Hôm thứ Sáu ngày 26.01, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp đón các tham dự viên Phiên họp Toàn thể của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Sau đây là nội dung bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC THAM DỰ VIÊN PHIÊN HỌP TOÀN THỂ
CỦA BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN
Hội trường Clementine
Thứ Sáu, ngày 26 tháng 01 năm 2024
Thưa quý Hồng y,
Quý Anh em trong hàng giám mục và linh mục
Anh chị em thân mến!
Xin chào mừng anh chị em nhân dịp kết thúc Phiên họp Toàn thể. Tôi xin chào Đức Hồng y Tổng trưởng, quý Bề trên, quý viên chức, và thành viên của Bộ: Tôi xin cám ơn anh chị em vì công việc quý báu của anh chị em.
Như Tông hiến Praedicate Evangelium quy định, “Nhiệm vụ của Bộ Giáo lý Đức tin là trợ giúp Giám mục Roma và các Giám mục trong việc loan báo Tin Mừng trên khắp thế giới, thúc đẩy và bảo vệ tính toàn vẹn của giáo huấn Công giáo về đức tin và luân lý. Bộ thực hiện điều này bằng việc rút ra từ kho tàng đức tin, đồng thời tìm kiếm sự hiểu biết sâu xa hơn trước những vấn đề mới mẻ” (Điều 69).
Chính để đạt được những mục đích này, với Tự sắc Fidem servare (ngày 11.02.2022), hai Phân bộ riêng biệt đã được thành lập trong Bộ: đó là Phân bộ Giáo lý và Phân bộ Kỷ luật. Trong Lá thư tôi gửi cho Hồng y Bộ trưởng vào ngày mồng 01.07. 2023, nhân dịp ngài được bổ nhiệm, tôi đã đề cập đến điều khoản này để xác định rõ hơn vai trò của Bộ trưởng và Sứ mạng hiện tại của Bộ. Một đàng, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện của các chuyên gia có thẩm quyền trong Phân bộ Kỷ luật, để đảm bảo sự chú ý và chặt chẽ trong việc áp dụng giáo luật hiện hành, nhất là trong việc xử lý các trường hợp giáo sĩ lạm dụng trẻ vị thành niên, và cổ vũ các sáng kiến đào tạo giáo luật cho các Đấng Bản quyền và những người hành nghề luật. Đàng khác, tôi nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc dành nhiều không gian và sự chú ý hơn cho phạm vi cụ thể của Phân bộ Giáo lý, vốn không thiếu các nhà thần học được đào tạo và nhân sự có trình độ, cũng như cho công việc của Văn phòng Hôn nhân và Văn khố, trong đó tôi nhớ đến dịp kỷ niệm 25 năm ngày Thánh Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y Ratzinger mở cửa cho công chúng, nhân dịp hướng tới Đại Năm Thánh 2000.
Do đó, Bộ dấn thân vào lĩnh vực tìm hiểu đức tin trước sự thay đổi mang tính thời đại vốn là đặc điểm của thời đại chúng ta. Theo chiều hướng này, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài suy tư mà tôi tập hợp quanh ba từ: Bí tích, phẩm giá, và đức tin.
Bí tích. Trong những ngày này anh chị em đã suy tư về chủ đề tính thành sự của các Bí tích. Nhờ các Bí tích mà đời sống của Giáo hội được nuôi dưỡng và lớn mạnh. Vì thế, các thừa tác viên cần phải có sự quan tâm đặc biệt trong việc quản lý các Bí tích và biểu lộ cho các tín hữu những kho tàng ân sủng mà các Bí tích mang lại. Nhờ các Bí tích, tín hữu trở nên có khả năng nói tiên tri và làm chứng. Và thời đại của chúng ta đặc biệt cần đến những ngôn sứ về đời sống mới và những chứng nhân của đức ái: do đó chúng ta hãy yêu mến và trân trọng vẻ đẹp cũng như quyền năng cứu độ của các Bí tích!
Từ thứ hai là: Phẩm giá. Là Kitô hữu, chúng ta không được mệt mỏi khi nhấn mạnh “về tính ưu việt của con người và việc bảo vệ phẩm giá của con người trong mọi hoàn cảnh” (Tông huấn Laudate Deum, 39). Tôi biết rằng quý vị đang soạn thảo một tài liệu về vấn đề này. Tôi hy vọng rằng tài liệu có thể giúp chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, luôn trở nên gần gũi “với tất cả những người, tuy không phô trương, nhưng trong đời sống thực tế hàng ngày, đang đấu tranh và đích thân trả giá để bảo vệ quyền lợi của những người không được chú ý đến” (Kinh Truyền Tin, ngày 10.12.2023), và đảm bảo rằng, “khi đối diện với những toan tính thời nay nhằm loại trừ hoặc bỏ mặc con người, chúng ta có thể phản ứng bằng một viễn tượng mới mẻ về tình huynh đệ và bằng hữu xã hội, mà không dừng lại ở ngôn từ” (Thông điệp Fratelli tutti, 6).
Từ thứ ba là: Đức tin. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại 2 sự kiện: kỷ niệm 10 năm Tông huấn Evangelii Gaudium cách đây không lâu, và Năm Thánh sắp tới, trong đó chúng ta sẽ canh tân đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là con người thật, niềm hy vọng của lịch sử và thế giới. Tuy nhiên, chúng ta không thể che giấu sự thật rằng, tại nhiều khu vực rộng lớn trên hành tinh, đức tin – như Đức Bênêđíctô XVI đã nói – không còn là “tiền đề hiển nhiên của đời sống xã hội. … thậm chí còn thường bị phủ nhận công khai”, bị chế giễu, gạt ra bên lề, và phỉ báng (x. Tông thư – Tự sắc Porta Fidei, 2). Do đó, đã đến lúc suy tư một lần nữa và với niềm say mê lớn hơn về một số chủ đề: việc loan báo và truyền đạt đức tin trong thế giới ngày nay, nhất là cho các thế hệ trẻ; việc hoán cải truyền giáo của các cơ cấu giáo hội và các tác nhân mục vụ; các nền văn hóa đô thị mới, với gánh nặng của những thách đố nhưng cũng có những câu hỏi mới về ý nghĩa; cuối cùng và trên hết, là tính trung tâm của nội dụng cơ bản của Tin Mừng (kerygma) trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội.
Ở đây người ta mong đợi sự trợ giúp từ phía Bộ: “việc bảo vệ đức tin” ngày nay chuyển thành một cam kết để suy tư và phân định, sao cho toàn thể cộng đoàn nỗ lực hướng tới một cuộc hoán cải mục vụ và truyền giáo thực sự, điều này cũng có thể giúp ích cho tiến trình hiệp hành đang diễn ra. Điều thiết yếu nhất, tuyệt vời nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất đối với chúng ta là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa muốn, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau long trọng canh tân đức tin trong Năm Thánh sắp tới, và mỗi chúng ta được mời gọi loan báo đức tin đó cho mọi người nam nữ trên trái đất. Đây là nhiệm vụ cơ bản của Giáo hội, một nhiệm vụ mà tôi đã lên tiếng trong Tông huấn Evangelii Gaudium.
Trong bối cảnh Phúc âm hoá này, tôi cũng đề cập đến Tuyên ngôn Fiducia supplicans mới đây. Mục đích của “những sự chúc lành mang tính mục vụ và tự phát” là để thể hiện cách hiển nhiên sự gần gũi của Chúa và của Giáo hội đối với tất cả những ai, khi thấy mình trong những hoàn cảnh khác nhau, xin được giúp đỡ để tiếp tục – đôi khi là bắt đầu – một hành trình đức tin. Tôi muốn nhấn mạnh ngắn gọn hai điều: thứ nhất là những sự chúc lành này, ngoài bất kỳ bối cảnh và hình thức phụng vụ nào, không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt luân lý để được lãnh nhận; thứ hai, khi một cặp đôi tự phát tiến đến gần để xin chúc lành, thì người chúc lành không phải là chúc lành cho sự kết hợp của cặp đôi mà chỉ đơn giản là chúc lành cho những người đã cùng nhau cầu xin điều đó. Không phải sự kết hợp, nhưng là con người, tất nhiên có lưu tâm đến bối cảnh, sự nhạy cảm, nơi chốn người ta sống, cũng như những cách thế thích hợp nhất để thực hiện điều đó.
Các bạn thân mến, tôi xin lặp lại lòng biết ơn của tôi đối với sự phục vụ của các bạn và tôi khuyến khích các bạn tiến về phía trước với sự trợ giúp của Chúa. Và xin cũng nhớ cầu nguyện cho tôi.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (26. 01. 2024)
Nguồn:hdgmvietnam.com
Có thể bạn quan tâm
Gia Đình Thánh Tâm Hạt Hoà Ninh Tĩnh Tâm & Mừng Lễ Kính..
Th10
Kinh Mân Côi, Kinh nguyện của gia đình và cho gia đình
Th10
Cáo phó: Bà cố Anna – Thân mẫu của nữ tu Anna Nguyễn..
Th10
Khôn Ngoan Kiếm Tìm Của Cải Đích Thực – Suy Niệm Chúa Nhật..
Th10
Hội Mân Côi Giáo Hạt Văn Hạnh Mừng Trọng Thể Lễ Đức Mẹ..
Th10
Ngày 11/10: Thánh Gioan 23, Giáo hoàng
Th10
Thượng Hội Đồng, Ngày 6: 62.000 Euro Được Quyên Góp Và Gửi Đến..
Th10
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 142 – Tình Yêu Nam..
Th10
Thánh Lễ Truyền Chức Giám Mục Cho Đức Cha Tân Cử Đaminh Nguyễn..
Th10
Bạn đang dùng Facebook như thế nào?
Th10
Thánh Gioan XXIII và Thánh Gioan Phaolô II: Cuộc Đời và Sứ Điệp
Th10
Toà Thánh: Để ngăn ngừa nạn nghiện ma tuý, cần giáo dục thế..
Th10
Sự ngạc nhiên của một vài tân Hồng y và ý hướng của..
Th10
Thư Của Đức Phanxicô Gửi Người Công Giáo Trung Đông Ngày 07/10/2024
Th10
Khai Mạc Khóa Đào Tạo Tác Viên Billings Tại Giáo Hạt Kỳ Anh
Th10
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 28 Thường Niên Năm B
Th10
Dưới Cái Nhìn Yêu Thương Của Đức Maria, Đức Phanxicô Cầu Xin Hòa..
Th10
Ngàn Phố – Giáo Hạt Cuối Cùng Trong Kỳ Tập Huấn Giáo Lý..
Th10
Thánh Lễ Mừng “Ân Phúc Niên Sửu” Thầy Stêphanô NGUYỄN KHẮC DƯƠNG
Th10
Cáo phó: Bà cố Têrêxa – Thân mẫu của Nt. Maria Trần Thị..
Th10