Giải phóng khỏi tội lỗi là cuộc giải phóng mang tính căn cơ và cốt yếu nhất (2)

1057 lượt xem

Chúng ta đang ở vào chặng cuối của Mùa Sám Hối, phụng vụ Lời Chúa trong thời gian này cho chúng ta thấy những khuôn mặt phản diện trong Tin Mừng ngày càng bộc lộ tính cố chấp của họ. Đó là các kinh sư, biệt phái, những thành phần ưu tuyển trong giới lãnh đạo Do thái giáo. Nơi họ, mối hiềm thù, sự ghen tương đố kỵ với Chúa Giêsu đang ngày một dâng cao, cộng thêm tính tự hào, kiêu căng, ngạo mạn cho rằng mình là con cháu của tổ phụ Abraham, đã giam hãm họ trong định kiến ngàn đời về một quan niệm tôn giáo với phương cách giải thoát duy nhất là trung thành với Lề Luật.

Và qua những khuôn mặt phản diện, Tin Mừng cũng làm nổi bật dung mạo khả ái, nhân từ, giàu lòng thương xót thứ tha của Chúa Giêsu.

Với thái độ cố chấp và kiêu ngạo, người Do thái đã không thể thấu hiểu được những điều Chúa Giêsu muốn mặc khải. Chúa Giêsu luôn nói về những giá trị tâm linh cao cả, nói về thực tại nước trời, về những giá trị trường cửu; còn giới lãnh đạo Do thái giáo lại chỉ tập trung vào những giá trị mang tính trần thế, những gì trước mắt, những toan tính đời thường, thiển cận và nông nổi. Đấng Messia mà họ mong đợi cũng mang màu sắc chính trị, cuộc giải phóng mà họ muốn thực hiện hoàn toàn nhuốm màu thế tục. Còn Đức Giêsu, vai trò và sứ mệnh của Ngài đâu phải để thiết lập sự cường thịnh của vương quốc trần thế. Ngài đến thế gian không phải để thiết lập nước vinh quang trần thế mà thiết lập nước trời vinh phúc vĩnh cửu. Ngài đến trần gian không dạy đường lối vào trần gian hư nát, nhưng chỉ cho con người đường vào Nước Trời muôn thuở. Ngài đến trần gian chỉ để hy sinh phục vụ như một tôi tớ hiền lành, khiêm nhường, chứ không phải để được người ta hầu hạ phục vụ như vua chúa trần gian. Ngài cũng cho chúng ta biết tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của thế gian. Trong Nước Trời người lãnh đạo phải là người phục vụ. Nhưng người Do thái thì cứ nghĩ Đức Giêsu sẽ đập tan gông cùm nô lệ cho xứ sở, giải thoát dân tộc khỏi ách độ hộ của đế quốc Rôma, rồi sẽ lãnh đạo Israel.

Chính sự xa cách trong quan niệm như thế đã dẫn người Do thái đến việc hiểu sai các sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu muốn gửi đến. Họ không thể nắm bắt được ý nghĩa của tự do và nô lệ, sống và chết mà Chúa Giêsu nói đến. Với Chúa Giêsu, nô lệ, đó chính là nô lệ cho tội lỗi, một thế lực sự dữ đang ẩn nấp phía sau bức bình phong Lề Luật mà Người Do thái thường dùng để che đậy những việc làm mờ ám, khuất tất, những điều bất chính. Vì thế, tự do ở đây cũng được hiểu là tự do trong ân sủng của con cái Chúa, tự do khi con người thoát khỏi sự kiềm tỏa, giam hãm của tội lỗi. Đó mới là tự do đích thực, đó mới là tự do mang tính nền tảng, thứ tự do mà Chúa Giêsu muốn đem đến cho con người.

Cùng với cặp phạm trù tự do nô lệ, ý nghĩa của việc sống, chết cũng phải được hiểu trong chuỗi logich đó. Nghĩa là cuộc sống con người không chỉ sống với chiều kích thân xác, với sự sống thể lý… Cuộc sống đâu chỉ tìm kiếm thỏa mãn những nhu cầu ăn, mặc, ngủ, nghỉ, đi lại và các tiện nghi; nhưng còn bằng các mối tương quan khác nữa, như tình bạn, tình yêu, sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau, việc đón nhận nhau, lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, tương trợ, liên đới, bao dung và tha thứ… Thiếu những tương quan này, con người sẽ rất khó sống cho ra người, sống đúng với phẩm giá của mình.

Với ý nghĩa đó, chỉ có Lời Chúa mới mang lại cho con người sự sống đích thực, sự sống tinh thần, sự sống tâm linh phong phú, khỏa lấp mọi cơn khát đang gào thét réo gọi trong con người xác thịt chúng ta. Như Chúa Giêsu đã nói: Nếu ai ở lại trong lời của Ta, thì người đó sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng họ khỏi những ràng buộc của tội lỗi; và nếu ai tuân giữ lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết.

Xin Chúa cho chúng con biết nhận ra nơi Lời Chúa sức sống vô biên, sức sống trường cửu mang lại bình an, hạnh phúc đích thực cho con người. Amen./.

BBT

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận