Ngày 30 tháng 11
THÁNH ANDRÊ TÔNG ĐỒ
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
I. GƯƠNG THÁNH NHÂN
Thánh Andrê, em thánh Phêrô, là người đầu tiên trong Mười Hai Tông đồ đã biết Chúa Giêsu, ngay sau khi người chịu Phép rửa ở sông Giođan, lúc ngài còn là môn đệ của Gioan Tẩy giả.
Phúc âm kể như sau : “Hôm đó, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói:
– Đây là Chiên Thiên Chúa.
Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi :
– Các anh tìm gì thế ?
Họ đáp :
Thưa Rápbi (nghĩa là Thưa Thầy) Thầy ở đâu ?
Người bảo họ :
– Đến mà xem.
Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều (Ga 1,35-39).
Và sau khi ở lại với Chúa Giêsu, ngài đã giới thiệu Chúa cho anh mình trước tiên:
Chúng tôi đã gặp Đấng Messia (nghĩa là đấng Kitô). Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simon, và nói:
– Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha (tức là Phêrô) “ (Ga 1,40-43) .
Nhưng thánh nhân chỉ được Chúa chính thức gọi theo Người lúc đang thả lưới với anh là Phêrô, ở biển hồ Tibêria. Người gọi các ông trong hoàn cảnh sau đây:
Người đang đi dọc biển hồ Galilê thì thấy hai anh em kia, là ông Simon cũng gọi là Phêrô, và người em là ông Andrê, đang quăng chài xuống biển. Vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông:
– Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.
Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt. 4,18-20).
Trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, thánh nhân là người lên tiếng thưa với Chúa: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6,9).
Và ở Giêrusalem, khi những người Hy Lạp xin gặp Chúa Giêsu, ông là người đã giới thiệu họ với Chúa (Ga.12,22).
Tương truyền sau khi Chúa về trời, thánh nhân đã loan báo Tin mừng ở Giêrusalem, Giuđê và Galilêa. Sau đó ngài đến giảng đạo ở vùng Biển Đen và Hy Lạp và chịu tử đạo tại đây. Người ta bắt ngài đem nộp cho quan tổng trấn ở Patra. Viên này bảo ngài tế thần thì ngài nói :
– Thần của các ông là ma quỷ xấu xa không nên thờ. Chỉ phải thờ Thiên Chúa là Vị Thẩm phán có quyền xét xử mọi người.
Tổng trấn hỏi lại :
– Vị Thẩm phán anh nói là Giêsu bị đóng đinh treo trên khổ giá đó phải không? Nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết treo trên khổ giá như thế.
Thánh nhân chẳng những không sợ mà còn vui mừng nói:
– Chết treo trên khổ giá, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi vì được chết giống Thầy chí Thánh của tôi.
Viên tổng trấn nổi giận, truyền đem treo ngài lên thập giá cho chết. Khi nhìn thấy thập giá mà ngài sẽ phải bị treo lên, Ngài chào mừng và nói:
– Ôi Thánh giá là nơi Chúa chịu chết chuộc tội loài người, tôi đã quý mến ngươi từ lâu. Ngươi hãy giúp tôi đến gặp Chúa Giêsu là Thầy Chí Thánh của tôi.
Lý hình cột treo ngài lên thập giá. Từ trên cao, ngài kêu gọi mọi người hãy tin thờ Chúa rồi gục đầu tắt thở.
Thánh Gioan Kim Khẩu đã khen ngợi thánh Andrê tông đồ, ngài nói: “Sau khi ở lại với Đức Giêsu và học cùng Người được nhiều rồi, Andrê đã không giấu kho tàng quý báu nơi mình, nhưng vội vàng chạy đến anh mình và chia sẻ với anh…”
Những điều ông đã học trong thời gian rất vắn kia, ta có thấy ông đã nói lên thế nào không? Ông vừa tuyên xưng uy thế của Thầy, một uy thế hấp dẫn các môn đệ, vừa nói lên sự siêng năng chăm chỉ của môn đệ đã chuyên chú ngay từ đầu. Đó là tiếng nói của một tâm hồn hết sức ao ước Đấng Messia đến, và của linh hồn mong đợi. Người tự trời đến, rồi nhảy mừng khi thấy Người hiện ra, và vội vàng đi báo tin đặc biệt đó cho kẻ khác. Đặc điểm của tình anh em, của nghĩa bạn bè và của tấm lòng chân thật là thông đạt cho nhau những điều thiêng liêng”
II. BÀI HỌC
* Chúng ta học được bài học gì qua cuộc đời của Thánh Andrê? Có nhiều bài học nhưng có lẽ bài học thực tế nhất đó là bài học biết quan tâm đến người khác.
Gặp được Chúa Giêsu, Andrê đã nghĩ ngay đến anh mình.
Trong hoang địa khi Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ tìm của ăn cho dân chúng ăn, một mình Anrê đã nhanh chóng thấy được một em bé có 5 chiếc bánh và hai con cá.
Tại Giêrusalem, những người Hy Lạp đang băn khoăn không biết làm sao để có thể gặp được Chúa, Anrê đã có mặt để dẫn họ đến với Chúa.
Tin mừng chỉ ghi lại có ba lần như thế nhưng với ba lần đó chúng ta cũng có thể thấy được Andrê là con người tốt như thế nào.
* Andrê đã sống như thế, còn chúng ta thì sao? Không biết ngày nay chúng ta có sống được như thế hay không? Hình như là ngày nay con người thường nghĩ đến mình nhiều hơn nghĩ đến người khác. Việc biết quan tâm đến những người khác người đã trở thành hiếm hoi. Thế giới ngày nay với cuộc sống hướng nhiều về hưởng thụ đang làm cho con người chỉ muốn vun quén cho mình mà không biết đến người khác.
Chúng ta hãy xin với thánh Andrê điều chỉnh lại cuộc sống của chúng ta.
Đây là câu chuyện của một sinh viên được loan đi trên mạng Internet:
“Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên cho chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông.
Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: “Chị tạp vụ ở trường tên là gì ?”. Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sâm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.
Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giáo sư bộ môn trả lời:
Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.
Tôi đã không quên bài nọc đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ trong trường. Chị ta tên là Dorothy.
—————————————————————–
THÁNH ANRÊ
Tông Đồ
(Thế kỷ I)
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Anrê, tiếng Hy lạp có nghĩa là mạnh mẽ can đảm. Thánh Anrê được vinh dự làm một trong số 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Thánh nhân là con của Gioana. Như anh mình là Phêrô, Ngài làm người đánh cá và tài sản không có gì khác ngoài chiếc thuyền. Như thế Ngài thuộc lớp người nghèo được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt. Ngài vẫn sống tại làng Bethsaida nhỏ bé bên bờ biển Galilêa cũng gọi là hồ Giênezareth. Ngày ấy đang khi cùng với Phêrô đi thả lưới, Chúa Giêsu đã đi ngang qua và cất tiếng mời gọi họ, một lời mời gọi sẽ quyết định cuộc đời các Ngài:
– Hãy theo tôi, tôi sẽ làm các anh thành các ngư phủ lưới người ta.
Đây không phải lần đầu Anrê đã gặp Đấng Cứu thế. Thỉnh thoảng Ngài có tới nghe Gioan Tẩy giả rao giảng trong sa mạc. Khi ấy Chúa Giêsu xuống Galilea và Gioan Tẩy giả đã nói:
– Đây là Chiên Thiên Chúa.
Và Anrê có mặt ở đó với Gioan, đã biết được Người là Đấng Thiên sai mà toàn dân mong chờ. Gioan và Anrê lên đường theo Người xa xa vì họ cảm động và không dám tới gần. Nhưng Chúa Giêsu quay lại và nói với họ:
– Các anh tìm chi vậy ?
Họ, những người chỉ tìm, chỉ muốn Chúa thôi đã thưa lại:
– Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?
Chúa Giêsu nói:
– Hãy đến mà xem.
Và cả hai đã ở với Chúa hôm ấy.
Khi trở về nhà, Anrê đã nói với anh mình:
– Chúng tôi đã gặp được Đấng Thiên sai.
Từ đó hai anh em đã bỏ chài lưới để tới gần Chúa Giêsu. Họ nghe Người và thần tính của Người dần dần rọi sáng tâm hồn họ. Họ đã tôn thờ Đấng Cứu thế ở trong lòng rồi.
Ở tiệc cưới Cana, Anrê đã thấy Chúa Giêsu biến nước thành rượu và lần đầu tiên thấy vinh quang thần linh của Ngài tỏ lộ. Thế là sau biến cố ấy Chúa Giêsu đã gọi hai anh em bên bờ biển Galilea và họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa.
Khi theo Thầy Giêsu, Anrê đã được tham dự vào cuộc chữa lành các bệnh nhân mà Thầy trò gặp thấy trên đường đi, việc phục sinh những kẻ chết, việc Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi đoàn người đói lả. Chính Anrê đã nói:
– Có một bé trai có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng bằng ấy thì thấm vào đâu đối với ngần này người (Ga 6,8 -9).
Và Ngài được thấy Chúa Giêsu làm tăng gấp nhiều lần số thực phẩm đó đủ cho đám đông nhiều ngàn người no nê. Ở Giêrusalem, Ngài còn cho Chúa biết rằng: lương dân đã xin với Philipphê cho được gặp Người. Ngài đã nghe loan báo các chân phúc, các dụ ngôn. Ngài đã có mặt trong bữa tiệc ly. Sau khi Chúa phục sinh, Ngài đã sung sướng gặp lại Thầy chí thánh. Ngày Chúa lên trời, Ngài thấy Người ngự lên trong đám mây. Ngày Lễ Hiện xuống, Ngài đón nhận Chúa Thánh Thần.
Sau những tường thuật trên của Phúc Âm, người ta không biết gì chắc chắn nữa về Anrê. Tương truyền sau khi Chúa về trời, thánh nhân đã loan báo Tin Mừng ở Giêrusalem, Giuđê và Galilê. Sau đó, ngài đến giảng đạo ở vùng Biển Đen và Hy Lạp rồi chịu tử đạo tại đây.
Một số bản văn ngụy thư nói rằng: Ngài đã góp phần Phúc Âm hóa dân chúng miền Bithynia, Bontê và Galitia. Ngài bị bắt bên bờ Hắc Hải và kết thúc cuộc đời tại Achaia. Lửa đức ái rực cháy trong lòng vị tông đồ. Người ta nói rằng: để cải hóa một tâm hồn, ngài ăn chay 5 ngày.
Đây là tục truyền kể lại cuộc tử đạo của thánh Anrê ở Taurida: Êgêa, tổng trấn tỉnh đó cho biết vị tông đồ có mặt ở Patras, thủ phủ của ông, ông liền vội vã tới nơi: “Kẻ ngoại lai” này muốn phá hủy đền thờ các thần minh ư ?
Nhưng Anrê không sợ gì Êgêa. Ngài đã nắm vững được chân lý, ngài nói: Tôn thờ loài người chỉ là dị đoan điên khùng. Ông đã lãnh quyền xét xử người ta, trước hết, ông phải biết đến Vị Thẩm phán xét xử mọi người ở trên trời và ông phải tôn kính ca ngợi Người”.
Êgêa vặn lại: “Vị Thẩm phán anh nói là Chúa Giêsu mà lời ông ta thường giảng dạy đã làm cho ông ta phải chết trên thập giá chứ gì ? Vậy nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết trên thập giá như vậy”. Không hề sợ sệt, Anrê như rạng rỡ vì hạnh phúc, làm sao ngài để mất danh dự được đóng đinh và cùng chịu nỗi đau khổ giá như Thầy mình được ? Khi bắt đầu những tra tấn đầu tiên, lòng dũng cảm còn tăng thêm, ngài nói với Êgêa: “Cực hình cuối cùng ông đe dọa sẽ được tiếp liền bằng vinh quang bất diệt”.
Thánh nhân chẳng những không sợ mà còn vui mừng nói: “Chết treo trên khổ giá, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi, vì được chết giống Thầy Chí Thánh của tôi”. Viên tổng trấn nổi giận truyền đem treo ngài lên thập giá cho chết.
Khi thấy thập giá mình sẽ phải chết trên đó, thánh nhân hớn hở chào kính và nói: “Ôi thánh giá tốt lành, thánh giá bấy lâu ta mong chờ, thánh giá nhiệt tình yêu mến, hãy đưa ta tới Thầy Chí Thánh là Đấng đã dùng ngươi mà cứu chuộc ta”. Dịu dàng, Anrê giang tay ra, ngài bị cột bằng dây để cái chết tới chậm hơn. Hình phạt kéo dài hai ngày và người ta còn nghe ngài tiếp tục rao truyền đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Dân chúng vây quanh ngài với niềm thán phục đã xin quan tổng trấn tháo dây cho ngài. Họ nói: “Hãy trả con người thánh thiện cho chúng tôi. Đã hai ngày bị treo, ngài không ngừng nói những lời tốt lành, đừng giết con người yêu quý của Thiên Chúa”.
Nhưng Anrê không muốn được trả về cuộc sống khốn cực trần gian này, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa Kitô hãy đón nhận con, ôi Thầy con yêu, con biết con ước ao được gặp Thầy, trong Thầy mà con được thế này. Hãy nhận lấy hồn con, lạy Chúa Giêsu Kitô”. Và những người tham dự thấy linh hồn vị tông đồ trong hào quang đã bay về với Chúa tạo thành và cứu chuộc của mình.
Tương truyền rằng việc thánh Anrê đã bị cột vào thánh giá đã có từ thế kỷ XII và chỉ vào thế kỷ XIV, người ta mới tưởng tượng thánh giá đó hình chữ X. Dụng cụ cực hình ấy được mệnh danh là thánh giá thánh Anrê.
Lý hình cột treo ngài lên thập giá. Từ trên cao, ngài kêu gọi mọi người hãy tin thờ Chúa rồi gục đầu tắt thở.
Thánh Gioan Kim Khẩu đã khen ngợi thánh Anrê tông đồ: “Sau khi ở lại với Đức Giêsu và học cùng Người được nhiều rồi, Anrê đã không giấu kho tàng quý báu nơi mình, nhưng vội vàng chạy đến anh em mình và chia sẻ với họ…
“Những điều ông đã học trong thời gian rất vắn kia, ta có thấy ông đã nói lên thế nào ? Ông vừa tuyên xưng uy thế của Thầy, một uy thế hấp dẫn các môn đệ, vừa nói lên sự siêng năng chăm chỉ của môn đệ đã chuyên chú ngay từ đầu. Đó là tiếng nói của một tâm hồn hết sức ao ước Đấng Mêsia đến, và của linh hồn mong đợi Người tự trời đến, họ nhảy mừng khi thấy Người hiện ra, rồi vội vàng đi báo tin đặc biệt đó cho kẻ khác. Đặc điểm của tình anh em, của nghĩa bạn bè và của tấm lòng chân thật là thông đạt cho nhau những điều thiêng liêng”.
Thánh Anrê là mẫu gương người công chính mới này. Quả vậy, Anrê nghe theo lời giới thiệu của Thầy mình là thánh Gioan Tẩy giả đến gặp Chúa Giêsu (Ga 1, 29-35). Trong cuộc gặp gỡ này, ngài đã tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế. Nhờ niềm tin này mà ngài đã bỏ mọi sự để đi theo Chúa và làm tông đồ của Chúa trong nhóm Mười Hai (Ga 1, 35-42).
Trong lễ kính thánh Anrê, bài Tin Mừng (Mt 4, 18-22) thuật lại ơn gọi như sau: Chúa Giêsu “thấy” những người này: Người kêu gọi, họ bỏ tất cả và đi theo Người. Họ cũng không tìm lý do và cũng không sợ khó khăn. Thực ra, họ cảm nghiệm bằng tình yêu nhanh hơn lý trí: Đức Giêsu là ai và đi theo Người có nghĩa là gì.
Đặt bài Tin Mừng này trong ngày lễ mừng kính thánh Anrê tông đồ, phụng vụ muốn chúng ta nhận thức rằng: “Thánh Anrê là một trong nhóm Mười Hai tông đồ của Chúa, ngài đã nghe nói, được giới thiệu về Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, nên ngài đã hoàn toàn dấn thân và dâng trọn cuộc đời cho Chúa trong đời sống và sứ vụ Tông đồ”.
Thánh Anrê quả là vị Tông đồ giàu tình bạn và ngài đã quảng đại và vị tha chia sẻ Chúa Giêsu cho người khác, chứng tỏ Anrê là người khiêm nhường, người làm công cho kẻ khác, là người ẩn mình để kẻ khác lớn lên, là người giữ vai phụ cho người khác và ông sẵn sàng bị quên lãng. Trong cánh đồng truyền giáo để mở rộng Nước Chúa, Chúa Giêsu cần những người như Anrê. Bạn có sẵn lòng làm công việc như Anrê để rao giảng Tin Mừng không ?
Qua con người và công việc của thánh Anrê, chúng ta cảm nhận rằng Chúa cần những người giàu tình bạn chân thành. Những người tuy tài năng chỉ “một nén” nhưng sống làm chứng và ra đi kể lại câu chuyện “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”.
Những cuộc gặp gỡ nhau để chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa, những hoạt động Tông đồ truyền giáo khắp nơi đang diễn ra trên thế giới… phải chăng là những công việc của thánh Anrê mà chúng ta mừng kính hôm nay ?
Ước gì lời chúng ta tung hô trong mỗi thánh lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến” được thực hiện nơi cuộc sống của mỗi người chúng ta theo tinh thần của thánh Anrê: vị Tông đồ giàu tình bạn.
Có thể bạn quan tâm
Giới Thiệu App “Giáo Hội Công Giáo”
Th12
TGM-GPHT: Thông báo Năm Thánh 2025 tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng C
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thành lập Giáo họ độc lập và Bổ nhiệm Linh..
Th12
Những Cánh Cửa Của Hy Vọng
Th12
Giáo Hội – Người Lữ Hành Của Niềm Hy Vọng
Th12
Đức Thánh Cha Mong Ước Năm Thánh Sẽ Là Cơ Hội Hoán Cải..
Th12
Khóa thường huấn linh mục trẻ – Đợt 2 năm 2024
Th12
Nghi thức “xác nhận” Cửa Thánh của bốn Đền thờ ở Roma
Th12
Ủy Ban Phụng Tự: Giải Đáp Về Cây Thánh Giá Năm Thánh
Th12
Thánh Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê – Quan Thầy Của Đại Chủng Viện
Th12
Công bố Logo Năm Thánh 2025
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm C
Th12
Thư Ngỏ Của Ủy Ban Thánh Nhạc Gửi Các Nhạc Sĩ Công Giáo
Th12
Thánh Phanxicô Xaviê, Vị Tông Đồ Miền Đông Á (1506-1552)
Th12
Ý Cầu Nguyện Của Đức Giáo Hoàng – Tháng 12/2024
Th12
Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải
Th12
Giáo phận Hà Tĩnh: Chương trình Canh Tân Đời Sống Hôn Nhân
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12/2024)
Th12
Đời sống đạo của các Kitô hữu ở Triều Tiên giống thời đế..
Th11