Đến với anh em lương dân qua lịch truyền giáo 2020

1416 lượt xem

ĐẾN VỚI ANH EM LƯƠNG DÂN QUA LỊCH TRUYỀN GIÁO 2020
(Vài ghi nhận nhân sự kiện Lịch Truyền Giáo 2020)

Lịch trong đời sống

Lịch năm mới đã đi vào đời sống văn hoá của người Việt mỗi độ đầu Xuân, là một ấn phẩm không thể thiếu trong những ngày chào đón năm mới. Thay lời cầu chúc tốt đẹp, lịch còn là quà tặng giao lưu, từ cá nhân đến tập thể, từ người quen thân đến khách lạ. Trong năm, lịch lại thiết thân như một tiện ích cần thiết, để định vị thời gian sinh hoạt, để hoạch định chương trình làm việc, để ấn định thời điểm gặp gỡ, giao tiếp, thực hiện công tác…

Với những trang trí, hình ảnh và nhất là danh ngôn được thiết kế, lịch còn là phương tiện thông tin, chuyển tải tư tưởng, hầu có thể thấm nhập vào các sinh hoạt thường nhật cũng như cả năm của người sử dụng. Vì thế, đâu đâu cũng thấy các tổ chức, các tập thể, cả cá nhân… đua nhau in lịch, nhằm giới thiệu thương hiệu, đăng đàn tổ chức, trình bày hoạt động hoặc thành tích của mình dịp năm mới.

Lịch được vận dụng vào truyền giáo

Dựa vào lợi thế lịch có thể thông truyền lời hay ý đẹp, chuyển tải được ý tưởng, trước đây Ủy Ban Loan báo Tin Mừng đã thử nghiệm sáng kiến dùng lịch để đến với anh em lương dân. Năm nay, một số giáo phận đã đón nhận sáng kiến đó và dùng lịch để tạo giao lưu lương-giáo trong Mùa Giáng sinh và Năm mới. Đó là Lịch Truyền giáo, với nhiều tên gọi khác nhau, có nơi đặt tên ‘Lịch Nối kết Tình Thân’, nơi khác gọi ‘Lịch Canh Tý An Khang 2020’, hoặc có tên ‘Lịch Vui Sống Hạnh Phúc’. Lịch Truyền giáo không chỉ phục vụ người có đạo, mà còn dành cho lương dân, nhờ đó cả lương lẫn giáo đều có thể trao tặng, sử dụng, treo tường quanh năm…

Không chỉ là một sáng kiến mang lại cho lịch một ý nghĩa mới, Lịch Truyền giáo còn giúp cho giáo dân một cơ hội để lên đường loan báo Tin Mừng ngày cuối năm cũ và đầu năm mới. Khi đi thăm viếng và trao tay món quà tinh thần này, họ thực sự dấn thân vào công tác truyền giáo, vừa nối kết hoặc tô đậm tình thân lương-giáo, vừa gieo rắc hạt giống tư tưởng Kitô-giáo qua tờ lịch. Đây là một hoạt động truyền giáo cụ thể, mới mẻ và dễ thực hiện.

Ngoài ra, Lịch Truyền giáo không chỉ thuộc bình diện giao tế thực dụng “tại đây và lúc này”, nhưng còn thuộc lãnh vực văn hoá. Sau cuộc gặp gỡ thân hữu, Lịch là một quà tặng của tình thân và là một chia sẻ tinh thần. Như một văn hóa phẩm, Lịch Truyền giáo sẽ ở lại nhà người anh em lương dân, trên tường phòng khách, phòng làm việc, phòng riêng, cả các hội trường cơ quan, các công sở… Lúc đó, Lịch không chỉ cung cấp thông tin về thời gian, không chỉ được trang trí cho vui mắt, nhưng còn ảnh hưởng đến suy nghĩ và có thể thay đổi nếp sống của người sử dụng. Vì thế, tầm ảnh hưởng của Lịch Truyền giáo, dù lớn hay nhỏ, nhưng chắc là lâu bền, kéo dài 365 ngày trong năm.

Lịch với thiết kế riêng

Trước tiên, để tới tay anh em lương dân, Lịch Truyền giáo được phân phối từng hai quyển trong một bao nilon, theo phương thức 1-cặp-1 : “Một treo nhà mình – Một tặng thân hữu”. Khi nhận bộ lịch trên tay, người giáo dân trở thành “một thừa sai ra đi loan báo Tin Mừng” : ngoài một Lịch phần mình, họ phải tặng trao một hay nhiều Lịch khác cho người quen thân ngoại đạo như : bạn học, đồng nghiệp, sui gia, đối tác kinh doanh, khách hàng mua bán, “hàng xóm”, thậm chí một người lương mình mới quen… Có người đã mua hàng chục Lịch để tặng anh chị em cùng cơ quan, người khác đặt cả trăm để làm quà cho nhân viên thuộc công ty… “Một công hai việc”, vừa giao lưu vừa truyền giáo !  

Thứ đến, Lịch Truyền giáo được thiết kế để cho người sử dụng đọc đi đọc lại nhiều lần những ‎châm ngôn sống, những tư tưởng hay được in trên đó. Mỗi trang Lịch có 3 tháng, được in không liền nhau như thường thấy, nhưng tháng kế tiếp ở trang sau. Cụ thể : thay vì các tháng 1-2-3 nằm trong một tờ lịch…, thì ba tháng 1-5-9, rồi 2-6-10, 3-7-11 và 4-8-12 đi chung với nhau. Như thế, tháng nào cũng phải lật tới, hình ảnh luôn mới, ý tưởng được lặp đi lặp lại nhiều lần và bộ lịch dù ít tờ mà “lật hoài không hết”.

Ngoài ra, quyển Lịch Truyền giáo có 5 tờ (1 bìa + 4 tờ ruột/3 tháng), không nhiều hơn. Theo thị trường, lịch 5 tờ là hình thức phổ thông nhất, thường dành cho người bình dân sử dụng ; không như các loại lịch văn phòng in đủ 12 tháng hoặc 52 tuần, chuyên dụng cho người có việc đa đoan và mỗi tờ lịch chỉ sử dụng một lượt. Hơn nữa, càng ít trang thì giá thành càng thấp, sẽ dễ nhân rộng và vận chuyển với số lượng nhiều, nhờ đó có thể phục vụ công tác truyền giáo hữu hiệu hơn.

 Sau cùng, Lịch có thể được phát hành và phân phối từ Mùa Vọng đến Tết Nguyên Đán, thời gian trên dưới 2 tháng. Đây là thời điểm thuận lợi tối ưu để khắp nơi có thể tham gia công tác truyền giáo này.

Nội dung của Lịch Truyền giáo 2020

– Lịch Truyền giáo được soạn thảo và thiết kế nhằm phổ biến cho anh em lương dân hơn là dành riêng cho người Công giáo. Vì thế, nét đặc trưng đầu tiên là nội dung các tờ Lịch phải được người lương đón nhận. Trong Lịch, sẽ không thấy những hình ảnh tôn giáo, các cơ sở hay hoạt động tôn giáo như thường gặp ở các Lịch Công giáo. Nét đẹp Kitô-giáo được giới thiệu cách kín đáo, những giá trị của Tin Mừng được chia sẻ tinh tế, thoảng qua để bất cứ ai sử dụng cũng được, dù lương hay giáo, dù theo lập trường hay quan điểm nào. Đó chính là nét khác nhau giữa ‘Lịch Truyền giáo’ và ‘Lịch Nhà đạo’.

– Nhìn từ trang bìa Lịch Truyền giáo năm nay, có thể thấy ngay Chủ đề Năm 2020 theo tinh thần Thư Chung của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, gọi mời “Người Trẻ tiến tới trưởng thành toàn diện”, qua 4 nét : Nhân cách ‎– Tình yêu – Chọn lựa – Lý‎ tưởng. Như vậy, Lịch Truyền giáo còn góp phần phổ biến giáo huấn của Giáo hội và xây dựng nếp sống văn hóa cao đẹp.

– Mỗi tháng trên tờ Lịch, có kèm theo một châm ngôn sống, rút từ danh ngôn của các danh nhân, có cả Kinh thánh. 12 châm ngôn sống đó như nhắc nhớ và mời gọi nỗ lực vươn tiến, cách riêng người trẻ ý thức sống đức hạnh và theo đuổi lý tưởng cao thượng.

– Một nét mới của Lịch Truyền giáo năm nay là nội dung song ngữ Việt-Anh, nhằm khuyến khích việc học sinh ngữ theo trào lưu phát triển hiện nay. Hơn thế nữa, hình thức song ngữ sẽ thuận tiện cho việc phổ biến Lịch ra nước ngoài, giới thiệu đường hướng truyền giáo mới với các cộng đoàn Dân Chúa tại hải ngoại.

Vài suy nghĩ qua Lịch Truyền giáo 2020

– Năm nay, tại vài giáo phận như Hà Tĩnh, Vinh, Phú Cường, Bà Rịa… Lịch Truyền giáo đã được phổ biến và hướng dẫn để các thành phần dân Chúa trong giáo phận, không chỉ để làm quà giữa giáo dân, mà còn để giao lưu với anh em lương dân, các cơ quan chính quyền và cả các cơ sở tôn giáo bạn. Thật đáng mừng ! Ước mong chương trình này sẽ được các giáo phận phổ biến và nhân rộng. Không buộc các nơi phải in theo một, hai mẫu nhất định, chỉ cần cùng chung một đường hướng và cùng một phương thức, mỗi nơi hoặc mỗi cộng đoàn có thể thiết kế một mẫu lịch riêng, miễn sao trong đó chất chứa những giá trị Tin Mừng, những nét đẹp của giáo lý Phúc Âm, được trình bày vừa ý nhị vừa kín đáo để anh em lương dân mang vào nhà họ suốt năm.

– Đề tài : “Được rửa tội và được sai đi” đã được nhắc nhiều lần và bàn bạc trong năm 2019. Mỗi tín hữu đều được sai đến với anh em lương dân, theo ơn gọi và chức phận qua các bí tích Rửa tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh. Thì nay, Lịch Truyền giáo là một mô hình tiêu biểu để thực hiện sứ vụ đó. Thấy được, sau khi Bề trên trực tiếp phát động chương trình, các linh mục đã lên kế hoạch phổ biến Lịch Truyền giáo trong địa hạt của mình và mời gọi giáo dân lên đường thăm viếng, tặng Lịch cho lương dân. Như thế, mọi thành phần dân Chúa đều tham dự và góp phần vào hoạt động truyền giáo này.

– Khi lên đường truyền giáo với Lịch cầm tay, người giáo dân, cả những ai rụt rè hoặc chưa từng, sẽ yên tâm, không còn e ngại phải nói gì với anh em lương dân, vì Lịch sẽ giúp bắt đầu cuộc chuyện trò thân mật, Lịch thay lời cầu chúc năm mới, Lịch là đề tài cho những ước mong tốt đẹp mọi người dành cho nhau, Lịch là quà tặng tinh thần đáng quý hơn cả bánh mứt hoa quả ngày Tết… Lịch trở thành phương tiện truyền giáo đơn giản mà hữu hiệu, dễ dàng lại khả thi.

– Được chủ chăn quan tâm và tiên phong phát động, Lịch Truyền giáo năm nay với các mẫu khác nhau, đã lên đến 100.000 bản. Một sự kiện chưa từng thấy, một “ấn tượng” truyền giáo trong Mùa Noel và trước thềm Năm mới 2020 này ! Không chỉ kỷ lục về số lượng ấn bản cao nhất từ trước tới nay, nhưng kỷ lục đáng kể phải là khoảng 50.000 giáo dân từ nhiều giáo phận, cùng lên đường truyền giáo, trong cùng một thời điểm, với cùng một “quà tặng” là Lịch Truyền giáo, theo cùng một phương thức 1-cặp-1. Một mùa hoa truyền giáo rộ nở bất ngờ ! Con số 50.000 thợ gặt truyền giáo này cho một minh chứng : Sẽ có đông đảo giáo dân tham gia vào một hoạt động chung nếu có một chương trình truyền giáo thích hợp. Đó sẽ là tiền đề khởi động cho hàng triệu người Công giáo Việt Nam trong tương lai, hằng năm, sẽ chung tay vào hoạt động truyền giáo này, để gặp gỡ kết thân với hàng triệu gia đình lương dân và trao gởi lời hay ý ‎đẹp Kitô-giáo vào nhà họ ngay thềm năm mới !

– Nếu Lịch là một sinh hoạt văn hóa, đi vào tâm tưởng mọi người và không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày trong năm, thì Lịch Truyền giáo còn mở ra một viễn cảnh hội nhập văn hóa của Tin Mừng trên quê hương Việt Nam. Theo dòng thời gian, nếu được vận dụng lâu dài và đồng loạt, Lịch sẽ là con đường để tư tưởng Kitô-giáo, tinh thần của Phúc Âm thấm nhập vào suy nghĩ và sinh hoạt xã hội Việt Nam. 365 ngày có mặt trong một gia đình hay một công sở, chắc hẳn, nét đẹp của đạo và sức sống của Tin Mừng sẽ lan tỏa tiệm tiến và sâu xa vào nếp nghĩ, hành động của mọi người. Đây là một hoạt động truyền giáo đi vào văn hóa và là một cách truyền giáo nhắm vào tâm tư con người, mới mẻ và lâu dài, để dọn đường cho Tin Mừng chính thức được loan báo trong những bước kế tiếp.

Kết

Thế giới đồng thừa nhận : Văn hoá có sức mạnh vô song…, mọi sinh hoạt văn hóa, tuy nhỏ, đều thừa hưởng được sức mạnh đó. Lịch Truyền giáo là một điển hình. Thực tế 50.000 giáo dân thăm viếng và tặng Lịch dịp đầu năm mới, đã gắn kết được sinh hoạt văn hóa và hoạt động truyền giáo, nên cũng thừa hưởng được sức mạnh của văn hóa. Điều này cho thấy một vận hội lớn đang đến với Giáo hội Việt Nam khi các nơi cùng tiến hành công tác truyền giáo này.

Vận dụng Lịch năm mới vào việc truyền giáo là một sáng kiến đơn giản và một cơ hội thuận lợi cho công cuộc loan báo Tin Mừng, vừa hữu hiệu trong hoạt động truyền giáo, vừa thuận tiện để quy tụ nhiều người tham gia, vừa đem lại âm hưởng lâu dài. Hoạt động này nếu được thực hiện, đồng loạt khắp nơi và đều đặn hằng năm, sẽ trở thành nét tiêu biểu của công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam.

Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn công cuộc truyền giáo của Giáo hội, đã thánh hóa và biến đổi những con người tầm thường thành các Tông đồ nhiệt thành và đầy khôn ngoan, xin cũng biến đổi chúng ta thành những thừa sai hăng say lên đường loan báo Tin Mừng, cùng với nỗ lực tìm kiếm nhiều sáng kiến, để điều đã có từ lâu nay -như Lịch- được vận dụng thành những hoạt động truyền giáo mới mẻ và hiệu quả … hứa hẹn một mùa gặt bội thu trên cánh đồng truyền giáo.

Mỗi giáo dân như một thừa sai khi mang Lịch Truyền giáo đến với anh em lương dân.

Lm. GB. Trương Thành Công

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận