ĐTC Phanxicô tiếp các thẩm phán của Tòa Thượng thẩm Rota ở Roma

871 lượt xem

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP CÁC THẨM PHÁN CỦA TÒA THƯỢNG THẨM ROTA Ở ROMA

Hồng Thuỷ – Vatican News

Sáng ngày 25/1/2024, gặp gỡ đoàn thẩm phán cùng với các luật sư và viên chức của Tòa Thượng thẩm Rota ở Roma, trong khi nhắc lại rằng các tiến trình xét xử hôn nhân vô hiệu cần được tiến hành đơn giản để tín hữu không chịu đau khổ trong khi chờ đợi biết về tình trạng của mình, Đức Thánh Cha nhắc các thẩm phán phải điều tra cẩn thận để không đưa ra phán đoán vội vàng và tiên nghiệm, cần phân định đúng đắn và đặc biệt cần cầu xin Chúa Thánh Thần trợ giúp.

Toà Rota hiện nay gồm 22 thẩm phán thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, với vị Niên trưởng là Đức Tổng Giám mục Alejandro Arellano Cedillo. Văn phòng này là nơi cứu xét các đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu, từ cấp hai trở lên.

Trong bài diễn văn nhân dịp khai mạc năm tư pháp, Đức Thánh Cha suy tư về một khía cạnh quan trọng trong sứ vụ của Toà Rota trong việc thi hành công lý trong Giáo hội. Cụ thể, Đức Thánh Cha nói về sự phân định mà các thẩm phán thực hiện trong các thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

“Lòng thương xót không lấy đi công lý, nhưng là sự viên mãn của công lý”

Trước hết, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng việc cải cách thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu cũng như mục vụ gia đình được hướng dẫn bởi lòng thương xót đối với các tín hữu đang gặp phải những tình huống khó khăn. Nhưng việc rút ngắn thủ tục tại giáo phận cũng như nỗ lực sắp xếp hợp lý và giúp cho công việc của tòa án trở nên dễ tiếp cận hơn không nên bị hiểu lầm và không bao giờ bỏ qua việc giúp các tín hữu hiểu được sự thật về hôn nhân của họ. Thủ tục cứu xét hôn nhân vô hiệu cần đơn giản để không vì sự chậm trễ trong việc phán quyết mà “tâm hồn của các tín hữu đang chờ đợi hiểu rõ về hoàn cảnh của mình bị bóng tối nghi ngờ đè nặng lâu”.

Đồng thời Đức Thánh Cha lưu ý rằng lòng thương xót trong việc chăm sóc mục vụ gia đình không được giảm nhẹ sự dấn thân trong việc tìm kiếm công lý liên quan đến thủ tục cứu xét hôn nhân vô hiệu. “Ngược lại, chính trong ánh sáng của lòng thương xót đối với con người và lương tâm của họ, việc phân định tư pháp về hôn nhân là quan trọng. Nó có một giá trị mục vụ không thể thay thế và phù hợp một cách hài hòa với việc chăm sóc mục vụ tổng thể dành cho các gia đình. Như vậy điều Thánh Thomas Aquinas đã nói đã được hiện thực hóa: ‘Lòng thương xót không lấy đi công lý, nhưng là sự viên mãn của công lý’”.

Phân định và cầu nguyện

“Đạt được sự chắc chắn về mặt luân lý về tính vô hiệu, vượt qua giả định về tính thành sự trong trường hợp cụ thể, bao hàm việc thực hiện một sự phân định mà toàn bộ quá trình, đặc biệt là việc điều tra, phải tuân theo”. Theo Đức Thánh Cha, sự phân định này là một trách nhiệm lớn lao mà Giáo hội giao phó cho các thẩm phán, “vì nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của các cá nhân và gia đình”. Do đó, “phải đối mặt với nhiệm vụ này với lòng can đảm và sự rõ ràng, nhưng trước hết, điều cốt yếu là phải trông cậy vào ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần”; “việc phân định được thực hiện ‘bằng cách quỳ gối’, cầu xin ơn Chúa Thánh Thần: chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể đi đến những quyết định hướng tới lợi ích của mọi người và của toàn thể cộng đồng Giáo hội”. Đức Thánh Cha nói cách mạnh mẽ rằng nếu ai không cầu nguyện thì tốt hơn nên từ chức.

Khôn ngoan và công bằng

Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng “tính khách quan của việc phân định tư pháp đòi hỏi phải thoát khỏi mọi thành kiến, cả ủng hộ lẫn chống lại việc tuyên bố vô hiệu”. Và sự phân định của thẩm phán đòi hỏi hai nhân đức lớn: “khôn ngoan và công bằng, những nhân đức này phải được đức ái hướng dẫn”.

Hôn nhân bất khả phân ly

Vì đây là công việc phức tạp, Đức Thánh Cha nhắc nhở các thẩm phán Tòa Roma “đừng quên rằng việc giải thích luật Giáo hội phải được thực hiện dưới ánh sáng sự thật về hôn nhân bất khả phân ly, điều mà Giáo hội bảo tồn như sự thật và truyền bá trong lời rao giảng và sứ mạng của mình”.

Hiệp hành: đối thoại và lắng nghe

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng việc phân định về tính vô hiệu của hôn nhân được hỗ trợ và bảo đảm bởi tính hiệp hành, được thực hiện trong bầu không khí đối thoại hoặc thảo luận, trong đó sự thẳng thắn và lắng nghe là nền tảng chung cho việc tìm kiếm sự thật. (CSR_350_2024)

Nguồn: vaticannews.va

Có thể bạn quan tâm