Đức Bênêđíctô XVI: Sự thật trong đức ái

912 lượt xem

Đức Bênêđictô XVI trong Thánh lễ tại Sân vận động Yankee ở New York, ngày 20.04.2008 (Hình: OSV News/Nancy Phelan Wiechec, CNS file)

ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI: SỰ THẬT TRONG ĐỨC ÁI

Our Sunday Visitor Staff

 Được mệnh danh là vị “giáo hoàng giáo sư”, Đức Bênêđíctô XVI đã hiến trọn cuộc đời để đặt sự thật vào việc phục vụ tình yêu. Là người bảo vệ và là thầy dạy xuất sắc các giáo lý của Giáo hội, Đức Bênêđíctô XVI tin tưởng sâu xa rằng những chân lý được Chúa Giêsu Kitô truyền lại không những không làm giảm đi khả năng của chúng ta trong việc sống giới răn yêu thương mà còn giúp chúng ta hoàn thành giới răn ấy cách trọn vẹn.

Với tư cách là một linh mục trẻ, một Hồng y, một Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, một giáo hoàng, và cuối cùng là một giáo hoàng nghỉ hưu, Đức Bênêđíctô XVI luôn có những lời khích lệ và truyền cảm hứng, những lời thích hợp và rõ ràng. Dưới đây là một số câu trích dẫn cho thấy cách nói và cách sống độc đáo của Đức Bênêđictô XVI về Sự Thật trong Đức Ái.

Về Thần học

“Mọi thần học gia ngày nay dường như đều muốn trở nên ‘sáng tạo’. Nhưng nhiệm vụ đích thực của thần học gia là đào sâu kho tàng đức tin chung cũng như hỗ trợ trong việc công bố đức tin chứ không phải ‘tạo ra’ đức tin. Nếu không, đức tin sẽ bị phân mảnh thành một loạt các trường phái và luồng tư tưởng đối lập nhau, gây tổn hại nghiêm trọng cho sự hoang mang của dân Chúa”. (The Ratzinger Report, 1985)

Về Phụng vụ

“Có phải chúng ta không còn quan tâm đến Vũ trụ nữa chăng? Có phải hiện nay chúng ta thực sự co cụm một cách vô vọng trong vòng tròn nhỏ bé của chính mình chăngCó phải hiện nay, việc cầu nguyện với toàn thể thụ tạo không còn quan trọng nữa chăng? Và, có phải ngày nay, việc tìm chỗ cho chiều kích của tương lai, cho niềm hy vọng vào Chúa, Đấng sẽ quang lâm để lại nhận ra rằng, thực sự để sống tính năng động của cuộc tạo dựng mới như một hình thức thiết yếu của phụng vụ không còn quan trọng nữa chăng?”. (Tinh Thần Phụng Vụ, 2000)

Về Đức Tin

“Đức tin không chỉ là sự đồng ý thuần túy mang tính trí tuệ của con người đối với những chân lý cụ thể về Thiên Chúa, nhưng Đức tin là một hành động mà qua đó, tôi tự do phó thác bản thân mình cho vị Thiên Chúa là Cha và là Đấng yêu thương tôi; và Đức tin là việc gắn bó với một ‘Đấng’, mà Đấng ấy mang lại cho tôi niềm hy vọng và sự tin tưởng”. (Tiếp kiến chung, ngày 24.10.2012)

Về Đức Cậy

“Con người đã được tạo dựng cho sự cao cả – cho chính Thiên Chúa; con người đã được tạo dựng để được lấp đầy bởi Thiên Chúa. Nhưng tâm hồn con người thì quá nhỏ so với sự cao cả mà nó đã được trù định trước. Nó cần được nới rộng ra”(Thông điệp Spe salvi, ngày 30.11.2007)

Về Đức Ái

Đừng ước muốn điều gì kém hơn cho cuộc sống của bạn ngoài một tình yêu mạnh mẽ và đẹp đẽ, và một tình yêu khả năng biến toàn bộ cuộc đời bạn thành một cam kết hân hoan hiến thân như một món quà cho Thiên Chúa và anh chị em của bạn, theo gương của Đấng đã vĩnh viễn chiến thắng hận thù và cái chết nhờ tình yêu (Kh 5, 13)”. (Sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 22, 2007)

Tình yêu – caritas – vẫn luôn cần thiết, ngay cả trong xã hội công bằng nhất. Không có một trật tự công bằng của Nhà nước nào có thể xem công tác bác ái là thừa thãi. Ai muốn loại bỏ tình yêu thì cũng đồng thời không xem con người là con người nữa”. (Thông điệp Deus caritas est, ngày 25.12. 2005)

Về Sự thật

“Sự thật thống trị không phải bằng bạo lực mà bằng sức mạnh của chính nó; đây là chủ đề trung tâm của Tin Mừng Gioan: Khi bị đưa ra trước Philatô, Chúa Giêsu tuyên xưng rằng chính Người là Sự Thật và là chứng nhân cho sự thật. Người không bảo vệ sự thật bằng đạo binh, mà trái lại, làm cho sự thật trở nên hữu hình qua Cuộc Khổ Nạn và qua đó cũng thực hiện đầy sự thật”. (Ánh sáng trần gian: Đức Giáo hoàng, Giáo hội và những dấu chỉ thời đại – Cuộc trò chuyện với Peter Seewald, 2010)

“Một Kitô giáo chủ trương bác ái mà không có sự thật sẽ dễ dàng bị lẫn lộn với một mớ tình cảm tốt đẹp, tuy hữu ích cho sự gắn kết về mặt xã hội, nhưng không có tác động bao nhiêu. Nói cách khác, sẽ không còn vị trí đích thực nào cho Thiên Chúa trong thế giới”(Thông điệp Caritas in Veritate, ngày 07.07.2009)

Về Tự do

Tự do của con người là tự do của một hữu thể hữu hạn, và do đó chính sự tự do cũng có giới hạn. Chúng ta chỉ có thể sở hữu sự tự do như một sự tự do chung, trong sự tự do hiệp thông: chỉ khi chúng ta sống chính trực, với nhau và vì nhau thì sự tự do mới có thể phát triển”. (Bài giảng lễ trọng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 08.12.2005)

Với tư cách là Người Con, Chúa Giêsu mang đến một sự tự do mới: không phải sự tự do của một người không có nghĩa vụ, mà là sự tự do của một người hoàn toàn hiệp nhất với ý muốn của Chúa Cha, một người giúp nhân loại đạt được tự do nội tâm hiệp nhất với Thiên Chúa”. (Chúa Giêsu thành Nazareth: Những câu chuyện thời thơ ấu, 2012)

Về Công đồng Vatican II

“Có Công đồng của các Nghị phụ – và đó là Công đồng thực sự – nhưng cũng có Công đồng của truyền thông đại chúng. … Chúng ta biết rằng mọi người đều có thể tiếp cận được Công đồng truyền thông này. Vì vậy, đây là loại công đồng thống trị, hiệu quả hơn, và tạo ra rất nhiều thảm họa, rất nhiều vấn đề, rất nhiều đau khổ: các chủng viện bị đóng cửa, các tu viện bị đóng cửa, phụng vụ tầm thường… và Công đồng đích thực gặp khó khăn trong việc thiết lập và hình thành; Công đồng ảo mạnh hơn Công đồng thực. Nhưng sức mạnh thực sự của Công đồng đã hiện diện và từ từ, nhưng chắc chắn, ngày càng được củng cố và trở thành sức mạnh thực sự, cuộc cải cách thực sự, và canh tân thực sự của Giáo hội”. (Diễn từ dành cho các giáo sĩ Rôma, ngày 14.02.2013)

Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng Đức Bênêđíctô XVI nhân kỷ niệm 65 năm thụ phong linh mục tại Vatican ngày 28.06.2016. (Hình: CNS/L’Osservatore Romano)

Về Thánh Thể

“Từ ‘Thánh Thể’ trong tiếng Hy Lạp gợi lại thực tại của sự tạ ơn, của chiều kích mới mà Đức Kitô mang lạiThập giá, đau khổ, và những gì là sai lầm đối với thế gian thì Người đã biến đổi thành lời tạ ơn, và do đó, thành lời chúc lành. Vì thế, về cơ bản, Chúa Giêsu đã biến đổi bản thể cuộc sống và thế giới, Người đã ban tặng, và tiếp tục ban tặng cho chúng ta mỗi ngày bánh sự sống đích thực, vốn vượt lên trên thế giới này nhờ sức mạnh tình yêu của Người”. (Diễn từ nhân kỷ niệm 65 năm Linh mục, ngày 28.06.2016)

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: oursundayvisitor.com (28. 12. 2023)

Nguồn:hdgmvietnam.com

Có thể bạn quan tâm