Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên C

86 lượt xem

Chúa Nhật Tuần VI – Mùa Thường Niên C

Bài đọc 1 Gr 17,5-8

Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời ; phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa.

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

5Đức Chúa phán như sau :
Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời,
lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa,
và lòng dạ xa rời Đức Chúa !
6Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa
chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ,
hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra,
nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy,
trong vùng đất mặn không một bóng người.
7Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa,
và có Đức Chúa làm chỗ nương thân.
8Người ấy như cây trồng bên dòng nước,
đâm rễ sâu vào mạch suối trong,
mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì,
lá trên cành vẫn cứ xanh tươi,
gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại,
và không ngừng trổ sinh hoa trái.

Đáp ca     Tv 1,1-2.3.4 và 6 (Đ. Tv 39,5a)

Đ.Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.

1Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
2nhưng vui thú với lề luật Chúa,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

Đ.Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.

3Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.

Đ.Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.

4Ác nhân đâu được vậy :
chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.
6Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính,
còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.

Đ.Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.

Bài đọc 2 1 Cr 15,12.16-20

Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

12 Thưa anh em, nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói : không có chuyện kẻ chết sống lại ? 16 Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. 17 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. 18 Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. 19 Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.

20 Nhưng không phải thế ! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.

Tung hô Tin Mừng   Lc 6,23ab

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Chúa nói : Anh em hãy vui mừng nhảy múa,
vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.         Lc 6,17.20-26

17 Khi ấy, Đức Giê-su ở trên núi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, có nhiều môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng đến từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn.

20 Thấy vậy, Đức Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ và nói :

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.

22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

Hạnh Phúc Đầy Nghịch Lý

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Lời Chúa của Chúa Nhật này chứa đựng sứ điệp về niềm vui và chỉ cho chúng ta con đường tốt nhất để đạt tới hạnh phúc mà con người không ngừng tìm kiếm. Con đường đó không phải là con đường mà người đời nói đến, nhưng là con đường các mối phúc thật của Chúa Giêsu, được thánh Luca trình thuật trong Tin Mừng hôm nay.

1. Tin Mừng cho người nghèo của Thiên Chúa

Theo Luca, các mối phúc là “Tin Mừng,” tin vui dành cho những “người nghèo của Thiên Chúa” để khích lệ niềm hy vọng của họ và đề nghị một sự thay đổi tận căn của con người trong xã hội về bậc thang giá trị cuộc sống. Các mối phúc thiết lập một dạng thức Kinh Thánh về truyền thống ngôn sứ.

Theo Mátthêu, có tám mối phúc (x. Mt 5,1-10). Còn theo Luca, chỉ có bốn mối phúc đối lập với bốn mối họa. Khi trình bày các mối phúc đối lại với các mối họa, thánh Luca muốn đề cập đến tám loại người đối nhau:

– Phúc cho anh em là người nghèo khó vì Nước Trời là của họ,
và khốn cho các người giàu có vì các ngươi đã được an ủi rồi.

– Phúc cho anh em là những kẻ đang phải đói,
và khốn cho các ngươi là những kẻ đang no nê.

– Phúc cho anh em là những người đang phải khóc,
và khốn cho các ngươi là những kẻ đang vui cười.

– Phúc cho anh em là những kẻ đang bị oán ghét,
và khốn cho các ngươi là những kẻ được mọi người ca tụng…

Theo đó, các mối phúc tiếp tục đường hướng của truyền thống ngôn sứ Kinh Thánh, là xây dựng lược đồ song đối, vì thế, chúng chứa đựng lời loan báo ngôn sứ về một phúc lành mà nó mang lại niềm vui, đồng thời gửi tới một lời “khốn thay,” như là lời cảnh báo, để mời gọi sự tỉnh thức và sự hoán cải.

Cũng theo cách thức này, trong bài đọc I, ngôn sứ Giêrêmia đối lập hai hạng người: hạng thứ nhất đó là phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa và hạng thứ hai là khốn thay kẻ tin ở người đời và lòng dạ xa rời Đức Chúa. Hạng người thứ nhất như cây trồng bên dòng nước. Hạng thứ hai như bụi cây trong hoang địa (x. Gr 17,5-8).

2. Các mối phúc, cuộc canh tân tận căn

Các mối phúc tạo nên một trang Tin Mừng có tính cách mạng lớn nhất. Bởi lẽ, trong đó Chúa Giêsu thiết lập một cuộc thay đổi toàn diện các tiêu chuẩn nhân loại liên quan đến hạnh phúc. Nó trở thành điều kiện mà mỗi người phải có nếu muốn sống hạnh phúc. Vì thế, Đức Giêsu chỉ cho chúng ta cách thức để thoát ra khỏi tiêu chuẩn mà mỗi người quan niệm về hạnh phúc khi cho rằng hạnh phúc là giàu có, tiền bạc, thành công, có địa vị xã hội, an toàn và tình yêu, quyền lực và thống trị, tính dục và hưởng lạc v.v… Chúa Giêsu biết rõ trái tim con người luôn khát khao tìm kiếm hạnh phúc. Với các mối phúc này, Người đề nghị với con người một hành trình chắc chắn để tìm kiếm hạnh phúc đích thực. Đây cũng là hành trình mới mẻ và đầy nghịch lý.

Bởi lẽ, tất cả những gì mà thế gian cho là bất hạnh, thì Chúa Giêsu quả quyết chúng là những mối phúc. Tất cả những ai sống nghèo khó, những ai đói khát, khóc lóc, những ai đang chịu đau khổ, những ai biết thương xót người, những ai có tâm hồn trong sạch, những ai xây dựng hòa bình, những ai chịu bách hại vì đạo, họ sẽ được chúc phúc vì Nước Trời là của họ. Và ngược lại, Chúa cũng loan báo những bất hạnh, đáng thương và những hiểm họa cho những ai giàu có, tự mãn, những kẻ vui cười và những ai được người đời ca tụng.

Trước Chúa Kitô, chưa có một ai đã dám khẳng định như thế. Các mối phúc thực sự rất nghịch lý, mà chỉ có thể hiểu được đối với những ai sống, thực hành nó, như chính Chúa Giêsu, như Đức Maria và thánh Phanxicô Assisi. Chính Chúa Giêsu, nơi con người, đời sống và cách hành xử của Người, thiết lập một chìa khóa tốt nhất để giải thích các mối phúc, một chìa khóa có giá trị hoàn vũ cho mọi thời và mọi nơi để đọc các mối phúc. Người là một người nghèo, người đau khổ, người dấn thân cho hòa bình và hòa giải, bị bách hại và hiến mạng vì công bình và thiện ích chung.

3. Các mối phúc, tóm lược Tin Mừng

Các mối phúc là một tóm lược Tin Mừng Chúa Giêsu, là lời loan báo ngôn sứ về Nước Thiên Chúa, hiện diện và khai mở trong con người Chúa Kitô, là sự công bố những thái độ nền tảng để trở thành môn đệ Chúa Giêsu, là căn cước của những công dân Nước Trời, là chương trình sống và là bản trắc nghiệm mà mỗi người mỗi ngày phải xét mình với tư cách là Kitô hữu.

Bởi vì sự mới mẻ tận căn của các mối phúc, nên có những người cáo buộc rằng chúng là ảo tưởng, là phi logic; một số người khác cho rằng chúng chỉ là một lý tưởng duy tu đức, cao xa không thể vươn tới. Tuy nhiên, khi loan báo các mối phúc, Chúa Giêsu biết rõ ý nghĩa của chúng mà Người giới thiệu và đưa ra cho những ai muốn theo đuổi con đường này. Bởi lẽ, chúng là những thái độ nền tảng để trở thành môn đệ Người, để vào Nước Trời, và đạt tới sự hạnh phúc viên mãn.

Quả thật, các mối phúc không phải là một hình thức duy tu đức, phi nhập thể, một sự thụ động vong ngã hay là một dạng thức ảo tưởng chạy trốn trách nhiệm xây dựng xã hội. Chúa Giêsu cũng không có chủ trương bần cùng hóa con người. Nhưng các mối phúc chứa đựng một nhiệm vụ cá nhân và hiệu lực đối với việc xây dựng đời sống xã hội tốt hơn nhờ sự nghèo khó và hy sinh của con người trong bất kỳ sự diễn tả nào: như sự vô vị lợi và sự cộng tác, chọn lựa sống theo sự tử tế và công bình ngay cả khi có nguy cơ bị bách hại, dấn thân vì hòa bình và bất bạo động, yêu thương, huynh đệ và đoàn kết giữa loài người.

Tuy nhiên, khi chọn lựa sống theo các mối phúc, có thể chúng ta phải đối diện với những chống đối và thù ghét, bởi vì tinh thần các mối phúc không phù hợp với những tiêu chuẩn của thế gian. Vì thế, chúng tạo nên sự thù ghét. Điều đó thánh Phaolô đã báo trước:

“Tất cả những ai muốn sống đạo đức trong Chúa Kitô Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ” (2 Tm 3,12).

Đó là sự chống đối mà Tin Mừng thánh Gioan đề cập đến, sự chống đối giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Kitô và thế giới thù địch với Thiên Chúa, giữa tin và không tin, giữa tình yêu và ích kỷ, giữa thiện và ác.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta yêu mến các mối phúc của Chúa Giêsu và sống các mối phúc đó trong đời sống hằng ngày, để chúng ta tìm thấy con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực là Nước Trời. Amen!

Phúc Và Hoạ 

Lm. Hoa Thập Tự

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta mối phúc và cái hoạ. Phúc cho ai đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và hoạ cho kẻ tin ở người đời. Vinh phúc và sự khốn cùng, hai thực tại đối lập, trong đó, tự do của con người đóng vai trò quyết định con người thuộc về Thiên Chúa, nguồn của mọi điều thiện hảo hay chuốc lấy tai hoạ, chọn chính mình thay vì chọn Chúa.

  1. Khốn cùng với kẻ tin ở người đời

Người ta thường lượng định phúc-hoạ theo tiêu chuẩn của người đời: giàu sang, phú quý, chức quyền… Tuy nhiên, giàu chưa hẳn là phúc và nghèo cũng không hẳn là tội. Sự khốn cùng của con người là sự vô minh, đặt để cuộc sống và hướng đích sai chỗ: cậy sức mình, đặt niềm tin vào người thế, vào của cải. Kinh nghiệm cuộc sống và nhất là Lời Chúa khẳng định cách mãnh mẽ số phận của những người như thế: “Đáng nguyền rủa”, “kẻ tin ở người đời”, “cậy dựa, nương tựa vào sức phàm nhân”, nhưng lòng dạ thì xa rời Thiên Chúa” (Gr 17,5). Số phận của những kẻ xa rời Thiên Chúa dựa vào sức phàm nhân tựa như “bụi cây nơi hoang địa”, “ở mãi nơi đồng khô cháy”, “giữa vùng đất mặn, không bóng người”. Họ “không bao giờ hạnh phúc” và “cũng không cảm mến được hạnh phúc”.

Đó là những kẻ hùa theo “bọn ác nhân”, “quân tội lỗi”, “phương ngạo mãn kiêu căng” (Tv 1,1). Vịnh gia 146 cũng khuyên cáo đừng đặt niềm tin tưởng vào quyền lực thế gian: “Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế, nơi người phàm chẳng cứu nổi ai. Họ tắt hơi là trở về cát bụi, dự định bao điều: ngày ấy tiêu tan” (cc. 3-4). Và Chúa Giêsu trong bài Tin mừng nói tới “sự khốn cùng” của những kẻ cậy dựa vào quyền thế phàm nhân, của cải trần thế, tìm niềm vui thế sự, vinh quang phù phiếm:  kẻ giàu có – đã được phần an ủi của mình rồi; đang được no nê – sẽ phải đói; đang được vui cười – sẽ phải sầu khổ, khóc lóc; đang được ca tụng – sẽ bị đối xử tệ hại (x. Lc 6,24-26).

Sự khốn cùng, mối hoạ của con người, có thể của mỗi chúng ta khi không đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, mà nương mình vào của cải, người thế và chính mình. Bởi những thứ này không đem lại sự giải thoát, hạnh phúc đích thực mà giam hãm con người trong sự chóng qua, tàn lụi “như vỏ trấu gió thổi bay”.

  1. Vinh phúc cho người đặt tin tưởng vào Chúa

Kinh nghiệm nhân sinh và nhất là mạc khải thần linh chỉ cho chúng ta thấy vinh phúc đích thực của con người hệ tại ở việc họ đặt trọn niềm ái tin vào Thiên Chúa, “Cha của mọi gia tộc và phúc lành”. Quả thực, niềm tín thác vào Thiên Chúa là suối nguồn làm trổ sinh, phong nhiêu nơi cuộc sống của của những người khát khao kiếm tìm Chúa Trời. Giêremia và Thánh vịnh 1 đều tuyên nhận thực tại này: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa”, “có Chúa làm chỗ nương thân”, người như thế tựa “cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong”, nên nắng nóng, hạn hán “vẫn xanh tươi” và “không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17,5-9; Tv 1,3). Chúa Giêsu trong bài Tin mừng nói với những mối phúc dành cho những người có: “tâm hồn nghèo khó”, nghĩa là những anawim, những người khiêm tốn, sống đơn thành, đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa sẽ được Nước trời là gia nghiệp trường tồn và sung mãn; những tâm hồn đói khát – đói khát của ăn của uống, nhưng người thanh thoát với của cải trần thế, nhưng hơn hết là họ là những người đói khát Thiên Chúa: “linh hồn con khát khao Chúa Trời hằng sống”, cơn khát Lời Thiên Chúa, khát khao sự công chính; tuẫn hiến cho chính đạo, vì niềm khát khao siêu việt mà bị bách hại, sỉ vả… sẽ hoan hưởng niềm vui sung mãn, “vui mừng nhảy múa vì phần thưởng lớn lao trên Trời”.

Khác với Bài giảng trên Núi, Bài giảng về các mối trên cánh đồng mà Lc trình bày được chia thành: 4 mối phúc và 4 mối họa, diễn tả những thực tại đối lập nhau:

Nước Tc                         &      sự an ủi hiện tại

Sự no thỏa tương lai       &      cái đói tương lai

Sự vui cười tương lai      &     sầu khổ tương lai

Phần thưởng trên trời      &     tương lai vô vọng

Hai thực tại và hai thành quả khác nhau đang được diễn tả trong thế giới hôm nay: giữa cái thánh thiêng, lời mời gọi của cõi trời và sự níu kéo, sức quyến rũ của mãnh lực thế tục: giữa việc buông bỏ tinh thần thế tục để chiếm lĩnh gia tài Nước trời; giữa sự an ủi của thế gian và niềm vui ơn cứu độ.

  1. Sự sống đời đời – vinh phúc viên mãn

Vinh phúc đích thực mà những người đặt niềm tin tưởng vào Chúa không chỉ là sự bình an ở đời này mà căn bản là hoan hưởng phúc lộc Nước trời. Đó là Tin mừng trọng đại mà Phaolô thẩm định trong bài đọc thứ hai. Chính Đức Giêsu đã trở nên mẫu gương, Quả phúc đích thực của chúng ta: Người đã trở nên nghèo khó, đã từ khước vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, đã chịu sự khước từ của người đời, bị sỉ vả, bị loại bỏ như đồ phế thải để mang lại cho chúng ta vinh phúc cõi trời. Đó là niềm hy vọng, là vinh phúc đích thực của chúng ta: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương nhất” (1Cr 15,19).

Để hoan hưởng vinh phúc của con cái Chúa, chúng ta được mời gọi đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, khước từ những mời chào của tinh thần thế tục để hoàn toàn “bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng Đức Kitô” (Cl 2,7). Đó là nền tảng của vinh phúc mà thánh Phaolô nhắn gửi chúng ta:

Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,14-19).

Có thể bạn quan tâm