Dan Brown dự báo cái chết của Thiên Chúa

1847 lượt xem

Nhân dịp giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình, tác giả “Mật mã Da Vinci” (2003), ông Dan Brown, đã cho rằng “Thiên Chúa không thể sống sót khi đứng trước khoa học”. Nhiều thần học gia và khoa học gia nhận xét rằng sự đối lập này giữa tôn giáo và khoa học ngày nay đã lỗi thời.

Sau lời tuyên bố của Nietzsche “Thiên Chúa đã chết” vào cuối thế kỷ 19, đến lượt Dan Brown, 53 tuổi, tác giả của cuốn “Mật mã Da Vinci”, dự báo cái chết của Thiên Chúa. Đối với ông, Thiên Chúa không thể sống sót khi đối diện với khoa học. Một câu tuyên bố ông đưa ra tuần vừa qua vào dịp giới thiệu tác phẩm mới nhất của ông, cuốn “Origine” (Tạm hiểu: Nguồn gốc thế giới).

Trong tác phẩm này, ông kể một cuộc mạo hiểm mới của giáo sư Đại học Harvard, Robert Langdon. Lần này nó được dùng để giải mã những bí ẩn của nguồn gốc thế giới, cách riêng khảo sát cuộc chiến đấu giữa khoa học và tôn giáo.

“Trong suốt thập niên sắp đến, nhân loại chúng ta sẽ kết nối rộng lớn với nhau (…) và chúng ta sẽ bắt đầu tìm thấy những kinh nghiệm tinh thần của chúng ta xuyên qua những mối liên kết của chúng ta. Nhu cầu của chúng ta về một vị Thiên Chúa ngoại lai ngồi trên tòa cao xét xử chúng ta (…) sẽ giảm đi và cuối cùng sẽ biến mất”.

Một sự đối lập ngày nay đã lỗi thời

Với những phát biểu trên đây, Dan Brown quay trở lại với cuộc tranh cãi cũ rích đối lập Thiên Chúa và khoa học, một sự đối lập mà nhiều thần học gia và khoa hoc gia cho rằng ngày nay đã lỗi thời.

“Đó là một cái nhìn cực kỳ đơn giản hóa quá mức về lịch sử khi nói rằng khoa học giết chết tôn giáo”, nhà vật lý thiên văn Jean-Pierre Luminet đưa ra nhận xét. Ông là giám đốc nghiên cứu ở CNRS và nhìn nhận mình như là một người duy vật vô thần. Chắc chắn, có một “sự đối lập trên nguyên tắc và phương pháp giữa khoa học và tôn giáo: Một mặt, khoa học vận hành trên cơ sở các hệ biến hóa tiến triển theo dòng thời gian; mặt khác, các tôn giáo – cách riêng các tôn giáo độc thần – lại dựa vào một tín điều mà người ta không được chạm đến”. Giordano Bruno, Galilée và những người khác, vào thời của mình, đã trả giá cho điều đó.

Tuy nhiên, không phải vấn đề đối lập khoa học và tôn giáo. Vì đối với Luminet, khái niệm “đức tin” – vào một chân lý mạc khải hay vào một Thiên Chúa ngôi vị – nằm ngoài những luật lệ của nhà khoa học vốn bận tâm giải mã vũ trụ. “Theo quan điểm này, mỗi người trở về với kinh nghiệm thiêng liêng của mình: Đối với những người này, khoa học càng dẫn đến Thiên Chúa đang khi những người khác thì xa rời. Những người khác nữa, như Einstein, không cần Thiên Chúa để chiêm ngắm thiên nhiên”.

Vả lại, chính Dan Brown cũng không cho mình chống lại tôn giáo, nhưng chỉ muốn “đưa ra cuộc đối thoại”. “Tôi nghĩ rằng tôn giáo đã làm nhiều điều thiện hảo trên thế giới. Tôi cũng nghĩ rằng thế giới đã thay đổi đến nỗi tôn giáo không còn là một nhu cầu nữa”, ông đã tuyên bố như thế và đồng thời cũng ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô vì những nỗ lực của ngài trong việc hiện đại hóa Giáo Hội Công giáo.

“Thiên Chúa không có ơn gọi lấp đầy các lỗ hổng mà khoa học để lại”

Chính Đức Phanxicô, cách đây gần 3 năm, chẳng phải cũng đã khơi lên một làn sóng truyền thông khi khẳng định rằng “Big bang” (Vụ nổ lớn) không mâu thuẫn với “sự can thiệp sáng tạo của Thiên Chúa, trái lại, nó đòi hỏi sự can thiệp đó”? Đó là bằng chứng cho thấy rằng cuộc đối thoại giữa đức tin và khoa học đã không chờ đợi Dan Brown để phát động nên.

“Thật là lệch lạc việc người ta có thể, vẫn còn đến hôm nay, suy nghĩ mối tương quan giữa khoa học và đức tin bằng ngôn ngữ đối lập sau hơn một thế kỷ đối thoại phong phú”, cha Thierry Magnin, linh mục, nhà vật lý học và là hiệu trưởng của Đại học Công giáo Lyon lấy làm tiếc. “Thiên Chúa không có ơn gọi lấp đầy các lỗ hổng mà khoa học để lại. Còn về khoa học, các nhà khoa học biết rõ rằng nó không nói được tất cả”.

 

Tý Linh
(Theo Samuel Lieven, Nhật báo La Croix)
Nguồn: XBVN

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận