Kinh Truyền Tin (26/09): Giáo hội cần loại bỏ não trạng đóng cửa và loại trừ

939 lượt xem

Lúc 12 giờ trưa CN 26/9, ĐTC đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Như thường lệ, trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ngài có một bài huấn dụ ngắn với các tín hữu dựa trên đoạn Tin Mừng của ngày Chúa Nhật 26 thường niên.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết về cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và Tông đồ Gioan, ông thay mặt cho cả nhóm môn đệ nói chuyện với Chúa Giêsu. Họ thấy một người nhân danh Chúa trừ quỷ, nhưng họ ngăn cản anh ta làm vậy vì anh ta không thuộc nhóm của họ. Ở điểm này, Chúa Giêsu mời gọi họ đừng cản trở những người làm việc tốt, vì họ góp phần thực hiện chương trình của Thiên Chúa (x. Mc 9,38-41). Sau đó, Người cảnh báo: thay vì phân chia con người thành tốt và xấu, thì tất cả chúng ta được mời gọi canh giữ lòng mình, để chúng ta không khuất phục trước sự dữ và gây gương xấu cho người khác (x. cc. 42-45.47-48).

Tóm lại, những lời của Chúa Giê-su chỉ ra một cám dỗ và đưa ra một lời khuyên. Cám dỗ ở đây là sự đóng cửa khép mình. Các môn đệ muốn ngăn cản một việc tốt chỉ vì người đã làm việc đó không thuộc nhóm của họ. Họ nghĩ rằng họ có “độc quyền đối với Chúa Giêsu” và là những người duy nhất được phép làm việc cho Nước Trời. Nhưng với suy nghĩ này, họ đi đến chỗ yêu mình và xem người khác là kẻ xa lạ, cuối cùng trở thành thù địch trước mặt họ. Thưa anh chị em, thật vậy, mỗi lần khi chúng ta đóng cửa lòng mình đều tạo ra một khoảng cách với những người không nghĩ như chúng ta. Và, chúng ta biết, đây là căn nguyên của nhiều vấn nạn trong lịch sử, chẳng hạn như chế độ chuyên chế thường tạo ra các chế độ độc tài và quá nhiều bạo lực chống lại những người khác biệt.

Nhưng cũng cần phải coi chừng sự đóng mình trong Giáo hội. Bởi vì ma quỷ là kẻ chia rẽ – đây là nghĩa của từ “diavolo” – ma quỷ, gây nên sự chia rẽ. Ma quỷ luôn gây nên sự nghi ngờ để phân chia và loại trừ người ta. Cám dỗ bằng sự mánh mung, và có thể xảy ra như với những môn đệ, đến chỗ loại trừ ngay cả chính người trừ quỷ! Đôi khi chúng ta cũng vậy, thay vì khiêm tốn và cởi mở trong cộng đoàn, chúng ta lại gây ấn tượng xem mình thuộc “hạng trên” và giữ khoảng cách với người khác; thay vì cố gắng đồng hành với mọi người, thì chúng ta lại trưng ra “danh nghĩa tín hữu” của mình : “Tôi là tín hữu” – “Tôi là người Công giáo” – “Tôi tham dự vào nhóm này, nhóm kia…” Còn những kẻ tội nghiệp kia thì không. Đây là một tội. Việc trưng ra “danh nghĩa tín hữu” là để xét đoán và loại trừ. Chúng ta cầu xin ân sủng để vượt qua cám dỗ đánh giá và phân loại, và xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi não trạng “cái tổ”, não trạng đóng mình cách ghen tị trong một nhóm nhỏ của những người tự cho mình là tốt, chẳng hạn linh mục với nhóm tín hữu cực thân, các nhân viên mục vụ đóng mình giữa họ để không ai vào được, các phong trào và hiệp hội trong đặc sủng riêng của họ, v.v. Đóng kín. Tất cả những điều này có nguy cơ làm cho các cộng đoàn Kitô hữu trở thành những nơi chia cắt chứ không phải hiệp thông. Chúa Thánh Thần không muốn sự đóng lại; nhưng muốn mở ra, muốn cộng đoàn chào đón, nơi có chỗ cho tất cả mọi người.

Và sau đó trong Tin Mừng, có lời khuyên của Chúa Giêsu: thay vì xét đoán mọi người về mọi thứ, chúng ta hãy cẩn thận về bản thân mình! Thật vậy, điều nguy hiểm ở đây là không uyển chuyển với người khác nhưng lại dễ dãi với chính mình. Và Chúa Giêsu thúc giục chúng ta đừng dây dưa với điều xấu, với những hình ảnh đánh động: “Điều gì nơi bạn là nguyên cớ gây ra điều xấu thì hãy cắt bỏ nó đi!” (x. 43-48). Điều gì làm bạn tệ đi, hãy cắt bỏ nó! Người không nói: “Nếu có điều gì là nguyên cớ gây ra điều xấu, thì hãy dừng lại, nghĩ tích cực, tốt hơn một chút …”. Không: “Cắt nó! Ngay lập tức”. Chúa Giêsu khá nguyên tắc, khắt khe ở điểm này, nhưng vì lợi ích của chúng ta, giống như một bác sĩ giỏi. Mỗi lần cắt, mỗi lần tỉa, là để phát triển tốt hơn và đơm hoa kết trái trong tình yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: điều gì trong tôi trái ngược với Tin Mừng? Cụ thể, Chúa Giê-su muốn tôi cắt bỏ điều gì trong cuộc sống mình?

Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm để Mẹ giúp chúng ta biết chào đón người khác và cảnh giác với chính mình.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến hôm nay là Ngày Quốc tế Di cư và Tị nạn, năm nay với chủ đề “Hướng đến một ‘chúng ta’ luôn mở rộng hơn”. Cần bước đi cùng nhau, không xét đoán, không sợ hãi, gần gũi với những người dễ bị tổn thương hơn: những người di cư, người tị nạn, người tản cư, nạn nhân của nạn buôn người và những người bị ruồng bỏ. Chúng ta được mời gọi xây dựng một thế giới ngày càng hoà nhập hơn, không loại trừ bất kỳ ai.

Đức Thánh Cha cũng diễn tả sự gần gũi với những nạn nhân của núi lửa phun trào trên đảo La Palma, thuộc quần đảo Canary. Ngài nghĩ đặc biệt đến và mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ.

(Nguồn: Vatican News)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận