Suy Niệm Chúa Nhật XXVI Thường Niên B

30 lượt xem

Suy Niệm Chúa Nhật XXVI Thường Niên B

Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48

Bài đọc 1         Ds 11,25-29

Anh ghen dùm tôi à ? Phải chi toàn dân đều là ngôn sứ.

Bài trích sách Dân số.

25 Hồi đó, Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Mô-sê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn nữa.

26 Bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều. Thần Khí đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại. 27 Một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Mô-sê rằng : “Ông En-đát và ông Mê-đát đang phát ngôn trong trại !” 28 Ông Giô-suê con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê : “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ !” 29 Nhưng ông Mô-sê trả lời : “Anh ghen dùm tôi à ? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” Vì Đức Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ.

Đáp ca       Tv 18B,8.10.12-13.14 (Đ. c.9a)

Đ.Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng,
làm hoan hỷ cõi lòng.

8Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện,
bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc,
cho người dại nên khôn.

Đ.Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng,
làm hoan hỷ cõi lòng.

10Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng,
tồn tại đến muôn đời.
Quyết định Chúa phù hợp chân lý,
hết thảy đều công minh.

Đ.Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng,
làm hoan hỷ cõi lòng.

12Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi ;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.
13Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình ?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.

Đ.Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng,
làm hoan hỷ cõi lòng.

14Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.

Đ.Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng,
làm hoan hỷ cõi lòng.

Bài đọc 2         Gc 5,1-6

Tài sản của các người đã hư nát.

Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.

1 Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. 2 Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. 3 Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét ; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người ; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. 4 Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. 5 Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại. 6 Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người.

Tung hô Tin Mừng       x. Ga 17,17b.17a

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Lạy Chúa, Lời Chúa là sự thật ; xin Chúa lấy sự thật mà thánh hiến chúng con.

Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.          Mc 9,38-43.45.47-48

38 Khi ấy, ông Gio-an nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” 39 Đức Giê-su bảo : “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

41 “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

42 “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi ; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. 45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi ; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. 47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi ; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, 48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.”

 

Phải chăng ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ?

 Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc ông Gioan, một trong số các Tông Đồ, kể lại với Chúa Giêsu sự kiện họ đã chứng kiến một người không thuộc nhóm các môn đệ nhưng đã nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, nên các ông đã ngăn cản không cho người đó làm. Nghe thế, Chúa Giêsu liền bảo:

“Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,39-40).

1. Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ?

Đây là một chủ đề quan trọng, mang tính thời sự hiện nay. Chúng ta nghĩ gì về những ai ở ngoài Giáo Hội, những người cố gắng làm nhiều việc lành và chứng tỏ một tinh thần cao cả, dẫu họ không tin vào Chúa Kitô và không gia nhập vào Giáo Hội. Họ có được cứu độ không?

Ngày xưa, trong một lá thư gửi những người theo lạc giáo, thánh Ciprianô (+258) có một câu nói nổi tiếng: “Extra ecclesiam nulla salus – ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ.” Khi quả quyết như thế, thánh nhân muốn chống lại những người theo lạc giáo chủ trương không cần phép rửa của Giáo Hội và ngài cho rằng ai chịu phép rửa từ những người lạc giáo là không thành sự.

Tuy nhiên, câu nói này đã bị giải thích cách giảm thiểu, nếu không muốn nói là méo mó về dụng ý của ngài. Thường khi trích lại câu nói này, người ta thường nhấn mạnh việc phải ở trong Giáo Hội Công Giáo hữu hình để được cứu độ. Quan niệm này đã tồn tại trong Giáo Hội rất lâu, hàng nhiều thế kỷ. Phải đợi đến Công Đồng Vaticanô II, chúng ta mới có một cái nhìn quân bình và mới mẻ về ơn cứu độ của những người ngoài Giáo Hội. Dĩ nhiên, sự thay đổi này là kết quả của một quá trình suy tư thần học, hiểu biết sau những khám phá về những vùng đất mới và nhờ những khả năng liên lạc với các dân tộc khác trên thế giới. Người ta thấy rằng có vô số con người chưa bao giờ được nghe loan báo Tin Mừng, không phải vì lỗi lầm của họ, hoặc đã được truyền giáo theo một cách thế không phù hợp từ những nhà truyền giáo thực dân, nên làm cho họ gặp khó khăn trong việc đón nhận Tin Mừng.

Với sự thay đổi này, thần học quả quyết rằng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người. Cụ thể, Người cũng muốn cứu độ cả những người ở ngoài Giáo Hội, khi họ chưa tin vào Chúa Kitô, chưa được rửa tội và không phải là thành viên của Giáo Hội.

Cái nhìn này có nền tảng Kinh Thánh và thần học rất vững chắc: “Thiên Chúa muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ” (x. 1 Tm 2,4). Thiên Chúa có những cách thế riêng để cứu độ họ. Ơn cứu độ do Đức Kitô mang đến không giới hạn bởi địa lý, chủng tộc, quốc gia, nhưng là phổ quát, cho hết mọi người. Đức Kitô chết cho hết mọi người không loại trừ ai. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 22, Công Đồng Vaticanô còn thêm:

“Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người khả năng để được kết hợp với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô theo một cách thức mà chỉ Thiên Chúa mới biết và vì thế, họ được cứu độ.”

2. Họ là ai và làm gì?

Một cách cụ thể, Hiến Chế Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, số 16 nói đến những người sau đây dù không thuộc về Giáo Hội một cách hữu hình nhưng vẫn hy vọng được cứu độ: trước hết phải kể đến những người tin nhận Thượng Đế và tôn thờ Người như là Đấng Tạo Hóa của đời mình, họ là những người Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Kế đến là những người vô tình không biết Tin Mừng Đức Kitô và Giáo Hội, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và sống theo tiếng lương tâm ngay thẳng, họ có thể được cứu độ. Một cách vô hình họ cũng thuộc về Giáo Hội hay nói theo ngôn ngữ của nhà thần học Karl Rahner, họ là những “Kitô hữu vô danh.”

Như thế, đức tin Kitô Giáo đã thay đổi chăng? Không. Cũng như xưa, chúng ta tiếp tục tin vào hai điều: Điều thứ nhất là Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian và là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát của toàn thể nhân loại. Những ai không biết Người, nếu họ được cứu độ, thì được cứu nhờ Người và nhờ cái chết cứu độ của Người.

Thứ đến, chúng ta tin rằng những ai chưa thuộc về Giáo Hội hữu hình, nhưng họ đang hướng về Giáo Hội một cách thực tế, họ cũng làm thành viên của Giáo Hội rộng lớn hơn, mà chỉ có Thiên Chúa mới biết.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xem ra yêu cầu hai điều từ những người ở ngoài Giáo Hội: điều thứ nhất là họ không “chống lại Người,” nghĩa là họ không tích cực làm ngược lại với đức tin và các giá trị Tin Mừng; họ không chống lại Thiên Chúa, nhưng sống lương thiện theo lương tâm tự nhiên. Họ có thể được cứu.

Hơn nữa, nếu họ không thể phụng sự Thiên Chúa, nhưng ít ra họ biết phục vụ và yêu mến tha nhân, đặc biệt những người nghèo. Họ cũng hy vọng được cứu. Bởi lẽ, điều này được Chúa Giêsu nói:

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bỏa thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41; x. Mt 10,42).

3. Chúng ta phải làm gì?

Tuy nhiên, sau khi đã giải thích giáo huấn này, tôi tin rằng cũng cần thiết để chúng ta điều chỉnh điều gì đó về thái độ và tâm lý chúng ta xét như là những người tin. Ngày nay tư tưởng và thái độ Giáo Hội đã thay đổi, nhưng nhiều người Công Giáo không muốn thay đổi; nhiều lúc chúng ta muốn độc quyền chân lý và ơn cứu độ, tỏ ra hơn người, hơn tôn giáo khác một cách thái quá vì mình biết Chúa Kitô và là thành viên Giáo Hội.

Một cách tích cực, chúng ta phải thực sự vui mừng vì những sự cởi mở mới mẻ này của thần học Công Giáo khi nhìn nhận những anh chị em ở ngoài Giáo Hội cũng có khả năng được cứu độ. Điều này đang giải phóng khỏi sự hạn hẹp của chúng ta và khẳng định sự quảng đại vô biên của Thiên Chúa cũng như ý định của Người là muốn cho “mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,4) đó sao? Chúng ta phải làm cho khát khao của Môsê trở thành khát khao của chúng như bài đọc I diễn tả:

“Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ! Vì Đức Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ” (Ds 11,29).

Hiểu như thế, phải chăng chúng ta nên dừng lại việc truyền giáo, cứ để cho mọi người ở trong xác tín riêng của mình, và thôi việc giới thiệu Chúa Kitô, bởi vì người ta cũng có thể được cứu độ theo cách riêng? Dĩ nhiên là không! Chúng ta phải tiếp tục thực thi lệnh truyền của Chúa là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người. Nhưng điều mà chúng ta cần làm là nhấn mạnh lý do tích cực hơn là tiêu cực. Lý do tiêu cực là: “Bạn hãy tin vào Chúa Giêsu Kitô, vì ai không tin vào Người thì sẽ bị luận phạt đời đời.” Còn lý do tích cực là: “Bạn hãy tin vào Chúa Kitô, bởi vì thật tuyệt vời khi tin vào Người, biết Người, và có Người bên cạnh như là Đấng Cứu Độ, khi sống cũng như khi chết.” Điều đó tạo nên sự khác biệt và có sức thuyết phục hơn là dọa dẫm. Amen!

       

Các đặc sủng vì ích chung

Lm. Hoa Thập Tự

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhận diện và phân định sự khác biệt của các ân huệ. Các đặc sủng không đối chọi nhau, nhưng hướng tới thiện ích chung – ơn cứu độ con người. Và vì ơn cứu độ – sự sống còn, chúng ta cần nhận ra những trở ngại để đi vào cuộc thanh luyện, cắt tỉa và đồng thời hình thành đời sống chứng nhân đức ái.

  1. Nhận ra các đặc sủng trong Giáo hội

Con người thường có xu hướng vạch rõ ranh giới giữa nhóm này, nhóm kia, phái này, phái nọ, người Do thái, người Hi lạp… Nếu không cùng môn phái, không cùng phe nhóm, người ta khó có thể thực hiện các tương giao, thậm chí tiêu trừ lẫn nhau. Đó không chỉ là câu chuyện nơi cuộc sống ngoài xã hội mà trong Kinh thánh, trong dọc dài lịch sử Giáo hội, nơi chúng ta, cũng đã có những đường ranh tách biệt các ân huệ, đặc sủng của Thần Khí: linh mục dòng, linh mục triều, dòng này với dòng kia, hội này, đoàn thể nọ… cũng không thiếu những kỳ thị, bài loại lẫn nhau.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta bắt gặp hai cảnh huống như thế. Giôsuê đã hỏa tốc báo cho Môsê để ngăn không cho Eldad và Medad phát ngôn; Gioan, người môn đệ Chúa yêu, xin Thầy ngăn cản những kẻ nhân Danh Tôn sư của mình để trừ quỉ vì họ không cùng nhóm. Những ý nghĩ của các môn sinh của Môsê và của Đức Giêsu đều xuất phát từ lòng ghanh tỵ hơn là việc nói lên sự khác biệt, và nhất là không hướng tới việc kiếm tìm thiện ích chung. Nói cách khác, người ta không thấy được tính năng động của các ân huệ của Thần Khí trong đời sống cộng đoàn, những đặc sủng khác nhau nhằm xây dựng ích chung, vì ơn cứu độ con người. Bởi vậy cần thấy mọi thứ mới mẻ – hoa trái của Thần khí trong Đức Kitô.

Những gì mang lại cho việc phục vụ thiện ích của con người, cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa đều xuất phát từ một Thần Khí. Giáo huấn này được thánh Phaolô trình bày trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 12: các đặc sủng khác nhau nhằm xây dựng Thân thể Chúa Kitô. Ơn nói tiên tri là đặc sủng mà Thiên Chúa tặng ban để giúp Môsê hướng dẫn Dân ưu tuyển trong hành trình sa mạc; để có thể trừ quỉ, người ta phải nhờ tới ngón tay của Thiên Chúa, tức là Thánh Thần. Những việc này đều quy hướng về thiện ích phục vụ con người và là dấu chỉ cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa. “Ai không chống lại Ta là ủng hộ ta”. Ai không đi ngược với Thần khí của Thiên Chúa là đang tiến bước trên con đường của những kẻ tìm kiếm thiên nhan Chúa Trời.

Nếu có ghen tị, nói theo cách của Thánh Phaolô, thì “ghen cái ghen của Thiên Chúa” là để mọi người, để cho anh em mình được đi vào trong sự kết ước với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Vì cái ghen này và vì thiện ích – sự sống còn, cần thực hiện việc nhận diện, phân định những thần khí xấu vốn đối chọi với Thần khí của Đức Kitô, để thực hiện việc thanh tẩy và tiến bước theo Thần Khí của Thiên Chúa.

Trong cuộc nói chuyện với Tòa sứ thần và các tu sĩ dòng Tên ở Slovakia, Đức Phanxicô nói: sự tự do của Tin mừng là tầm nhìn của Giáo hội hiện nay. Ngài nói rằng, một điều đau khổ của Giáo hội hiện nay là cám dỗ đi lùi. Cuộc sống, sự tự do làm cho chúng ta sợ. Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau và thế giới ảo, chúng ta sợ tự do. Đức Thánh Cha khẳng định ngày nay Chúa mời gọi chúng ta tự do, trong sự cầu nguyện và phân định. Đây là một thời đại đẹp, và có thể có cả thánh giá. Do đó, viễn tượng Chúa mời gọi là tiến tới với sự tự do của Tin mừng.

Sự tự do của Tin mừng đòi hỏi mỗi chúng ta đi ra khỏi não trạng khép kín và loại trừ. Đó là một thứ cám dỗ mà chúng ta dễ mắc phải, khóa chặt Tin mừng trong sự ái kỷ của chúng ta. Chỉ có tình yêu bắc những nhịp cầu giúp chúng ta ra khỏi chính mình để phá đổ các bức vách để thiết lập tương quan huynh đệ nhờ mối dây liên kết tuyệt hỏa là đức ái.

  1. Nhận diện những trở ngại và chấp nhận thanh tẩy

Sự sống của thân thể có thể bị tổn hại, thậm chi điêu tàn nếu một phần chi thể bị thương tổn. Qua hình ảnh cột “cối đá lớn” vào cổ người gây gương mù và “cắt bỏ” những chi thể tối quan trọng như tay, chân, mặt, Chúa Giêsu nhấn mạnh việc cần chân nhận những “chướng ngại” trên hành trình của những kẻ tin – những kẻ bé mọn.

Mọi “gương xấu” được ví như việc “đặt bẩy” cho người khác trong cộng đoàn, có thể gây tổn lại tới đức tin – sự sống của những người tin Chúa. Hệ quả từ gương xấu càng nghiêm trọng bởi những người có thế giá trong cộng đoàn, những thừa tác viện của Giáo hội. Chúa Giêsu từng lên án lối sống chuộng hình thức, bất nhất giữa nói và làm, những kẻ dẫn đường mù quáng đưa tới chỗ diệt vong. Vậy nên, chúng ta cần thực hiện việc nhận diện và phân định tương giao của chúng ta với chính mình, với Thiên Chúa và với anh em mình. Đâu là những thương tổn, những chướng ngại cho “sự sống còn” trong đời sống đức tin – ơn gọi và sứ vụ của tôi, của anh em tôi lúc này? “Nếu tay con, nếu chân con, nếu măt con … làm cớ cho con vấp ngã, thì “cắt”, “chăt”, “móc” nó đi” (cc. 43.45.47). Nhận diện chi thể – dù thiết yếu, tối cần-  nhưng đang xâm hại đến sự sống cơ thể thì phải chấp nhận cắt bỏ. Điều này cần thiết đối với sự sống còn của thân thể thế nào, thì càng hệ trọng đối với đời sống thiêng liêng, vì rằng: “Thà cụt tay, thọt chân và chốt mắt mà bảo toàn được sự sống đời đời còn hơn toàn thây mà bị quẳng ra ngoài nơi tối tăm”.

Tiến trình làm người, làm kitô là tiến trình, cùng với Thánh Thần, không ngừng của việc “phân biệt ra”, “làm rõ ra” – educere – sự thật về con người chúng ta. Đó là việc nhận biết chính mình: những khả năng, những ân huệ, những thương tổn, những chấn động để bước vào việc “formatio” của cắt tỉa, nhào nắn, khuôn đúc dáng đứng của môn đệ Chúa Kitô.

Huấn luyện là một công trình biến đổi, công trình này đổi mới con tim và trí óc con người – ứng sinh, để họ có thể phân định đâu là ý Chúa, cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chua, cái gì hoàn hảo. Suốt tiến trình đào tạo, phát triển nội tâm, nghĩa là khuôn đúc con người linh mục, có mục tiêu chính là dần dần biến linh mục tương lại thành một người có khả năng đọc ra những thực tại của cuộc sống dưới sự soi dẫn của Thánh Thần và hành động theo ý Chúa (RFIS, 43).

Tiến trình lớn lên như thế là việc được nắn đúc bởi luật pháp của Chúa, luật của Tình yêu, luật làm “hoan lạc tâm can” làm cho mỗi chúng ta được “tinh toàn và thanh khiết” khỏi mọi thứ sần sùi, kiêu căng và dòn mỏng. Tiến trình cắt tỉa những thương tích, chướng ngại để trở nên con người lan tỏa hương thơm gương lành bác ái

  1. Chân nhận tầm quan trọng của gương lành – đức ái lôi cuốn

Gương lành là ánh sáng cho người khác. Gương lành được bày tỏ qua đức bác ái vì tình yêu đối với Chúa Kitô và tha nhân. Phần thưởng sẽ không mất đối với ai thức thi đức ái, dầu chỉ là cốc nước lạ. Đức bác ái đối với “những kẻ thuộc về Đức Kitô – kẻ bé mọn” (cc. 41.42) làm cho chúng ta thoát khỏi trạng thái đóng kín của những kẻ ghen tương, giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ vào “thứ của cái hư nát” như Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai nhắc nhở chúng ta để trở nên tự do của con cái Chúa, con cái của đức bác ái.

Chúng ta được mời gọi “tự đào luyện mình sao cho con tim và cuộc sống mình phù hợp với hình ảnh Chúa Giêsu”, có khả năng yêu thương bằng con tim mới mẻ, quảng đại và tinh tuyền, với lòng siêu thoát thực sự khỏi chính mình, trong khi trao hiến trọn vẹn một cách bền bỉ và trung thành. Và linh mục sẽ cảm thấy điều này như ‘cái ghen’ của Thiên Chúa, của tình âu yếm mang cả sắc thái của tình mẫu tử” (RFIS, 40.39).

Lạy Chúa, xin cho con nhận biết con, nhận biết những khả thể, những ân huệ Chúa ban, để sống giá trị các ân ban trong việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô bằng mối dây liết kết tuyệt hảo là đức ái. Amen.

Nguồn; dcvphanxicoxavie.com

Có thể bạn quan tâm