Bài giảng thứ hai của cha Cantalamessa dành cho giáo triều Rôma: Hãy trở về trong chính bạn!

1045 lượt xem

Hãy trở về trong chính bạn! Bài giảng Mùa Chay thứ hai năm 2019 của Cha Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng

Thánh Augustinô đã đưa ra một lời kêu gọi mà mặc dù cách nay đã rất nhiều thế kỷ nó vẫn duy trì được sự liên quan của nó: “In teipsum redi. In interiore homine habitat veritas” (“Hãy trở về trong chính bạn. Chân lý ở trong con người nội tâm”). Trong một bài diễn văn với mọi người, ngài còn hô hào điều này kiên quyết hơn nữa: “Trở về với trái tim bạn. Tại sao bạn lại ra khỏi chính mình? Ra khỏi chính mình, bạn sẽ diệt vong. Tại sao lại theo những con đường bỏ vắng? Hãy trở về từ cảnh lang thang từng đưa bạn đi quá xa như thế và hãy trở về với Chúa. Hãy làm nhanh lên. Đầu tiên, bạn hãy trở về với trái tim bạn; bạn đã đi lang thang và trở thành một người xa lạ với chính bạn: bạn không biết chính bạn, tuy nhiên bạn vẫn đang tìm kiếm Đấng đã dựng nên bạn! Bạn hãy trở về, hãy trở về với trái tim bạn, tách mình ra khỏi thân xác bạn… Hãy trở về với trái tim bạn; hãy nhìn thấy ở đó những gì bạn có thể nhận thức về Thiên Chúa, vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Kitô ngự trong con người nội tâm, và chính trong con người bên trong của bạn, bạn được đổi mới theo hình ảnh của Thiên Chúa”.

Tiếp tục những lời bình luận đã bắt đầu Mùa Vọng năm ngoái về câu trong thánh vịnh “linh hồn tôi khao khát Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống”, chúng ta hãy suy ngẫm về “nơi” trong đó, mỗi người chúng ta có thể tiếp xúc với Thiên Chúa hằng sống. Theo một nghĩa phổ quát và bí tích, “nơi” này chính là Giáo hội, nhưng theo nghĩa bản thân và hiện sinh, nó là trái tim chúng ta, điều mà Kinh thánh gọi là “bản ngã bên trong”, “con người giấu ẩn của trái tim”. Mùa phụng vụ mà chúng ta đang sống cũng nhắc nhở chúng ta theo hướng này. Trong bốn mươi ngày này, Chúa Giêsu ở trong sa mạc và đó là nơi chúng ta cần gặp Người. Không phải tất cả chúng ta có thể vào một sa mạc ngoại giới, nhưng tất cả chúng ta có thể ẩn náu trong sa mạc bên trong trái tim của chúng ta. Thánh Augustinô nói “Chúa Kitô sống trong con người nội tâm”.

Nếu chúng ta muốn một mô hình hoặc một biểu tượng có thể giúp chúng ta thực hiện được sự trở về này trong chính chúng ta, thì Tin Mừng cung cấp nó trong tình tiết Giakêu. Giakêu là người muốn biết Chúa Giêsu, và để làm như vậy, ông đã rời khỏi nhà, đi qua đám đông và trèo lên một thân cây. Ông tìm kiếm Người ở bên ngoài. Nhưng rồi Chúa Giêsu nhân đi ngang qua thấy ông và nói với ông, “Này Giakêu, lẹ lẹ xuống đây; vì hôm nay tôi phải ở nhà anh” (Lc 19: 5). Chúa Giêsu mang Giakêu trở về nhà ông và ở đó, ngoài tầm mắt công chúng, không có ai mục kích, một phép lạ đã xảy ra; ông nhận ra Chúa Giêsu thực sự là ai và tìm thấy ơn cứu rỗi. Chúng ta thường giống như Giakêu. Chúng ta tìm kiếm Chúa Giêsu và chúng ta tìm kiếm Người ở ngoài đường phố, giữa đám đông, nhưng chính Chúa Giêsu mời chúng ta trở về ngôi nhà trái tim mình, nơi Người muốn gặp chúng ta.

Nội tâm tính, một giá trị đang gặp khủng hoảng

Nội tâm tính là một giá trị đang gặp khủng hoảng. “Cuộc sống nội tâm” mà có lúc gần như đồng nghĩa với đời sống thiêng liêng, thay vào đó, giờ đây có xu hướng bị nhìn một cách nghi ngờ. Có những cuốn từ điển về linh đạo hoàn toàn bỏ qua các chữ “nội tâm tính” và “hồi tâm” (“recollection”), và những chữ khác nói lên sự tiềm chế (reservations). Thí dụ, người ta cho rằng dù sao chăng nữa, không hề có chữ nào trong Kinh thánh tương ứng một cách chính xác với những chữ này, hoặc chúng có thể bị ảnh hưởng dứt khoát bởi triết học Platông, hoặc chúng nghiêng về chủ nghĩa duy chủ quan, v.v… Một triệu chứng nói nhiều với ta về sự mất khiếu thưởng thức và lòng qúy trọng đối với nội tâm tính này là số phận của cuốn “Gương Chúa Kitô”, một cuốn sách thuộc loại thủ bản dẫn nhập ta vào đời sống nội tâm. Từ tư thế là một cuốn sách được các Kitô hữu yêu thích nhất sau Kinh thánh, chỉ trong vài thập niên, nó đã trở thành một cuốn sách bị lãng quên.

Một số nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này đã có từ xưa và cố hữu trong chính bản chất của chúng ta. Thành phần cấu thành ra chúng ta, vì chúng ta được cấu thành gồm xác thịt và tinh thần, có nghĩa: chúng ta giống như một mặt phẳng nghiêng, nhưng một mặt phẳng nghiêng ra phía ngoài, hữu hình và đa nguyên. Giống như vũ trụ sau vụ nổ ban đầu (thuyết nổi tiếng Big Bang, Vụ nổ lớn), chúng ta cũng đang trong giai đoạn mở rộng và di tâm. “Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới” (Gv 1: 8). Chúng ta liên tục “quay ra ngoài” nhờ năm chiếc cửa hoặc cửa sổ các giác quan của chúng ta.

Thay vào đó, các nguyên nhân khác chuyên biệt và chuyên đề hơn. Một là sự liên quan do “các vấn đề xã hội”, một sự liên quan chắc chắn có giá trị tích cực trong thời đại chúng ta, nhưng nếu nó không được tái cân bằng, nó có thể nhấn mạnh xu hướng hướng ngoại và việc phi bản vị hóa con người nhân bản. Trong nền văn hóa thế tục của thời ta, vai trò mà đời sống nội tâm của Kitô hữu thường chu toàn đã được tâm lý học và phân tâm học đảm nhiệm; tuy nhiên, việc đảm nhận này không đi xa hơn vô thức và chủ quan tính của nó, coi nhẹ mối liên hệ mật thiết của đời sống nội tâm với Thiên Chúa.

Trong phạm vi giáo hội, việc Công đồng Vatican khẳng định ý tưởng “Giáo hội trong Thế giới Ngày nay” có lúc đã thay thế lý tưởng xưa chạy trốn thế gian bằng lý tưởng chạy về phía thế gian. Việc từ bỏ đời sống nội tâm và xu hướng hướng ngoại tạo thành một khía cạnh, một trong những khía cạnh nguy hiểm nhất, là hiện tượng duy thế tục. Thậm chí hiện đang có một nỗ lực nhằm biện minh cho xu hướng mới này về mặt thần học lấy tên là “Cái chết của Thần học về Thiên Chúa” hay “Kinh thành Thế tục”. Họ nói: Chính Chúa đã lập gương đó cho chúng ta. Bằng cách nhập thể, Người tự làm rỗng chính Người, Người ra khỏi chính Người và đời sống nội tâm của Ba Ngôi; Người trở thành “tục hóa”, nghĩa là, Người trở nên tan hòa vào thế tục. Người trở thành một Thiên Chúa “ở bên ngoài chính Người”.

Nội tâm tính trong Kinh thánh

Như mọi khi, lúc có cuộc khủng hoảng về một giá trị truyền thống, Kitô giáo phải đáp ứng bằng cách thực hiện một cuộc thâu tóm về một mối (recapitulation), nghĩa là quay trở lại buổi đầu của mọi sự để đưa chúng hướng về phía sinh hoa trái mới. Nói cách khác, chúng ta cần bắt đầu lại từ lời Thiên Chúa và dưới ánh sáng Lời này và trong cùng một Truyền thống, tái khám phá yếu tố chủ yếu và trường cửu, giải thoát nó khỏi các yếu tố lỗi thời mà nó vốn tích lũy qua nhiều thế kỷ. Đây là phương pháp luận được Công đồng Vatican II tuân theo trong mọi việc làm của nó. Vào mùa xuân trong thiên nhiên, chúng ta tỉa các nhánh cây mọc từ mùa trước để tạo ra sự phát triển mới từ thân cây thế nào, chúng ta cũng cần phải làm như vậy trong đời sống của Giáo hội.

Các tiên tri của Israel đã nỗ lực thay đổi quan tâm của dân từ các thực hành thờ phượng và nghi lễ bên ngoài sang nội tâm tính của mối liên hệ với Thiên Chúa. Chúng ta đọc trong Isaia, “Dân này lại gần Ta chỉ bằng lỗ miệng và ngoài môi, chúng tôn vinh Ta, còn lòng chúng, chúng tách xa Ta, và việc chúng kính thờ Ta chỉ là giới điều do phàm nhân dạy thuộc lòng”(Is 29:13). Lý do là vì “Người phàm chỉ trông thấy (điều lộ trước) mắt, còn Chúa trông thấy (điều ẩn đáy) lòng” (xem 1 Sm 16: 7). Và chúng ta đọc trong một tiên tri khác, “Hãy xé lòng, chứ đừng xé áo các ngươi!” (Ge 2:13).

Đó là loại cải cách mà Chúa Giêsu đã tiếp nhận và mang đến chỗ chu toàn. Bất cứ ai xem xét việc làm của Chúa Giêsu và lời lẽ của Người, ngoài các quan tâm tín lý và quan điểm về lịch sử tôn giáo, sẽ nhận thấy một điều trên hết: Người muốn đổi mới lòng đạo của người Do Thái, một thứ lòng đạo thường kết thúc ở các nông cạn duy nghi lễ và pháp trị, và Người thay thế ở trung tâm nó bằng một mối liên hệ mật thiết và sống thực với Thiên Chúa. Người không bao giờ mệt mỏi nhắc đến nơi “bí mật” là trái tim, nơi cuộc tiếp xúc thực chất diễn ra với Thiên Chúa và thánh ý sống động của Người và giá trị của mọi hành động phụ thuộc vào đó (xem Mc 15: 10tt). Lời kêu gọi bước vào cuộc sống nội tâm tìm thấy cơ sở kinh thánh sâu sắc và khách quan nhất của nó trong tín lý về việc Thiên Chúa – Cha, Con và Thánh Thần – cư ngụ trong linh hồn đã chịu phép rửa.

Với thời gian trôi qua, một điều gì đó đã trở nên mờ ảo trong viễn kiến Kinh Thánh về đời sống nội tâm Kitô giáo và góp phần vào cuộc khủng hoảng mà tôi đã nói ở trên. Trong một số đường hướng linh đạo, như một số đường hướng huyền nhiệm vùng sông Rhine, đặc tính khách quan của đời sống nội tâm này bị che khuất. Họ khăng khăng đòi quay trở lại “đáy của linh hồn” qua điều họ gọi là “hướng nội” (“introversion”). Nhưng không phải lúc nào cũng rõ ràng liệu cái “đáy của linh hồn” này thuộc thực tại Thiên Chúa hay thuộc thực tại bản ngã hay tệ hơn, liệu nó có nghĩa cả hai thứ trong một hỗn hợp phiếm thần hay không.

Trong những thế kỷ gần đây, phương pháp trên, kết cục, đã thắng thế nội dung nội tâm tính Kitô giáo, có lúc giản lược nó vào một loại kỹ thuật tập trung và thiền định hơn là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống trong trái tim một con người, cho dù ở mọi thời đại đều có những điển hình tuyệt vời về đời sống nội tâm Kitô giáo. Chân phước Elizabeth của Thiên Chúa Ba Ngôi bước theo thứ nội tâm khách quan thuần khiết nhất khi bà viết, “Tôi đã tìm thấy Thiên đường trên trái đất, vì Thiên đàng là Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong linh hồn tôi”.

Trở về nội tâm tính

Nhưng chúng ta hãy trở về hiện tại. Tại sao khẩn thiết phải nói về cuộc sống bên trong và tái khám phá xu hướng về nó? Chúng ta đang sống trong một nền văn minh hoàn toàn hướng ngoại. Những gì chúng ta quan sát trong phạm vi vật lý đang xảy ra trong phạm vi thiêng liêng. Chúng ta gửi tàu thăm dò đến ngoại tầng thái dương hệ và chụp hình những gì có trên các hành tinh xa xôi; ngược lại, chúng ta không biết điều gì đang khuấy động vài ngàn mét dưới lớp vỏ Trái đất và do đó, chúng ta không thành công trong việc dự đoán các trận động đất và phun trào núi lửa. Chúng ta cũng biết những gì đang xảy ra lúc này, trong thời gian thực, ở phía bên kia thế giới, nhưng chúng ta vẫn không biết sự bồn chồn trong sâu thẳm trái tim mình. Chúng ta sống như thể chúng ta đang ở trong một chuyển động ly tâm với tốc độ cao.

Trốn thoát, nghĩa là ra ngoài bản ngã mình, đã trở thành một loại khẩu hiệu. Thậm chí còn có thứ “văn học trốn thoát” (escape literature) và “giải trí trốn thoát” (escape entertainment) nữa. Có thể nói, trốn thoát đã trở thành định chế hóa. Im lặng gây sợ hãi. Chúng ta không thành công trong việc sống, làm việc và học hành mà không có một loại nói năng hay âm nhạc nào đó xung quanh ta. Đó là một loại horror vacui (sợ chân không), khiến chúng ta phải tê liệt theo cách này.

Tôi đã từng có kinh nghiệm đi vào một vũ trường, khi được mời nói chuyện với những người trẻ tụ tập ở đó. Nó đủ cho tôi một ý tưởng về những gì chiếm ưu thế ở đó: tiếng ồn khàn khàn và tiếng đinh tai nhức óc như ma túy. Tôi đã đưa ra một số câu dò hỏi một số người trẻ đang trên đường ra khỏi vũ trường, và khi tôi hỏi, “Tại sao các bạn lại họp nhau ở nơi này?” Một số đã trả lời, “nhờ vậy, chúng tôi khỏi phải suy nghĩ!” Thật dễ tưởng tượng những loại thao túng nào những người trẻ tuổi này phải tiếp giáp khi họ đã từ bỏ việc suy nghĩ.

Lệnh của Pharaoh Ai Cập cho người Do Thái là “Hãy áp đặt công việc nặng nề hơn lên vai chúng; sau đó chúng sẽ phải ráng làm nó và không còn chú ý gì đến các lời lẽ lừa đảo [của Môsê]” (xem Xh 5: 9). Lệnh lạc ngầm, nhưng không kém thẩm quyền của các pharaoh tân thời là “Hãy áp đặt tiếng ồn ào đinh tai nhức óc lên những người trẻ này để làm chúng sững sờ đến không còn suy nghĩ gì nữa và không thể đưa ra quyết định tự do nào; sau đó chúng sẽ đi theo các xu hướng phù hợp với chúng ta, họ sẽ mua những gì chúng ta bảo họ mua, và họ sẽ nghĩ theo cách chúng ta muốn họ nghĩ!” Đối với lĩnh vực giải trí và quảng cáo rất quan trọng trong xã hội của chúng ta, các cá nhân chỉ được tính như “những người xem” (viewers), như các số thống kê làm cho số lượng “khán giả” tăng lên.

Cần phải chống lại sự hạ giá này bằng tiếng “không!” mạnh mẽ! Những người trẻ cũng là những người có trái tim lớn nhất và sẵn sàng nổi dậy chống lại chế độ nô lệ; trong thực tế, có những nhóm người trẻ đang phản ứng đối với cuộc tấn công này và, thay vì trốn chạy, họ đã tìm kiếm những nơi và thời gian để im lặng và suy ngẫm để chính họ tìm thấy Thiên Chúa, trong chính họ. Có rất nhiều người trong số họ, dù không ai nói về họ. Một số người trong số họ đã lập những nhà cầu nguyện và chầu Thánh Thể liên tục, và nhiều mạng lưới mang đến cho nhiều người trong số họ cơ hội để tụ họp với nhau.

Nội tâm tính là con đường dẫn đến cuộc sống đích thực. Ngày nay người ta nói rất nhiều về tính chân thực và biến nó thành tiêu chuẩn thành công hay thất bại ở trong đời. Nhà triết học có lẽ nổi tiếng nhất trong thế kỷ trước, Martin Heidegger, đã đặt khái niệm này vào trung tâm hệ thống của ông. Đối với một Kitô hữu, tính chân thực đich thực không đạt được trừ khi người ta sống “coram Deo”, trước nhan Thiên Chúa. Søren Kierkegaard viết, “Người chăn bò nào (nếu điều này là điều có thể) là một bản ngã trực tiếp trước đoàn gia súc của mình là một bản ngã rất thấp, và cũng như thế, một chủ nhân là một bản ngã trực tiếp trước các nô lệ của ông ta thực sự không phải là một bản ngã – vì trong cả hai trường hợp, đều thiếu một tiêu chuẩn… Thực tại vô hạn… bản ngã có được là nhờ ý thức mình hiện hữu trước mặt Thiên Chúa, nhờ trở thành một bản ngã nhân bản có tiêu chuẩn là Thiên Chúa!”

Ông cũng đưa ra quan điểm cho rằng “Người ta đang nói rất nhiều về sự đau khổ và khốn khổ của con người, nhưng chỉ có đời sống bị phí phạm là đời sống của những người. . . không bao giờ trở nên có ý thức được và theo nghĩa sâu sắc nhất, không bao giờ có được ấn tượng rằng có một Thiên Chúa và “họ” chính bản thân họ, hiện diện trước vị Thiên Chúa này”.

Tin Mừng thuật lại câu chuyện về một trong những người “chăn đoàn gia súc” này. Hắn rời bỏ nhà cha mình và đã phung phí của cải và tuổi trẻ của mình để sống một cuộc sống phóng đãng. Nhưng một ngày kia, “hắn đến với chính mình”. Hắn duyệt lại đời mình, chuẩn bị những lời hắn sẽ nói và quay trở lại nhà cha mình (xem Lc 15:17). Việc hóan cải của hắn xảy ra vào thời điểm đó, ngay trước khi hắn bắt đầu hồi hương, lúc hắn còn ở một mình giữa chuồng heo. Nó xảy ra ngay lúc “hắn đến với chính mình”. Sau đó, hắn chỉ làm theo những gì hắn đã quyết định. Việc hoán cải bên ngoài của hắn đã được đi trước bởi một hoán cải bên trong và nhận được giá trị của nó từ đó. Thật phong phú xiết bao khi tuyên bố rằng “anh ấy đã đến với chính mình”!

Không phải chỉ những người trẻ mới bị cuốn theo làn sóng tập chú bên ngoài. Nó cũng đúng đối với những người dấn thân nhất và tích cực nhất trong Giáo hội. Bao gồm cả các tu sĩ! Sự xao lãng là tên của căn bệnh hiểm nghèo đang cài bẫy tất cả chúng ta. Kết cục, chúng ta giống như một bộ quần áo mặc ngược chìa linh hồn chúng ta cho ngọn gió bốn phương. Trong một bài phát biểu trước các bề trên của một dòng chiêm niệm, Thánh Phaolô VI nói: “Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới dường như bị kìm kẹp bởi một cơn sốt đã xâm nhập cả vào nơi tôn nghiêm và sự cô tịch của chúng ta. Tiếng ồn và cảnh huyên náo ầm ĩ đã xâm chiếm gần như mọi thứ. Người ta không còn khả năng hồi tâm được nữa. Giữa hàng ngàn thứ gây xao lãng, họ thường phung phí năng lực của mình nhịp bước với nhiều hình thức văn hóa hiện đại. Báo chí, tập san và sách vở đã xâm chiếm sự thân mật tư riêng của các gia hộ và trái tim chúng ta. Khó khăn hơn trước khi phải tìm một cơ hội cho việc hồi tâm, trong đó linh hồn thành công trong việc gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa”.

Thánh Têrêxa Avila đã viết một tác phẩm tên là Lâu đài Bên Trong chắc chắn là một trong những thành quả trưởng thành nhất của giáo huấn Kitô giáo về đời sống nội tâm. Nhưng thật không may, vẫn còn một “lâu đài bên ngoài” và ngày nay chúng ta nhận thấy rằng mình đang bị vây kín trong lâu đài này – đã bị khóa cửa và không thể vào lại. Tù nhân của thế giới bên ngoài! Thánh Augustinô mô tả cuộc sống của ngài theo cách đó trước khi hoán cải: “Chúa ở trong con, trong khi con ở bên ngoài: chính ở đó con đã tìm kiếm Chúa, và, trong tư cách một tạo vật dị dạng, lao đầu vào những thứ đẹp đẽ mà Chúa đã tạo nên. Chúa đã ở bên con, nhưng con đã không ở bên Chúa. Chúng giữ con cách xa Chúa, những điều tốt đẹp mà nếu chúng không ở trong Chúa thì hoàn toàn không hiện hữu”.

Có bao nhiêu người trong chúng ta cần lặp lại lời thú tội cay đắng này: “Chúa ở trong con, trong khi con ở bên ngoài”. Có một số người mơ về sự cô tịch nhưng họ chỉ mơ điều đó thôi. Họ yêu nó miễn là nó vẫn ở trong giấc mơ của họ và không bao giờ kết cục có thực chất. Họ thực sự trốn tránh nó và sợ nó. Việc im lặng biến mất là một triệu chứng nghiêm trọng. Hầu như ở khắp nơi các dấu hiệu đặc trưng trong mọi hành lang tu viện ra lệnh “Silentium!” (giữ im lặng), đã bị gỡ bỏ. Tôi tin rằng tình trạng lưỡng nan sau đây đang treo lơ lửng ở nhiều môi trường tu trì: hoặc im lặng hoặc chết! Hoặc chúng ta tìm được một môi trường và thì giờ im lặng và sống nội tâm hoặc dần dần sẽ có sự trống rỗng thiêng liêng. Chúa Giêsu gọi hỏa ngục là “bóng tối bên ngoài” (Mt 8:12), và việc gọi đó rất có ý nghĩa.

Chúng ta không cần phải để mình bị lừa bởi các phản chứng thường gặp: chúng ta tìm thấy Thiên Chúa ở bên ngoài chính mình, nơi anh chị em của chúng ta, nơi người nghèo, nơi cuộc đấu tranh cho công lý của chúng ta; chúng ta tìm thấy Người trong Bí tích Thánh Thể vốn ở bên ngoài chúng ta, nơi lời của Thiên Chúa… Tất cả điều này đều đúng. Nhưng đâu là nơi bạn thực sự “gặp” được người anh em hay người nghèo nếu không phải ở trong trái tim bạn? Nếu bạn chỉ gặp họ ở bên ngoài thì đó không phải là một con người bạn gặp, mà là một điều. Bạn va vào họ nhiều hơn là gặp họ. Đâu là nơi bạn gặp Chúa Giêsu Thánh Thể nếu không phải trong đức tin, một điều vốn ở bên trong bạn? Một cuộc gặp gỡ đích thực giữa người với người không thể xảy ra ngoại trừ giữa ý thức của hai người, hai ý chí tự do, nghĩa là giữa hai cuộc sống nội tâm.

Thật là một sai lầm khi nghĩ rằng, việc nhấn mạnh đến đời sống nội tâm, rốt cuộc, có thể gây hại cho một dấn thân tích cực cho vương quốc và cho công lý; nói cách khác, thật sai lầm khi nghĩ rằng việc khẳng định tính ưu việt của ý định có thể gây hại cho hành động. Nội tâm tính không đối lập với hành động mà một cách nào đó, nó thực hiện hành động. Không hề giảm bớt tầm quan trọng của việc làm việc cho Chúa, nội tâm tính thiết lập việc này và bảo tồn nó.

Vị ẩn tu và nơi ẩn tu của ngài 

Nếu chúng ta muốn bắt chước điều Thiên Chúa làm bằng cách nhập thể, chúng ta hãy bắt chước Người cho trọn. Đúng là Người đã tự làm rỗng Người và ra khỏi chính Người và ra khỏi đời sống nội thẳm của Thiên Chúa Ba Ngôi để đi vào thế gian. Tuy nhiên, chúng ta biết cách điều đó xảy ra: “Người vẫn giữ nguyên điều Người là và mang lấy điều Người không là”, một câu ngạn ngữ cổ nói như thế về việc Nhập thể. Không từ bỏ cõi lòng của Cha Người, Ngôi Lời đã giáng thế ở giữa chúng ta. Bây giờ chúng ta cũng đi vào thế giới nhưng không bao giờ rời bỏ chính mình hoàn toàn. Gương Chúa Kitô nói, “Một người thiêng liêng nhanh chóng hồi tâm vì họ không bao giờ lãng phí chú ý của mình vào những điều bên ngoài. Không việc làm bên ngoài, không doanh nghiệp nào có thể đứng cản trở họ. Họ tự thích ứng theo sự việc như chúng xảy ra”.

Nhưng chúng ta cũng hãy cụ thể tìm hiểu cách tái khám phá và duy trì thói quen sống cuộc sống nội tâm. Môsê là một người rất năng động. Nhưng chúng ta đọc thấy rằng ông có một chiếc lều di động được xây dựng cho chính ông, và ở mỗi giai đoạn của cuộc xuất hành, ông sẽ dựng lều bên ngoài khu trại và thường xuyên vào đó để hỏi ý kiến Chúa. Ở đó, Chúa “nói chuyện trực tiếp với Môsê, như một người nói chuyện với người bạn của mình” (Xh 33:11).

Chúng ta không phải lúc nào cũng có thể làm điều đó. Chúng ta không thể luôn luôn rút về một nhà nguyện hoặc một nơi cô tịch để thiết lập cuộc tiếp xúc với Thiên Chúa. Thánh Phanxicô thành Assisi gợi ý một chiến thuật khác nằm trong tầm tay của chúng ta. Sai anh em của ngài ra khắp phố phường trên thế giới, ngài nói với họ, chúng ta luôn có một nơi ẩn dật với chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta đi, và, giống các nhà ẩn tu, bất cứ khi nào chúng ta muốn, chúng ta đều có thể đi vào nơi ẩn tu đó: “anh thân xác của chúng ta là phòng tu và linh hồn của chúng ta là vị ẩn tu sống trong phòng đó để cầu nguyện với Thiên Chúa và suy niệm”.

Đó cùng là một lời khuyên mà Thánh Catarina thành Siena đã phát biểu với hình ảnh của “phòng tu nội tâm” mà mỗi người chúng ta mang trong mình; luôn luôn có thể rút về đó bằng các suy nghĩ của chúng ta để khôi phục cuộc tiếp xúc sống động với Sự thật đang ngự trị trong chúng ta. Thánh Ambrôsiô nói rằng Chúa Giêsu mời chúng ta vào phòng tu bên trong vốn không bị giới hạn bởi các bức tường này, khi ngài nói, “khi các con cầu nguyện, hãy vào phòng bên trong của các con, đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha của các con một cách bí mật” (Mt 6:6).

Chúng ta đã nghe ngay từ đầu lời kêu gọi tận đáy lòng của Thánh Augustinô trở về với trái tim của chúng ta. Chúng ta hãy kết luận bằng cách lắng nghe một lời kêu gọi khác với cùng một mục tiêu cũng rất chân thành, đó là lời kêu gọi mà Thánh Anselmô của Canterbury gửi đến người đọc ở đầu cuốn Proslogion của ngài: “Hãy đến ngay bây giờ, hỡi người tầm thường, hãy bay trong chốc lát ra khỏi các vụ việc của bạn, hãy trốn thoát một chút ra khỏi sự hỗn loạn trong suy nghĩ của bạn. Hãy đặt sang một bên lúc này các lo toan nặng nề của bạn và để lại phía sau các lao khổ gây mệt mỏi của bạn. Hãy từ bỏ chính mình một chút cho Chúa và nghỉ ngơi một chút trong Người. Hãy đi vào phòng bên trong tâm hồn của bạn, đóng mọi thứ trừ Thiên Chúa và những gì có thể giúp bạn trong cuộc tìm kiếm Người của bạn và sau khi đã khóa cửa, hãy tìm kiếm Người [Mt. 6: 6]. Giờ đây, hãy nói, hỡi toàn bộ trái tim tôi, hãy nói với Thiên Chúa: ‘Con tìm kiếm thánh nhan Chúa, Lạy Chúa, Con tìm thánh nhan Ngài’” [Tv 27: 8].

Với những mong muốn và ý định này, chúng ta hãy bắt đầu ngày làm việc của mình để phục vụ Giáo hội.

Vũ Văn An

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận