ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ
ĐƯỜNG MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 7 năm 2020
Các bạn trẻ thân mến,
Tháng Sáu vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Trái Tim. Tháng Bảy này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Mục Tử Nhân Lành. Hình ảnh mục tử và đoàn chiên là hình ảnh phổ biến diễn tả nội dung đức tin Ki-tô Giáo. Trong Cựu Ước, hình ảnh này chủ yếu diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Do-thái, Dân Riêng của Người. Trong Tân Ước, hình ảnh này diễn tả tương quan giữa Đức Giê-su và toàn thể mọi người trong gia đình nhân loại. Đây cũng là hình ảnh được sử dụng để diễn tả tương quan giữa các vị lãnh đạo trong Giáo Hội và những người mà các vị được ủy thác chăm sóc.
Hai bên tường các Hang Toại Đạo (Catacombs: Đất Thánh hay Nghĩa Trang dưới lòng đất) ở ngoại thành Rô-ma, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ hai và thứ ba sau Chúa Giáng Sinh, người ta khắc vẽ nhiều hình ảnh, trong đó nổi bật nhất là hình ảnh Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành vác con chiên trên vai. Câu hỏi đặt ra là tại sao người ta lại khắc vẽ hình ảnh này? Thưa, bởi vì, đây là hình ảnh diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su cách đơn sơ và thân mật nhất. Các tín hữu luôn tin tưởng rằng Đức Giê-su đến trần gian để qui tụ và dẫn dắt đoàn chiên tản mát vì tội lỗi và sự chết về cho Thiên Chúa.
Sách Sáng Thế, cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh, cho chúng ta biết rằng A-ben, Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp là những người chăn chiên. Tất cả 12 con trai của Gia-cóp đều là những người chăn chiên. Còn Mô-sê, một người Do-thái, sau khi được vớt lên từ sông Nin đã sống ở cung điện nhà vua Ai-cập. Tuy nhiên, trong cơn nguy khốn, Mô-sê đã vào sa mạc và trở thành người chăn chiên. Đa-vít cũng vậy, là một người chăn chiên, được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành vị vua lừng lẫy nhất của dân tộc Do-thái. Việc dùng hình ảnh chủ chăn và đoàn chiên để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Do-thái, được đề cập khá nhiều trong Cựu Ước, chẳng hạn như trong sách Dân Số, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Thánh Vịnh, I-sai-a, A-mốt, Da-ca-ri-a.
Tương truyền rằng khi Mô-sê chăn chiên cho bố vợ (trước khi lãnh nhận sứ vụ dẫn dắt Dân Do-thái), thì một con chiên nhỏ tự mình tách khỏi đoàn. Mô-sê theo bước con chiên mà không hiểu lý do tại sao nó lại ra đi như vậy. Đến chỗ có khe nước nhỏ, con chiên dừng lại và uống nước. Mô-sê nói với con chiên một cách âu yếm: “Tao không biết mày khát nước, có lẽ mày rất mệt rồi?” Sau khi nói như vậy, Mô-sê vác con chiên lên vai và đưa về với đoàn chiên. Thiên Chúa nói với Mô-sê: “Vì con đã có hành động hào hiệp như vậy đối với con chiên nhỏ, con xứng đáng là người chăn dắt đoàn chiên của Ta.” Đó là lý do giải thích tại sao Mô-sê được Thiên Chúa tuyển chọn để dẫn dắt Dân Do-thái về Đất Hứa.
Liên hệ giữa người chăn chiên và đoàn chiên ở Pa-lét-tin thời Đức Giê-su khác biệt với nhiều nơi trên thế giới trong bối cảnh hiện tại, chẳng hạn như ở Mỹ, Canada, Anh, Australia, New Zealand. Ở những nước phát triển này, chiên được chăn thả mà không nhất thiết phải có ai bên cạnh. Người ta thường phân vùng cỏ cho đoàn chiên. Chẳng hạn, hôm nay, đoàn chiên ăn cỏ vùng này, ngày mai vùng khác. Ở Pa-lét-tin, người chăn chiên và đoàn chiên rất gần gũi với nhau, người chăn chiên luôn hiện diện với đoàn chiên, biết từng con chiên và đặt tên cho nó.
Trong miền Pa-lét-tin, đất đai cằn cỗi, đoàn chiên luôn cần sự dẫn dắt của người chăn để có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác, hầu có đủ thức ăn qua ngày. Hơn nữa, với nơi hoang mạc như vậy, nguồn nước luôn là thách đố lớn đối với người chăn chiên. Sự bảo đảm cho đoàn chiên có đủ thức ăn, nước uống luôn là vấn đề cấp thiết. Ngoài việc tìm kiếm thức ăn mỗi ngày, đoàn chiên phải đối diện với những hiểm nguy khác, chẳng hạn như sói dữ hay những người trộm cướp. Càng đối diện với nghịch cảnh thiếu thức ăn, nước uống, thú dữ hay những người trộm cướp, đoàn chiên càng lệ thuộc vào người chăn.
Hình ảnh người chăn chiên và đoàn chiên ăn sâu vào truyền thống, văn hóa và tôn giáo Do-thái. Khi diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người, tác giả Thánh Vịnh 23 đã viết: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23,1). Chúng ta tóm lược một số ý tưởng chính yếu của Thánh Vịnh này như sau: Mục tử cung cấp đầy đủ nhu cầu cho đoàn chiên; mục tử cho đoàn chiên nghỉ ngơi; mục tử hướng dẫn đoàn chiên đi trên đường ngay nẻo chính; mục tử trang bị những gì cần thiết để bảo vệ đoàn chiên; mục tử an ủi đoàn chiên; mục tử bồi bổ sức sống đoàn chiên; mục tử ở lại với đoàn chiên luôn mãi. Những nhân vật lãnh đạo quan trọng trong lịch sử dân tộc Do-thái, đặc biệt Áp-ra-ham, Mô-sê và Đa-vít là những hình ảnh tiên báo về Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành.
Trong Biến Cố Giáng Sinh, những người đầu tiên đến với Đức Giê-su không phải là các chuyên gia Kinh Thánh, những bậc vị vọng trong dân tộc Do-thái hay những người quyền cao chức trọng của đế chế Rô-ma đang cai trị miền đất này, nhưng lại là những mục đồng (những mục tử nhí) đơn sơ hèn mọn. Họ đến với Đức Giê-su bằng cả tâm hồn. Không những thế, giữa đêm đông giá lạnh, đoàn chiên của các mục đồng đã sưởi ấm Đức Giê-su, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Các mục đồng đơn sơ và những con chiên hiền lành rất vui mừng vì đã được tiếp xúc với Người Bạn Lớn là Mục Tử Nhân Lành trong hình hài trẻ thơ. Đức Giê-su có được kinh nghiệm đầu tiên trong đời mình về tương quan giữa người chăn chiên và đoàn chiên. Như vậy, những gì Kinh Thánh Cựu Ước nói về Đức Giê-su đã được ứng nghiệm từ thuở sơ sinh, chứ không phải đến khi Người loan báo Tin Mừng cách công khai.
Không chỉ các mục đồng và đoàn chiên đến với Đức Giê-su, trong Biến Cố Giáng Sinh còn có sự thăm viếng của các đạo sĩ từ phương xa nữa, họ là ‘dân ngoại’ (Mt 2,1-12). Các mục đồng, những người chăm sóc đoàn chiên, luôn sống trong cảnh ‘màn trời chiếu đất’. Họ có cơ hội ‘nhìn trời’ nhiều hơn những người khác và cảm nhận được sự kỳ vĩ của công trình Thiên Chúa sáng tạo với tâm hồn đơn sơ, chất phác của mình. Các đạo sĩ là những người học cao trông rộng, họ là các nhà chiêm tinh, những chuyên gia về bầu trời. Ngôi Sao Giáng Sinh xuất hiện ở Phương Đông, tuy nhiên nhiều người đã không nhận ra, bởi vì họ không có tâm hồn hướng về trời cao. Các đạo sĩ nhìn thấy Ngôi Sao Giáng Sinh xuất hiện lạ thường, phân biệt với các ngôi sao khác trên bầu trời. Các mục đồng và các đạo sĩ, những người ở gần và những người ở xa, những người ‘có đạo’ và những người ‘ngoại đạo’, những người hèn mọn và những người cao sang đại diện cho những nhóm người khác nhau trong xã hội, nhưng lại có cùng tâm thức. Họ rất khiêm tốn và luôn chuẩn bị tâm hồn cho những gì mới mẻ xuất hiện. Đó là lý do giải thích tại sao trong Biến Cố Giáng Sinh, các mục đồng và các đạo sĩ vội vã ra đi, muốn càng sớm gặp gỡ Đức Giê-su càng tốt.
Kinh nghiệm lịch sử Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng những người biết ngạc nhiên trước công trình kỳ vĩ của thế giới thụ tạo và gần gũi với thế giới thụ tạo, thì cảm nhận được sự hiện diện và hoạt động của Đấng Sáng Tạo. Những người biết ‘nhìn trời’ thì biết lắng nghe ‘ý trời’, thấu hiểu ‘ý trời’, đồng hóa ‘ý trời’ và hành động theo ‘ý trời’. Hình ảnh các mục đồng và các đạo sĩ cho chúng ta rút ra hệ luận rằng tâm hồn đơn sơ và lý trí lành mạnh là điều kiện cần thiết để con người nhận ra chương trình của Thiên Chúa. Còn những kẻ lắm chữ như các kinh sư, thượng tế và nhiều quyền như Hê-rô-đê lại không có cơ hội gặp gỡ Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, bởi vì tâm họ không lành và trí họ không sáng. Tâm trí họ không hướng về trời cao, nhưng chỉ hướng về lợi lộc trần gian và những gì bảo đảm cho thanh danh mình được người đời biết đến mà thôi.
Trong Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an (Ga 10,1-18), Đức Giê-su nói rằng Người là Mục Tử Nhân Lành để diễn tả sự khác biệt giữa Người và các vị lãnh đạo Do-thái, đặc biệt những người Pha-ri-sêu trong dấu lạ Người thực hiện để chữa người mù từ lúc mới sinh ở phần trước đó (Ga 9,1-41). Quả thật, các vị lãnh đạo Do-thái, nhất là những người Pha-ri-sêu không có tâm thức đối với dân chúng như Đức Giê-su. Họ là những ‘người lạ’. Đức Giê-su phân biệt giữa Mục Tử Nhân Lành và người lạ như sau: Mục Tử Nhân Lành luôn đi đường chính trực, người lạ đi đường gian trá; Mục Tử Nhân Lành quan tâm đến đoàn chiên, người lạ quan tâm đến mình; Đoàn chiên nhận ra tiếng Mục Tử Nhân Lành, không nhận ra tiếng người lạ; Mục Tử Nhân Lành qui tụ đoàn chiên, người lạ phân tán đoàn chiên; Mục Tử Nhân Lành bảo vệ đoàn chiên trước hiểm nguy, người lạ tìm đường tháo chạy; Mục Tử Nhân Lành thí mạng sống mình vì đoàn chiên, người lạ tìm cách bảo tồn mạng sống mình; Mục Tử Nhân Lành đưa đoàn chiên tới sự sống đời đời, người lạ tìm lợi ích cho mình trong sự sống đời này.
Đức Giê-su còn đề cập đến một số hình ảnh khác nữa, chẳng hạn như hình ảnh người chăn thuê hay hình ảnh người trộm cướp để so sánh với hình ảnh Mục Tử Nhân Lành. Theo đó, trái tim của người chăn thuê không chung nhịp với trái tim của đoàn chiên, trái tim của người trộm cướp luôn lạc nhịp với trái tim của đoàn chiên, trái tim Mục Tử Nhân Lành cùng chung nhịp đập với trái tim của đoàn chiên. Sự chung nhịp của Mục Tử Nhân Lành và đoàn chiên giúp từng con chiên cảm nhận được sự an bình thư thái ngay cả khi đối diện với muôn hình thức hiểm nguy. Mục Tử Nhân Lành không bỏ chạy trước sói dữ, không bỏ chạy trước những người trộm cướp, nhưng luôn sẵn sàng đương đầu với muôn thử thách, thậm chí hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.
Tương quan giữa người chăn chiên và đoàn chiên rất thân mật, tuy nhiên, có sự khác biệt chính yếu: Bản tính của người chăn chiên khác với bản tính của đoàn chiên. Tương quan giữa Đức Giê-su và con người sâu đậm hơn nhiều, bởi vì Đức Giê-su mang lấy bản tính con người, giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Hơn nữa, Người là Thiên Chúa, do đó, Người biết con người rõ ràng hơn người chăn chiên biết đoàn chiên mình. Người biết bản tính con người, biết những yếu đuối của con người, biết những lầm lỗi của con người, biết những đau khổ của con người, biết những tâm tư, nguyện vọng của con người, biết quá khứ, hiện tại và tương lai của con người.
Đức Giê-su nói: “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Động từ ‘biết’ trong bối cảnh Kinh Thánh nói chung và đặc biệt trong câu này không chỉ diễn tả chức năng của lý trí, mà còn chức năng của trái tim. Đức Giê-su nói rằng Người là Mục Tử Nhân Lành, Người biết chiên của Người, có nghĩa rằng Người yêu thương đoàn chiên và yêu thương từng con chiên trong đoàn. Với Đức Giê-su, ‘biết’ đồng nghĩa với ‘yêu’, ‘biết’ đồng nghĩa với ‘chăm sóc’, ‘biết’ đồng nghĩa với ‘gắn kết’, ‘biết’ đồng nghĩa với ‘hy vọng’ những điều tốt nhất cho đoàn chiên, ‘biết’ đồng nghĩa với ‘giới thiệu’ chân trời mới cho đoàn chiên. Như vậy, động từ ‘biết’ mà Đức Giê-su dùng trong bối cảnh này thật phong phú và nhiều ý nghĩa hơn những gì chúng ta có thể cảm nhận.
Đức Giê-su không chỉ ‘biết’ đoàn chiên, Người còn hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Người nói: “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Cuộc đời dương thế của Đức Giê-su là cuộc đời hy sinh. Sự hy sinh của Người không cho một nhóm nào đó, mà cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Đây thật là sự hy sinh lớn lao nhất, bởi vì Người đã mang những thương tích và sự chết của tất cả mọi người mà đưa lên cây thập tự. Người đã chịu muôn vàn đau khổ, đã chết và sống lại vì tất cả mọi người (1 Pr 2,22-25).
Chúng ta biết rằng ít khi người chăn chiên chết vì đoàn chiên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, vì xả thân bảo vệ đoàn chiên, vì sự sống của đoàn chiên, người chăn chiên phải chết và đoàn chiên tan tác. Trong khi sự chết của người chăn chiên dẫn tới vô số nguy hại cho đoàn chiên, nguy hại từ thú dữ, nguy hại từ những người trộm cướp, sự chết của Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành đem lại sự sống cho đoàn chiên. Đây là điều điên rồ trong nhãn quan của người trần mắt thịt, nhưng lại là ‘khôn ngoan’ của Thiên Chúa (1 Cr 1,17-31). Người chăn chiên chết, đoàn chiên cũng chết, đó là chuyện thường tình. Với Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, Người chết để tiêu diệt sự chết và đem lại sự sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao Người nói rằng “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Tâm tình Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành là tâm tình yêu thương hết thảy mọi người. Thánh Mát-thêu trình thuật rằng: “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Đặc biệt, Người quan tâm đến những người tội lỗi, những người sống xa đường ngay nẻo chính, những con chiên lạc. Người nói: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,12-14). Đối với Đức Giê-su, tất cả mọi người từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế đều là những con chiên lạc, khác nhau chăng cũng chỉ ở mức độ thất lạc mà thôi. Bởi vì, tất cả mọi người đều là con cháu A-đam và E-và, những tội nhân, sống xa Đường Mục Tử Nhân Lành.
Trong hành trình ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su luôn diễn tả mình là Mục Tử Nhân Lành. Sau khi sống lại và hiện ra với các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su hỏi Phê-rô đến ba lần “con có yêu mến Thầy không?” Người lặp đi lặp lại câu hỏi để Phê-rô ý thức hơn tầm quan trọng của tình yêu trong việc chăm sóc đoàn chiên Người giao phó. Điều này có nghĩa rằng tình yêu dành cho Đức Giê-su đồng nghĩa với tình yêu đối với đoàn chiên Người ủy thác chăm sóc. Phê-rô đã trung thành với Đức Giê-su và thực thi chức năng mục tử theo khuôn mẫu Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, trong quãng đời còn lại của mình. Đặc biệt, ngài đã chịu chết khi bị treo ngược trên cây thập giá để minh chứng cho tình yêu mà ngài lãnh nhận.
Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16). Quả thực, đời sống và sứ mệnh của các môn đệ, của các tông đồ Đức Giê-su không phải là đời sống và sứ mệnh dễ dàng. Họ phải đương đầu với muôn vàn thử thách, gian truân để có thể trung tín với Thầy mình trong việc chăm sóc đoàn chiên được giao phó. Đa số các ngài đã chịu trăm bề thử thách và cuối cùng kết thúc với cái chết chứng tá của mình. Thánh Phao-lô nói với các kỳ mục tại Ê-phê-xô rằng “anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình” (Cv 20,28) và rằng “phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đoàn chiên” (Cv 20,29).
Trong bài chia sẻ ngày 28 tháng 3 năm 2013 tại Đền Thờ Thánh Phê-rô (Lễ Dầu), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhấn mạnh rằng các linh mục, các mục tử là những người mang lấy mùi chiên và sống với mùi chiên. Ngài muốn các mục tử thực sự gần gũi đoàn chiên của mình, đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành và đồng hình đồng dạng với tất cả những người mà mình được ủy thác chăm sóc. Các mục tử được mời gọi vui với người vui, đau với người đau, khóc với người khóc. Các mục tử được mời gọi trút bỏ chính mình, ra khỏi chính mình và hy sinh chính mình để có thể hòa mình vào đời sống của tất cả mọi người, đồng hành với họ, hướng dẫn họ vững bước theo Đức Giê-su, Đường Mục Tử Nhân Lành.
Hình ảnh Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành được áp dụng cho những vị lãnh đạo trong Giáo Hội. Tuy nhiên, theo một nghĩa rộng hơn, tất cả Ki-tô hữu đều được mời gọi sống tinh thần Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su không chỉ mời gọi một số người trở thành mục tử, mà Người mời gọi tất cả chúng ta trở thành mục tử, sống tinh thần mục tử, bởi vì, mỗi người chúng ta thường vừa là ‘chiên’ trong hoàn cảnh này, vừa là ‘mục tử’ trong hoàn cảnh khác. Ai trong chúng ta cũng được giao phó tác vụ nào đó đối với anh chị em mình. Do vậy, chúng ta được mời gọi theo gương Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành trong khi thi hành tác vụ của mình, nhất là tác vụ loan báo Tin Mừng.
Đức Giê-su nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Như đã được đề cập ở trên, trong Biến Cố Giáng Sinh không chỉ có sự hiện diện của các mục đồng, mà còn có sự hiện diện của các đạo sĩ từ phương xa tới nữa. Các mục đồng đại diện cho những người Do-thái, các đạo sĩ đại diện cho ‘dân ngoại’. Họ không phải là ‘Dân Chúa’ theo cách hiểu của những người Do-thái. Tuy nhiên, họ trở thành Dân Chúa vì lòng Thiên Chúa xót thương. Sự hiện diện của họ cho chúng ta thấy rằng tất cả mọi người trong gia đình nhân loại đều được mời gọi trở thành Dân Chúa, trở thành thành viên của đoàn chiên duy nhất và Vị Mục Tử duy nhất là Đức Giê-su.
Chiên là loài vật đơn sơ, thiếu tính tự lập và luôn là mồi ngon cho nhiều loài thú. Chiên không có những ‘vũ khí’ cần thiết như sừng dài, răng nhọn, chạy nhanh hay bất cứ hình thức tự vệ nào. Chiên hoàn toàn lệ thuộc vào người chăn từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ đến chuyện bảo toàn mạng sống trước những hiểm nguy. Tương tự như thế, chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, vào Đức Giê-su để hiện hữu, tồn tại, phát triển và hướng tới sự sống muôn đời. Trong hành trình trần thế, chúng ta phải đương đầu với muôn thử thách: Những thử thách trong đời sống thể chất, những thử thách trong đời sống tinh thần, đặc biệt, những thử thách trong đời sống tâm linh. Nếu chúng ta không có mối liên kết chặt chẽ với Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, chúng ta sẽ không thể nào vượt qua được những thử thách này.
Đức Giê-su nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Sự phân định đâu là tiếng của Mục Tử Nhân Lành và đâu là tiếng của ‘người lạ’, ‘người trộm cướp’, ‘người chăn thuê’ ‘hay ‘thú dữ’ không phải là chuyện dễ dàng. Nếu chúng ta không có trái tim nhạy cảm, trái tim khiêm tốn, trái tim yêu thương, trái tim luôn mở ra với Trái Tim Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, thì chúng ta khó có thể lắng nghe được tiếng Người. Chúng ta tin tưởng rằng Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành luôn cung cấp cho chúng ta đủ ánh sáng để bước đi đúng hướng trên hành trình trần thế này. Trong bài giảng về thời cánh chung, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ có những Ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn” (Mt 24,24). Những lời này của Đức Giê-su không chỉ liên quan đến thời cánh chung theo nghĩa hẹp, mà còn liên quan đến tất cả Ki-tô hữu qua muôn thế hệ. Thực ra, sự hiện diện của Đức Giê-su trong hành trình trần thế cũng chính là sự hiện diện của thời cánh chung rồi. Chúng ta hãy hướng tâm trí về Đức Giê-su, Mục Tử Nhân Lành để được Người nuôi dưỡng đức tin và đời sống luân lý phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Đề cập đến vị trí của người chăn chiên trong đoàn chiên để diễn tả tương quan giữa Người và chúng ta, Đức Giê-su nói rằng: “Anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh” (Ga 10,4). Câu hỏi đặt ra là ‘tại sao người chăn chiên phải đi trước?’ Thưa, vì người chăn chiên là người bảo vệ đoàn chiên, người chăn chiên đứng mũi chịu sào cho sự an toàn của đoàn chiên. Người chăn chiên chấp nhận những chướng ngại, những bất ngờ, những gian nan vì sự sống còn của đoàn chiên. Như người chăn chiên đi trước đoàn chiên, Đức Giê-su luôn đi trước chúng ta để dọn đường cho chúng ta. Đường Mục Tử Nhân Lành cũng là Đường của mỗi người chúng ta. Bằng không, chúng ta sẽ lạc đường, lạc lối trong hành trình trần thế này. Bổn phận của chúng ta là đặt trọn niềm tin, tình yêu và hi vọng vào Đường Mục Tử Nhân Lành và luôn trung tín với Đường này giữa những khó khăn bấp bênh của thời cuộc, cùng muôn cạm bẫy của thế giới bóng đêm luôn rình rập đợi chờ (Ep 4,26; 1 Pr 5,8).
Không ai trong chúng ta có đủ điều kiện cần thiết để hoạch định chương trình và đường hướng cho cuộc sống mình cách trọn vẹn. Tất cả chúng ta đều mong muốn có vị mục tử luôn trong tình trạng sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Vị đó chính là Đức Giê-su, Người hứa ở cùng các tông đồ, cùng Giáo Hội, cùng tất cả mọi người trong gia đình nhân loại cho đến tận thế. Do đó, câu hỏi đặt ra là ‘chúng ta đang đi đường nào?’ Nếu câu trả lời là chúng ta đang đi Đường Đức Giê-su, Đường Mục Tử Nhân Lành, thì rõ ràng chúng ta đang đi đúng hướng. Bằng không, chúng ta hãy trở về với chính lộ, trở về với Đường Mục Tử Nhân Lành, bởi vì đây là Đường duy nhất cho phép chúng ta sống xứng đáng với phẩm giá mình trong hành trình trần thế này và đây cũng là Đường duy nhất dẫn chúng ta tới sự sống dồi dào trong Nước Thiên Chúa.
Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên
Có thể bạn quan tâm
Cẩm Nang Học Hỏi Năm Thánh 2025
Th1
Cháy rừng ở Los Angeles phá hủy một nhà thờ, nhiều trường học..
Th1
Bài Giảng Đức Thánh Cha – Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm..
Th1
Mùa Thường Niên bắt đầu khi nào?
Th1
Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Hồng ân tái sinh
Th1
Trong 2 Tuần Sau Khi Khai Mạc, Có Hơn Nửa Triệu Người Đã..
Th1
Đức cha G.B Nguyễn Huy Bắc dâng thánh lễ tạ ơn tại quê..
Th1
Quý Đức Cha Giáo Tỉnh Hà Nội Họp Mặt Tất Niên Năm Giáp..
Th1
Cáo Phó Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu
Th1
Mỗi người được hưởng bao nhiêu ơn toàn xá mỗi ngày trong Năm..
Th1
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Sơ Simona Brambilla làm nữ Tổng trưởng đầu..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C
Th1
Hội Ngộ Đồng Hương Giáo Phận Hà Tĩnh Tại Miền Nam 2025
Th1
ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành mở Cửa Thánh Đền..
Th1
Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại 27 Giáo Phận Tại Việt Nam
Th1
VPTGM-GPHT: Thông báo Đăng ký hành hương Tòa Thánh trong Năm Thánh 2025
Th1
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ..
Th1
Thánh lễ Khai Mạc Tuần Chầu Hồng Phúc Giáo xứ Chày
Th1
Họp Mặt Và Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Hội Đồng Hương Giáo..
Th1
Ý Cầu Nguyện Của Đức Thánh Cha Tháng 01/2025: Cầu Cho Quyền Được..
Th1