Ngày 24/06: Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

913 lượt xem

Ngày 24 tháng 6
SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

A. Hôm nay Giáo hội tưởng niệm ngày sinh của một con người mà đã có lần Chúa Giêsu ca ngợi là: “Người cao trọng nhất trong số những người sinh ra bởi người nữ” (Mt 11, 11)

Vâng! Một con người đã được sinh ra trên trần thế.

Vào một buổi trình diễn văn nghệ nọ, trong số đó có những người thợ mỏ, những người đàn ông, đàn bà, con trẻ…đang dự buổi trình diễn, người ta bỗng nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ con. Bỗng từ trong đám người thợ mỏ, người ta thấy một người có thân hình vạm vỡ, đầu tóc rậm rì, ông đứng lên ghế la lớn:

– Yêu cầu ban nhạc tạm ngưng một lúc, để chúng tôi nghe tiếng khóc của đứa bé. Biết bao nhiêu năm rồi tôi chưa được nghe những âm thanh kỳ diệu ấy.

Thế là cả ban nhạc và các ca sĩ đều dừng lại và tiếng đứa bé khóc càng lớn hơn. Người ta thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má của những người xa vợ, xa con, xa chồng…

Đại thi hào Victor Hugo của Pháp đã có lý khi nói: “Không gì buồn thảm cho bằng một ngôi nhà không có tiếng cười, tiếng khóc của những trẻ thơ”. Trẻ thơ là niềm vui, là hy vọng của con người. Người Mỹ thường nói: “Mỗi một trẻ thơ được sinh ra đều có thể làm Tổng Thống tương lai của Hoa kỳ”.

Thật thế, mỗi một đứa trẻ sinh ra đều là niềm vui, niềm hy vọng cho gia đình, cho dân tộc, cho quốc gia.

Quả thật! không kể Mẹ Maria, Thánh Gioan Tẩy giả là vị thánh duy nhất được Giáo hội mừng ngày sinh nhật. Ngày sinh của thánh Gioan sẽ loan báo một kỷ nguyên mới cho nhân loại mà Chúa Giêsu sẽ khai mở. Cha của ngài là một người câm, mẹ ngài là một người đàn bà già nua son sẻ. Trong bối cảnh đó, ngày chào đời của Thánh Gioan Tẩy giả loan báo rằng: thời của Đấng Cứu Thế đã đến, thời của sự câm lặng đã trở thành loan truyền của ơn cứu độ. Thời mà sự son sẻ đã trở thành đông con nhiều cháu. Ngày sinh của Gioan Tẩy giả là thời loan báo về ngày cứu độ. Lời loan báo mà Thánh Gioan đã không ngừng hô lớn trong những ngày sau này,  ngài chính là tiên tri của Chúa, ngài chính là đấng tiền hô của Chúa.

B. Mừng ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội cũng muốn nhắc nhở mỗi người Kitô hữu chúng ta về sứ mạng làm tiên tri và sứ giả của mình. Ngày sinh của Thánh Gioan Tẩy giả mời gọi chúng ta nhớ lại ngày được tái sinh của mỗi người chúng ta.

Nhờ phép rửa, chúng ta đã trở thành ngôn sứ loan báo hồng ân cứu độ của Chúa. Ngọn nến Giáo Hội trao cho chúng ta trong ngày lãnh phép rửa là biểu trưng cho ánh sáng mà chúng ta phải không ngừng chiếu tỏa ra xung quanh. Dù sống trong hoàn cảnh nào, người tín hữu Kitô chúng ta cũng phải có sứ mệnh chiếu toả ánh sáng ấy (Mt 5, 16).

Ngạn ngữ có câu: “Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.

C. Mừng ngày sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta cũng còn phải nhớ lại con đường Ngài đã đi qua, con đường ấy được Ngài tóm gọn trong khẩu hiệu: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”(Ga 3, 30).

Đức thánh cha Gioan XXIII bước lên ngai tòa thánh Phêrô. Để điều khiển Hội Thánh vào ngày 28-10-1958. Và trong phiên họp đầu tiên, Ngài đã hỏi các đức giám mục và linh mục rằng:

– Đâu là mục đích của đời sống người công giáo?

Các đức giám mục và linh mục đều thưa lại câu giáo lý đã học từ nhỏ:

– Mục đích của đời sống người công giáo là nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa trong cuộc sống đời này, để được hạnh phúc với Chúa đời đời trên thiên đàng mai sau.

Nghe thế Đức thánh cha Gioan XXIII mỉm cười. Rồi Ngài lắc đầu đáp:

– Quí đức cha và quí cha, đã trả lời trúng câu giáo lý từ xưa đến nay: mục đích yêu mến và phụng sự Thiên Chúa. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Vậy câu giáo lý hoàn toàn đầy đủ là phải thưa thế này: “Mục đích của đời sống người công giáo là phải nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa, rồi còn phải giúp đỡ người khác nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa nữa”. (Góp nhặt IV, 39). Qua những lời trên đây, đức Gioan XXIII có ý dạy chúng ta rằng: “là con cái của Chúa, không những chúng ta phải giữ đạo, mà chúng ta còn có bổn phận phải truyền đạo nữa.  Truyền đạo là làm cho Chúa Giêsu được lớn lên như Lời Chúa truyền cho các môn đệ của Người trước khi về trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, “ (Mt 28, 20

Chúng ta không được phép vào thiên đàng một mình, mà chúng ta còn phải đưa người khác vào thiên đàng nữa. Nghĩa là chúng ta phải làm việc truyền giáo. Truyền giáo cho người ngoại mà truyền giáo cho những người đã bỏ đạo. vì theo báo “đức tin và vô thần trong thế giới” (La foi et l’Athéisme trg 33) tại nước Ý, nơi có tòa thánh Vatican của đức giáo hoàng, chỉ còn 15% giữ đạo thực sự. Và theo báo Figaro (05-01-1990) tại nước Pháp chỉ còn 12% đi lễ chủ nhật. Tài liệu của hội đồng giám mục Phi châu và Madagascar cho biết: tại Bazil, mỗi năm 600.000 người bỏ đạo công giáo để gia nhập các giáo phái khác. Ở Đức 200.000 người bỏ đạo công giáo để khỏi phải nộp thuế tôn giáo. Vậy chúng ta phải truyền giáo bằng chính việc giữ đạo của chúng ta, truyền giáo không phải là mua chuộc, truyền giáo không phải là ép buộc, truyền giáo là giới thiệu một tình yêu, là giới thiệu người mình yêu cho người khác, nên chúng ta phải truyền giáo theo lời Chúa dạy: “các con là sự sáng thế gian” (Mt 5, 13) Tóm lại, truyền giáo là làm cho Chúa được lớn lên mỗi ngày trên trái đất này.

Theo lời tường thuật của cha Engel, một bé gái 12 tuổi bị bệnh nặng phải đem vào bệnh viện. Theo sự khám nghiệm của các bác sĩ, em bé  chỉ có hy vọng được cứu sống, khi đã chịu một cuộc giải phẫu. Vậy trước khi chích thuốc mê, bác sĩ có nói rằng:

– Em cần phải ngủ một chút, thì bác sĩ mới chữa bệnh được.

Nghe thế, em bé liền thưa:

– Thưa bác sĩ, nếu cần phải ngủ, xin bác sĩ cho cháu được cầu nguyện với Chúa mấy phút đã, vì ba má cháu có dặn rằng: trước khi ngủ, bao giờ cũng phải cầu nguyện để Chúa cho ngủ bình an, và để Chúa thánh hóa giấc ngủ, cho giấc ngủ thành phương tiện lập công.

Nói xong, em quì lên giường, làm dấu thánh giá, hai tay chắp trước ngực, mắt nhìn lên trời, đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, một kinh Sáng danh; rồi em kết thúc việc cầu nguyện bằng câu: xin Chúa cho con được chóng lành bệnh.

Em cầu nguyện rất sốt sắng làm cho bác sĩ phải cảm động mà khóc lên. Ông phải chạy ra hè mà lau nước mắt. Sáng hôm sau, tỉnh dậy, em bé hỏi bác sĩ:

– Thưa bác sĩ, cháu có được lành bệnh không?

Bác sĩ trả lời:

– Bác tin tưởng lời cầu nguyện của cháu sẽ làm cho cuộc giải phẫu được kết quả. Nhưng bác phải thú nhận rằng: lời cầu nguyện của cháu đã cứu chữa được bác, vì đã mười năm nay bác đã bỏ đạo, không cầu nguyện, không dự thánh lễ Chúa nhật. Nhưng hôm qua thấy cháu cầu nguyện sốt sắng, nên cả đêm bác đã bắt đầu giữ đạo lại, đã xét mình ăn năn, sáng nay bác đã đi xưng tội và rước lễ.

Vậy mỗi khi hy sinh cầu nguyện sốt sắng, là làm việc truyền giáo, là cứu các linh hồn cho Chúa. Làm như vậy là Chúa đã được lớn lên. Amen.

Nguồn: tgpsaigon.net