Một số vấn đề đạo đức trong đại dịch Virus Corona: Hãy an ủi nhau khi chúng ta trên cùng một con thuyền

795 lượt xem

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC TRONG ĐẠI DỊCH VIRUS CORONA
KỲ CUỐI:
HÃY AN ỦI NHAU KHI CHÚNG TA TRÊN CÙNG MỘT CON THUYỀN

Khi con người đề cao sự biểu đạt tự do cá nhân thì càng rời xa trách nhiệm cộng đồng. Đó không chỉ là câu chuyện trong đại dịch này mà còn là lịch sử của sự phát triển loài người.

Người phương Tây hay nói về ý thức tự do, nhưng có lẽ nhiều người trong số họ quên rằng cá nhân sống trong xã hội không thể hoàn toàn tách khỏi các điều kiện xã hội và vươn tới tự do chỉ có trong xã hội loài người.

Mâu thuẫn trong quan niệm tự do

Ý thức về tự do cũng như mục đích mà cá nhân hướng tới không phải luôn đồng nhất với xã hội mà nó sống trong đó. Do vậy, mâu thuẫn trong quan niệm về tự do là một tất yếu khách quan trên con đường tiến hóa của nhân loại.

Triết gia Hy Lạp cổ đại Aristote, khi đề cập đến năng lực lựa chọn tự do từ bình diện đạo đức – chính trị, cho rằng: Con người với tư cách sinh vật xã hội, luôn biết chọn cho mình cách sống và lối ứng xử phù hợp với lý trí. Năng lực lựa chọn tự do ấy của con người không có nghĩa là nó có thể vượt quá khuôn khổ của những quy tắc và chuẩn mực truyền thống. Một khi cá nhân nhân danh tự do để vượt qua những quy tắc, chuẩn mực ấy thì đó chỉ là một sự khẳng định vô nguyên tắc. Cá nhân phải dựa trên sự nhận thức về vị trí của mình giữa những cá nhân khác trong xã hội. Đó chính là “tính trung dung” trong đạo đức học, chọn cái tối ưu từ nhiều cái tốt, khắc phục cả sự bất cập lẫn sự thái quá.

Do vậy, “trung dung” khác với “ba phải”, lại càng khác với thái độ lãnh đạm, dửng dưng trong cuộc sống. Như thế, nhận thức về tự do, cũng có nghĩa là nhận thức về mức độ của tự do. Tự do thể hiện trong hoạt động mang tính xã hội của con người. Việc đòi hỏi tự do tuyệt đối, gán cho tự do một ưu thế tuyệt đối trước những giá trị khác dưới những hình thức khác nhau, cũng như việc đòi hỏi phải biện minh và sử dụng mọi phương tiện để đạt tới tự do đều là không tưởng.

Không ai đứng ngoài cuộc

Dịch bệnh buộc tất cả mọi người phải đối mặt với những câu hỏi sâu sắc về sự tồn tại của con người, những câu hỏi sâu sắc mà trước đây đã được trả lời theo nhiều cách khác nhau bởi các nhà triết học vĩ đại. Điều gì đúng và điều gì sai? Cá nhân có thể mong đợi gì từ xã hội, và xã hội có thể mong đợi gì ở mỗi cá nhân? Làm thế nào để lợi ích cá nhân và lợi ích chung không xung đột? Những người khác có nên hy sinh cho tôi, và ngược lại tôi có cần hy sinh cho người khác? Việc giữ cho kinh tế phát triển và các thế hệ sau thừa hưởng có ưu tiên hơn việc ngăn chặn một căn bệnh mà người chết phần là những người già yếu, bệnh tật, những người nghèo khổ, bần cùng trong xã hội?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng trong bài giảng ngày thứ Sáu 27-3 mời gọi tất cả chúng ta đều phải nhận ra rằng: “Mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau”.

Ngài khẳng định: “Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy, chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau”. Điều đó có nghĩa là, chúng ta cần phải liên đới với thế giới trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc khó khăn như hôm nay. Chúng ta không thể cứ sống mãi trong sự hời hợt, bề ngoài, “ham hố lợi lộc, để cho mình bị vật chất thu hút mất và bị choáng váng vì vội vã”, “không thức tỉnh trước những chiến tranh và bất công trên thế giới”, “không lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất của chúng con đang bị bệnh nặng”, “tiếp tục tiến bước không chút sợ hãi, nghĩ rằng mình sẽ luôn khỏe mạnh trong một thế giới bị bệnh”.

Con người là cứu cánh của tất cả đời sống

Rõ ràng, mỗi con người là một nhân vị độc đáo và không thể thay thế. Theo mặc khải Kitô giáo, phẩm giá cao quý nhất của con người hệ tại việc con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được kêu gọi chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Học thuyết xã hội của giáo hội nhấn mạnh: “Thông điệp căn bản của Kinh Thánh cho biết con người là thụ tạo của Thiên Chúa, và theo thông điệp ấy, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định tính và phân biệt con người” [HTXH, số 108]. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (GS) nêu rõ: “Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hợp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa” [GS, 19]. Loài người “là thụ tạo duy nhất nơi trần gian mà Thiên Chúa đã muốn vì chính nó” [GS, 24]. Do đó: “Cả trong đời sống sống kinh tế – xã hội nữa, phải tôn trọng và thăng tiến phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và lợi ích của toàn thể xã hội. Vì con người là tác giả, là tâm điểm và cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế-xã hội” [GS, 63]. Vì thế, mỗi con người phải tôn trọng từ khi thụ thai cho đến lúc lìa đời, bất kể là ai và thuộc thành phần nào. Không ai có quyền nhìn con người theo khía cạnh duy lợi ích hay dùng con người làm phương tiện để đạt mục đích nào đó, kể cả để phục vụ công ích xã hội hoặc phục vụ tiến bộ khoa học.

Tuy nhiên, tự bản chất, mỗi con người cũng là một hữu thể có tính xã hội, sống trong một xã hội cụ thể với những tương quan xã hội riêng biệt. Nói cách khác, con người chỉ tồn tại và phát triển trong tương quan với tha nhân. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma xác định rõ ràng: “Lòng yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tình yêu anh em” (Rm 13,9). Khi cầu nguyện với Chúa Cha “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,20-21), Đức Giêsu đã cho thấy “tính xã hội” của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mô hình của tính xã hội nơi con người với con người.

Vì thế, Học thuyết Xã hội của Giáo hội khẳng định: “Dù độc đáo và không thể sao chép trong nét riêng của mình, mỗi người vẫn là một hữu thể mở ra cho mối quan hệ với những người khác trong xã hội. Sống với nhau thành xã hội, sống với nhau trong mạng lưới quan hệ nối kết các cá nhân, gia đình và các tập thể trung gian lại với nhau, bằng cách gặp gỡ, truyền thông và trao đổi, đó chính là cách thế bảo đảm cho con người có một cuộc sống với chất lượng cao hơn. Công ích mà con người tìm kiếm và đạt được khi thành lập các cộng đồng xã hội chính là bảo đảm cho con người tìm được ích lợi cho cá nhân, gia đình và xã hội” [HTXH, 61].

Mục tiêu của cá nhân là sự phát triển hài hòa và hoàn thiện bản thân. Mục tiêu của xã hội là hướng đến ích chung cho mọi người. Do đó, “một xã hội mong muốn và có ý định tiếp tục phục vụ con người ở mọi cấp độ là một xã hội phải lấy công ích – tức là ích lợi của hết mọi người và của con người toàn diện – làm mục tiêu tiên quyết của mình. Con người không thể tìm được sự phát triển mỹ mãn nơi chính bản thân mình, nếu bỏ qua sự kiện là con người hiện hữu “với” người khác và “vì” người khác” [HTXH, 165].

Tự do quân bình trong những giới hạn chính đáng

Trong khuôn khổ này, những yêu cầu liên quan trước hết là quyền của mỗi người được có nước uống, thực phẩm, chỗ ở, và chăm sóc sức khoẻ, công ăn việc làm, học hành, cũng quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, và tự do hội họp. Vì thế cần những người cầm quyền hợp pháp với hệ thống tư pháp lành mạnh để bảo tồn các định chế và phục vụ công ích cách đầy đủ. Để đảm bảo thực hiện được điều đó cách tốt nhất thì mọi quyền lực đều giữ quân bình cho nhau trong những giới hạn chính đáng. Đó là nguyên tắc Nhà nước pháp quyền; theo đó luật pháp chi phối tất cả, chứ không phải ý muốn độc đoán của một số người [GLHTCG, 1897-1904].

Đời sống này không phải là một cái gì thêm vào nhưng là một đòi hỏi của bản tính con người. Nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với tha nhân, con người phát triển các tiềm năng và đáp trả lại ơn gọi làm người của mình [GLHTCG số 1879]. Trước những biến chuyển của xã hội, trước những khó khăn mà nhân loại đang phải đối diện hôm nay, không ai có thể khoanh tay đứng nhìn. Tuỳ theo vị trí và vai trò của mình, mỗi người phải tham gia xây dựng xã hội để mưu cầu lợi ích chung. Bổn phận này gắn liền với phẩm giá con người. Nhất là đối với người Ki-tô hữu lại càng không thể thờ ơ, bởi vì “Con người là con đường đầu tiên Giáo Hội phải đi qua để chu toàn sứ vụ của mình” [Bách chu niên, 53]. Vì vậy, với tư cách là môn đệ của Chúa Kitô, người Ki-tô hữu cần đón nhận sứ vụ phục vụ con người bằng tình yêu và sự đơn giản chân thành như lời khẳng định của Công đồng Vatican II: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” [GS, 1].

Đỗ Minh

Thư mục:

1. Kinh thánh Cựu ước và Tân ước.
2. Giáo lý Hội thánh Công giáo.
3. Công đồng Vatican II: Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes).
4. Tóm lược HTXH của Giáo hội.
5. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thông điệp Centessimus Annus (Bách chu niên).
6. Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi cầu nguyện đặc biệt chiều tối 27/3/2020.
7. How Coronavirus Is Shaking Up the Moral Universe (Bloomberg).
8. Ethics in the time of Corona (Ersnet)
9. Three family members charged in shooting death of security guard who told a customer to put on a face mask (CNN).
10. Armed protesters demonstrate against Covid-19 lockdown at Michigan capitol (Theguardian).
11. Older people would rather die than let Covid-19 harm US economy – Texas official (Theguardian).
12. Cuomo Blasts Feds: ‘My Mother Is Not Expendable’ (Thedailybeast; Reuters).
13. Face marks to be compulsory across Gemany (BBC news).
14. Thời kỳ đen tối của thuyết ưu sinh (Thanhnien).
15. WHO kêu gọi ASEAN bảo vệ những người yếu thế trước đại dịch Covid-19 (Ictvietnam).
16. Covid-19: Thách thức nghiệt ngã cho người nghèo (Tạp chí Thế Giới Đó Đây –  Rfi).
17. Phải nhanh chóng chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 cho người dân (Tuoitre).
18. Từ 10/5, chi trả tiền hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng COVID-19 (Baochinhphu).
19. Công điện hỏa tốc của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Baothanhhoa).

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận