Thiên Chúa vật lộn với con người

895 lượt xem

 

THIÊN CHÚA VẬT LỘN VỚI CON NGƯỜI

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Trên Internet chúng ta dễ tìm thấy bài viết liên quan đến câu chuyện ông Giacob vật lộn với Thiên Chúa. Trong những bài viết đó, chúng ta cảm thấy “con người vật lộn với Thiên Chúa”. Ở một góc nhìn khác, dường như bản văn Kinh Thánh ám chỉ một chiều hướng khác: chính Thiên Chúa vật lộn với con người. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta thử đi vào phân tích bản văn, để rút ra được nhiều ý nghĩa thiêng liêng cho hành trình nguyện cầu của mỗi người.

  1. Gia thế của Giacóp

Lật lại những trang Kinh Thánh Sáng thế, chúng ta dễ dàng nhận ra gia thế “khủng” của Giacóp. Tổ Phụ Abraham sinh I-xa-ác. I-xa-ác sinh Giacóp và E-xau. Như vậy, Giacóp gọi Abraham là ông nội. Nhờ vào dòng giống thánh thiêng này, nếu ai nhận được lời chúc phúc từ người cha, người ấy không chỉ được Thiên Chúa chúc phúc, nhưng còn nhận được quyền thửa hưởng. Gia-cóp đã dùng tài khôn khéo để chiếm được “lời chúc này” (x. St 25,29-34). Dĩ nhiên là E-xau nổi giận, từ đó huynh đệ tương tàn.

Chưa hết, Giacóp phải đối mặt với nỗi tức giận từ cậu mình là La-ban và các con của ông này. Sau 20 năm làm ăn ở chỗ cậu mình, Giacóp đã khấm khá, ngược lại gia đình của La-ban lại làm ăn sa sút. “Giacóp đã lấy tất cả tài sản của cha chúng ta, và nhờ tài sản của cha chúng ta mà làm nên cơ đồ ấy” (St 31,1). Cuộc xung khắc âm thầm này đã đẩy Giacóp đến quyết định trốn khỏi Kharan, rồi bị ông La-ban đuổi theo, để rồi hai bên kí hiệp ước không xâm phạm sau này (x. St 31,43-54).

Vì hai mối thù không đội trời chung trên đây, Gia-cóp phải rời bỏ quê hương đến một nơi vô định. Bản văn Kinh Thánh ghi rõ: “cậu đến một nơi kia” (St 28,11). Trên hành trình này, vào một đêm nọ, Giacóp đã vật lộn với Thiên Chúa, như chúng ta thường nói!

  1. Ai vật lộn với ai?

Có lẽ tôi nghiêng về hướng Thiên Chúa vật lộn với Giacóp thì đúng với bối cảnh bản văn hơn! Lý do? Bản Tiếng Việt dịch: “Có một người vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông. Thấy không thắng được ông, người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Gia-cóp bị trật, đang khi ông vật lộn với người đó” (St 32,25-26). Bản văn dùng động từ ābaq (אָבַק), vật lộn. Linh mục Vinh-sơn Trần Minh Thực, PSS, khi phân tích bản văn này không cho biết ai là người chủ động vật lộn[1]! Tác giả cho chúng ta biết động từ ābaq (אָבַק), chỉ xuất hiện hai lần duy nhất trong Kinh Thánh: St 32,25.26. Nếu hiểu theo nghĩa đen, câu 25 cho thấy: “And a figure wrestled with him – Có một người vật lộn với ông Gia-cóp”. Như vậy, giới từ “with- עִמּ֔וֹ” này cho thấy chính Thiên Chúa đã vật lộn với ông. Vì lý do này mà đề tựa vài sách Kinh Thánh bản tiếng Anh đề rằng: “Thiên Chúa là Đấng vật lộn với Giacóp – God Wrestles with Jacob”. Có nhà chú giải còn khẳng định mạnh hơn: “Một Người (Man) vật lộn với Giacóp cho đến rạng sáng. Giacóp không vật lộn với Người đó. Thay vào đó, Người này đã vật lộn với Giacóp. Ban đầu Giacóp không muốn bất cứ điều gì từ Thiên Chúa; Chúa muốn một cái gì đó từ ông ta.”[2] Dĩ nhiên trong cuộc vật lộn này, chúng ta có thể hiểu Gia-cóp vật lộn với Thiên Chúa nữa. Câu 26 nói lên điều đó: “Giacóp bị trật đang khi ông vật lộn với người đó (אִישׁ)”. Vậy người này là ai?

Chính Giacóp cũng hỏi: “Xin cho tôi biết tên ngài.” Người đó nói: “Sao ngươi lại hỏi tên ta?” Và người đó chúc phúc cho ông tại đó. Câu chuyện này làm chúng ta nhớ lại ông Môsê đã hỏi tên của Đức Chúa trên núi Sinai. Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Ta là Đấng Hiện Hữu- I am Who I Am.” (Xh 3,13-15). “Đấng hiện hữu” này trở nên sáng tỏ hơn trong câu 29: “ngươi đã đấu với Thiên Chúa- אֲנָשִׁ֖ים, ĕlohîm”. Trong bối cảnh này, các nhà chú giải đều cho rằng từ này ám chỉ Thiên Chúa của Israel chứ không phải là thần linh ngoại giáo nào khác. Thiên Chúa này đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta: Chúa Giêsu Kitô. Nói theo diễn giả người Anh Charles Spurgeon: “Tôi cho rằng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã ở trong cuộc vật lộn này, cũng như trong nhiều dịp khác, chuẩn bị cho biến cố nhập thể hoàn toàn của Thiên Chúa. Ngài mang lấy hình dạng con người và do đó đến đấu vật với tổ phụ Giacóp.[3]

Sau cuộc vật lộn, Giacóp đã chiến thắng được Thiên Chúa và người ta! Các nhà chú giải hiểu “người ta-אִישׁ” trong hoàn cảnh này là Exau và gia đình ông La-ban. Từ đây Gia-cóp trở nên mạnh mẽ đúng như tên mới mà ông nhận được từ Thiên Chúa: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacóp nữa, nhưng là Ít-ra-en” (St 32,29). Danh xưng này thường được hiểu là “Thiên Chúa dũng mãnh”. Tên mới này sẽ đảm bảo cho một tương lai vững chắc cho Giacóp. Nếu hiểu theo ý nghĩa này, chúng ta đoán được tại sao Thiên Chúa lại vật lộn với Giacóp, và Gia-cóp đã thắng cả Thiên Chúa. Điều này phải hiểu như thế nào?

  1. Cầu nguyện là một cuộc vật lộn

Chúng ta đều biết “Vật lộn với Thiên Chúa là một ẩn dụ của việc cầu nguyện”. Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Cách cầu nguyện của tổ phụ Giacóp khi ông “vật lộn” với Thiên Chúa cả đêm và sau đó đã thay đổi: từ con người tinh ranh, tự tin, không biết đến ân sủng và lòng thương xót, ông đã khám phá ra sự mỏng dòn yếu đuối của mình và khám phá mình được bao bọc bởi lòng thương xót của Chúa.”[4] Hoặc truyền thống tu đức của Giáo hội đã thấy trong câu chuyện này biểu tượng của việc cầu nguyện như một cuộc chiến của đức tin và chiến thắng của sự kiên trì” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2573).

Nhìn ở một góc khác theo đúng bản văn đang bàn ở đây, chính Thiên Chúa đang chờ chúng ta trong cầu nguyện. Thiên Chúa vẫn đang hẹn hò để “vật lộn” với con người. Ngài không ngần ngại đối diện với những vấn đề và câu hỏi của con người trong cầu nguyện. Nếu từ lâu chúng ta đi tìm Thiên Chúa, thì ở đây, chính Thiên Chúa đi tìm chúng ta trước. Chúa khuyến khích chúng ta: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận!” (Is 1,18). Ngài chủ động đến gặp ta. Như bản văn mô tả: “Có một người vật lộn với Giacóp (với chúng ta) cho đến lúc rạng đông.” Phải chăng vì sự chủ động của Thiên Chúa, nên chúng ta mới có thể gặp được Ngài trong cầu nguyện?

Tại sao đôi khi ta gọi cầu nguyện là một cuộc chiến đấu, một cuộc vật lộn? “Ai muốn cầu nguyện phải thắng những kẻ nội thù. Ngày nay ta ở trong một thế giới “vô cảm”, một hình thức lãnh  đạm lười biếng thiêng liêng mà các giáo phụ ở sa mạc xưa gọi tên là “acedia”. Lãnh đạm với Thiên Chúa là vấn đề lớn  của đời sống thiêng liêng. Tâm tính con người ngày nay coi cầu nguyện không có nghĩa lý gì, và sổ nhật ký dày đặc không còn chỗ cho cầu nguyện. Cũng cần chiến đấu chống lại Tên Cám dỗ. Hắn luôn tìm mọi cách để ngăn cản con người hiến thân cho Chúa. Nếu Chúa không muốn ta đến với Chúa trong cầu nguyện, ta sẽ không thắng trận được.” (Youcat 505).

Đừng quên Thiên Chúa yêu ai, Ngài sẽ trao thập giá để giúp người đó lớn lên. Điều này nghe có vẻ lạ tai đối với nhiều người! Trong đời thường cũng thế, thử thách sẽ giúp chúng ta lớn mạnh. Càng vượt qua thách đố, người ta càng nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Cũng vậy, truyền thống tu đức chỉ ra rằng: “Ðang gặp sầu khổ, ta hãy nghĩ rằng, để thử luyện ta, Chúa đã để ta với sức tự nhiên chống trả các xao động và cám dỗ của kẻ thù; như vậy ta vẫn có thể chống trả được, nhờ ơn Chúa vẫn giúp đỡ dù ta không cảm thấy rõ ràng. Vì Chúa rút bớt lòng sốt sắng nồng nàn, lòng mến bao la và ân sủng mạnh mẽ nhưng vẫn để lại ân sủng đủ cho sự cứu rỗi đời đời.” (Linh Thao, số 320). Điều này được thánh I-nhã, đấng sáng lập Dòng Tên chỉ rõ để chúng ta thấy cách Thiên Chúa làm việc. Đôi khi Thiên Chúa chủ động đến “vật lộn với ta”. Mục đích là để huấn luyện con tim và lòng yêu mến của ta. Như ông Giacóp ngày xưa, chỉ những ai kiên trì mới mong phần chiến thắng. “Chúng ta phải chứng tỏ mình là người gan dạ thánh thiện, vì Chúa giúp người can đảm” (Thánh Têrêsa Avila).

Hoặc hiểu cuộc vật lộn này là lời cầu nguyện không ngừng. Cầu nguyện cho đến lúc Thiên Chúa nói: “Buông Ta ra, vì đã rạng đông rồi” (St 32,27) mới thôi! Thực tế thường rất khác, khi chúng ta ngại cầu nguyện. Hoặc nếu cầu nguyện mãi mà Chúa không nhận lời, thử hỏi ai tiếp tục “vật lộn” nữa. Tiếc là chúng ta không thể tránh khỏi những cuộc vật lộn trong cuộc đời. Có nhiều cuộc vật lộn trong đêm trường của đức tin. Nhưng càng bám vào Chúa, chúng ta càng dễ mong phần thưởng chiến thắng là được Thiên Chúa lắng nghe.

Khi viết cho người trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhắc rằng: “Thiên Chúa đang chờ các con!” Hãy đến mà xem, đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy (Ga 1,39). Ngài khuyến khích người trẻ: “Khi Thiên Chúa yêu cầu các con điều gì hoặc đơn thuần để cho các con gặp những thử thách trong cuộc đời, Ngài mong các con nhường chỗ để Ngài đẩy các con về phía trước, động viên các con, giúp các con trưởng thành. Ngài không phiền hà khi các con trình bày những thắc mắc của mình với Ngài. Điều khiến Ngài lo lắng là các con không nói với Ngài, không mở lòng ra một cách chân thành để đối thoại với Ngài. Thánh Kinh nói rằng ông Giacob đã vật lộn với Thiên Chúa (x. St 32,25-31), nhưng điều ấy đã không làm cho ông tránh đi theo con đường của Chúa”  (Tông huấn Đức Kitô đang sống, số 117).

Trong Mùa Chay này, có lẽ bạn và tôi cảm thấy cuộc chiến đấu thiêng liêng lắm cam go. Đừng quên bám vào Thiên Chúa, chính Ngài cùng đứng về phía ta để chống lại Ma quỷ. Nếu ta không gặp Thiên Chúa, không bám vào Chúa, thử hỏi ai dám nắm được phần chiến thắng. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa không chủ động đến với ta trong cầu nguyện, thử hỏi ai dám chắc mình có thể gặp được Ngài. Đó là mối lợi rất lớn cho chúng ta. Thiên Chúa luôn chờ mỗi người trong nguyện cầu. Ngài chờ ở những nơi, những lúc bạn muốn đến gặp Ngài.

Nguồn: hdgmvn.com (28.02.2024)

[1] https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=215

[2] https://enduringword.com/bible-commentary/genesis-32/

[3] Như trên

[4] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-06/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-cau-nguyen-to-phu-giacop.html

Có thể bạn quan tâm