Cứu trợ lũ lụt dưới ánh sáng đức tin

1292 lượt xem

Bão, cũng đi !

Đoàn chúng tôi đã chuẩn bị lên đường đi cứu trợ người dân ở các làng Phúc Tính, Bình Thôn…, thuộc tỉnh Quảng Bình vào ngày 27/10/2020. Trước ngày chuẩn bị lên đường, nhận được cuộc gọi, hỏi: “Bão, có đi không ?” Tôi trả lời: “Bão, cũng đi !” Thế là, đúng 7 giờ sáng ngày 27/10, đoàn chúng tôi, trên chiếc xe 16 chỗ ngồi, thẳng tiến về Quảng Bình để trao quà của các ân nhân cho đồng bào đang gặp khó khăn do lũ lụt. Hôm đó lại là ngày đẹp trời!

“Cơn lũ” tình người

Cơn lũ lụt to lớn hoành hành miền Trung, Việt Nam, đã để lại biết bao khó khăn, đau thương và thiệt hại cho người dân vùng này. Hậu quả của sự tàn phá mà nó để lại không hề nhỏ tí nào. Người ta nói đến thiên tai, rồi nói đến “nhân tai”, thế rồi, người nghèo vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Nhìn thấy những hình ảnh đau thương, tan nát trên các phương tiện truyền thông, thế là, để xóa dịu bớt đi “cơn lũ thiên tai, nhân tai”, một “cơn lũ tình người” đã hình thành và ập đến tất cả các nẻo đường, vùng miền của miền Trung, đặc biệt nơi các tỉnh thành đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ.

Những tấm lòng hảo tâm

Các tổ chức tôn giáo, chính quyền, các tổ chức thiện nguyện, các tập thể, các gia đình, bạn bè thân hữu, các cá nhân, hải ngoại cũng như quốc nội…đã nhanh chóng chung tay vào việc cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào miền Trung ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Cơn bão lũ đã cho thấy tấm lòng hảo tâm của người dân Việt thật to lớn, liên đới với nhau trong hoạn nạn, theo truyền thống “của ít lòng nhiều”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm là rách nhiều”…. Những đoàn xe cứu trợ lũ lụt đến từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam, những đoàn người ra đi đến với bà con đang lâm cảnh khó khăn, những người không đi được thì gởi quà đến, những người khác thì có lời khích lệ, cầu nguyện…Tất cả đều được tổng động viên! Trong hoàn cảnh này, những hình ảnh của các vị Giám mục Việt Nam đã đi vào lòng người khi không ngại khó khăn, ngồi trên những chiếc ghe chòng chềnh trên sóng nước đến với bà con vùng rốn lũ ! Nếu dịch Covid-19 làm cho con người “cách ly” nhau, thì cơn lũ lụt 2020 này lại làm cho con người xích lại gần nhau hơn!

Những tấm lòng cho đi

“Cơn lũ tình người” này rõ ràng không chỉ chia sẻ những nhu cầu vật chất cần thiết trước mắt, nhưng còn là những tấm lòng hảo tâm, những tấm lòng quảng đại, những tấm lòng tử tế, những tấm lòng yêu thương, những tấm lòng hy sinh, những tấm lòng cho đi. Cho đi, không chỉ vật chất, nhưng còn là sự hiện diện, là sự gặp gỡ, là sự cảm thông, là sự lắng nghe, là sự gần gũi, là sự an ủi, là sự đỡ nâng, là thời gian, là sức khỏe, là chính sự mạo hiểm cuộc sống. Thông điệp “Fratelli Tutti” (Tất cả đều là anh em) của Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy tất cả những tấm lòng đó góp phần vào “giấc mơ” xây dựng một thế giới huynh đệ đích thực. Ngài cảnh giác chúng ta về một thực tế rằng “tất cả chúng ta đều bị ám ảnh bởi các nhu cầu của riêng mình, chứng kiến ai đó đau khổ là làm phiền chúng ta, làm xáo trộn chúng ta, bởi vì chúng ta không muốn mất thời gian giải quyết các vấn đề của người khác. Đó là những triệu chứng của một xã hội bệnh hoạn, bởi vì nó tìm cách xây dựng mình bằng cách quay lưng lại với đau khổ” (số 65). Hơn nữa, đối với đức tin Kitô giáo, “là Kitô hữu chủ yếu có nghĩa là cuộc vượt qua từ cuộc ‘sống cho mình’ sang cuộc ‘sống cho nhau’”  “sự ‘cho đi’ phải là quy luật nền tảng của đời sống Kitô hữu” (J. Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, nxb Tôn giáo, 2009, tr.268-269, bản dịch của Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam).

Vượt qua và kết nối “những biên giới”

“Cơn lũ tình người cho đi” này đã cho thấy rằng những khoảng cách, những cách ly, những rào chắn giữa người với người đã bị phá đổ. Trong những chuyến đi cứu trợ bão lũ, tâm trí tôi luôn nhớ đến lời thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêsô, cũng là lời được đọc trong thánh lễ của ngày đầu tiên phái đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam lên đường đi cứu trợ (ngày 20/10/2020): “Để phá đổ bức tường ngăn cách” (Êph 2,14). Bối cảnh của những lời này của thánh Phaolô muốn nói về cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên thập giá để phá đổ sự thù ghét và hòa giải người Do Thái và dân ngoại với nhau và với Thiên Chúa. Thế nhưng, những lời này trước hoàn  cảnh bão lũ lại có tính thời sự cách sâu xa. Nó mời gọi “phá đổ những bức tường ngăn cách” nơi lòng người, những sự e ngại, dửng dưng, những vô cảm, những khoảng cách thời gian, không gian, địa lý, tâm lý, kinh tế, những biên giới tôn giáo, sắc tộc, văn hóa, vùng miền…để mở rộng lòng ra trước phẩm giá con người.

Để xây dựng “tình huynh đệ phổ quát” và  “tình bạn xã hội” này, Thông điệp “Fratelli Tutti” của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời gọi mọi người vượt qua những biên giới và những khoảng cách ngăn trở con người, để liên kết các biên giới này lại với nhau bằng tình huynh đệ và tình bạn xã hội (x. số 35, 99…). “Giấc mơ” của ngài, đó là vượt qua sự toàn cầu hóa tính dửng dưng, để đạt tới một sự toàn cầu hóa tình huynh đệ. Ở đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn lại một câu định nghĩa về con người của Georg Simmel, triết gia và là nhà xã hội học, người Đức: “l’homme est tout autant l’être-frontière qui n’a pas de frontière” (đại ý: Con người là một hữu-thể-có-biên-giới chừng nào thì nó cũng là một hữu thể không biên giới như vậy) (số 150). Nói mạnh hơn nữa như Đức Bênêđíctô XVI, “mục tiêu hàng đầu của Kitô hữu không phải là một đặc sủng cá nhân, nhưng là đặc sủng xã hội. Ta trở thành Kitô hữu không phải vì chỉ có Kitô hữu mới được cứu độ, nhưng là vì sứ mạng phục vụ của Kitô hữu là điều có ý nghĩa và cần thiết cho lịch sử” (J. Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, nxb Tôn giáo, 2009, tr.266, bản dịch của Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam). Và những lời này làm sao không gợi nhớ đến những lời Chúa Giêsu đã nói: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Matthêu 14, 16) và một nguyên tắc căn bản của Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo: “Chọn lựa ưu tiên cho người nghèo”.

Một tình huynh đệ phổ quát được cảm nghiệm nơi những khuôn mặt cụ thể

Nói tình yêu phổ quát hay tình huynh đệ đại đồng dễ làm nghĩ đến khía cạnh lý thuyết tiêu cực: tình yêu chung chung, tình huynh đệ trừu tượng vốn không biết gì đến và khó chấp nhận hoàn cảnh cụ thể của con người. Lời trách móc của Dostoievsky vẫn còn là lời cảnh tỉnh: “Ta yêu loài người nhưng ta rất khó chấp nhận việc ngủ chung phòng với người khác.” Tuy nhiên, việc tất cả mọi người cùng chung tay cứu trợ lũ lụt đã cho thấy điều mà Đức Phanxicô nói đến trong “Fratelli Tutti”: vẫn còn nhiều dấu chỉ hy vọng cho tình huynh đệ, và “giấc mơ” (một từ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong thông điệp này) về tình huynh đệ là điều gì đó khả thi, chứ không viển vông hay chạy trốn thực tại. Những chuyến đi cứu trợ cho thấy rõ hơn và cụ thể hơn nỗi đau khổ của đồng loại. Những khuôn mặt khắc khổ, đau thương, túng thiếu, ngặt nghèo. Những nếp nhăn trên các khuôn mặt, sự bơ phờ của mệt mỏi, sự già đi trước tuổi tác, những cảnh tan hoang cửa nhà, đồ đạt…mà không biết khi nào họ mới khôi phục bình thường trở lại. “Quê hương tôi gạt sỏi tìm cơm. Hết mưa, thôi hạn lại cơn bão gần”, đó là câu nói trên cửa miệng của người dân vùng Quảng Bình mà chúng tôi đến gặp gỡ. Những chuyến đi cứu trợ lũ lụt quả thực đã cho thấy phẩm giá con người không hệ tại nơi nhà cao cửa rộng, địa vị danh vọng, hay sự lành lặn hay tàn tật của con người, nhưng nơi sự kiện họ là người, những con người, mà theo cái nhìn Kitô giáo, “được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa” (Stk 1, 27). Và đó chính là nền tảng đích thực của tình huynh đệ phổ quát này.

Cho đi và lãnh nhận

Điều đó cho thấy: việc ra đi cứu trợ không phải  chỉ là “cho đi” cái này hay cái kia, nhưng còn sâu xa hơn là tôi đã lãnh nhận được điều gì từ đó để “cứu trợ” chính bản thân tôi. Đó là bác ái đích thực. Thiếu đi ý thức này, tôi dễ trở thành “kẻ ban phát trịch thượng”. Điều đó mời gọi tôi biết khiêm tốn hơn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, vì biết rằng thân phận mong manh của người anh chị em của tôi phản ảnh chính thân phận mong manh của tôi, vốn cần được “cứu trợ”. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Phanxicô trong thông điệp “Niềm vui Tin Mừng”, người nghèo “có nhiều điều điều để dạy chúng ta…. Chúng ta cần phải để cho mình được Phúc âm hóa bởi họ” (số 198). Đức Gioan-Phaolô II cung cấp cho chúng ta một tiêu chí về bác ái đích thực này: “Tình yêu thương xót, trong các tương quan của con người, không phải là một hành vi hay là một tiến trình đơn phương. Ngay cả trong các trường hợp mà tất cả dường như rằng chỉ một bên tặng và cho và bên kia chỉ lấy và nhận (chẳng hạn trong trường hợp bác sĩ chăm sóc, thầy dạy, cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục con cái, ân nhân giúp đỡ những người túng thiếu), thế nhưng, trên thực tế, ngay cả người cho vẫn luôn hưởng ích từ đó” . Vì lòng thương xót “thực sự là một hành vi tình yêu thương xót chỉ khi, khi thực thi nó, chúng ta xác tín sâu xa rằng chúng ta lãnh nhận nó đồng thời từ những ai chấp nhận nó từ chúng ta. Nếu khía cạnh song phương và tính hỗ tương này thiếu đi, thì các hành động của chúng ta không còn là những hành vi thương xót đích thực nữa…” (Thông điệp Dives in misericordia, số 14). Fratelli Tutti diễn tả chính xác bằng những lời này: “Con người được tạo dựng theo cách mà họ chỉ được thể hiện, được phát triển và chỉ có thể đạt tới sự viên mãn của mình ‘bằng việc trao ban chính mình cách vô vị lợi’. Con người thậm chí không thể đạt tới chỗ nhận ra sự thật về chính mình nếu không  gặp gỡ người khác: ‘Tôi chỉ liên lạc hiệu quả với chính mình trong chừng mực tôi liên lạc với người khác’” (số 87).

Thay lời kết

Nhìn trong viễn cảnh đó, thì những niềm vui và nụ cười, những vất vả và mệt mỏi, những hy sinh và lên đường, những đóng góp và chia sẻ, những hiệp thông và liên đới với anh chị em đồng loại giúp cho mỗi người triển nở tròn đầy trong ơn gọi làm người của mỗi người và cùng nhau góp phần xây dựng một thế giới tràn đầy tình huynh đệ phổ quát, cụ thể. Những lời kêu gọi tiếp tục cứu trợ đồng bào bị lũ lụt của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh: “Cứu đói khẩn cấp đã khó, khắc phục hậu quả lâu dài còn khó hơn. Tôi kêu gọi mọi người chung lòng góp sức để giúp người cùng khổ vượt qua cảnh đời đen tối”, rốt cuộc nằm trong công cuộc loan báo Tin Mừng, và cần được hiểu  trong tình bác ái huynh đệ đích thực này. Cuối cùng niềm vui của người cho đi, niềm vui của người lãnh nhận cũng chính là niềm vui của Tin Mừng.

Lm. Phêrô Võ Xuân Tiến, PSS

Để lại một bình luận