Bài giảng Đức Thánh Cha Chúa Nhật III mùa Chay

18195 lượt xem

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY NĂM B

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B:

Đức Phanxicô:

07.03.2021 – Thanh tẩy đền thờ

04.03.2018 – Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa

08.03.2015 – Hãy trở nên đền thờ của Thiên Chúa

Đức Bênêđictô XVI:

11.03.2012 – Bạo lực là điều trái ngược với Nước Thiên Chúa

Bài Ðọc I: Xh 20, 1-17

Bài Ðọc II: 1Cr 1, 22-25

Phúc Âm: Ga 2, 13-25

Đức Phanxicô, Bài giảng ngày 07.03.2021 – Thanh tẩy đền thờ

Anh chị em thân mến,

Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: “Đức Kitô là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,22-25). Chúa Giêsu đã bày tỏ quyền năng và sự khôn ngoan đó trên hết bằng lòng thương xót và tha thứ. Ngài không bày tỏ theo cách phô trương sức mạnh hay bằng cách nói chuyện kiểu trịch thượng với chúng ta, qua những bài diễn văn dài dòng và uyên bác. Ngược lại, Ngài chọn cách hiến mạng sống mình trên thập giá. Ngài đã bày tỏ sự khôn ngoan và quyền năng của mình bằng cách cho chúng ta thấy sự trung thành đến cùng của tình yêu Thiên Chúa Cha; đó là lòng thành tín của vị Thiên Chúa giao ước, Đấng đã đưa dân Người ra khỏi ách nô lệ và dẫn dắt họ trong hành trình đến tự do (Xh 20, 1-2).

Thật dễ rơi vào cái bẫy của thứ tư duy rằng chúng ta phải chứng tỏ cho người khác thấy là chúng ta có quyền năng, rằng ta khôn ngoan, hay cái bẫy của việc tạo ra những hình ảnh giả tạo về vị Thiên Chúa có thể mang lại cho chúng ta sự an toàn (Xh 20, 4-5). Tuy nhiên, thật sự là tất cả chúng ta cần quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa được mặc khải qua Đức Giêsu trên thập giá. Trên đồi Canvê, Người đã dâng lên Chúa Cha những vết thương mà chỉ nhờ đó chúng ta được chữa lành (1Pr 2, 24). Ở Iraq này, biết bao anh chị em, bạn bè và đồng bào của các con đang mang vết thương của chiến tranh và bạo lực, những vết thương hữu hình lẫn vô hình! Chúng ta bị cám dỗ dùng sự khôn ngoan và quyền năng thế gian để phản ứng lại những điều gây thương tích này và cả những kinh nghiệm đau khổ khác nữa. Ngược lại, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường của Thiên Chúa, con đường mà Ngài đã đi, con đường Ngài kêu gọi chúng ta đi theo Ngài.

Trong bài Tin Mừng vừa nghe (Ga 2,13-25), chúng ta thấy cách Chúa Giêsu đuổi những người đổi tiền và tất cả những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ Giêrusalem. Tại sao Chúa Giêsu lại làm một điều có vẻ bạo lực và khiêu khích như vậy? Ngài làm điều đó vì Chúa Cha đã sai Ngài đến để thanh tẩy đền thờ: không chỉ là đền thờ bằng đá, nhưng trên hết là đền thờ tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu không thể chấp nhận việc nhà của Cha Người trở thành cái chợ (Ga 2,16); Ngài cũng không muốn tâm hồn chúng ta trở thành nơi bị xáo trộn, rối bời và hỗn loạn. Tâm hồn chúng ta cần phải được dọn sạch, ngăn nắp và thanh tẩy. Nhưng thanh tẩy khỏi điều gì? Khỏi những giả dối làm vấy bẩn nó, khỏi những sự giả tạo giả hình. Tất cả chúng ta đều có những thứ này. Chúng là những căn bệnh gây hại cho tâm hồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta trở nên thiếu chân thành. Chúng ta cần phải tẩy sạch những thứ an toàn giả tạo vốn có thể đánh đổi đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa bằng những thứ chóng qua, bằng những lợi ích tạm thời. Chúng ta cần quét sạch những cám dỗ tầm thường về quyền lực và tiền bạc khỏi tâm hồn chúng ta và khỏi Giáo hội. Để làm sạch lòng mình, chúng ta cần để cho bàn tay mình lấm bẩn, phải thấy mình có trách nhiệm chứ không chỉ đơn thuần đứng nhìn khi anh chị em của chúng ta đang đau khổ. Làm thế nào để chúng ta thanh lọc tâm hồn của mình? Chúng ta không thể tự thanh tẩy chỉ bằng nỗ lực bản thân; chúng ta cần Chúa Giêsu. Ngài có quyền năng để chiến thắng những điều xấu xa của chúng ta, để chữa lành bệnh tật của chúng ta, để xây dựng lại đền thờ tâm hồn chúng ta.

Để xác nhận điều này, và như một dấu hiệu về quyền năng của mình, Chúa Giêsu nói: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại.” (câu 19). Chỉ mình Đức Giêsu Kitô có thể tẩy sạch chúng ta khỏi những sự dữ; Ngài là Đấng đã chết và đã sống lại; Ngài là Thiên Chúa! Anh chị em thân mến, Chúa không để chúng ta chết trong tội lỗi của mình. Ngay cả khi chúng ta quay lưng với Ngài, Ngài cũng không bao giờ bỏ mặc chúng ta. Ngài tìm kiếm chúng ta, chạy theo chúng ta, để kêu gọi chúng ta ăn năn và để tẩy rửa tội lỗi của chúng ta. Chúa phán: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui, khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33,11). Chúa muốn chúng ta được cứu và trở thành những đền thờ sống động của tình yêu của Ngài, trong tình huynh đệ, trong sự phục vụ, trong lòng thương xót.

Chúa Giêsu không chỉ tẩy sạch tội lỗi cho chúng ta, mà còn ban cho chúng ta quyền năng và sự khôn ngoan của chính Ngài. Ngài giải phóng chúng ta khỏi những quan niệm hẹp hòi và mang tính chia rẽ về gia đình, về đức tin và cộng đồng, những quan niệm vốn gây chia rẽ, chống đối và loại trừ nhau, hầu chúng ta có thể xây dựng một Giáo hội và một xã hội cởi mở với mọi người và quan tâm đến những anh chị em đang cần chúng ta nhất. Đồng thời, Ngài tăng sức cho ta để chống lại sự cám dỗ trả thù, thứ chỉ đẩy chúng ta vào vòng xoáy của những cuộc trả đũa vô tận. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài sai chúng ta ra đi, không phải để cải đạo người khác, mà để sống tư cách người môn đệ của sứ mạng, tức những người nam, người nữ được kêu mời làm chứng tá rằng Tin Mừng có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Chúa Phục Sinh biến chúng ta thành khí cụ của lòng thương xót và hòa bình của Chúa, thành những nghệ nhân kiên nhẫn và can đảm của một trật tự xã hội mới. Theo cách này, nhờ quyền năng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, những lời tiên tri của Thánh Phaolô Tông đồ nói với các tín hữu Côrintô được ứng nghiệm: “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1, 25). Các cộng đoàn Kitô hữu gồm những người đơn sơ và thấp hèn chính là dấu hiệu cho thấy vương quốc của Ngài sắp đến, vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình.

“Các ông hãy phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Chúa Giêsu đang nói về đền thờ là thân thể Ngài, tức cũng là về Giáo hội. Chúa hứa với chúng ta rằng, nhờ quyền năng của sự Phục Sinh, Ngài có thể xây dựng lại bản thân chúng ta cũng như các cộng đoàn của chúng ta từ những đống đổ nát do bất công, chia rẽ và hận thù để lại. Đó là lời hứa mà chúng ta cử hành trong Bí tích Thánh Thể này. Với con mắt đức tin, chúng ta nhận ra sự hiện diện của vị Thiên Chúa chịu đóng đinh và Phục Sinh ở giữa chúng ta. Và chúng ta học cách ôm lấy đức khôn ngoan mang tính giải thoát của Ngài, học cách nép mình trong vết thương của Ngài, và tìm thấy sự chữa lành và sức mạnh để phục vụ cho sự xuất hiện của vương quốc Ngài trong thế giới chúng ta. Nhờ những thương tích của Ngài, chúng ta được chữa lành (1 Phi 2,24). Nơi những vết thương đó, hỡi anh chị em thân mến, chúng ta tìm thấy sự xoa dịu của tình yêu – thương xót của Ngài. Bởi vì, như người Samari nhân hậu của nhân loại, Ngài muốn xức dầu cho mọi tổn thương, để chữa lành mọi ký ức đau buồn và truyền cảm hứng cho một tương lai hòa bình và đầy tình huynh đệ trên mảnh đất này.

Giáo hội Iraq, nhờ hồng ân Thiên Chúa, đã và đang làm nhiều điều để loan truyền sự khôn ngoan tuyệt vời này của Thập giá, bằng cách truyền bá lòng thương xót và sự tha thứ của Đức Kitô, đặc biệt cho những người cần nhất. Ngay cả trong hoàn cảnh nghèo đói và khó khăn, nhiều anh chị em đã hào phóng giúp đỡ cách cụ thể và liên đới với những người nghèo đói và đau khổ. Đó là một trong những lý do khiến tôi đến đây như một người hành hương ở giữa anh chị em, để cảm ơn và xác nhận niềm tin và chứng tá của anh chị em. Hôm nay, tôi có thể nhìn thấy và chạm đến thực tế rằng, Giáo hội ở Iraq đang sống, rằng Đức Kitô đang sống và đang hoạt động giữa lòng đoàn dân thánh thiện và trung tín của Ngài ở đây.

Anh chị em thân mến, tôi phó thác anh chị em, gia đình và cộng đoàn của anh chị em trong sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã liên kết với cuộc Khổ nạn và cái chết của Con Mẹ, và được chia sẻ niềm vui Phục Sinh của Người. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta và dẫn chúng ta đến với Ngài, Đấng là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Nguồn: vaticannews.va/vi/

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 04.03.2018 – Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa

Anh chị em thân mến!

Bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay kể về việc Chúa Giêsu đánh đuổi các con buôn ra khỏi Đền Thờ Giêrusalem (Ga 2:13-25). Chúa đã thực hiện hành động ấy bằng cách lấy dây làm roi mà xua đuổi và lật nhào bàn ghế. Chúa nói: “Các ông đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Hành động quyết liệt này được Chúa thực hiện vào dịp gần lễ Vượt Qua. Điều ấy gây ấn tượng mạnh mẽ trong dân chúng, đồng thời gây tức giận thù nghịch trong giới hữu trách tôn giáo và trong những kẻ cảm thấy bị đe dọa lợi ích kinh tế. Nhưng chúng ta cần giải thích thế nào về những điều này? Chắc chắn hành động của Chúa không phải là kiểu bạo lực để tác động lên những chính sách công, nhưng hành động của Chúa là hành động tiêu biểu của các bậc ngôn sứ. Các ngôn sứ thường lên tiếng tố giác khi người ta lạm dụng danh thánh Thiên Chúa. Câu hỏi được những kẻ chất vấn Chúa đặt ra, là câu hỏi về thẩm quyền. Người Do Thái hỏi Chúa: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm những điều ấy?”. Điều đó có nghĩa là họ đòi hỏi Chúa Giêsu phải chứng minh cho thấy thực sự Chúa hành động nhân danh Thiên Chúa.

Để giải thích việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ Gierusalem, các môn đệ trích dẫn câu Thánh Vịnh 69: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. Thánh Vịnh này diễn tả lời cầu xin ơn trợ giúp trong hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, khi phải đối diện với sự căm ghét của kẻ thù. Hoàn cảnh ấy rồi cũng sẽ đến với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn. Vì nhiệt tâm với Chúa Cha, vì nhiệt tâm lo việc nhà Cha, mà Chúa sẽ bị treo trên thập giá. Sự nhiệt tâm của Chúa, tình yêu của Chúa là hy sinh chính bản thân mình. Thực sự, dấu lạ để Chúa chứng tỏ cho thấy thẩm quyền của Chúa, chính là cái chết và sự phục sinh của Chúa: “Các ông cứ phá Đền Thờ này đi, và nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Thánh sử Tin Mừng viết thêm rằng: Đền Thờ mà Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Với cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, Chúa đã mở ra một sự thờ phượng mới, thờ phượng trong tình yêu mến, và Đền Thờ mới là chính thân thể Người.

Thái độ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng thôi thúc chúng ta sống cuộc đời này không phải là để tìm kiếm lợi lộc riêng cho chúng ta, nhưng là tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Chúng ta được mời gọi luôn khắc ghi và thực thi những lời mạnh mẽ của Chúa Giêsu hôm nay: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán!”. Khắc ghi trong tâm khảm như thế, sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những hiểm nguy trong tâm hồn, để tâm hồn ta luôn là nơi Thiên Chúa ngự trị, để tâm hồn ta thoát khỏi những toan tính tư lợi, để chúng ta có thể sống với tình yêu mến, với lòng quảng đại và tình huynh đệ. Lời dạy của Chúa luôn sống động và hữu hiệu, không chỉ cho cộng đoàn Hội Thánh, nhưng còn cho các cá nhân, cho các cộng đồng dân sự, và cho cả xã hội nữa. Thực tế, luôn có cám dỗ tận dụng những dịp thuận tiện để thu tích cho mình những tư lợi, ngay cả bất hợp pháp. Điều ấy thật là nguy hiểm trầm trọng, nhất là khi người ta lạm dụng chính Thiên Chúa, lạm dụng sự thờ phượng Thiên Chúa, lạm dụng những việc phục vụ nhà Chúa, lạm dụng Danh Thánh Thiên Chúa.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, để chúng ta có thể sống Mùa Chay này như một dịp tốt để tái nhận biết Thiên Chúa là Chúa duy nhất của cuộc đời ta, để ta loại bỏ mọi hình thức thờ ngẫu tượng khỏi tâm hồn ta, khỏi việc làm của ta.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Phanxicô, Huấn dụ ngày 08.03.2015 – Hãy trở nên đền thờ của Thiên Chúa

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng ngày hôm nay giới thiệu cho chúng ta sự kiện Đức Giêsu đánh đuổi các con buôn ra khỏi Đền thờ, Ngài đã “lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền Thờ” (c. 15), cả tiền bạc và mọi thứ khác. Hiển nhiên là hành động này đã xuất hiện như một cử chỉ mang tính ngôn sứ đến nỗi mà một vài người hiện diện ở đó đã hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (c.18) Và Ngài đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (c.19). Nhưng người Do Thái không hiểu Đền Thờ mà Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là thân thể sống động của Người, thân thể sẽ bị phá hủy trong cái chết trên Thập Giá, nhưng sẽ sống lại vào ngày thứ ba. Như vậy, trong ba ngày. “Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói” (c. 22).

Thực ra, cử chỉ này của Chúa Giêsu và sứ điệp tiên tri của Người được hiểu một cách trọn vẹn dưới ánh sáng Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Ở đây, theo thánh sử Gioan, chúng ta được tiên báo về cái chết và sự sống lại của Đức Kitô: thân thể của Người, vốn bị bạo lực của tội lỗi hủy hoại trên thập giá, sẽ trở nên nơi chốn gặp gỡ của Thiên Chúa và con người giữa vụ trụ này qua sự Phục Sinh. Chính vì thế, nhân tính của Người chính là Đền Thờ đích thực, là nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình, để phán bảo và gặp gỡ con người; và những ai thờ phượng Thiên Chúa đích thực chẳng phải là những kẻ giữ cửa của Đền Thờ vật chất, cũng chẳng phải những người nắm giữ quyền lực hay có kiến thức về tôn giáo, nhưng là những ai thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 23).

Trong Mùa Chay này, chúng ta đang chuẩn bị cử hành Lễ Phục Sinh, lúc đó chúng ta sẽ lập lại những lời hứa về Bí Tích Rửa Tội của mình. Chúng ta đang lữ hành trên dương thế giống như Đức Giêsu và chúng ta hãy làm cho toàn bộ cuộc hiện hữu của mình như một dấu chứng của tình yêu Đức Giêsu dành cho anh chị em của chúng ta, đặc biệt cho ai những ai hèn kém nhất và nghèo khổ nhất, chúng ta hãy kiến thiết cho Thiên Chúa một Đền Thờ trong cuộc sống của chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể khiến cho nhiều người chúng ta gặp gỡ trên cuộc lữ hành nhận ra Ngài. Nhưng chúng ta phải tự hỏi chính mình rằng liệu Thiên Chúa có thực sự cảm thấy cuộc sống của mỗi người chúng ta như là ngôi nhà của Ngài hay không? Chúng ta có để cho Ngài tẩy rửa con tim của chúng ta và quét sạch khỏi đó những ngẫu tượng, như là những thái độ tham lam, ghen ghét, lối sống trần tục, tỵ hiềm, hận thù, và cả thói quen nói xấu người khác không? Chúng ta có để cho Ngài tẩy trừ những cách ăn nết ở chống lại Thiên Chúa, chống lại người thân cận và chống lại với chính mình không? Đức Giêsu sẽ tẩy uế cùng với sự âu yếm, với lòng thương xót và cả tình yêu. Lòng thương xót là cách thức Ngài dùng để thanh tẩy. Mỗi người chúng ta hãy để cho Chúa bước vào cùng với lòng thương xót của Ngài để thanh tẩy cõi lòng của chúng ta.

Mỗi thánh lễ mà chúng ta cử hành với đức tin làm cho chúng ta lớn lên như một đền thờ sống động của Chúa, nhờ sự hiệp thông với Thân Mình chịu đóng đinh và phục sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu biết rõ trong lòng ta đang chất chứa điều gì, và thậm chí Ngài biết rõ những khao khát nồng nhiệt nhất của chúng ta: đó là được Ngài cư ngụ trong cõi lòng mình, chỉ một mình Ngài mà thôi. Chúng ta hãy để cho Ngài bước vào cuộc đời, gia đình, và cả cõi lòng của chúng ta nữa.

Lạy rất Thánh Trinh Nữ Maria, nơi cư trú được đặc ân của Con Thiên Chúa, xin đồng hành với chúng con và xin nâng đỡ chúng con trong hành trình Mùa Chay này, ngõ hầu chúng con có thể tái khám phá vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Đấng sẽ giải thoát và cứu độ chúng con.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ ngày 11.03.2012 – Bạo lực là điều trái ngược với Nước Thiên Chúa

Anh chị em thân mến,

Tin mừng Chúa nhật thứ ba mùa Chay này – theo thánh Gioan – nói về biến cố nổi tiếng Chúa Giêsu đánh đuổi ra khỏi đền thờ Giêrusalem những người bán súc vật và đổi tiền (Xc Ga 2,13-25). Sự kiện này – được tất cả các thánh sử Tin Mừng thuật lại, – xảy ra gần ngày lễ Vượt Qua và gây ấn tượng mạnh nơi dân chúng cũng như nơi các môn đệ. Chúng ta phải giải thích thế nào về cử chỉ này của Chúa Giêsu? Trước tiên, cần ghi nhận rằng sự kiện ấy không gây ra sự đàn áp nào nơi những người bảo vệ trật tự công cộng, vì nó được coi như một hành động ngôn sứ tiêu biểu: thực vậy, nhân danh Thiên Chúa, các ngôn sứ vẫn thường tố giác những lạm dụng, và nhiều khi các vị làm như thế qua những cử chỉ biểu tượng. Vấn đề nếu có là quyền bính của các vị. Vì thế người Do thái đã hỏi Chúa Giêsu: “Ông tỏ cho chúng tôi dấu chỉ nào để làm như vậy?” (Ga 2,18), hãy chứng tỏ cho chúng tôi thấy ông thực sự hành động nhân danh Thiên Chúa.

Việc đánh đuổi những người bán súc vật ra khỏi Đền thờ cũng được giải thích theo nghĩa chính trị-cách mạng, đặt Chúa Giêsu theo chiều hướng của phong trào những người theo phái Zelote. Những người này, vốn là những người “hăng say nhiệt thành” đối với Luật Chúa, và sẵn sàng dùng bạo lực để buộc người ta phải tôn trọng luật Chúa. Vào thời Chúa Giêsu họ mong chờ một Đấng Messia đến giải thoát Israel khỏi sự thống trị của người La Mã. Nhưng Chúa Giêsu làm cho sự mong đợi của họ bị thất vọng, đến độ một số môn đệ đã bỏ Chúa và thậm chí Giuda Iscariote đã phản bội Ngài. Trong thực tế, không thể giải thích Chúa Giêsu như một người bạo lực: bạo lực là điều trái ngược với Nước Thiên Chúa, là một dụng cụ của ma quỷ. Bạo lực không bao giờ phục vụ nhân loại, nhưng chỉ làm cho con người mất nhân tính.

Vậy chúng ta hãy nghe những lời Chúa nói khi đánh đuổi con buôn: “Các ngươi hãy mang những thứ này đi và đừng biến Nhà Cha Ta thành chợ búa!” Và các môn đệ bấy giờ nhớ lại điều đã được viết trong một Thánh Vịnh: “Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa làm con hao mòn” (69,10). Thánh vịnh này là một lời cầu cứu trong một tình cảnh hết sức nguy ngập vì sự oán ghét của quân thù: tình trạng mà Chúa Giêsu sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn của Ngài. Lòng nhiệt thành đối với Chúa Cha và Nhà Chúa đưa Ngài đến tận thập giá: lòng nhiệt thành của Ngài là lòng nhiệt thành vì yêu thương mà Ngài trả giá bằng chính bản thân, chứ không phải là thứ nhiệt thành muốn phụng sự Thiên Chúa bằng bạo lực. Thực vậy, “dấu chỉ” mà Chúa Giêsu đã nêu lên như bằng chứng về uy quyền của Ngài sẽ chính là cái chết và sự sống lại của Ngài. “Các Ông hãy phá hủy đền thờ này đi, và trong 3 ngày tôi sẽ dựng lại”. Và thánh Gioan ghi chú: “Ngài nói về Đền thờ là thân mình Ngài” (Ga 2,20-21). Với cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, bắt đầu một việc phụng tự mới, việc phụng tự vì tình yêu, và một đền thờ mới là chính bản thân Ngài, Đức Kitô Phục Sinh, nhờ đó mỗi tín hữu có thể thờ lạy Thiên Chúa Cha “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4,23).

Anh chị em thân mến, Chúa Thánh Thần đã bắt đầu xây dựng Đền thờ mới này trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Qua sự chuyển cầu của Mẹ, chúng ta hãy cầu nguyện để mỗi Kitô hữu trở thành viên đá sống động của tòa nhà thiêng liêng này.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Nguồn: hdgmvn.com (29.02.2024)

Có thể bạn quan tâm