Chiêm ngắm Mẹ Maria: Nghĩ về thiên chức làm mẹ

1642 lượt xem

Nhân vật trung tâm của khung cảnh Giáng Sinh là Đức Giê-su. Nhưng Đức Giê-su nhập thể là để gần gũi, trở thành bạn bè của mọi người và ôm ấp toàn thể nhân loại vào sự hiệp nhất với Thiên Chúa. ‘Người bạn’ đầu tiên, người trở nên gần gũi nhất đối với Ngài, chính là Mẹ Maria. Do đó, trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta đừng quên chiêm ngắm Đức Mẹ, nhất là để suy niệm về thiên chức làm mẹ cao cả từ gương mẫu của Ngài.

Trong khung cảnh Giáng Sinh, chúng ta thấy một bà mẹ hiền từ, thường lui một chút về phía sau, âu yếm nhìn con với tất cả tâm trí và sức lực. Mắt bà mẹ ánh lên niềm vui khôn tả, nhưng cũng phản ánh một nỗi kiệt sức sau cuộc hạ sinh, và nét đăm chiêu về tương lai mang tính mầu nhiệm của con mình. Mẹ vừa trải qua một biến cố vĩ đại. Biến cố đó đưa con Thiên Chúa đi vào cuộc đời dương thế.

Nỗi đau của một người mẹ khi sinh con thật khó có điều gì diễn đạt được. Các nhà khoa học dùng một đơn vị để đo độ đau gọi là Del; và theo nghiên cứu của họ, bình thường cơ thể chúng ta chịu được được tối đa 45 Del. Nhưng khi sinh con, một người phụ nữ phải chịu đựng tới 57 Del, tương đương với việc bị gãy đến 20 cái xương sường cùng một lúc! Nói thế để thấy cơn đau và sức chịu đựng của một bà mẹ khủng khiếp thế nào, đó là chưa kể đến sự gian nan của chín tháng cưu mang trước đó, cũng như những cơn đau hậu sản và ‘ba năm cho con bú mớm’ còn chờ đợi phía sau.

Khi sinh hạ một người con, bà mẹ không chỉ sinh hạ một thân xác, mà là sinh hạ một cuộc đời. Có người nói rằng sở dĩ Tạo Hoá bắt người phụ nữ, không giống như trường hợp các con vật, phải đau đớn khi sinh nở là vì Ngài muốn gửi đến một thông điệp về tình thương và trách nhiệm sinh thành, cho cả mẹ lẫn con. Cơn đau của mẹ mang một thông điệp mầu nhiệm và thiêng liêng truyền vào người con. Đó là thông điệp về thân phận con người, và cũng là thông điệp về ‘món nợ’ đối với cuộc đời và về tình yêu vô điều kiện của các bậc sinh thành. Chính thông điệp từ cơn đau đó giúp định hình nên nhân cách người con.

Đức Maria đã trải qua tất cả những điều đó; và hơn thế, Ngài còn làm Mẹ theo một cách thức hết sức đặc biệt: trở thành môn đệ của chính Con mình. Chắc hẳn, trong cõi dương thế, không ai hiểu Đức Giê-su bằng Đức Maria. Có thể Mẹ không hiểu nhiều về Con theo kiểu suy tư thần học, nhưng Mẹ lại hiểu về Con của Mẹ bằng tất cả sự gần gũi và tình yêu thương. Mẹ hiểu Con mình từ những lần ôm ấp vào lòng, những lần cho con bú mớm, những tiếng ru à ơi. Mẹ hiểu rõ khi nào con đói, khi nào con khó ở. Không ai hiểu về Con bằng Mẹ trước những nhu cầu đó, vì chỉ có sự gần gũi và tình thương mới tạo nên sự nhạy bén của Mẹ dành cho Con.

Mẹ cũng hiểu hơn ai hết về con đường mà Đức Giê-su đang đi, vì Mẹ luôn đồng hành và ‘hằng suy đi nghĩ lại trong lòng’ trước mọi biến cố diễn ra với Con mình. Và hơn thế, không chỉ dừng ở mức hiểu biết, Mẹ đã thực sự là một môn đệ hoàn hảo khi thi hành ý muốn của Đức Giê-su. Mẹ đã hợp nhất trong ý muốn của con mình. Điều Con muốn đã trở thành điều Mẹ muốn; con đường Con đi cũng là con đường Mẹ sẽ đi. Toàn thể cuộc sống của Mẹ đã được đặt nơi Người Con; hay nói cách khác, toàn thể cuộc sống Người Con đã trở thành toàn bộ cuộc sống của Mẹ. Vì thế, Mẹ được Đức Giê-su khen ngợi là người môn đệ đích thật (Mt 12,49).

Chiêm ngắm Đức Maria trong khung cảnh Giáng Sinh, chúng ta thấy mình được mời gọi điều gì? Với các bậc làm cha làm mẹ, gương mẫu của Mẹ mang lại một niềm an ủi lớn lao về thiên chức làm cha mẹ của mình. Họ được Thiên Chúa ban cho một ơn gọi đặc biệt là cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa để hạ sinh những cuộc đời mới. Họ không chỉ có vai trò trao truyền sự sống, mà còn là trao truyền cả một lịch sử lại cho con cái, là trung gian chuyển tải các nền tảng văn hoá, ngôn ngữ, đạo đức, truyền thống của nhân loại. Họ còn được mời gọi để gieo mầm tương lai vào con cái mình. Người cha người mẹ không chỉ rút ruột rút gan để sinh hạ, mà cùng với đó, họ trao ban toàn bộ tâm trí và niềm hy vọng vào người con, như thể người con chính là sự nối tiếp cuộc đời của họ vậy.

Sinh một người con không chỉ có nghĩa là sinh hạ cuộc sống của một sinh linh, mà cũng là sinh hạ chính cuộc đời mới của cha mẹ. Khi được hỏi về cảm giác của những người lần đầu làm bố, làm mẹ, hầu như tất cả đều trả lời rằng: họ thấy mình như trở thành một con người khác hoàn toàn. Ngay từ giây phút được bế con trên tay, cuộc đời họ không bao giờ quay lại như xưa được nữa. Vâng, chính con cái làm cho họ trở thành bố mẹ, đúng như câu ca dao của Việt Nam “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.”

Đối với những người trong tư cách là con cái, chiêm ngắm Mẹ Maria và suy gẫm về thiên chức làm mẹ của Ngài có thể giúp ta học được cách sống tâm tình biết ơn và hướng về thiên chức làm mẹ chung của cả thế giới. Biết ơn vì cuộc sống mỗi người chúng ta đã được kết dệt bởi muôn vàn quà tặng nhưng không. Ta đâu đã làm gì trước đó để được sinh ra trên cõi đời! Ta đâu có tự tạo ra sự sống cho mình, và cũng đâu thể kéo dài sự sống ấy! Ta đâu đã có công trạng gì để được trao truyền một truyền thống văn hoá, một ngôn ngữ mẹ đẻ, hay một nền khoa học kỹ thuật tân tiến! Ta đâu đã tìm kiếm điều gì để được đón nhận một niềm tin tôn giáo! Người bạn đời ta đang có cũng đâu phải là ‘sản phẩm’ của mình; và con cái cũng đâu phải cứ muốn là nhất thiết sẽ có! Ngay cả những nhu yếu phẩm ta dùng hằng ngày cũng phải được cung cấp bởi người khác, chứ mình ta đâu thể làm ra tất cả! Cuộc đời chúng ta đã được sinh hạ, được bao bọc bởi muôn vàn con người và muôn vàn thế hệ, từ những người thân cận nhất là hai bậc sinh thành, cho tới những người ta chưa bao giờ hình dung đến. Nói cách khác, chúng ta được đón nhận mọi sự từ thiên chức ‘làm mẹ’ của thế giới mà Thượng Đế đã quan phòng sắp đặt; và đến lượt mình, mỗi người chúng ta cũng được kêu mời để tham dự vào sứ mạng làm ‘mẹ’ đó, không chỉ đối với con người, mà còn với toàn thể tạo thành, bao gồm cả môi trường sinh thái.

Với mỗi người Ki-tô hữu nói riêng, chúng ta được kêu mời sống ơn gọi như Đức Maria: cưu mang Đức Giê-su và trở thành môn đệ của Ngài. Ơn gọi đó đặt chúng ta vào một hành trình đầy thách đố, nhưng không thiếu niềm an ủi và hy vọng. Trong hành trình đó, chúng ta được kêu mời trở nên gần gũi và thân thiết với Đức Giê-su, để hiểu biết, yêu mến và mang lấy tâm tình của Ngài, rồi từ đó, ta mới có khả năng ‘sinh hạ’ Đức Ki-tô cho nhân loại.

Khắc Bá, SJ

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận