Bàn về chữ tình chữ nghĩa trong đời sống hôn nhân gia đình Ki-tô hữu

1410 lượt xem

BÀN VỀ CHỮ TÌNH CHỮ NGHĨA TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH KI-TÔ HỮU

Aug. Trần Cao Khải

WHĐ (06.01.2023) – Trong cuộc sống đời thường, chúng ta dễ dàng nghe nhiều đôi vợ chồng than thở rằng bây giờ họ sống với nhau vì nghĩa hơn là vì tình. Chữ “tình” đối với họ không còn ý nghĩa gì nữa, mà trái lại cuộc sống hôn nhân với họ giờ chỉ còn có chút “nghĩa” nào đó mà thôi. Chữ “Nghĩa” được coi là một sự ràng buộc bất đắc đĩ, như ta thường nói “Bỏ thì thương, vương thì tội!” Hôn nhân giờ đây chỉ là gánh nặng cho đôi bạn. Như người xưa từng nói “Gái có chồng như gông đeo cổ / Trai có vợ như rợ buộc chân”… Đối với những ai ở trong hoàn cảnh này thì hôn nhân quả thực là một gánh nặng đau đớn, một sự nhàm chán nặng nề và một sự ràng buộc ray rứt… đến nỗi có người đã nhận định: “Người ta mơ mộng khi yêu nhau và thức tỉnh khi lấy nhau” (Poppée).

Theo các chuyên gia về hôn nhân gia đình thì một khi cuộc hôn nhân không còn trọn nghĩa vẹn tình nữa thì cho dù có sống với nhau nhiều năm tháng đi chăng nữa thì cũng sẽ đến ngày phải “tan đàn xẻ nghé”. Tình trạng ly hôn ngày nay được nói đến rất nhiều, chẳng hạn đối với đôi vợ chồng trẻ thì người ta gọi đó là “Ly hôn xanh”, còn đối với các cặp trung niên hay lão niên thì đó là “Ly hôn xám”. Như một nhà thơ đã mô tả ngắn gọn như sau:

Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong xum họp mãi,
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?” (Thơ Thế Lữ).

Được biết, theo thống kê hàng năm, số vụ ly hôn càng ngày càng tăng không kể tuổi tác, trình độ văn hóa, giai cấp giàu nghèo vv. Chuyện ly hôn không của riêng ai, nó trở nên phổ biến khiến cho cả xã hội phải lên tiếng báo động. Tác giả bài viết có tựa “Gia đình trẻ Việt ngày càng thiếu sự gắn bó và bền vững” trên trang thanhnien.vn ngày 26-9-2022 đã cho biết như sau:

“Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới vào năm 2018, trung bình cả nước ta có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, chiếm tỷ lệ 30% tổng số cặp đôi. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 10 cặp đôi kết hôn thì có đến 3 cặp ly hôn. Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày.”

Tác giả bài báo cho biết tiếp: “Thống kê cũng cho thấy tỷ lệ ly hôn tập trung cao tại những thành phố lớn. Đơn cử tại TP.HCM, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn (chiếm hơn 35%). Độ tuổi ly hôn dưới 35 chiếm 30%. Trung bình mỗi tháng, TP.HCM có từ 80-100 vụ ly hôn tại mỗi quận, huyện.”

Riêng về các nguyên nhân gây ra các vụ ly hôn của các đôi vợ chồng, tác giả bài viết trên đã nêu cụ thể: “Thực tế, thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%. Tất cả những khủng hoảng kể trên đều dẫn đến kết cục ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết.”[1]

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa thì việc hai vợ chồng quyết định ly hôn (hay ly thân) cũng nói lên một điều chính yếu này, đó là họ không còn tình còn nghĩa gì với nhau nữa, dù cho đời sống hôn nhân đã kéo dài cả mấy chục năm và nhiều trường hợp hai người đã có con đàn cháu đống! Một nhà xã hội học, cũng là chuyên gia tâm lý đã nhận định như sau: “Kẻ thù lớn nhất của hôn nhân chính là sự nhàm chán. Càng ở với nhau lâu mà hai bên không nỗ lực vun đắp thì sẽ nhàm chán thôi, mà nhàm chán thì tình yêu sẽ mất đi. Đấy là tính tất yếu của mọi mối quan hệ. Tình cảm không phải là bất biến, tình cảm là một thứ có thể thay đổi. Nếu người ta không nuôi dưỡng, họ sẽ mất tình cảm ấy”.

Sau đây, qua bài viết này, tôi mạn phép đề cập chi tiết hơn đến chữ tình chữ nghĩa trong hôn nhân để từ đó khẳng định rằng hôn nhân sẽ không hạnh phúc và bền vững nếu chỉ có tình mà thiếu nghĩa, hoặc chỉ có nghĩa mà vắng tình. Vì rằng cả hai yếu tố tình và nghĩa sẽ được coi như chất keo sơn giúp gắn chặt hôn nhân như bóng với hình.

1.- Chữ TÌNH trong đời sống hôn nhân 

2.- Chữ NGHĨA trong đời sống hôn nhân

3.- Hôn nhân sẽ ra sao nếu thiếu Tình và thiếu Nghĩa

        3.1. Hôn nhân thiếu Tình thì hôn nhân nhàm chán

        3.2. Hôn nhân thiếu Nghĩa thì hôn nhân chết yểu

4. Tình và Nghĩa: chất keo gắn chặt hôn nhân

1.- Chữ TÌNH trong đời sống hôn nhân

Trước hết, chúng ta bàn đến chữ Tình trong đời sống hôn nhân. Một danh nhân đã nói: “Không có tình thì không có gia đình” (Lord Byron). Điều đó rất chính xác, nó cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng và thiết yếu của tình yêu trong đời sống lứa đôi.

Thánh Au-gus-ti-nô đã từng nói “Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm” (Ama et fac quod vis). Ngạn ngữ La-tinh có câu “Tình yêu chiến thắng tất cả” (Amor vincit omnia). Điều đó chứng tỏ là tình yêu là yếu tố hàng đầu, quyết định hạnh phúc vợ chồng và sự bền vững của đời sống hôn nhân. Bởi vậy khi trao nhẫn cưới cho nhau trong lúc cử hành Bí tích Hôn phối, đôi bạn đã khẳng định như sau: “Anh/em , nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và lòng chung thủy của anh/em. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.”

Một khi tình yêu và lòng chung thủy đã được xác tín và tuyên bố công khai như vậy, thì từ lúc này đôi bạn phải trung thành với cam kết của mình dù cuộc đời có thay đổi thế nào đi nữa. Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn những bổn phận gia đình Ki-tô hữu – Familiaris Consortio (FC) đã nhấn mạnh như sau: “Đối với đôi bạn Kitô hữu, ơn bí tích là một ơn gọi và đồng thời cũng là một lệnh truyền phải trung thành mãi mãi, bất chấp các thử thách và khó khăn với một lòng quảng đại tuân theo ý Chúa: ‘Điều Thiên Chúa đã phối hợp thì người ta không được phân ly’ (Mt 19,6) ” (FC số 20).

Cũng trong Tông huấn này, Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô nhắn nhủ tiếp: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (FC số 21).

Riêng thánh Phao-lô, ngài đã có những lời khuyên thiết thực sau:

Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12-13);

Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ…” (Cl 3, 18-19).

Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Eph 5, 21-33).

Một đặc điểm nổi bật trong hôn nhân Ki-tô hữu, đó là sự hy sinh vì người yêu và tình yêu vợ chồng dành cho nhau dõi theo tình yêu Thiên Chúa yêu nhân loại và tình yêu Đức Ki-tô dành cho Hội thánh. Chúng ta biết rằng, hy sinh có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là chết (ngừng mọi hoạt động của cơ thể), nghĩa thứ hai là chịu thiệt hại, mất mát quyền lợi về vật chất, tinh thần hoặc một bộ phận nào đó trên cơ thể nhằm một mục tiêu cao cả hoặc một lý tưởng tốt đẹp (Theo Wikipedia).

Sự hy sinh trong tình yêu Ki-tô hữu luôn hàm chứa sự đau khổ, mất mát, thiệt thòi. Thực vậy, tình yêu trong hôn nhân đòi hỏi đôi bạn phải hy sinh hết mình vì bạn đời của mình và vì hạnh phúc gia đình. Đó là cách chứng minh tình yêu cụ thể nhất. Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã nói: “Yêu là hy sinh, chưa hy sinh thì chưa gọi là yêu”. Hy sinh cũng là điều kiện để bảo tồn và gia tăng sự hiệp thông, hiệp nhất trong gia đình.

Người ta thường nói ví von rằng hoa hồng nào mà chẳng có gai. Cuộc tình nào mà chẳng có nước mắt và đau khổ. Hôn nhân đích thực không phải là thiên đàng của những mộng mơ viễn tưởng mà trái lại đó là một trường đào tạo, một cuộc chiến đấu cam go của những anh hùng. Như có người đã nói: “Hôn nhân không phải là luống hồng mà là bãi chiến trường” (Danh ngôn).

Thực vậy, khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình là chúng ta chấp nhận đi vào con đường khổ giá, con đường mà Chúa Giêsu đã mời gọi mọi môn đệ cùng đi với Ngài. Tác giả D. Wahrheit trong cuốn sách tựa đề “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Ki-tô” đã chia sẻ như sau: “Ngày thành hôn trước mặt Giáo hội, hai người nam nữ nên vợ nên chồng. Bí tích hôn phối đưa hai người lên đường, hé mở cho họ thấy sự thánh thiện mà tay trong tay họ cùng nhau đạt tới. Cuộc lễ long trọng trong nhà thờ mới chỉ là một khởi hành. Đức tin không là một cây đũa thần để họ làm phép lạ. Họ chỉ biết rằng, con đường mà trên đó họ cùng nắm tay tiến bước với Chúa Kitô là một con đường hẹp. Con đường ấy được trải đầy những thập giá mà họ phải vác lấy từng ngày…

Như vậy, nếu phải chiến đấu, phải nỗ lực để có được một tình yêu chân chính trong một cuộc hôn nhân bền vững, thì ta phải dõi theo những gì mà Chúa đã dạy. Ngài đã nói: “Không có tình thương lớn hơn tình thương của người hi sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Sự đau khổ và sự chết của Đức Ki-tô đã giải thích cho ta hiểu rằng vì yêu và vì hạnh phúc của chúng ta, Ngài đã hi sinh đến chết (x. Ga 10, 17; Pl 2, 8). Đó là một Tình Yêu đích thực, tình yêu có sức mạnh cứu chuộc, thăng hoa và biến đổi.

2.- Chữ NGHĨA trong đời sống hôn nhân

Có nhiều cách lý giải chữ “Nghĩa” trong đời sống hôn nhân gia đình. LM Giuse Đinh Lập Liễm trong bài giảng “Nghĩa tào khang” (cuốn Chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ Hôn phối) đã diễn giải như sau:

Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui.

Nghĩa” là một trong năm đức tính cao quý của con người trong xã hội ta ngày xưa. Đó là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ngược với chữ “lợi”, chữ nghĩa chỉ đức tính tốt, làm theo điều phải. Chữ nghĩa hàm chứa tính cách bất vụ lợi như “nghĩa cử”; tính cách trung thành và hy sinh như “nghĩa bộc:, “nghĩa tử”; tính cách khí khái, hăng hái, dấn thân như “nghĩa khí”. Trong mạch văn “vợ chồng là nghĩa tào khang” mà vợ chồng là một định chế, thì chữ nghĩa là đức tính căn bản của vợ chồng, để được dùng định nghĩa cho hôn nhân. Nó là một trong 5 tương quan trong xã hội: Trung, hiếu, nghĩa, lễ, tín. Nó là một định chế trong 5 định chế: quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu. Chữ nghĩa ở đây bao hàm ý nghĩa của một định chế tốt, được xã hội công nhận.[2]

Trong đời sống hôn nhân gia đình, chữ Nghĩa luôn được nhắc đến song song với chữ Tình. Người ta thường nói “Tình-nghĩa vợ chồng” là vậy. Nhà văn Hoàng Hữu Các trong bài viết “Giá trị của chữ tình, chữ nghĩa” trên trang Gia đình và Xã hội ngày 28-6-2011 đã nhận xét như sau:

“Người ta yêu nhau vì tình và sống với nhau lâu dài vì nghĩa. Chính các gia đình Việt Nam đã chứng minh điều đó. Các thế hệ cha ông chúng ta lấy vợ không có tình yêu, thậm chí còn không được tìm hiểu. Chẳng hạn:

Nhà mình do má tìm cho
Nết ăn nết ở cũng do má tìm.”

Vậy mà họ sống với nhau êm thấm cả đời, sinh con đàn cháu đống. Bây giờ yêu nhau hoàn toàn tự do, tìm hiểu rất kỹ, thậm chí còn sống thử trước khi cưới, vậy mà tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng và nạn bạo lực gia đình đã đến mức phải báo động. Liên tiếp có những vụ án đau lòng, chồng giết vợ, vợ thiêu sống chồng và nhiều nơi đã phải xây nhà tạm lánh cho những bà vợ trốn khỏi những trận đòn của những kẻ vũ phu.

Tình yêu mặn nồng mấy rồi cũng nhạt dần qua năm tháng, nhưng thời gian cũng có thể làm cho nghĩa vợ chồng ngày một mặn mà hơn. Cái nghĩa được hình thành và củng cố tấm lòng vợ chồng dành cho nhau. Cùng chung sức vượt qua khó khăn xây dựng vun vén tổ ấm gia đình, bát cháo chén thuốc khi đau ốm, sự quan tâm chu đáo trong những việc nhỏ nhất như cái ăn, cái mặc, tất cả làm nên nghĩa vợ chồng và thành điểm tựa của nhau trong suốt cuộc đời. Có khi chỉ vì yêu một cái lúm đồng tiền mà người đàn ông cưới hẳn cả một cô gái. Nhưng khi nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt thì cái lúm đồng tiền không còn nữa mà chỉ còn cái nghĩa ở đời với nhau. Nghĩa vợ chồng được hình thành từ rất nhiều bao dung, nhiều tha thứ, nhiều chấp nhận. Nếu cứ đòi hỏi nhau nhiều quá, soi nhau nhiều quá mà không biết chấp nhận cá tính của nhau thì không hình thành được nghĩa vợ chồng và như thế thì những năm tháng sống chung sẽ là tù ngục; tờ hôn thú sẽ là bản án chung thân.

Người ta yêu nhau một thời và sống chung với nhau một đời. Khi chữ tình nhẹ dần thì chữ nghĩa nặng hơn, đó là nền móng của gia đình, nền móng này phải được xây dựng từ trong văn hóa sống.”[3]

Chúng ta biết rằng, khởi đầu của hôn nhân luôn là một tình yêu nồng ấm mà đôi bạn tự nguyện trao ban cho nhau. Tình yêu ấy nó như một hạt giống cần được nuôi dưỡng thường xuyên như một cái cây cần đất, nước, khí và ánh sáng thì mới mong phát triển và sống lâu bền được. Vai trò của Nghĩa chính là yếu tố cần thiết để nuôi dưỡng tình yêu. Như người ta thường nói: “Hôn nhân chia nửa quyền lợi và gấp đôi nghĩa vụ (Arthur Schopenhauer). Và “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm ” (James Thurber).

Cái nghĩa vụ mà câu nói trên đề cập chính là chữ “Nghĩa” mà chúng ta đang bàn. Nghĩa chính là sợi dây ràng buộc đôi bạn trong một cuộc sống chung, chịu trách nhiệm chung và cùng chia sẻ định mệnh chung. Ông bà ta thì nói ngắn gọn: “Trong gia đình có Kẻ xay lúa, có người bồng em”, hoặc “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, hay “Vợ chồng như đũa có đôi”. Không ai có thể là “người khách lạ” trong gia đình của mình được. Cái nghĩa-vợ-chồng nó thúc đẩy chúng ta chung lưng đấu cật, đồng lao cộng khổ vì hạnh phúc của hôn nhân và để gia đình được êm ấm lâu dài.

Trong bài giảng hôn phối có tựa “Chung lưng đấu cật”, LM Đinh Lập Liễm (sách đã dẫn) đã chia sẻ như sau:

“Thành ngữ chung lưng đấu cật có nghĩa là cùng góp sức và dựa vào nhau trước khó khăn chung. Muốn xây dựng được một mái ấm gia đình, vợ chồng luôn phải chung sức chung lòng, kề vai sát cánh mới mong đi đến thành công. Có câu thơ sau:

Em về cắt rạ đánh tranh, / Chẻ tre, chẻ lạt cho anh lợp nhà.
Sớm khuya hòa thuận đôi ta, / Hơn ai gác tía, lầu hoa một mình.

Mái ấm gia đình luôn được xây dựng do công lao của vợ chồng, không riêng của ai. Mỗi người xây đắp một phương diện. Phải biết vun xới cho gia đình, vì “của chồng công vợ” mà, đừng sống như chỉ có một mình mà hãy thực hiện lời dạy trong Thánh Kinh: “Tôi muốn trở nên mọi sự cho mọi người”, ít ra hãy thực hiện điều ấy cho người bạn đời.”[4]

Như vậy, ta thấy rằng cái Nghĩa trong đời sống hôn nhân gia đình chính là việc đôi bạn quan tâm đến nhau, thực hiện một cách tích cực và đầy đủ những đòi hỏi thuộc chức năng vai trò từng người trong đời sống chung vợ chồng. Người ta gọi đó là tình yêu trách nhiệm.

Ông bà ta thường nói lập gia đình, kết hôn, lấy vợ lấy chồng là đi “gánh vác”. Điều đó có nghĩa là khi bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn trở nên hai người bạn đời, bạn đường của nhau, cùng liên kết trong một cuộc sống, cùng chia sẻ một số phận và đồng trách nhiệm với nhau về mọi vấn đề trong gia đình. Tinh thần trách nhiệm đòi hỏi cả hai người phải nỗ lực hy sinh cái “Tôi” để lo cho cái “Chúng ta”. Khi kết hôn đôi bạn phải hy sinh những lợi ích riêng tư cá nhân để chu toàn bổn phận làm vợ làm chồng, bổn phận làm cha làm mẹ trong gia đình. Tinh thần trách nhiệm trong hôn nhân nhắc chúng ta đến hai việc, đó là sự quan tâm chăm sóc giữa hai bạn đời với nhau, hai là sự cộng tác tích cực của hai vợ chồng trong việc thực hiện bổn phận gia đình.

Sự chăm sóc và quan tâm đến nhau. Đây là dấu chỉ về một tình yêu đích thực, trưởng thành và tinh tế, như có người đã nói: “Ai thích hoa thì tìm cách ngắt hoa. Nhưng người yêu hoa thì tìm cách chăm sóc hoa”. Bản thân vợ chồng phải được chăm sóc, vun xới từng giờ, từng phút, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, những lúc vui sướng cũng như lúc gian nan. Sự chăm sóc đôi khi đơn giản, nhỏ bé nhưng lại có vai trò to lớn trong cuộc sống vợ chồng. Sự quan tâm không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn qua những cử chỉ, hành động thiết thực, cụ thể. Chẳng hạn, hãy thường xuyên nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau tâm sự, khen ngợi nhau khi cần thiết, chia vui sẻ buồn với nhau, nghĩ đến nhau những dịp đặc biệt như sinh nhật, bổn mạng, ngày kết hôn…Quả thực, sự quan tâm đến nhau được coi như chất keo giúp gắn kết hai bạn đời bền chặt mãi mãi.

Đồng cam cộng khổ, cùng chia sẻ trách nhiệm chung trong gia đình. Ngày nay, nhiều bạn trẻ tỏ ra thất vọng rất lớn về bạn đời của mình chỉ vì người ấy không quan tâm đến những việc chung của gia đình. Nhiều bà vợ than phiền các ông chồng lười biếng và ỷ lại vào sự đảm đang của vợ mà bỏ bê việc gia đình. Điều đó khiến người vợ mệt mỏi và thất vọng vì gia đình là của chung, hôn nhân là do hai người cùng kiến tạo và niềm hạnh phúc là do hai người cùng chia sẻ. Trên thực tế, ta thường nghe vợ than chồng mê game mà bỏ bê gia đình. Trong khi ấy, chồng phàn nàn vợ ghiền mạng xã hội hơn là chồng con. Điều đó dễ dẫn đến cảnh xào xáo bất an trong gia đình.

Trong cuốn “Những quy tắc trong đời sống vợ chồng”, tác giả đã đưa ra 3 cái “cùng” đối với đôi vợ chồng, đó là: Cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau chăm sóc con cái, cùng nhau quyết định mọi việc trong gia đình. Tác giả đã phân tích như sau:

“Thật sai lầm khi người vợ ôm đồm hết mọi thứ và để người chồng đi làm về ‘ngồi chơi xơi nước’. Thứ nhất, vợ tập cho chồng thói quen ỷ lại, lười biếng và thiếu trách nhiệm. Thứ hai, vợ đang tự biến mình thành người giúp việc trong nhà, chứ không còn là vợ. Cuối cùng về lâu dài, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm của vợ chồng đôi bạn. Hôn nhân là sự hợp tác, chia sẻ, và mọi trách nhiệm đều phải được phân công với nhau.

Ngoài ra, là vợ chồng, đôi bạn nên trao đổi, thống nhất với nhau để đưa ra quyết định cho mọi việc dù lớn hay nhỏ trong gia đình. Có nhiều gia đình phần lớn mọi việc do chồng hay do vợ quyết định, người còn lại chỉ biết lắng nghe theo và ít khi tham gia ý kiến. Đó không phải là biểu hiện của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nó thể hiện sự thiếu cân bằng về trọng lượng lời nói, vị thế của nhau trong hôn nhân. Để hôn nhân bền vững và hạnh phúc, một nguyên tắc cần tuân thủ nghiêm ngặt, đó là mọi việc quan trọng trong gia đình, cả hai vợ chồng đều phải bàn bạc, nêu ra ý kiến của mình để có quyết định thống nhất.”[5]

Có thể khẳng định điều này là sự thành công và bền vững của một cuộc hôn nhân không phải do tài năng của đôi bạn mà chính là do sự đồng tâm hiệp lực của cả hai người trong gia đình. Đó là biểu hiện cách sống thực sự có tình có nghĩa với nhau của đôi bạn đời.

3.- Hôn nhân sẽ ra sao nếu thiếu Tình và thiếu Nghĩa

Một danh nhân đã nói: “Hôn nhân là một công trình mà đôi bạn phải kiến tạo suốt đời (André Maurois). Công trình hôn nhân mà đôi bạn cam kết dấn thân thực hiện không giống các công trình vật chất khác của con người, trái lại đó là một ơn gọi và sứ mệnh được trao ban từ chính Thiên Chúa. Như Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô đã nói trong Tông huấn Gia đình Ki-tô hữu như sau: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Người, giống như họa ảnh của Người (x.St 1-26-27). Khi vì yêu mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Người cũng mời gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu (x.1Ga 4,8) và nơi chính mình Người, Người cũng đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị . Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông (x.HC MV 12). Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người.” (FC, số 11)

Vậy có thể nói hôn nhân là công trình của tình yêu và trách nhiệm. Nhưng một khi hôn nhân không còn tình yêu và không duy trì trách nhiệm nữa thì hôn nhân sẽ sụp đổ. Lúc mới kết hôn, có thể đôi bạn nghĩ rằng tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, chức tước địa vị xã hội, bằng cấp… sẽ đem lại hạnh phúc và êm ấm cho gia đình, nhưng khi đã về sống với nhau rồi lúc đó cả hai đều vỡ mộng. Chúng ta quên một điều quan trọng này là điều làm nên một gia đình hạnh phúc, đó chính là sự nồng ấm của tình yêu và sự gắn kết bền chặt của nghĩa vụ. Nói cách khác, nếu hôn nhân không còn nghĩa, không còn tình gì nữa thì đó là một cuộc sống buồn chán và đáng thất vọng.

3.1. Hôn nhân thiếu Tình thì hôn nhân nhàm chán

Có thể nói trên thực tế để nhận ra một cuộc hôn nhân không còn tình yêu không phải là chuyện khó khăn lắm. Bởi vì khi hai vợ chồng lạnh nhạt trong tình yêu thì hôn nhân không còn là thiên đàng nữa, mà trái lại là “con đường dẫn đưa tới hỏa ngục” (Balzac). Nói cách khác, lúc đó hôn nhân không còn là cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” nữa, mà là một “thảm họa” mà cả hai bạn đều sợ hãi và muốn thoát khỏi.

Nét tiêu biểu nổi bật nhất mà ta có thể đề cập tới liên quan cuộc hôn nhân không còn tình yêu, đó là sự nhàm chán vô vị. Nếu khi mới lấy nhau, đôi bạn luôn cảm thấy đời sống vợ chồng thật là vui vẻ, phấn khởi và ấm cúng, thì có thể chỉ sau một thời gian chung sống, vì lý do nào đó, họ rơi vào tình trạng bi quan, chán nản, thất vọng. Thực tế này xuất phát từ nguyên nhân tình yêu giữa hai người đã phai nhạt, cạn kiệt, thậm chí có khi còn tiêu tan hẳn. Dần dần cuộc sống chung trở nên nhàm chán, vô vị và đôi bạn cảm thấy cuộc sống hôn nhân chỉ còn là gánh nặng cho nhau mà thôi.

Nhà thơ Lord Byron đã nói “Không có tình, không có gia đình”, điều đó có nghĩa là đời sống hôn nhân gia đình chỉ thực sự sống động và có ý nghĩa khi đôi vợ chồng giữ được ngọn lửa yêu thương luôn nồng cháy. Tuy nhiên một khi hôn nhân không còn chút gì hương vị nồng ấm của tình yêu nữa thì quả thực đời sống vợ chồng lúc đó thật là vô vị và nhàm chán!

Thực trạng kế tiếp của cuộc hôn nhân vắng tình yêu, đó là sự gặm nhấm của căn bệnh vô cảm, lạnh lùng giữa đôi bạn. Khi không còn tình yêu nữa, vợ chồng sẽ dễ dàng đối xử với nhau một cách vô tâm, lạnh lùng, cứng cỏi. Họ ở cạnh nhau, sống bên nhau nhưng như là những người khách lạ. Lúc này, căn bệnh vô cảm sẽ âm thầm hủy hoại mối quan hệ vợ chồng của đôi bạn. Người ta thường nói “Đồng sàng dị mộng”, ngay cả khi vợ chồng ngủ cùng giường, ăn cùng bàn, ở cùng nhà…nhưng tuyệt nhiên do thiếu tình yêu nên họ không còn hiện diện với nhau nữa, giữa họ dường như có một khoảng cách xa vời vợi!

Hiện nay, người ta nhận thấy rằng trong nhiều gia đình, vô cảm đã trở thành một thứ bệnh nguy hại với mức độ tàn phá kinh khủng. Nó không chỉ tấn công vào da thịt của con người nhưng là một thứ siêu vi gây tổn thương chính con tim con người. Có người đã khẳng định rằng “Vô cảm là mồ chôn của tình yêu con người”. Nhà tâm lý hiện sinh nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ Rollo May cũng đã nói : “Hận thù không phải là thứ đối lập với tình yêu mà đó là sự vô cảm”. Đại văn hào Nga Maksim Gorky cũng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Nếu căn bệnh vô cảm trở nên nặng nề và kéo dài thì đó là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong mối quan hệ vợ chồng. Cuối cùng, điều gì đến sẽ phải đến, đó là viễn ảnh một cuộc chia tay không thể cứu vãn được.

Ngoài ra, hôn nhân thiếu tình yêu sẽ trở thành gánh nặng cho đôi bạn.

Vợ chồng sống với nhau muốn hạnh phúc lâu dài thì phải vừa có tình vừa có nghĩa. Nhưng một khi tình mất đi thì chỉ còn lại nghĩa. Nhằm tránh những đổ vỡ có thể nặng nề hơn, nhiều đôi bạn đành chọn cách sống chấp nhận thi hành nghĩa vụ vợ chồng một cách tối thiểu và miễn cưỡng. Lúc yêu nhau thì họ quyến luyến nhau, quan tâm chăm sóc nhau, họ tỏ ra cần nhau và muốn nương tựa vào nhau. Nhưng khi tình đã hết thì đời sống vợ chồng chỉ còn là gánh nặng mà đôi bạn cố gắng từng ngày chịu đựng cho xong bổn phận. Chúng ta biết rằng, hạnh phúc thực sự được xây dựng trên tình thương và sự hiểu biết nên ở đâu có hiểu, có thương và có sự chia sẻ thì ở đó có hạnh phúc. Nếu trong đời sống hôn nhân thiếu tình thương, thiếu tôn trọng, thiếu sự chia sẻ và đồng cảm, chắc chắn sẽ không hạnh phúc. Bằng chứng là rất nhiều cuộc hôn nhân phải đổ vỡ hay ít là phải bó buộc chịu đựng lẫn nhau.

Trong bài viết có tựa đề “Khi hôn nhân không có tình yêu”, tác giả đã đề cập đến hiện tượng sống tách biệt nhau giữa hai vợ chồng. Bài báo viết: “Đó là khi hai bạn đời không chung sống với nhau như vợ chồng. Cả hai có cuộc sống riêng và đều hài lòng với kiểu tồn tại đó. Thay vào đó, vợ hay chồng sẽ chọn cách làm mọi thứ mình thích mà không cần tham khảo ý kiến với bạn đời. Trong một cuộc hôn nhân không có tình yêu, cả hai không thể hiểu nhau và không sẵn lòng kề vai sát cánh bên nhau. Khi kết hôn, vợ/chồng không chỉ là bạn đời mà còn là người tư vấn cho các quyết định quan trọng. Do vậy, nếu đôi bạn không muốn hỏi bạn đời ý kiến khi đưa ra những kế hoạch, quyết định thì rõ ràng cuộc hôn nhân của họ là không có tình yêu.”[6]

Tóm lại, một cuộc hôn nhân không-tình-yêu thì nhạt nhẽo, không có kết nối của tình thương vợ chồng, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít tới con cái và bầu khí gia đình. Khi con cái chứng kiến cảnh cha mẹ không hạnh phúc, không đầm ấm, không hòa thuận thì chúng sẽ cảm thấy thiếu thốn tình thương và sự bình an. Một đứa trẻ sẽ sống ra sao, sẽ học hành thế nào, sẽ nhìn cuộc đời cách nào nếu nó sống trong một gia đình cha mẹ luôn xung khắc, chửi bới đánh đập nhau, nếu chúng thường xuyên chứng kiến cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” của cha mẹ chúng, nếu chúng không được hưởng sự ấm áp hạnh phúc từ chính tình thương của cha mẹ dành cho nhau… Nhiều đứa trẻ đã bỏ nhà ra đi chỉ vì chúng không còn tìm thấy trong gia đình một niềm vui hay an ủi nào nữa.

3.2. Hôn nhân thiếu Nghĩa thì hôn nhân chết yểu

Có thể nói hôn nhân thiếu Nghĩa thì hôn nhân đó khó tồn tại lâu dài được. Vì rằng do tính chất nhất thời nên đời sống tình cảm và những cảm xúc cháy bỏng trong tình yêu ban đầu thường sẽ thay đổi theo thời gian, theo không gian, theo hoàn cảnh và tâm trạng con người. Trong khi đó tình yêu đích thực thì hệ tại ở mức độ gắn bó, hợp tác giữa hai người, trở thành một sức mạnh kỳ diệu nâng đỡ con người hoàn thành vai trò và nhiệm vụ vợ chồng trong gia đình.

Một tác giả đã đề cập chữ “Nghĩa”, tức là vấn đề hôn-nhân-trách-nhiệm, như sau: “Trách nhiệm của vợ chồng trong cuộc sống gia đình là chăm sóc nhau, cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con cái, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình. Có thể nói, yếu tố khởi đầu tạo nên gia đình chính là hôn nhân. Từ quan hệ hôn nhân tạo nên các mối quan hệ khác. Trong đó, hôn nhân là yếu tố nền tảng tạo sự bền vững của gia đình. Để duy trì được cuộc hôn nhân bền vững, mỗi người khi làm vợ, làm chồng không chỉ giữ gìn và thắp lửa tình yêu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn mà còn có trách nhiệm, bổn phận với nhau và với chính cuộc sống mà cả hai cùng tạo dựng. Nghĩa vụ, trách nhiệm đó được thể hiện qua việc vợ chồng cùng chăm sóc nhau, cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con cái, làm việc nhà và đóng góp tài chính.”[7]

Ngày nay, khá nhiều đôi bạn coi trọng chữ Tình mà bỏ qua chữ Nghĩa. Chính vì lẽ đó mà tuổi thọ của đời sống hôn nhân của họ xem ra quá ngắn. Nếu xét về mặt tình cảm ta nói đến hôn-nhân-vô-cảm, thì ở đây ta liên tưởng tới hôn -nhân-vô-trách-nhiệm, nghĩa là đôi vợ chồng không tích cực chu toàn nghĩa vụ với nhau và với gia đình. Dân gian có câu “Vợ chồng như đũa có đôi”, có nghĩa đôi bạn là một nửa của nhau (0,5 + 0,5 = 1), một cặp với nhau và họ cam kết đồng hành với nhau trọn đời. Vậy thì không có lý gì mà họ lại sao nhãng, lơ là việc hợp tác với nhau trong mọi công việc trong gia đình. Đây là một sai lầm lớn mà nhiều bạn mắc phải.

Chúng ta nên nhớ rằng đôi bạn nào biết chia sẻ, gánh vác trách nhiệm chung với nhau trong gia đình thì sẽ biến gia đình ấy luôn là một tổ ấm lý tưởng. Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ sau một thời gian ngắn kết hôn tỏ ra khá thất vọng vì vợ hay chồng không biết chia sẻ trách nhiệm chung gia đình. Người ta lấy lý do bận công việc làm ăn, bận giao tiếp ngoài xã hội nên không còn sức lực, thời gian lo việc nhà nữa. Thông thường thì người vợ phải gánh hết những nhiệm vụ trong gia đình, với danh nghĩa là “nội tướng”. Điều đó xét ra thiệt thòi cho nữ giới. Ông bà ta thường nói, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Điều đó không có nghĩa là trong gia đình có một sự phân công một cách cứng ngắc, cố định, mà đây chỉ hiểu là ai cũng có nhiệm vụ xây dựng, gánh vác việc chung trong gia đình, theo kiểu “Kẻ thì xay lúa, người thì bồng em”. Vợ chồng vì thế hãy tạo điều kiện để có thể làm việc với nhau để chu toàn trách nhiệm chung.

Như trên ta đã nhắc câu nói sau: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber). Trong gia đình dường như lúc nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết và đối phó, nếu hai bạn cùng hiệp lực, đồng tâm nhất trí nắm tay nhau thực hiện thì việc gì cũng xong. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Sự thành công của hôn nhân không do tài năng của một người mà chính là do sự đồng tâm hiệp ý của cả hai người.

4. Tình và Nghĩa: chất keo gắn chặt hôn nhân

Như trên đã nói, một cuộc hôn nhân tốt đẹp, thành công, hạnh phúc thì không thể thiếu hai yếu tố Tình và Nghĩa được. Một cuộc hôn nhân trọn-tình và vẹn-nghĩa được sánh ví như một bông hoa đẹp vì sắc màu tươi thắm và sự hấp dẫn của mùi hương nồng nàn. Cái tình cái nghĩa nó quyện vào nhau như bóng với hình. Có bài thơ của người xưa thế này:

Muốn cho yên cửa, yên nhà / Chẳng gì hơn ở thuận hòa cùng nhau.
Dễ ai đội nón qua đầu, / Sao không nghĩ trước, nghĩ sau cho tầy.
Ái ân là nghĩa nặng thay! / Vợ chồng há phải một ngày dám quên.
Ở đời vô sự là tiên, / Mà điều êm đẹp hơn nơi cục cằn.
Chót đà cùng chiếu cùng chăn, / Lẽ nào con nhện mấy lần vương tơ. (Hồ Huyền Quy)

Một tác giả kinh nghiệm về đời sống hôn nhân gia đình đã nhận xét là trong hôn nhân luôn tồn tại chữ “Nghĩa” để người ta có thể níu chân nhau lại, giữ tay nhau thật chặt mà bước đi cùng nhau đến hết cuộc đời, bình lặng, an yên. Còn trong bài viết tựa “Tình và nghĩa: chất keo gắn chặt hôn nhân” trên trang tinmung.net, tác giả Trần Hữu Thuần đã bình luận như sau:[8]

“Trong các ngôn ngữ mà tôi được biết, có lẽ không có từ ngữ nào nói đến sự tương quan giữa hai người yêu nhau và chung sống với nhau chứa đựng nhiều ý nghĩa cho bằng cụm từ Tình Nghĩa Vợ Chồng của tiếng Việt chúng ta.

Tình là tình-yêu-đôi-lứa; Nghĩa là nghĩa-vợ-chồng. Hai thứ tình và nghĩa trộn lẫn lại làm thành phân bón, làm thành lương thực nuôi sống cuộc sống hôn nhân. Hôn nhân giữa đối thể và khách thể trong văn hoá Việt Nam chúng ta như thế khởi đầu bằng “Tình” và gắn bó bằng “Nghĩa”. Nàng Kiều khi phải bán mình chuộc cha biết “tình” nàng với chàng Kim giờ đây đã dứt, chỉ còn lại chút “nghĩa” cũng phải phụ phàng, nên đã nhờ cha nàng trả nghĩa:

Lạy thôi, nàng lại thưa chiềng,
Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi. (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Chút “Nghĩa” đó chính là nét đặc trưng trong nền văn hoá dân tộc chúng ta. Cha mẹ chúng ta thường khuyên bảo con cái: “Vợ chồng sống với nhau phải có tình có nghĩa”. Khi bình thường, an vui cũng như sầu khổ, vợ chồng sống với nhau bằng “Tình”. Khi một trong hai người bệnh hoạn tai ương, hoặc gây nên lầm lỗi, nếu tình yêu phôi pha hoặc không còn nữa, vợ chồng vẫn sống bên nhau bằng “Nghĩa”. Nói cách khác, tình là phần việc của con tim, nghĩa là phần việc của lý trí. Con tim và lý trí đi chung với nhau để cuộc sống vợ chồng bền chặt. Cũng vì thế, mức độ ly dị ngày trước trong hôn nhân Việt Nam gần như không có. Người chồng có thể hời hợt khi gặp người vợ không như ý bằng cách chung chạ với người khác, vợ lẽ nàng hầu, nhưng vẫn không bỏ bê người vợ đang làm buồn lòng mình. Người vợ khi gặp phải chồng không ưng ý, vẫn sống chung trong một mái nhà, cho dẫu nhiều khi không còn chung chăn chung gối, để gia đình không bị đổ vỡ, nhờ vào chút “Nghĩa Phu Thê”.

Chàng ơi phụ thiếp làm chi,
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng. (Ca dao)”

Có thể nói nếu đôi bạn duy trì được mãi mối tình sâu nghĩa nặng thì điều đó sẽ luôn là một tiền đề cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc bền lâu. Điều đó cũng khẳng định một thực tế đáng khen ngợi, đó là đôi bạn đã phát huy được đức tính chung thủy trong đời sống vợ chồng. Chữ “Nghĩa” ngày nay cũng hiểu như là sự trung tín, trung thành (Loyalty) vậy.

LM Nguyễn Hữu Thy, trong cuốn “Những suy tư đúng đắn về Hôn nhân và Gia đình Công Giáo”, đã nêu lên ba yếu tố quan trọng nhất mà một cuộc sống hôn nhân Công Giáo cần phải có để bảo đảm được sự tồn tại và hạnh phúc của mình. Đó là tình yêu, sự chung thủy và phép lành của Thiên Chúa. Về sự chung thủy, tác giả viết như sau:[9]

“Lời thề hứa hoàn toàn tự nguyện của hôn nhân là một cam kết bó buộc và bất khả tháo gỡ đối với các đôi vợ chồng. Tính chất đặc thù này của lời thề hứa hôn nhân hoàn toàn không phải là một gánh nặng bất khả kham, nhưng là một phương tiện hữu hiệu giúp cho các đôi vợ chồng rèn luyện và thăng tiến được chính con người mình cũng như bảo đảm cho cuộc sống hôn nhân của họ được bền vững trước các sóng gió cuộc đời. Chính nữ triết gia Hannah Arendt đã nhận định: Nếu không bị bó buộc phải thực thi các lời đã hứa, ta sẽ không khi nào duy trì được các căn tính của ta và bị giằng co xâu xé bởi đủ thứ mâu thuẫn…

Ở đoạn kết thúc phần nói về sự chung thủy trong hôn nhân, tác giả nhấn mạnh như sau: “Sự chung thủy hôn nhân không chỉ giới hạn trong phạm vi sự chung thủy về tính dục, nhưng còn bao hàm trong hành động cụ thể của bản thân mỗi người nữa, đó là họ phải luôn công khai bày tỏ một cách dứt khoát: Tôi thuộc về vợ/ chồng tôi. Sự chung thủy hôn nhân đòi tôi phải thực sự tôn trọng vợ/ chồng tôi. Sự chung thủy hôn nhân đòi tôi phải quan tâm tới điều chính đáng mà vợ/ chồng tôi cần tới và mong ước. Sự chung thủy hôn nhân đòi hỏi phải luôn biết tận tâm an ủi và nâng đỡ người vợ/ chồng của mình. Sự chung thủy hôn nhân đòi hỏi phải luôn biết cầu nguyện cho nhau và biết tín thác cuộc sống lứa đôi của mình cho sự quan phòng đầy yêu thương và phép lành của Cha trên trời.”./.

[1] Từ Thắng, Gia đình trẻ Việt ngày càng thiếu sự gắn bó và bền vững, tại: https://thanhnien.vn/gia-dinh-tre-viet-ngay-cang-thieu-su-gan-bo-va-ben-vung-post1503856.html, đăng ngày  26/09/2022, truy cập ngày 06/01/2023

[2] LM Giuse Đinh Lập Liễm – Bài Nghĩa Tào Khang – Chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ HP – NXB Đồng Nai 2017 trang 685

[3] Hoàng Hữu Các, Giá trị của chữ tình, chữ nghĩa, tại https://giadinh.suckhoedoisong.vn/gia-tri-cua-chu-tinh-chu-nghia-172110627052153106.htm, đăng ngày  28/06/2011, truy cập ngày 06/01/2023

[4] LM Giuse Đinh Lập Liễm – Bài Chung lưng đấu cật – Chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ HP – NXB Đồng Nai 2017 trang 469-470

[5] Alpha Books, Những quy tắc trong đời sống vợ chồng, NXB LĐ-XH – 2019 trang 21

[6] Phương Nam, Khi hôn nhân không có tình yêu, tại  https://doanhnhanplus.vn/khi-hon-nhan-khong-co-tinh-yeu-372231.html, đăng ngày 15/10/2018, truy cập ngày 06/01/2023

[7] http://giadinh.bvhttdl.gov.vn/trach-nhiem-cua-vo-chong-trong-cuoc-song-gia-dinh-cham-soc-nhau-cung-co-trach-nhiem-trong-nuoi-day-con-cai-lam-viec-nha-dong-gop-tai-chinh-gia-dinh/

[8] Trần Hữu Thuần, “Tình và nghĩa: chất keo gắn chặt hôn nhân”, tại http://www.tinmung.net/GIADINH/QuanHeVoChong/2011/07/Tinh-va-nghia.htm, truy cập ngày 06.01.2023

[9] LM Nguyễn Hữu Thy –  Những suy tư đúng đắn về Hôn nhân và Gia đình Công Giáo – TTMVCG.VN Gp Trier CHLB Đức năm 2012 trang 90-92

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận