Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng C

568 lượt xem

Suy Niệm Chúa Nhật Tuần II – Mùa Vọng Năm C

Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6

Bài đọc 1 Br 5,1-9

Thiên Chúa sẽ cho thấy hào quang rực rỡ của ngươi.

Bài trích sách Ba-rúc.

1Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục,
và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu
Thiên Chúa ban cho ngươi ;
2hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa ;
và đội lên đầu triều thiên vinh quang
Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.
3Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu
thấy hào quang rực rỡ của ngươi.
4Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi
là “Bình an xây dựng trên công chính”,
và “Vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa”.
5Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông :
Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về
theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy.
Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui.
6Xưa chúng bị quân thù áp giải,
phải rời ngươi, không xe không ngựa.
Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi,
chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng.
7Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao
và gò nổng có tự lâu đời,
phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu,
để Ít-ra-en tiến bước an toàn
dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa.
8Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm
sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en,
9vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc,
dưới ánh sáng vinh quang của Chúa,
cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.

Đáp ca     Tv 125,1-2ab.2cd-3.4-5.6 (Đ. c.3)

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

1Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
2abVang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

2cdBấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán :
“Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !”
3Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

4Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
5Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

6Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo ;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

Bài đọc 2 Pl 1,4-6.8-11

Anh em hãy nên tinh tuyền, đừng làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

4 Thưa anh em, tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, 5 vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. 6 Tôi tin chắc rằng : Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm. 8 Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi : tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su. 9 Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, 10 để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm. 11 Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Tung hô Tin Mừng   Lc 3,4.6

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi.
Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng hôm nay

Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Lc 3,1-6

1 Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, 2 Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an, con ông Da-ca-ri-a, trong hoang địa. 3 Ông đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, 4 như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng : Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 5 Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. 6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Gioan Tẩy Giả, Ngôn Sứ Cao Trọng Nhất

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Tin Mừng Chúa Nhật này tập trung giới thiệu dung mạo của Gioan Tẩy Giả. Ngay từ giây phút sinh ra, Gioan Tẩy Giả được cha mình chào đón như một ngôn sứ:

“Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Với tư cách là một người mở đường, Gioan Tẩy Giả đã làm gì để được coi là một ngôn sứ và là “một người cao cả nhất trong các ngôn sứ” (Lc 7,28)?

  1. Gioan Tẩy Giả, người mở đường

Trước hết, kế tục con đường các ngôn sứ Ítraen, ông đã lớn tiếng chống lại những áp bức và bất công xã hội. Gioan Tẩy Giả xuất hiện như là tiếng kêu trong hoang địa để thức tỉnh lương tâm con người. Trong Tin Mừng, chúng ta nghe ông nói với dân chúng:

“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng phải làm như vậy” (Lc 3,11).

Đối với những người thu thuế đã thường lạm quyền và tham nhũng tiền của người nghèo một cách bất công, họ cũng đến hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì?” Ông bảo họ:

“Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” (x. Lc 3,11-14).

Ông đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu Phép Rửa, tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng:

“Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4-6).

  1. Ngôn sứ ngày nay

Ngày hôm nay, chúng ta có thể diễn tả lại những lời đó như thế này: Mọi sự khác biệt, bất công xã hội giữa người giàu (núi đồi) và người nghèo (thung lũng) phải được xóa bỏ hoặc ít ra phải được giảm bớt; những con đường cong queo của tham nhũng, dối trá và tội ác phá hoại môi trường, của công… phải đưa ra ánh sáng, được xét xử nghiêm minh và mọi sai trái, giả dối phải được uốn nắn cho ngay thẳng v.v…

Theo cái nhìn này, chúng ta dễ dàng để có sự hiểu biết đúng đắn về một ngôn sứ: đó là người thúc đẩy sự thay đổi, người lên án những bất công của các hệ thống và tổ chức xã hội; là người chỉ ngón tay mình chống lại những lạm dụng của quyền lực trong mọi hình thức của nó như quyền lực tôn giáo, chính trị, kinh tế, quân sự và là người dám tuyên bố trước mặt bạo chúa rằng: “Ngài không được phép làm như thế” (x. Mt 14,4).

Khi phân định về ngôn sứ thật và ngôn sứ giả thời nay, Thomas Merton, một bậc thầy tu đức nổi tiếng ở Mỹ, cho rằng: “Ngôn sứ giả là người rao giảng về mình, kéo người khác đến với mình và chạy theo thị hiếu của đám đông. Ông làm ngôn sứ để được giàu có và nổi tiếng, thích đưa ra một câu trả lời hoặc một hướng đi dễ dàng. Còn ngôn sứ thật là người rao giảng sự thật và hướng người khác tới chân lý, chấp nhận chịu đau khổ vì ơn gọi ngôn sứ, ông nói cho chúng ta biết chúng ta là ai, và thách thức chúng ta hơn là làm cho chúng ta cảm thấy hài lòng với chính mình.”[1]

  1. Bài học từ Gioan Tẩy Giả

Nhưng ở đây có điều gì đó hơn thế mà Gioan Tẩy Giả đã làm: ông nói cho dân chúng biết rằng:

“Người (Chúa) sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,77).

Chúng ta phải tự hỏi: đâu là tính chất ngôn sứ trong trường hợp này? Quả thế, các ngôn sứ đã loan báo ơn cứu độ trong tương lai; nhưng Gioan Tẩy Giả không loan báo ơn cứu độ trong tương lai; ông chỉ cho thấy ơn cứu độ lúc này và tại đây, trong hiện tại. Ông là người chỉ ngón tay mình về phía một người và nói:

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29);

đây là Đấng được trông chờ từ bao thế kỷ, là Đấng Mêsia! Chúng ta hãy hình dung lời chứng này đã thật sự gây một sự chấn động khủng khiếp đối với những người nghe Gioan nói như thế.

Các ngôn sứ truyền thống đã giúp những người đương thời của họ biết “nhìn vượt lên” bức tường của thời gian để nhìn thấy tương lai, nhưng Gioan giúp dân chúng biết “nhìn xuyên qua” bức tường của dáng vẻ bên ngoài rất bình thường và trái ngược, để thấy Đấng Mêsia ẩn dấu bên trong dáng vẻ của một con người giống như mọi người. Như thế, theo cách này, Gioan Tẩy Giả đã khai mở một hình thức mới mẻ của ngôn sứ cho Kitô giáo, nó không cốt ở việc loan báo ơn cứu độ trong tương lai, trong “thời sau hết,” nhưng mạc khải sự hiện diện ẩn dấu của Đấng Kitô trong thế giới. Đây chính là điều làm nên sự vĩ đại của Gioan Tẩy Giả.

Tất cả những điều này muốn nói gì với chúng ta hôm nay? Trước hết, sứ vụ ngôn sứ của Gioan nhắc chúng ta nhớ lại sứ vụ ngôn sứ của mỗi người Kitô hữu mà hôm nay đang có nguy cơ bị lãng quên hoặc bị lệch đường. Chúng ta cũng phải giữ cả hai phương diện gắn liền nhau của sứ vụ ngôn sứ: một đàng, ngôn sứ là người vì công lý xã hội và đàng khác, ngôn sứ là người loan báo Tin Mừng. Nếu việc loan báo về Chúa Kitô mà không được gắn liền với một sự cố gắng hướng tới sự cải thiện con người có lẽ nó sẽ mang lại điều gì đó không thiết thực và thiếu sự khả tín.

Nếu chúng ta chỉ thi hành sứ vụ ngôn sứ vì công lý mà không loan báo đức tin và không có sự gặp gỡ sống động với Lời Chúa, chúng ta sẽ sớm gặp những giới hạn của mình và kết thúc chỉ như những người chống đối.

Từ dung mạo Gioan Tẩy Giả, chúng ta cũng học biết rằng việc loan báo Tin Mừng và đấu tranh cho công lý cần phải gắn liền và liên kết với nhau. Sống trong xã hội mà gian dối và lừa lọc lên ngôi, thật đáng quý trọng nếu mỗi người chúng ta được Tin Mừng Chúa Giêsu thúc đẩy để đấu tranh cho sự tôn trọng nhân vị và phẩm giá của con người; lên tiếng chống lại những bất công xã hội. Nhờ sự tranh đấu này mà nhân quyền được tôn trọng, môi trường sống được an toàn và mỗi người trong xã hội có thể “nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”

Chúng ta cũng phải noi gương Gioan Tẩy Giả đã không rao giảng và chống lại những lạm dụng như một người gây rối xã hội, nhưng như một sứ giả của Tin Mừng “để làm cho tâm tư người ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả, can đảm thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình như là một cách thế làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay. Amen!

Tĩnh Vọng, Dọn Lòng, Mở Lối

Lm. Hoa Thập Tự

Để có thế hướng vọng và tiếp bước trên con đường đón đợi “Ngày của Đức Chúa, chúng ta cần “dọn lòng”, “mở quan lộ đời mình” để Chúa đi vào. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thực hiện bước “tĩnh vọng” – “sửa lối, dọn lòng” để nghênh đón Đức Chúa ngự đến và để hoan hưởng niềm vui vinh quang của Người.

  1. Mùa vọng, mùa loan báo niềm vui cứu độ

Mùa vọng là mùa của những lời loan báo: Loan báo Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời cứu độ. Nói cách khác, mùa giúp chúng ta ý thức sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa trong dòng chảy của lịch sử nhận loại và của mỗi người chúng ta.

Bài đọc thứ nhất, Baruc, trong cảnh lưu đày sau biến cố thất thủ của Giêrusalem năm 578: không còn vua, không còn đền thờ, không còn nền phụng tự, ông thắp lên trong lòng dân Chúa niềm hy vọng lớn lao, những ngày sầu khổ không còn nữa, vì “áo tang khổ nhục được cởi bỏ, và mặc lấy vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi” (c.1). Sự hiện diện của Thiên Chúa là dấu chứng bảo đảm cho sự thịnh vượng, an ninh, và khi đó, Giêrusalem được nổi danh hơn trước kia, khắp thiên hạ sẽ thán phục thành thánh, nơi quy tụ con cái từ đông sang tây.

Viễn tượng về ngày cứu độ mà Baruc loan báo không chỉ là ngày thoát ách nô lệ Babilon vào năm 539 mà dân Chúa hát lên trong Thánh vịnh 125: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi hoan hỉ mừng vui”, nhưng là thực tại mà bài Tin mừng loan báo. Đó là thời đại cụ thể, thời Phonxio Philato tổng trấn Giudea, Herord làm thủ hiến xứ Galilea… Anna và Caipha làm thượng tế… và Gioan, sứ giả loan báo thời đại của Đấng phải đến, Messia. Đó là thời đại của Vầng Hồng từ trời cao viếng thăm, soi sáng những ai ngồi trong bóng tối tử thần”. Gioan, Vị tiền hô của thời đại Messia đã kêu mời phải dọn đường, sửa lối để nghênh đón Đấng Messia ngự giá.

  1. Sửa lối, dọn lòng

Thời đại Messia đã tới và đang trên tiến trình hướng tới sự viên mãn chung cuộc, nhưng để nhận ra và đón nhận vinh quang của Nước Thiên Chúa – vốn đang hiện diện giữa chúng ta, chúng ta cần dọn đường, sửa lối. Lấy lại lời ngôn sứ Isaia (40,3.5) và Baruc, Gioan kêu mời: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…” (c.4). Gioan rao giảng kêu gọi mọi người thực hiện cuộc hoán cải khởi đi từ sa mạc lòng mình đến sa mạc của nhân thế; đón Chúa trong thâm cung lòng mình để mở lối dẫn Chúa tới với người khác; ngôn sứ, tiếng vọng cho lòng mình để trở nên ngôn sứ đánh thức nhân thế. Muốn vậy, chúng ta cần:

Bước vào “trong hoang địa”. Hoang địa nào đây? Có thể là hoang địa Giudea, nhưng trước hết là hoang địa – sa mạc “cõi lòng”. Tiếng hô trong hoang địa để chỉ tiếng kêu dọn đường của sứ giả Messia, nhưng đó là tiếng kêu của cõi lòng. Đó là tiếng kêu sám hối, canh tân. Tiếng gọi của việc sửa lối dọn lòng – metanoia. Chúng ta cần thực hiện bước tiên quyết là “bước xuống lòng mình” trong cuộc tái tương ngộ với Thiên Chúa trong nội giới thâm cung của mình;

Dọn đường, mở lối cho Chúa: chỉ khi trở vào hoang địa cõi lòng để nghe tiếng gọi mời, chúng ta mới nhận ra đâu là những chướng ngại, những điều cần thực hiện để việc “dọn đường”  – vào nhà – tâm hồn của mình, đồng thời “mở lối” để Thiên Chúa và con người hạnh ngộ. Muốn vậy, cần:

–          Sửa cho ngay thẳng những ý nghĩ quanh co, xiên xẹo, thiện cẩn, những quyến luyến thế tục, để có thế tiến bước trên con đường đoan chính của người kiếm tìm Thánh Nhan Chúa Trời;

–         Lấp đầy những thung lũng, những hố sâu ngăn cách. Không phải ngăn cách vì những vực thẳm không gian hay đường xa vạn dặm, nhưng là những trở ngại bên trong lòng người: hận thù, ghen tị, đỗ kỵ, hiểu lầm. Những ngăn cách đã khiến những người gần nhau, thậm chí anh chị em chung máu mủ, cùng chia sẻ một đặc sủng…, nhưng xa nhau ngàn trùng. Trong thế giới toàn cầu và kỹ nghệ hôm nay người ta xích lại gần nhau, khoảng cách không gian thời gian dường như không còn. Người ta ngồi bên nhau, kết bạn với nhau, tương tác với nhau nhưng thiếu tương giao liên vị, bang giao huynh đệ, nhân tâm được thay thế bằng giao dịch lợi ích kinh tế, kiếm tìm đặc khu. Con người trong thế giới chúng ta hôm nay bị “giãn cách” không phải vì dịch bệnh mà vì thiếu tương giao, thiếu tình huynh đệ chân thành và “ngăn cách” kinh khủng nhất gây ra bởi tội, bởi sự chia rẽ;

–         Bạt cho bằng những gồ ghề của tính kiêu căng, tự phụ. Đây là chướng ngại, là cản trở lớn nhất che lấp, làm cho người ta không nhận ra vinh quang Thiên Chúa, đồng thời chê lấp hướng đích siêu việt của con người. Những cuộc khủng hoảng  kinh kế, môi sinh, sức khỏe mang tính toàn cầu như một lời cảnh tỉnh nhân loại chúng ta khiêm tốn chân nhận chỗ đứng thực sự của chúng ta và tuyên xưng quyền năng của Thiên Chúa. “Những cuộc khủng hoảng diễn ra trong thế giới văn minh, phát triển “đã phởi trần sự mong manh của chúng ta và cho thấy những sự an toàn hời hợt và giả tạo mà chúng ta đã dựa vào đó để thiết lập thời biểu, những kế hoạch, những thói quen, những mối ưu tiến hàng ngày của mình…”, Đức Phanxicô khẳng định (Fratelli tutti, 32). Chúng ta cần khiếm tốn để tuyên xưng rằng chúng ta được cứu bởi một Ai khác – bởi Thiên Chúa và chúng ta được liên kết trong một ngôi nhà chung của tình huynh đệ.

Gioan Tẩy giả xuất hiện như một khuôn mặt tiêu biểu của Mùa vọng, một người cháy hết mình trong ơn gọi và sứ vụ. Ngài kêu gọi cách nghiêm nghị việc metanoia – sám hối tận căn. Bất cứ ai muốn trở thành một kitô hữu, cách riêng những ai muốn tiến bước trên hành trình môn đệ Chúa Kitô, cần liên tục “cải biến trong tiến trình biến đổi nên giống Chúa”. Ai muốn tìm gặp Chúa thì phải liên tục hoán cải nội tâm, đi một hướng khác – dọn lòng mình để Chúa đi vào, mở lối để Chúa đến với con người qua đời sống của mình.

Mỗi ngày đập vào mắt chúng ta muôn sự trong thế giới hữu hình với những con người, biến cố, sự vật… Chúng xuất hiện trong chúng ta trên các áp phích quảng cáo, trên các trang mạng, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày, với sức mạnh đến nỗi chúng ta bị cám dỗ để nghĩ rằng không có gì khác ngoài điều này. Nhưng trên thực tế, cái vô hình lớn hơn và có giá trị hơn tất cả những cái nhìn thấy được. Duy chỉ một linh hồn thôi – một sự diễn tả diệu vời mà Pascal cho chúng ta biết – ‘có giá trị hơn tất cả vũ trụ hữu hình’. Nhưng để cảm nghiệm được chân lý này trong cuộc sống, cần phải hoán cải, quay về để một cách nội tâm, chúng ta có thể nói vượt qua ảo tưởng về cái hữu hình và trở nên nhạy cảm, chú ý và tinh tế đối với cái vô hình; coi nó quan trọng hơn bất cứ điều gì tấn công chúng ta một cách mạnh mẽ hàng ngày. Đó là điều mà Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai nhắn gửi chúng ta: “Xin cho lòng mến anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn” (Pl 1,9-10).

Hãy thay đổi tầm nhìn của chúng ta. Đó là cuộc hoán cải về mặt trí tuệ, hoán cái luân lý – hoán cải đời sống và hoán cải tông giáo để sự hiện diện của Chúa được bảo đảm cho chúng ta trong thế giới; thay đổi cái nhìn của chúng, để Chúa có thể hiện diện trong chúng ta và qua chúng ta, trong thế giới. Amen.

Xem thêm các bài suy niệm: 

Các bài suy niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng C

Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm B

Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm B

Bài Giảng Đức Thánh Cha – Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm C

Có thể bạn quan tâm