tạo dựng, nhưng cùng lúc được chung phần với Hữu Thể Tuyệt Đối, bởi chỉ con người biết mình có tự do, và chỉ con người mới biết mình đau khổ và phải chết. Cũng nhờ được thông phần lý trí và ý chí tự do với Hữu Thể Tuyệt Đối, mà sau cuộc sống tương đối với những mong manh, vô thường, khắc nghiệt này, con người sẽ đi vào một cuộc sống tuyệt đối, vĩnh cửu, hạnh phúc, ở đó không còn nước mắt khổ đau, không còn già nua, bệnh tật, và chỉ còn sự sống bất diệt.

Cảm thức tuyệt đối và khả năng thao thức, tìm về Tuyệt Đối này không do tôn giáo cung cấp, nhưng do lý trí soi dẫn, khi con người có khả năng tư duy vượt xa những gì thuộc tương đối; cảm thức ấy cũng không do cơ chế xã hội nhồi sọ, nhưng đã là người thì tự nhiên mang lấy khát vọng vươn cao đến tuyệt đối, bởi trong mỗi người, mầm Tuyệt Đối đã có mặt, vì Đấng Tuyệt Đối đã gieo mầm Tuyệt Đối và cho con người được thông dự vào Tuyệt Đối của Ngài, ngay khi con người được sinh ra.

Vì thế, khi chia sẻ với nhau hành trình làm người phải đi qua “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”, chúng ta cũng chia sẻ niềm hy vọng sẽ đi vào Tuyệt Đối, Vô Hạn của kiếp người hiện nay có giới hạn, và tương đối.

Chia sẻ niềm Hy Vọng bằng nâng đỡ người anh em, chị em đau bệnh đang cố gắng chiến đấu từng giờ với những căn bệnh ác tính, đe dọa sự sống; chia sẻ niềm Hy Vọng bằng cảm thông vất vả, khó nhọc của gia đình ngày đêm chăm sóc người thân đau bệnh nằm liệt nhiều năm dài đằng đẵng; chia sẻ niềm Hy Vọng bằng tôn trọng, biết ơn bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, y công là những người cống hiến cả cuộc đời phục vụ bệnh nhân, và cùng bệnh nhân chống trả sức tấn công vũ bão của thần chết; chia sẻ niềm Hy Vọng bằng tri ân những nhà khoa học tận tụy giam mình trong các phòng thí nghiệm, vì sức khỏe và hạnh phúc của đồng loại; chia sẻ niềm Hy Vọng bằng thái độ thân thiện, thân ái, thân thương, thân tình đối với bệnh nhân, và nâng đỡ thiết thực; chia sẻ niềm Hy Vọng bằng tình yêu quan tâm đến nhu cầu của người đau bệnh, để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi khu phố, mỗi xã, mỗi huyện trở thành một “nhà thương”, ở đó người bệnh được “cứu thương”, chữa lành.

Ước gì không người bệnh nào mất đi niềm Hy Vọng được Cứu vì được Thương, được Thương nên được Cứu trong một xã hội, giữa một thế giới mà mọi người đều tình nguyện dấn thân CỨU THƯƠNG nhau, vì mấy “đời người” thoát được bệnh tật, mấy “người đời” không cần đến người khác, để được CỨU và THƯƠNG.

Jorathe Nắng Tím

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận