Khát Mong Của Thiên Chúa

1697 lượt xem

“Khát mong của Thiên Chúa” là bài suy tư của Đức cha Phêrô Kiều Công Tùng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm, trích trong Tập san Chia Sẻ – Phụng vụ và Đời sống Thánh hiến, số 113 (Tháng 3/2024). Đây là bài viết “khai lộ” cho nội dung mới của tờ báo Chia Sẻ, thuộc Liên Tu sĩ Tổng Giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, mà sau 30 năm ra đời, tờ báo được đổi tên là Tạp chí Phụng vụ và Đời sống thánh hiến (2024).

Nội dung bài dựa theo Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Giáo hoàng Phanxicô về Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa, ban hành ngày 29/06/2022. Bài viết gồm ba phần chính: 1) Thiên Chúa mong ở giữa nhân loại, cách cụ thể qua mầu nhiệm nhập thể và trong cử hành phụng vụ; 2) Canh tân và hợp nhất phụng vụ, tác giả trình bày khái quát về lịch sử phụng vụ; 3) Điểm nhấn trong đào tạo phụng vụ: độc giả được mời gọi khám phá vẻ đẹp phụng vụ qua ngôn ngữ biểu tượng và bảo toàn vẻ đẹp của chân lý trong cử hành phụng vụ.

‘Khát mong của Thiên Chúa’ cũng là mong muốn của Giáo hội. Ước mong người tín hữu sẽ ý thức tham gia phụng vụ làm sao để việc cử hành phụng vụ trở thành một nơi đặc biệt – mặc dù không phải là nơi duy nhất – của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.

Ban Truyền thông Giáo phận Phát Diệm

KHÁT MONG CỦA THIÊN CHÚA

+ Gm. Phêrô Kiều Công Tùng

Lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ trong bữa tiệc ly được Đức Giáo hoàng Phanxicô lấy làm tiêu đề cho Tông thư Desiderio Desideravi về đào tạo phụng vụ cho dân Chúa: “Thầy rất mong ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi Thầy chịu khổ hình” (Lc 22,15).[1]

Kết thúc chuỗi suy tư về phụng vụ khởi đi từ khung cảnh của Bữa Tiệc Ly và khát mong của Chúa Giêsu, Đức Giáo hoàng mời gọi hãy từ bỏ những cuộc tranh luận để cùng lắng nghe Chúa Thánh Thần nói, hãy bảo toàn sự hiệp thông, hãy tiếp tục ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của phụng vụ, và hãy sống với khát mong rằng Chúa vẫn muốn ăn Lễ Vượt Qua với chúng ta.[2]

I- THIÊN CHÚA MONG Ở GIỮA NHÂN LOẠI

1. Qua mầu nhiệm Nhập thể

2. Trong cử hành phụng vụ

II- CANH TÂN VÀ HỢP NHẤT PHỤNG VỤ

III- ĐIỂM NHẤN TRONG ĐÀO TẠO PHỤNG VỤ

1. Khám phá vẻ đẹp phụng vụ qua ngôn ngữ biểu tượng

2. Bảo toàn vẻ đẹp của chân lý trong cử hành phụng vụ

I- THIÊN CHÚA MONG Ở GIỮA NHÂN LOẠI

1. Qua mầu nhiệm Nhập thể

Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người đã được tiên tri Isaia loan báo qua lời tuyên sấm về việc người nữ sinh con và đặt tên là “Emmanuel” (x. Is 7,14). Sau này, trong trình thuật về việc giáng sinh của Đức Giêsu, thánh sử Matthêu đã nhắc lại lời sấm ấy kèm theo giải thích “Emmanuel” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Còn tác giả Tin mừng Gioan giới thiệu nơi lời tựa: “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1), và khẳng định: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Thiên Chúa nhập thể làm người và ở giữa nhân loại là một điều vượt quá trí hiểu của con người, nên đòi phải có lòng tin. Chính Đức Giêsu khi nhấn mạnh đòi hỏi đức tin, đã khẳng định: “đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27).

Lý lẽ duy nhất của việc Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa trở thành xác phàm, làm một người cụ thể, chính là tình yêu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8), và tình yêu thường làm những chuyện bất ngờ. Tất nhiên, chỉ là bất ngờ đối với những kẻ được yêu, còn đối với người yêu thì luôn có kế hoạch. Con Thiên Chúa làm người là kế hoạch cứu độ của tình yêu Ba Ngôi. Ngày nay, khi tuyên xưng niềm tin của mình, mọi kitô hữu đều xác tín rằng: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.”[3]

Để thực hiện kế hoạch cứu độ, Con Thiên Chúa “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Thiên Chúa làm người đã làm việc với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, hành động với ý chí con người, yêu mến bằng quả tim con người… Người đã trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta mọi sự.[4] Qua con đường nhập thể, Thiên Chúa đã cúi xuống và trao tặng chính mình cho con người.

Ngôi Lời Nhập Thể đã cư ngự giữa loài người để thực hiện vai trò làm Đấng trung gian duy nhất giữa con người với Thiên Chúa và nên nguồn mạch ơn cứu độ cho nhân loại. “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Thánh Irênê nhắc nhở chúng ta: “Nếu sự mặc khải của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng đã đem đến sự sống cho tất cả các sinh vật trên trái đất, thì còn hơn thế, sự tỏ mình của Chúa Cha qua Ngôi Lời là nguồn mạch sự sống cho những ai nhìn thấy Thiên Chúa.”[5]

Tuy nhiên, nhân loại có đón nhận được sự sống của Ngôi Lời và từng cá nhân có được cứu độ hay không còn tuỳ thuộc vào mức độ liên kết với Đức Kitô nơi mầu nhiệm Vượt Qua.

2. Trong cử hành phụng vụ

Lời Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari năm xưa “Cho tôi chút nước uống” (Ga 4,10) vẫn tiếp tục lập lại với con người hôm nay. Đó là lời đề nghị xuất phát từ cõi sâu thẳm của Thiên Chúa, Đấng khát mong chúng ta. Thiên Chúa khát khao chúng ta khao khát Ngài.[6] Đáp lại đề nghị “Đến mà xem” của Đức Giêsu, các môn đệ đầu tiên đã “đến xem” và “ở lại” với Người (x. Ga 1,39). Là môn đệ của thầy Giêsu, các kitô hữu cũng được mời gọi đến gặp gỡ và ở lại với Chúa qua cử hành phụng vụ, đặc biệt qua việc cử hành Thánh lễ và các bí tích, vì đây là nơi gặp gỡ giữa Đức Kitô và Hội thánh,[7] là phương thế để con người đón nhận ơn thánh theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Thật vậy, Đức Hồng y Joseph Ratzinger khẳng định: “Phụng vụ không chỉ là việc đi lên tới Thiên Chúa nhưng còn kéo Thiên Chúa vào trong thế giới riêng của con người.”[8] Theo Đức Phanxicô, cuộc gặp gỡ này là một ân ban: con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua một hành động của Con Thiên Chúa trong Bữa Tiệc Ly theo phương thức Nhập thể và đạt đến điểm tột cùng là muốn trởthành của ăn nuôi dưỡng nhân loại.[9]

Phụng vụ đích thực là một cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa và giữa Thiên Chúa với con người. Khát vọng vô hạn của Đức Giêsu muốn tái lập mối hiệp thông với con người nơi Bữa Tiệc Ly được hiện tại hóa trong việc cử hành Thánh Thể.[10] Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận định rằng có thể chúng ta không nhận thức đủ việc Chúa đã khao khát muốn gặp chúng ta, nhưng “lý do chính để chúng ta đi tham dự Thánh lễ, là vì chúng ta bị thu hút bởi sự khao khát của Chúa dành cho chúng ta.”[11] Ngài nhắc lại bản chất của phụng vụ được mô tả trong số 7 của Hiến chế về Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium): “Phụng vụ là chức năng tư tế của Đức Kitô, được mặc khải và trao ban trong Mầu nhiệm Vượt Qua của Người, được hiện tại hóa và tác động qua những dấu chỉ hữu hình (nước, dầu, bánh, rượu, cử chỉ, lời nói), để Thần Khí dìm sâu chúng ta vào mầu nhiệm Vượt Qua, và biến đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.”[12]

Đức tin Kitô giáo là cuộc gặp gỡ Đức Kitô hằng sống.[13] Theo Đức Giáo hoàng Lêô Cả, tất cả những gì thuộc về Chúa Giêsu, tính cụ thể của Ngôi Lời Nhập Thể, những gì có thể nhìn thấy bằng mắt và chạm đến bằng tay, các lời nói và cử chỉ của Người, đều được chuyển thể qua cách cử hành các bí tích.[14]Tông thư Desiderio Desideravi nhấn mạnh: “Trong bí tích Thánh Thể và trong tất cả các bí tích, chúng ta chắc chắn có thể gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm nhận được quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua. Quyền năng cứu độ của hy tế, của từng lời nói, từng cử chỉ, từng dáng vẻ, từng tâm tình của Chúa Giêsu, đến với chúng ta qua việc cử hành các bí tích.”[15] Trong cử hành Thánh Thể, khi hiệp lễ chính là lúc chúng ta đi vào cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô, như Người đã phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Đây là một cuộc gặp gỡ trọn vẹn và ý nghĩa nhất, con người không chỉ được đụng chạm đến thân thể Đức Kitô mà còn được tham dự vào sự sống với Người: sự sống của Đức Kitô trở nên sự sống của con người và sự sống của con người trở thành sự sống của Đức Kitô.

II- CANH TÂN VÀ HỢP NHẤT PHỤNG VỤ

Từ thế kỷ IX, phụng vụ Kitô giáo bị pha tạp nhiều yếu tố phụ làm lu mờ các cử hành chính yếu. Nhiều lạm dụng, bất đồng xảy ra dẫn đến các phong trào cải cách và phe phái trong Hội thánh. Công đồng Trentô (1545-1563) đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phụng vụ: tái khẳng định các nghi thức Thánh lễ là hợp pháp với hai phần: bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, chỉ dùng ngôn ngữ La tinh trong phụng vụ. Năm 1568, Đức Piô V cho công bố Sách nguyện, và sau đó Lễ quy Rôma được công bố năm 1570. Việc canh tân của Công đồng Trentô đã có ảnh hưởng trong phụng vụ Rôma và kéo dài suốt nhiều thế kỷ. Trong thời gian này, Sách lễ của Đức Piô V đã được thích nghi tu chỉnh nhiều lần bởi các vị Giáo hoàng kế tiếp, phiên bản cuối cùng của Sách lễ này chính là Sách lễ 1962 do Đức Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành.

Công đồng Vatican II đã kế thừa và tiếp tục đường lối canh tân của Công đồng Trentô nhằm cải cách toàn bộ nền phụng vụ Rôma. Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium là văn kiện đầu tiên của Công đồng được ban hành ngày 04/12/1963 đã đưa ra những nguyên tắc tổng quát và chỉ dẫn cụ thể để canh tân và cổ võ phụng vụ. Việc cải tổ phải trung thành với truyền thống lành mạnh, nhưng đồng thời cũng phải chú trọng đến những tiến bộ hợp lý.[16] Công đồng muốn nghi thức cử hành phải phù hợp với khả năng của các tín hữu, của từng cộng đoàn địa phương[17], đồng thời cũng phải làm cho bàn tiệc lời Chúa trở nên phong phú hơn[18]. Với mong muốn làm sao để người tín hữu có thể tham dự một cách trọn vẹn, ý thức và tích cực vào các mầu nhiệm đang cử hành[19], Công đồng đã cho phép dùng ngôn ngữ bản xứ trong phụng vụ[20], và khuyến khích thích nghi các nghi thức với những tập tục địa phương, sao cho chúng hòa hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính[21].

Mục tiêu công cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II là giúp cộng đồng dân Chúa tham dự vào các cử hành phụng vụ một cách trọn vẹn, ý thức, thành kính và linh động.[22] Sách lễ Rôma được Đức Giáo hoàng Phaolô VI công bố năm 1970 và các ấn bản sau này là kết quả của Công đồng. Tuy nhiên, một số người theo chủ nghĩa truyền thống, trong đó có Tổng Giám mục Marcel Lefebvre và thành viên của Hiệp hội Thánh Piô X, vẫn quyết giữ lại Thánh lễ Tridentine và các sách phụng vụ trước Vatican II bằng tiếng Latinh cho các bí tích khác.

Với Tự sắc Ecclesia Dei (02/7/1988), Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khích lệ các giám mục giáo phận áp dụng cách quảng đại năng quyền được ban trước đó qua thư luân lưu Quattuor abhinc annos (03/10/1984) của bộ Phụng tự, cho phép các linh mục và tín hữu có nguyện vọng chính đáng được cử hành Thánh lễ theo ấn bản Sách lễ Rôma năm 1962. Gần hai thập kỷ sau, Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI ban hành Tự sắc Summorum Pontificum (07/7/2007) đã trao quyền cách rộng rãi hơn việc sử dụng “Thánh lễ Tridentine” (Sách lễ năm 1962) như một “hình thức ngoại thường”, đồng thời cũng đưa ra những tiêu chuẩn cần thiết cho việc sử dụng này. Trong đó, điều 1 nêu rõ Lễ quy Rôma 1970 là hình thức diễn đạt thông thường còn Lễ quy 1962 là hình thức diễn đạt ngoại thường của luật cầu nguyện (lex orandi). Hai cách dùng của cùng một Nghi lễ Rôma này không bao giờ dẫn tới sự chia rẽ trong luật đức tin (lex credendi) của Giáo hội.

Ngày 16/7/2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô ban hành Tự sắc Traditionis custodes đưa ra những quy định thu hẹp lại việc sử dụng Sách lễ Rôma 1962. Ngài nhấn mạnh: “Các sách phụng vụ được ban hành do thánh Phaolô VI và thánh Gioan Phaolô II, phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, là cách thể hiện duy nhất của ‘luật cầu nguyện’ (lex orandi) trong Nghi lễ Rôma.”[23] Ngoài ra, Đức Phanxicô đã giải thích trong thư gửi các giám mục trên toàn thế giới kèm theo Tự sắc rằng những nỗ lực của các vị Giáo hoàng tiền nhiệm nhằm “khôi phục lại sự hợp nhất của thân thể Hội thánh qua những cảm thức đa dạng về phụng vụ” đã bị lợi dụng để mở rộng những khoảng cách, củng cố những khác biệt và khuyến khích những bất đồng gây tổn thương cho Giáo Hội, và đặt Giáo hội vào nguy cơ chia rẽ. Những người ủng hộ “hình thức ngoại thường” tiếp tục tranh cãi về tính hợp pháp của cuộc cải cách phụng vụ sau Công đồng Vatican II, thậm chí còn bác bỏ chính Công đồng “với những khẳng định vô căn cứ và không vững chắc rằng Công đồng đã phản bội Truyền thống và ‘Hội thánh đích thực’”.[24]

Cũng qua lá thư trên, Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng Nghi lễ Rôma, được điều chỉnh nhiều lần qua nhiều thế kỷ theo nhu cầu thời đại, không những được bảo tồn mà còn được đổi mới “trong sự trung thành với Truyền thống.” Bất cứ ai muốn cử hành với lòng sùng kính theo các hình thức phụng vụ trước đây có thể tìm thấy trong Sách lễ Rôma cải cách theo Công đồng Vatican II tất cả các yếu tố của Nghi lễ Rôma, cách riêng là Lễ quy Rôma, vốn là một trong những yếu tố đặc trưng của phụng vụ Rôma. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng cũng bày tỏ sự buồn phiền trước những lạm dụng trong việc cử hành phụng vụ trong nhiều khía cạnh. Ngài chia sẻ nhận định của Đức Bênêđíctô XVI: “tại nhiều nơi, các quy luật trong Sách lễ mới không được tuân giữ khi cử hành Thánh lễ, nhưng lại bị diễn giải như một quyền lợi, thậm chí như một yêu cầu phải có sáng kiến, và điều này đã gây ra những biến dạng hầu như không chịu đựng nổi.”[25]

Dù Tông tòa đã xác quyết Sách lễ Roma theo Công đồng Vatican II được cải tổ “trong sự trung thành với Truyền thống”, nhiều người vẫn chưa nhận thức rằng mọi nghi thức của Sách lễ Roma 1962 đều có thể được tìm thấy trong Sách lễ Roma hiện nay. Điều này dẫn đến nhu cầu cần có chương trình đào tạo về phụng vụ cho dân Chúa để giúp mọi người hiểu được sự tiếp nối của nghi lễ truyền thống và cách thức mà nghi lễ truyền thống hiện hữu trong phụng vụ canh tân.

Những ý tưởng và mong muốn của Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục được triển khai trong Tông thư Desiderio Desideravi về đào tạo phụng vụ cho dân Chúa, hàm chứa lời mời gọi hợp nhất phụng vụ và Hội thánh. Ngài bày tỏ trong số 31 của Tông thư:

Tôi không hiểu sao một người vừa công nhận tính hợp lệ của Công đồng – mặc dù tôi rất ngạc nhiên khi một người công giáo lại có thể không công nhận điều đó – lại vừa không chấp nhận cuộc cải cách phụng vụ khởi sinh từ Sacrosanctum Concilium, một văn kiện diễn tả thực tại của phụng vụ trong mối liên hệ mật thiết với tầm nhìn về Hội thánh được mô tả cách tuyệt vời trong Lumen Gentium.[26]

III- ĐIỂM NHẤN TRONG ĐÀO TẠO PHỤNG VỤ

Theo Tông thư Desiderio Desideravi, việc đào tạo phụng vụ cần thực hiện cách nghiêm túc và gắn liền với cuộc sống.[27] Đức Phanxicô đã gợi nhớ lại tư tưởng của cha Romano Guardini[28] rằng nếu không có đào tạo phụng vụ, thì “việc cải cách các nghi thức và bản văn sẽ không giúp ích được gì nhiều.”[29]Cần phân biệt hai khía cạnh đào tạo: cho phụng vụ và qua phụng vụ. Đào tạo qua phụng vụ là nền tảng nhưng phải khởi đi từ đào tạo cho phụng vụ.[30]

Việc đào tạo cho phụng vụ không dừng lại trong môi trường chủng viện hay học viện, mà phải mở rộng làm sao cho mỗi tín hữu có thể tiếp cận dễ dàng, nhằm gia tăng kiến thức về ý nghĩa thần học của phụng vụ, là nền tảng cho sự hiểu biết và thực hành phụng vụ, tham gia cách ý thức và tích cực vào kinh nguyện cũng như nghi lễ cử hành.[31]

1. Khám phá vẻ đẹp phụng vụ qua ngôn ngữ biểu tượng

Hai cụm từ “tái khám phá vẻ đẹp phụng vụ” và “ngỡ ngàng thán phục” được Đức Giáo hoàng Phanxicô lập lại nhiều lần trong Desiderio Desideravi. Những người ủng hộ nghi thức theo Sách lễ Roma 1962 thường cáo buộc rằng phụng vụ hiện tại đã loại bỏ ‘cảm thức về mầu nhiệm’. Theo Đức Phanxicô, ‘cảm thức về mầu nhiệm’ là một thuật ngữ mơ hồ. Thay vào đó, ngài dùng hình ảnh “ngỡ ngàng thán phục trước mầu nhiệm” nhằm mời gọi toàn thể Hội thánh tìm cách đào sâu để khám phá vẻ đẹp của các nghi thức phụng vụ hiện tại. Ngài viết: “Nếu cuộc cải cách đã loại bỏ được sự mơ hồ của ‘cảm thức về mầu nhiệm’ này, thì đây là một công trạng hơn là một lý do để buộc tội. Vẻ đẹp, giống như chân lý, luôn khơi dậy sự ngưỡng mộ và khiliên quan đến mầu nhiệm Thiên Chúa, sẽ trở thành thái độ tôn thờ.”[32]

Sự sửng sốt hay ngỡ ngàng là thái độ thiết yếu khi tham dự cử hành phụng vụ. “Nếu không ngỡ ngàng thán phục trước mầu nhiệm Vượt Qua được hiện tại hóa cách cụ thể qua các dấu chỉ bí tích, chúng ta sẽ thực sự có nguy cơ không được dìm vào đại dương ân sủng ngập tràn nơi từng cử hành phụng vụ.”[33]Tham dự vào hy tế Thánh Thể không phải là phần thưởng cho những nỗ lực cá nhân, nhưng là một tặng phẩm của mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh. Thế nên, chúng ta cần ngoan ngoãn đón nhận trong sự ngỡ ngàng thán phục; lúc đó, cuộc sống chúng ta sẽ được đổi mới.[34] Đừng biến việc tham dự cử hành phụng vụ thành thói quen cứng nhắc nhưng thay vào đó là duy trì một sự sửng sốt trước vẻ đẹp của phụng vụ.[35] Điều này đòi hỏi chúng ta phải đào sâu khám phá vẻ đẹp vượt xa những nghi thức bên ngoài dẫn đến thói quen xơ cứng. Thật vậy, vẻ đẹp của phụng vụ không biểu lộ qua việc phô diễn nghi lễ bằng cách cẩn thận tuân thủ các nghi thức bề ngoài hoặc tỉ mỉ giữ đúng luật chữ đỏ.[36] Vẻ đẹp đích thực của phụng vụ là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Nhờ cuộc gặp gỡ nhiệm mầu này, chúng ta được thánh hóa và được cứu độ.

Vẻ đẹp cao quý của phung vụ chỉ có thể được nhận biết bởi những người đang trải nghiệm năng lực của biểu tượng. Đây là một thách thức cho việc đào tạo phụng vụ, vì con người hiện đại dường như đang mất đi khả năng tham gia vào những hành vi mang tính biểu tượng, một đặc điểm thiết yếu của hành vi phụng vụ.[37] Thế nên, Guardini đã nhận định: “Đây là nhiệm vụ đầu tiên của việc đào tạo phụng vụ: con người phải một lần nữa tìm lại được khả năng hiểu được biểu tượng.”[38] Theo nhà thần học này, con người là một hiển linh (epiphany), trong đó thân xác là biểu tượng biểu lộ tâm hồn. Cũng vậy, mọi khía cạnh của phụng vụ đều trở nên hiển linh, và các dấu khả giác là biểu tượng biểu lộ những thực tại thiêng liêng của cử hành.[39]

Cử hành phụng vụ nói chung và cử hành Thánh Thể nói riêng được thực hiện nhờ các dấu chỉ và biểu tượng. Những thực tại khả giác phong phú của thế giới vật chất và đời sống xã hội khi được phụng vụ của Hội thánh đón nhận, hội nhập và thánh hoá sẽ trở thành “phương tiện diễn tả hành động của Thiên Chúa, Đấng thánh hóa loài người, và diễn tả hành động của con người, những kẻ phụng thờ Thiên Chúa.”[40]Một khi đã mất khả năng nắm bắt giá trị biểu tượng của thân xác và của các thụ tạo, người ta hầu như không thể tiếp cận được với ngôn ngữ biểu tượng của phụng vụ.[41] Vì thế, chúng ta phải lấy lại niềm tin vào các thụ tạo vốn do Thiên Chúa tạo dựng và luôn quy hướng về Người. Các thụ tạo ấy được Giáo hội dùng trong cử hành các bí tích cũng được Thiên Chúa sử dụng để trở thành khí cụ cứu rỗi, phương tiện của Chúa Thánh Thần, máng chuyển ân sủng cho con người.[42] Việc “tìm lại” này không hề dễ dàng, dầu vậy “phụng vụ không để chúng ta đơn độc trong việc tìm kiếm sự hiểu biết mang tính cá nhân về mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng nắm lấy tay chúng ta, cùng với mọi người, trong cộng đoàn, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm mà Lời Chúa và các dấu chỉ bí tích bày tỏ cho chúng ta.”[43]

Một đòi hỏi mang tính quyết định khác để tìm lại khả năng tiếp cận ngôn ngữ biểu tượng là “cần có sự dạy dỗ hướng đến một thái độ nội tâm cho phép chúng ta sử dụng và hiểu các biểu tượng phụng vụ.”[44]Ý nghĩa của các dấu chỉ vật chất trong phụng vụ đều gắn liền với công trình tạo dựng và văn hoá nhân loại, được xác định qua các biến cố cứu độ, và hoàn tất tròn đầy nơi con người và công trình của Đức Kitô.[45] Các hành động phụng vụ cũng là một thứ ngôn ngữ biểu tượng, nhưng cần có Lời Chúa và lời đáp lại của đức tin, tức kinh nguyện, đi kèm thì ý nghĩa mới rõ ràng chính xác và cuộc gặp gỡ đối thoại của con cái Thiên Chúa với Cha mình trong cử hành phụng vụ mới trở nên sống động.[46]Lời nói và âm nhạc, các cử chỉ và sự thinh lặng, sự di chuyển hay các tư thế, màu sắc phẩm phục được sử dụng trong phụng vụ đều là những hình thức ngôn ngữ biểu tượng khác nhau và có ý nghĩa nhất định trong khi cử hành nên cần được chú tâm và vận dụng cách ý thức và trang nghiêm. “Từng cử chỉ và lời nói của cử hành phụng vụ, khi được thể hiện cách ‘nghệ thuật’, sẽ hình thành nhân cách kitô hữu của mỗi cá nhân và của cả cộng đoàn.”[47]

Ngôn ngữ biểu tượng trong phụng vụ dựa trên logic Nhập thể, hay nói cách khác Nhập thể là nền tảng của biểu tượng phụng vụ.[48] Nhân tính của Đức Giêsu đã trở thành điểm gặp gỡ và lối vào để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Đây là đặc tính cơ bản của một biểu tượng: các vật thể trong không gian và thời gian cùng các hành vi nghi thức đóng vai trò như một cửa ngõ để con người nhận biết và đi đến gặp gỡ thực tại thiêng liêng cao cả. Chính vì thế, người ta không dừng lại ở ngưỡng cửa của các biểu tượng, nhưng là đi qua những lối vào mang tính biểu tượng để trực diện với thực tại cao cả hơn. Biểu tượng thuộc về thế giới vật chất nên có giới hạn, và sự sửng sốt về chúng sẽ sớm qua đi; trái lại, thực tại thiêng liêng – Mầu nhiệm Vượt qua – mà các biểu tượng chuyển tải thì vô hạn nên mới trở thành một nguồn mạch của sự sửng sốt bất tận.

Nơi học hỏi phụng vụ lý tưởng vẫn là chính cử hành phụng vụ, thế nên khi nói về việc đào tạo ở chủng viện, Tông thư dạy: “ngoài chương trình học, chủng viện cũng phải cung cấp những trải nghiệm về việc cử hành phụng vụ, không chỉ mẫu mực về phương diện nghi thức, mà còn phải xác thực và sống động, để có thể sống hiệp thông thực sự với Thiên Chúa.”[49] Người thầy đích thực trong phụng vụ chính là Chúa Thánh Thần, vì chỉ nhờ tác động của Ngài, người ta mới có thể hoàn thiện kiến thức về mầu nhiệm Thiên Chúa, vốn không thể hiểu được bằng trí tuệ mà chỉ cảm nghiệm bằng cả con người và cuộc sống. Chính Chúa Thánh Thần mới giúp chúng ta đạt tới mức độ trọn vẹn của việc đào tạo qua phụng vụ là nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, nhằm xây dựng Nhiệm Thể của Người.[50] Thánh Lêô Cả viết: “Việc thông dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không hướng đến điều nào khác hơn là làm cho chúng ta trở thành Đấng chúng ta ăn”.[51]Đây chính là nền tảng làm nảy sinh và củng cố sự hiệp thông sống động trong tình bác ái huynh đệ giữa các kitô hữu, vốn là chứng tá trước tiên và hữu hiệu nhất cho Tin Mừng.

2. Bảo toàn vẻ đẹp của chân lý trong cử hành phụng vụ

Trong phần kết của bức thư gửi các Giám mục giới thiệu về Tự sắc “Traditionis Custodes”, Đức Phanxicô viết: “Tôi xin anh em cẩn trọng để bảo đảm là từng nghi lễ phụng vụ phải được cử hành cách trang nghiêm và theo đúng các sách phụng vụ được ban hành sau Công đồng Vatican II, tránh những kiểu cách lệch lạc dễ đưa đến lạm dụng.” Trước đây, Đức Gioan Phaolô II cũng đã cảnh báo qua Thông điệp Ecclesia de Eucharistia: “Phải lấy làm tiếc, nhất là từ những năm sau cuộc cải tổ phụng vụ hậu công đồng, vì nhận thức lệch lạc về tính sáng tạo và thích nghi, mà đã có một số lạm dụng gây nên đau khổ cho nhiều người.”[52] Như thế, lạm dụng trong cử hành là một trong những nguyên nhân làm lu mờ vẻ đẹp của phụng vụ canh tân khiến nhiều người phàn nàn.

Sau khi ấn bản Sách lễ Rôma 2002 được công bố, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã ban hành Huấn thị Bí tích Cứu độ (Redemptionis Sacramentum – 25/3/2004) bàn vềmột số vấn đề liên quan đến kỷ luật bí tích Thánh Thể. Huấn thị nhận định như sau:

Chắc chắn là việc canh tân phụng vụ do Công đồng Vatican II khởi xướng đã góp phần rất lớn làm cho tín hữu tham gia cách ý thức, tích cực và mang nhiều hiệu quả hơn vào Hy Tế thánh của bàn thờ. Tuy nhiên, không thiếu những bóng tối. Cho nên, không thể bỏ qua những lạm dụng, đúng là rất nghiêm trọng, phạm đến bản tính của phụng vụ và của các bí tích, và cũng phạm đến truyền thống và uy quyền của Giáo hội.[53]

Việc lạm dụng thường thấy ở nhiều nơi khi người ta không tuân theo các quy tắc phụng vụ, tùy tiện sửa đổi bản văn, sáng tạo nghi thức theo ý riêng, thậm chí còn “đưa vào trong cử hành Thánh lễ những yếu tố nghịch lại với những quy định của các sách phụng vụ, những yếu tố được vay mượn từ các nghi lễ thuộc các tôn giáo khác.”[54]Việc lạm dụng trong phụng vụ như thế có nguy cơ dẫn đến những sai lạc liên quan đến đức tin đúng đắn và giáo lý công giáo, bởi vì luật cầu nguyện (lex orandi) và luật đức tin (lex credendi) có mối liên hệ mật thiết với nhau,[55] và làm tổn hại “tính cách duy nhất thuộc bản chất của nghi chế Rôma.”[56]Đáng nói là những việc làm sai trái trong phụng vụ thường được dán nhãn mác là canh tân, đại kết, thích nghi… nhưng thực chất lại phát xuất từ sự thiếu hiểu biết lẫn thái độ xem nhẹ tính thánh thiêng.[57]Thật ra, những hành động sai trái trong phụng vụ không giúp ích gì trong việc canh tân phụng vụ, cũng chẳng đáp ứng nỗi khát mong Thiên Chúa hằng sống của dân chúng. Trái lại, những hành động này gây chia rẽ trong việc cử hành, dẫn đến nghi ngờ và gương mù trong dân Chúa, đồng thời cũng tạo ra nhiều chống đối xáo trộn và làm phiền lòng nhiều người.[58]

Ngày 02/02/2024 vừa qua, Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố một bản lưu ý (Nota) có tựa đề “Bằng Cử chỉ và Lời nói” (Gestis Verbisque)[59], đưa ra cảnh báo chống lại các hình thức lạm dụng phụng vụ. Bộ ghi nhận: “Cần lưu ý rằng việc cử hành phụng vụ, đặc biệt là các bí tích, không phải lúc nào cũng diễn ra hoàn toàn trung thành với các nghi thức do Giáo hội quy định.”[60]Tài liệu giải thích dựa trên nguyên tắc hiệp nhất[61], cử hành phụng vụ luôn dành chỗ cho “sự đa dạng hợp pháp” và “thích nghi với các nhóm thiểu số, vùng miền và dân tộc khác nhau” như Vatican II đã xác định, nhưng khả năng này “không được phương hại đến sự hiệp nhất, trái lại còn phục vụ cho sự hiệp nhất đó.”[62] Đồng thời, tài liệu nhấn mạnh rằng: “Việc tự ý sửa đổi công thức cử hành bí tích không cấu thành một sự lạm dụng phụng vụ đơn thuần, như vi phạm một quy tắc xác thực, nhưng là một tổn thương đồng thời cho sự hiệp thông trong Giáo hội cũng như cho khả năng nhận biết hành động của Chúa Kitô.”

Để phòng tránh và loại trừ những thực hành lệch lạc làm lu mờ vẻ đẹp của chân lý trong phụng vụ, từ linh mục đến các thừa tác viên cũng như giáo dân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Giáo hội. Nguyên nhân sâu xa của việc lạm dụng, thờ ơ với phụng vụ là sự hạn chế trong hiểu biết ý nghĩa thần học của phụng vụ và sự thiếu sót nghiêm trọng khả năng tiếp cận ngôn ngữ biểu tượng. Vì thế, việc thiết yếu và khẩn cấp phải làm là đào tạo dân Chúa, cả mục tử lẫn đoàn chiên, về kinh thánh và phụng vụ, để “đức tin và kỷ luật của Giáo hội liên quan đến phụng vụ thánh được trình bày và lĩnh hội một cách đúng đắn.”[63]

Một điểm nhấn khác của việc đào tạo phụng vụ nhằm góp phần bảo toàn vẻ đẹp của chân lý trong cử hành được Đức Phanxicô lưu ý cách đặc biệt là nghệ thuật cử hành – ars celebrandi. Đây không chỉ là cách thức tốt nhất giúp cho sự tham dự phụng vụ được sống động, mà còn là giải pháp “phục vụ cho chân lý của mầu nhiệm Vượt Qua và sự thông phần mầu nhiệm ấy nơi tất cả những người đã được rửa tội, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình.”[64] Ngoài hiểu biết về tính năng động, bản chất đặc thù và hiệu năng của ngôn ngữ biểu tượng, nghệ thuật cử hành còn cần có sự hiểu biết về tính năng động trong phụng vụ và cách thức Chúa Thánh Thần tác động trong mỗi cử hành.[65] Cử hành với những hiểu biết trên giúp người tín hữu nuôi dưỡng ý thức về sự thánh thiêng, cảm nhận nét đẹp của phụng vụ, thúc đẩy sự sùng kính và khao khát tham dự vào vinh quang Thiên Chúa.

Toàn thể cộng đoàn phụng vụ đều phải chú tâm đến nghệ thuật cử hành, nhưng các thừa tác viên đã lãnh chức thánh càng phải quan tâm đặc biệt hơn. “Những người đã lãnh bí tích Truyền Chức có nhiệm vụ không thể chối từ trong việc giữ cho nghệ thuật cử hành được đúng đắn. Các Giám mục, linh mục và phó tế, mỗi người theo chức năng của mình, phải xem việc cử hành như bổn phận chính của mình.”[66] Trọng trách “cầm tay các tín hữu đã được rửa tội để đưa họ vào những trải nghiệm thường xuyên của mầu nhiệm Vượt Qua” đòi hỏi các thừa tác viên có chức thánh “vừa nắm rõ lộ trình trên bản đồ nghiên cứu thần học, vừa phải siêng năng cử hành phụng vụ để có những trải nghiệm về một đức tin sống động, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện.”[67] Các linh mục phải luôn ghi khắc lời giám mục nói trong nghi thức Truyền chức: “Hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con cử hành, và rập mẫu đời sống con theo mầu nhiệm Thánh giá Chúa.”[68]

Vẻ đẹp phụng vụ là con đường dẫn con người đến với Thiên Chúa, đồng thời là biểu hiện vẻ đẹp toàn mỹ của Người. Chính vẻ đẹp của Thiên Chúa mới là điều lôi kéo con người đến với sự thánh thiêng, đi sâu vào mầu nhiệm và vinh quang Phục sinh, nhằm được biến đổi hoàn toàn nhờ vẻ đẹp thần linh và được tham dự vào sự viên mãn trọn vẹn của mầu nhiệm. Bảo toàn vẻ đẹp chân lý trong cử hành phụng vụ không chỉ liên quan đến tính thành sự bí tích hay hiệu quả của việc cử hành, mà còn nhằm bảo vệ sự hiệp nhất trong Hội thánh.

Tóm lại, Thiên Chúa vẫn mong ở giữa nhân loại. Khát mong của Thiên Chúa cũng là mong muốn của Giáo hội. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận định: “cử hành phụng vụ trở thành một nơi đặc biệt – mặc dù không phải là nơi duy nhất – của cuộc gặp gỡ với Chúa.”[69] Qua nỗ lực canh tânphụng vụ của Công đồng Vatican II, và trong các giáo huấn về phụng vụ cũng như đào tạo phụng vụ, Giáo hội mong muốn là toàn thể dân Chúa, tùy theo phận vụ của mỗi người, có thể thoát ra khỏi những chọn lựa và suy tư có tính chủ quan và cá nhân, để cùng với kinh nghiệm về phụng vụ qua những dấu chỉ và hình thức bề ngoài của cử hành, có thể đụng chạm tới những thực tại cao cả phía sau những dấu chỉ đó. Nhờ đó, chúng ta mới thực sự gặp được chính Đức Kitô, Đấng luôn khao khát và chờ đợi chúng ta đến dự tiệc Vượt Qua với Người.

Trích Tập san Chia Sẻ – Phụng vụ và Đời sống Thánh hiến, số 113 (Tháng 3/2024)

Nguồn: phatdiem.org


[1] ĐGH Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi, ban hành ngày 29/06/2022.

[2] x. Tông thư Desiderio Desideravi (DD), đoạn kết.

[3]Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli.

[4] x. Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội (Gaudium et Spes), s. 22.

[5] Irenæus Lugdunensis, Adversus hæreses IV,20,7.

[6] x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLCG), s. 2560.

[7]x. GLCG, s. 1097.

[8]Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng Vụ, Nguyễn Luật Khoa , OFM biên dịch, Tôn giáo: Hà Nội, 2007, tr. 24.

[9] x. Desiderio Desideravi (DD), s. 24.

[10] x. sđd, s. 4.

[11]sđd, s. 6.

[12]sđd, s. 21.

[13] x. sđd, số 10.

[14]x. Lêô Cả, Sermo LXXIVDe ascensione Domini II, 1: “việc nhìn thấy Đấng Cứu thế đã chuyển sang các bí tích”.

[15] x. DD, số 11.

[16] x. CĐ Vatican II, Sacrosanctum Concilium (SC), số 23.

[17] x. sđd, s. 34.

[18] x. sđd, s. 51.

[19] x. sđd, s. 14.

[20] x. sđd, s. 36.

[21] x. sđd, s. 37.

[22] x. sđd, ss. 14, 48, 50, 79.

[23] ĐGH Phanxicô, Tự sắc Traditionis custodes (16/7/2021), Điều 1.

[24] ĐGH Phanxicô, Letter of the Holy Father Francis to the Bishops of the whole world, that accompanies the Apostolic Letter motu proprio data “traditionis custodes” (July 16, 2021), https://www.vatican.va/content/francesco/en/letters/2021/documents/20210716-lettera-vescovi-liturgia.html

[25] ĐGH Bênêđíctô XVI, Letter of His Holiness Benedict XVI to the Bishops on the occasion of the publication of the Apostolic Letter “motu proprio data” Summorum Pontificum (July 7, 2007), https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/letters/2007/documents/hf_ben-xvi_let_20070707_lettera-vescovi.html

[26]Desiderio Desideravi (DD), s. 31.

[27] x. DD, s. 31.

[28] Cha Romano Guardini (1858-1968) là một linh mục người Đức, cũng là một triết gia và thần học gia. Ngài theo chủ nghĩa nhân vị trong trường phái hiện tượng học, và từ quan điểm đó đã nghiên cứu và viết nhiều về phụng vụ góp phần vào phong trào phụng vụ thế kỷ XX. Ngài dành phần lớn công việc của mình để tìm hiểu cách con người trải nghiệm phụng vụ và đào tạo con người gặp gỡ Thiên Chúa sâu sắc hơn trong phụng vụ.

[29] R. Guardini, Der Kultakt und die gegenwärtige Aufgabe der Liturgischen Bildung (1964) in Liturgie und liturgische Bildung (Mainz 1992) trg 14.

[30] x. DD, s. 34.

[31] x. Sđd, s. 35.

[32]Sđd, s. 25.

[33]Sđd, s. 24.

[34] x. Sđd, s. 20.

[35]Sđd, s. 21.

[36] x. Sđd, s. 22.

[37] x. Sđd, s. 27.

[38] R. Guardini Liturgische Bildung (1923) trong Liturgie und liturgische Bildung (Mainz 1992) trg. 36.

[39] x. Timothy Eck, “Overview of Desiderio Desideravi”, (28/7/2022), https://www.hprweb.com/2022/07/overview-of-desiderio-desideravi/

[40]GLCG, s.1148.

[41] x. DD, s. 44.

[42]Sđd, s. 46.

[43]Sđd, s. 19.

[44]Sđd, s. 47.

[45] x. GLCG, s.1145.

[46] x. Sđd, s.1153.

[47]Desiderio Desideravi, s. 53.

[48] x. Sđd, s. 44.

[49]Sđd, s. 39.

[50]Sđd, s. 41.

[51] Lêô Cả, Sermo LXIII: De Passione Domini III, 7.

[52]ĐGH Gioan-Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia(17/4/2003)s. 52; x. s. 29.

[53] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn thị Bí tích Cứu độ (Redemptionis Sacramentum), s. 4.

[54] x. Redemptionis Sacramentum (RS), s. 79.

[55] x. ĐGH Gioan-Phaolô II, Thông điệpEcclesia de Eucharistia, s. 10.

[56]Hiến chế Sacrosanctum Concilium, s. 38.

[57] x. Redemptionis Sacramentum, ss. 7–9.

[58]Sđd., s. 11.

[60] Bộ Giáo lý Đức tin, Gestis Verbisque, s. 2.

[61]Gestis Verbisque, ss 21-22.

[62] x. Vatican II, Lumen Gentium (LG), s. 13.

[63] x. Redemptionis Sacramentum, s. 170.

[64]Tông thưDesiderio Desideravi, s. 62.

[65] x. Sđd, s. 49.

[66]x. Tông huấnSacramentum Caritatis, số 39.

[67] x. Desiderio Desideravi, s. 36.

[68] Nghi thức Truyền chức 1990.

[69]Desiderio Desideravi, s. 33.

Có thể bạn quan tâm