Sáng Chúa Nhật ngày 29/6, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Lêô đã dâng Thánh Lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, và ngài đã làm phép và đeo dây Pallium cho 54 Tân Tổng Giám mục đến từ 27 quốc gia được bổ nhiệm trong năm vừa qua. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự hiệp thông và hiệp nhất giữa hai thánh Phêrô và Phaolô, bất chấp khác biệt và đôi khi xung khắc giữa họ. Đó cũng là lời mời gọi cho các Kitô hữu ngày nay.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta mừng kính hai người anh em trong đức tin: thánh Phêrô và thánh Phaolô, những vị được chúng ta nhìn nhận là các cột trụ của Hội Thánh và tôn kính như quan thầy của giáo phận và thành Roma.
Lịch sử của hai vị Tông Đồ này cũng đặt vấn đề cách sâu sắc với chúng ta hôm nay, cộng đoàn các môn đệ của Chúa đang lữ hành trong thời đại của mình. Khi chiêm ngắm chứng tá của các ngài, tôi muốn nhấn mạnh đến hai khía cạnh: sự hiệp thông Giáo Hội và sự sống động của đức tin.
Trước hết là sự hiệp thông Giáo Hội. Phụng vụ của ngày đại lễ hôm nay cho chúng ta thấy rằng Phêrô và Phaolô đã được kêu gọi bước vào cùng một định mệnh – đó là tử đạo – và nhờ đó các ngài được kết hợp vĩnh viễn với Đức Kitô. Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta gặp thánh Phêrô bị cầm tù, đang chờ ngày bản án được thi hành (x. Cv 12,1-11); còn trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô, cũng bị xiềng xích, như đang để lại một bản di chúc thiêng liêng khi khẳng định rằng: máu của ngài sắp được đổ ra như lễ tế dâng lên Thiên Chúa (x. 2 Tm 4,6-8.17-18). Như thế, cả Phêrô lẫn Phaolô đều đã hiến mạng sống mình vì Tin Mừng.
Tuy nhiên, sự hiệp thông trong cùng một lời tuyên xưng đức tin ấy không phải là điều có sẵn hay đạt được một cách dễ dàng. Hai vị Tông Đồ đã đạt tới sự hiệp nhất ấy như một đích đến, sau một hành trình dài, trong đó mỗi người đã đón nhận đức tin và thi hành sứ vụ theo cách riêng. Tình huynh đệ trong Thánh Thần của các ngài không xóa bỏ sự khác biệt ban đầu: Simon là một người đánh cá xứ Galilê, còn Saulô là một trí thức nghiêm khắc, thuộc nhóm Pharisêu; người thứ nhất lập tức bỏ mọi sự để đi theo Chúa; người thứ hai thì bắt bớ các Kitô hữu cho đến khi được Chúa Phục Sinh biến đổi; Phêrô rao giảng chủ yếu cho người Do Thái, còn Phaolô được thúc đẩy đem Tin Mừng đến cho muôn dân.
Chúng ta biết rõ rằng giữa hai vị cũng có lúc xung đột, đặc biệt liên quan đến cách ứng xử với người ngoại. Phaolô đã viết: “Khi Kêpha đến Antiôkia, tôi đã chống đối ông công khai, vì ông đã sai” (Gl 2,11). Và chính vấn đề ấy sẽ được Công đồng Giêrusalem bàn đến, nơi hai vị tiếp tục đối thoại và trao đổi.
Anh chị em thân mến, lịch sử của hai thánh Phêrô và Phaolô dạy chúng ta rằng: sự hiệp thông mà Chúa mời gọi chúng ta chính là một sự hòa điệu của nhiều giọng nói và gương mặt khác nhau, chứ không hề triệt tiêu tự do của mỗi người. Hai vị Quan Thầy của chúng ta đã đi những con đường khác nhau, có những ý kiến khác nhau, thậm chí thẳng thắn tranh luận và đối thoại với nhau theo tinh thần Tin Mừng. Thế nhưng, tất cả điều đó không ngăn cản các ngài sống trong một sự hòa hợp tông đồ (concordia apostolorum), nghĩa là một hiệp thông sống động trong Thánh Thần – một sự đồng điệu phong phú trong khác biệt. Thánh Augustino đã nói: “Một ngày duy nhất được dành để mừng kính hai vị tông đồ; vì các ngài tuy hai mà là một. Dù chịu tử đạo vào những ngày khác nhau, các ngài vẫn là một” (Bài giảng 295, 7.7).
Điều này mời gọi chúng ta suy tư về hành trình xây dựng sự hiệp thông trong Hội Thánh. Sự hiệp thông ấy bắt nguồn từ tác động của Chúa Thánh Thần, kết hiệp những khác biệt và xây những nhịp cầu hiệp nhất giữa sự đa dạng của các đặc sủng, ân sủng và thừa tác vụ. Điều quan trọng là chúng ta học cách sống sự hiệp thông ấy như là sự hiệp nhất trong đa dạng – để cho sự phong phú của các ân huệ, khi được quy tụ trong cùng một lời tuyên xưng đức tin, góp phần làm cho việc loan báo Tin Mừng sinh hoa kết quả. Trên con đường này, chúng ta được mời gọi bước đi, noi gương hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, bởi vì tất cả chúng ta đều cần đến mối hiệp thông huynh đệ ấy. Hội Thánh cần các mối tương quan giữa giáo dân và linh mục, giữa linh mục và giám mục, giữa các giám mục và Giáo Hoàng; cũng như đời sống mục vụ, cuộc đối thoại đại kết và tình bạn mà Hội Thánh mong muốn thiết lập với thế giới hôm nay đều cần đến mối hiệp thông ấy. Chúng ta hãy nỗ lực biến những khác biệt của mình thành một phòng thực nghiệm của hiệp nhất và hiệp thông, của tình huynh đệ và hòa giải, để mỗi người trong Hội Thánh, với hành trình riêng của mình, học biết cách đồng hành với người khác.
Hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô cũng chất vấn chúng ta về sự sống động trong đức tin của chúng ta. Trong kinh nghiệm làm môn đệ, luôn có nguy cơ rơi vào thói quen, hình thức vụ hình thức, hoặc lặp lại những mô hình mục vụ cũ mà không được canh tân, không lắng nghe những thách đố của hiện tại. Trái lại, lịch sử của hai vị Tông Đồ truyền cảm hứng cho chúng ta nhờ sự sẵn lòng của các ngài trong việc mở lòng trước những thay đổi, để cho các biến cố, các cuộc gặp gỡ và những hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn lên tiếng chất vấn mình; nhờ sự dấn thân tìm kiếm những con đường mới cho công cuộc loan báo Tin Mừng, khởi đi từ những vấn nạn và thao thức của anh chị em tín hữu.
Ở trung tâm của đoạn Tin Mừng hôm nay là câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ – và cũng là câu hỏi Người đặt ra cho chúng ta hôm nay – để giúp chúng ta phân định xem: liệu hành trình đức tin của chúng ta còn sinh động và sống động không, liệu ngọn lửa tương quan với Chúa vẫn còn đang bừng cháy không: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15).
Mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc của lịch sử, chúng ta đều phải chú tâm đến câu hỏi này. Nếu không muốn cho đời sống Kitô hữu chỉ còn là một di sản của quá khứ – như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc nhở – thì điều quan trọng là phải vượt qua nguy cơ của một đức tin mỏi mệt và tê liệt. Chúng ta cần tự hỏi: Hôm nay, Đức Giêsu Kitô là ai đối với tôi? Người giữ vị trí nào trong đời sống tôi và trong sứ mạng của Hội Thánh? Làm sao để tôi có thể làm chứng cho niềm hy vọng ấy trong đời sống hằng ngày và loan báo điều đó cho những người tôi gặp gỡ?
Anh chị em thân mến, việc phân định – được khơi dậy từ những câu hỏi này – sẽ giúp đức tin và Hội Thánh chúng ta không ngừng được canh tân, đồng thời mở ra những nẻo đường và cách thế mới để loan báo Tin Mừng. Đây là điều phải là mong ước hàng đầu của chúng ta, cùng với sự hiệp thông. Hôm nay, tôi đặc biệt muốn ngỏ lời với Hội Thánh tại Roma, vì hơn bao giờ hết, Hội Thánh này được mời gọi trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông – một Hội Thánh bừng cháy ngọn lửa đức tin sống động, một cộng đoàn các môn đệ làm chứng cho niềm vui và sự an ủi của Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh nhân sinh.
Trong niềm vui của sự hiệp thông mà hành trình của hai thánh Phêrô và Phaolô mời gọi chúng ta vun trồng, tôi xin thân ái chào các vị Tổng Giám Mục hôm nay nhận Dây Pallium. Anh em thân mến, dấu chỉ này, trong khi nhắc nhớ sứ vụ mục tử được trao phó cho anh em, cũng diễn tả sự hiệp thông với Giám mục Roma, để trong sự hiệp nhất của đức tin Công giáo, mỗi người anh em có thể dưỡng nuôi đức tin ấy trong các Giáo hội địa phương được ủy thác cho mình.
Tôi cũng muốn gửi lời chào đến các thành viên Thượng Hội Đồng của Giáo hội Công giáo nghi lễ Hy Lạp – Ucraina: xin cảm ơn sự hiện diện của anh em nơi đây và lòng nhiệt thành mục vụ của anh em. Xin Chúa ban hòa bình cho dân tộc anh em!
Và với lòng biết ơn sâu xa, tôi chào đón Phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Đại Kết, được gửi đến đây bởi người anh em yêu dấu của tôi, Đức Thượng Phụ Barthôlômêô.
Anh chị em thân mến, được xây dựng trên chứng tá của hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trong đức tin và sự hiệp thông, đồng thời khẩn cầu sự chuyển cầu của các ngài cho tất cả chúng ta, cho thành Roma, cho Hội Thánh và cho toàn thế giới.
Nguồn: vaticannews.va
Có thể bạn quan tâm
Vatican và hành trình kiến tạo hòa bình tại Gaza
Th7
Giữa Sóng Dữ – Lời Nguyện Cho Kiếp Người Mong Manh
Th7
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Hạt Văn Hạnh Lần Thứ IV: Hành Trình..
Th7
VPTGM-GPHT: Thông Báo Việc Cử Hành Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người..
Th7
Hồng Ân Thánh Thần Ngập Tràn Trong Ngày Khai Mạc Tuần Chầu Xứ..
Th7
Suy Niệm Chúa Nhật XVI TN C – Hai Khuôn Mặt Của Một..
Th7
Chuyến thăm mục vụ của Đức cha Louis tại Giáo hạt Minh Cầm
Th7
Cách nghỉ hè ý nghĩa theo các Giáo hoàng
Th7
Thư Mời Tham Dự Buổi Hội Thảo Sứ Điệp Truyền Giáo Của Đức..
Th7
Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thông Cáo Báo Chí Ngày..
Th7
Việc Thuyên Chuyển Linh Mục – Một Điều Bình Thường Và Cần Thiết..
Th7
Ủy Ban Phụng Tự Thông Báo Về Việc Cử Hành Lễ Tro Năm..
Th7
TGM-GPHT: Thông báo thuyên chuyển và bổ nhiệm Linh mục năm 2025
Th7
VP-TGMHT: Thông Báo Thành lập Giáo xứ mới và Giáo họ độc lập
Th7
Giáo Hạt Cẩm Xuyên Hân Hoan Hành Hương Năm Thánh Hy Vọng
Th7
Ban Đào tạo – Tiểu ban mục vụ ơn gọi: Thông báo nhận..
Th7
Đức Cha Louis Dâng Thánh Lễ An Táng Cho Thân Phụ Cha Phêrô..
Th7
Thần Khí Sự Sống- Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Tại Giáo..
Th7
Chuyện Cái Gương Soi
Th7
Sứ Điệp Đức Thánh Cha Cho Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người..
Th7